Trác Thúy Miêu: Trịnh trọng diễn vai chính mình - Tạp chí Đẹp

Trác Thúy Miêu: Trịnh trọng diễn vai chính mình

Sao

Tôi là một con mèo

– Khi được hỏi về cái tên Trác Thúy Miêu, chị trả lời ra sao?

– Đó chắc là cái tên bị hỏi nhiều nhất trong những cái tên của tôi. Nó chẳng qua kích thích trí tò mò, họ hỏi, tôi trả lời, thế là thành một đề từ tuyệt hảo để gợi mở câu chuyện. Tùy đối tượng mà tôi trả lời khác nhau. “Dạ tên thiệt em là Trần Thị Mèo”, “Dạ bởi cốt cách Đổng Trác bên trong nhan sắc Thúy Kiều”, hay “Đây là tên phiên âm của chữ Jasmine” và từ đó sẽ trích cú Đông Tây kim cổ hoặc kéo theo một câu chuyện hàn huyên thương tâm. Và thông thường là… hiệu quả vô cùng… Chị tin không, tất cả các câu trả lời trên đều là sự thật. Đó là một cái tên cho nhiều người chọn hiểu theo cách riêng, và không ai sai cả. Điều đó rất… Trác Thúy Miêu.

Trác Thúy Miêu

– Còn tôi thì nghĩ là chị bị ám ảnh bởi… con mèo. Chị có nghĩ mình và mèo giống nhau không?

– Chắc chắn. Đó là điều luôn hiển hiện trong tôi – một nỗi ám ảnh. Tôi LÀ một con mèo. Có nhiều khoảnh khắc trọng đại trong đời, nhìn vào thần sắc tôi, sẽ thấy tôi hiện nguyên hình.
(Chị cho tôi xem một tấm hình chụp trong ngày cưới, và tôi nổi gai ốc, khi chị hiện ra trong đó với vẻ ngoài hoàn hảo của một con mèo rừng.)

– Miêu có biết con mèo khác tất cả các vật nuôi khác ở điểm quan trọng nhất – nó không coi người đối diện là chủ, bề trên, mà nó đặt nó ngang hàng, hoặc cao hơn.

– Đúng. Nhưng oái oăm và bi kịch cho loài mèo, chúng cũng là những sinh vật khao khát được dựa dẫm, lệ thuộc và phục tòng. Chúng thiết tha lệ thuộc đến mức điên cuồng sở hữu.

– Đó là lý do một ngày đẹp trời con mèo rừng tự nhiên mặc áo dài trắng, đội lúp cưới? Nhiều người bất ngờ tới mức nhìn ảnh cưới vẫn nghĩ đó là trò đùa mới của mèo?

– Haha. Loài người thuần dưỡng được loài mèo từ lâu rồi. Giờ thì đến lượt tôi thôi. Họ thuần dưỡng được là nhờ họ biết nói với con mèo điều nó muốn nghe, cho nó ăn thứ nó muốn ăn, xỏ chân vào đôi giày của nó. Nói tới đây lại nhớ tới “Le Petit Prince” (Hoàng tử bé) – tôi bị “ám” nặng bởi cuốn này – đoạn con chồn ấy: “Làm ơn, hãy thuần dưỡng tôi đi!”

– Và phải là những con đủ thông minh để khiến người kia nói điều nó muốn nghe, cho nó làm điều nó thích mà vẫn nghĩ rằng đã thuần dưỡng được nó?

– Không, là người kia đủ thông minh và cao thượng để làm con đầu đàn theo luật của thiên nhiên. Tôi tôn sùng ai tôi cho phép làm con đầu đàn của tôi, oái oăm vậy đó!

Không chết chìm, tôi mừng lắm

– Ngày xưa đi học chị có làm con đầu đàn không?

– Không, hồi đó tôi là con thú yếu. Tôi là con thú yếu trong nhà, và rừng rậm bê tông, bắt đầu từ trường tiểu học, nuốt chửng tôi đến dép.

– Rồi cái gì làm chị mạnh lên? Và quãng thời gian làm thú yếu đó dạy cho chị điều gì?

– Quãng thời gian đó cho tôi một cái đáy cùng cực, dẫn đến đòi hỏi bứt thoát. Nó bắt đầu từ năm 13 tuổi với nhu cầu được-nhìn-thấy. Chỉ là mấy chuyện vặt vãnh. Đến 16 tuổi, tôi chỉ còn cần một cái cớ. Cái cớ xảy ra, và bùng nổ, vô tri, thuần bản năng.

Tôi nhảy xổ vào rừng bê tông. Tôi muốn được xác nhận bầy đàn trong đó. May tôi không chết chìm, mà thành tôi bây giờ. Tôi mừng lắm! Đến giờ vẫn có những đêm nói chuyện, chồng tôi rùng mình ôm lấy tôi như thể tôi vẫn đang nằm lăn quay ngủ trước cổng nhà thờ tránh gió…

– Cái gì níu giữ chị? Một sự may mắn? Một đốm lân tinh thiện lương?

– Lúc đó thì không nhận thấy đâu, bây giờ nhìn lại tôi mới biết rõ: nó là lòng kiêu hãnh, cái ý thức về nơi mà từ đó tôi bỏ chạy ra đi. Tôi kiêu ngạo về gốc gác gia đình mình lắm, và điều đó đi vào bản năng của mình, cho mình một phản xạ khước từ, cự tuyệt gần như là hoàn toàn tự nhiên trước những ba-ri-e giữa phiêu lưu và ngưỡng vô tri vô đạo.

– Sau khi trở lại, chị khác chứ?

– Trở lại? Ý chị là trở lại với gia đình? Vậy thì mới đây thôi, chính xác vào thời điểm đám cưới. Không, tôi không khác, tôi sống tiếp phần số bị gián đoạn vào năm 16 tuổi, làm nốt những gì tôi đã bỏ lỡ, với tâm thế của đứa con 17, 18 tuổi. Tôi vẫn níu áo ba đi chơi, đi xem lại vở kịch cũ tại sân khấu ưa thích của cả gia đình, nghe lại những bản Robertino cũ với ba, khoe khoang với ba những thành công mới… và hào hứng chân thành với tất cả những điều đó bằng lòng hồn nhiên tuổi 17, trong sự trải nghiệm của gần 2 thập niên.

– Quãng thời gian 2 thập niên đó, nếu theo tôi được biết, nó như một bộ phim dài kỳ. Chị qua Hàn Quốc làm vũ công, rồi về nước trở thành VĐV dancesport (và giành ngôi vị cao nhất), tiếp tục chuyển qua làm thời trang, trợ lý của NTK Sĩ Hoàng, cuối cùng như hiện nay, là nhà báo, VJ đêm nào cũng xuất hiện trên truyền hình. Tóm tắt thế đúng không nhỉ?

– Đó là đoạn gỡ nút dẫn đến kết thúc có hậu rồi.

– Còn con đường từ bậc thềm nhà thờ lạnh ngắt đến Hàn Quốc?

– Bây giờ tôi mất khả năng sắp xếp theo trình tự thời gian rồi, có đôi đoạn cơ chế của mình đã tự động xóa mờ đi, như một kiểu tự vệ chống sốc.

– Trong cái đám ký ức mờ mờ đó, cảm giác gì là rõ nhất – khóc, cười, say?

– Ít ai biết đầy đủ về những gì tôi đã trải qua. Vì với mỗi người quen, thường tôi sẽ cắt đứt liên lạc khi xong một chương. Ví dụ như thời dancesport, thời làm thiết kế, tôi đóng chương đó lại, và sáng hôm sau, tôi mất tích. Giống hồi 17 tuổi vậy thôi.

Người nào tôi kể nhiều hơn chút, như chồng tôi, thường thương tôi. Nhưng điều kì cục là tôi đã rất vui. Ngay cả khi bị giang hồ đánh vỡ đầu, còn cái sẹo tôi không chịu xóa trên chân mày bên phải, máu ướt từ đầu đến chân. Tôi biết khi đó tôi đang vui. Như khi co quắp trốn sau hang đá nhà thờ Trần Đình Xu, tôi đang vui chết đi được. Hay như khi thất tình xỉu lên xỉu xuống, thật sự tôi khi đó đang rất rất hạnh phúc.

– Lần đầu tiên trở về với gia đình, ba chị phản ứng thế nào?

– Ba hả, ngạc nhiên, đương nhiên là vậy. Dù ba không biết chút gì về những điều tôi đi qua, nhưng tôi tin chắc ba hiểu được.

– Rồi điềm nhiên như chị vừa xin phép ra khỏi nhà đi mua cái bánh thôi?

– Ừ (cười).

Trác Thúy Miêu

Tôi si mê tôi

– Những gì đã trải qua, chị thích quãng đường nào nhất?

– Tôi thích quãng đường sắp tới nhất!

– Thế tức là sắp có một ngày đẹp trời, Miêu sẽ lại mất tích. Gọi không được, tìm không thấy? Chắc không đâu nhỉ, giờ có nhà rồi sao mất dấu được?

– Ai biết! Tôi chỉ biết tôi yêu chồng tôi lắm, tôi mê nhà tôi lắm, dù không thích tuyên thệ.

– Cậu con trai chị, 21 tuổi, cũng đủ là một quãng đời rồi, có hài lòng với con đường mà chị đã chọn cho cậu ấy đi qua?

– Tôi đâu có chọn điều gì cho nó đâu, tôi chỉ nhắc nó nhớ điều nó đã chọn. Nó có quyền thay đổi quyết định, tôi sẽ lại kè kè ở bên nhắc tiếp. Điều duy nhất tôi chọn cho nó: đó là ý thức về quyền được chọn của mình. Tôi thích con tôi nghĩ cuộc đời là một đại tiệc buffet bày sẵn, nó muốn chọn gì cũng được. Ăn cho kì ngon, ăn cho kì vui, ăn cho đẹp và sạch. Tôi chỉ cấm tiệt nó lao vào dĩa cơm chiên và ăn cho kì no để rồi hối tiếc trong ngu dốt với một cái bao tử bão hòa.

– Thế còn lựa chọn bỏ qua con đường “mài đũng quần” trên ghế nhà trường?

– Tôi xúi hoài mà nó không nghe (cười). Mà tôi xúi nó bỏ trường để thật sự bắt đầu học, chứ tôi chưa hề bảo nó bỏ học. Như tôi, năm 16 tuổi, tôi mới thật sự bắt đầu khai trường nhập học. Từ bấy đến nay, trời ơi, tôi học quá trời!

– Lúc chuẩn bị cuộc phỏng vấn này, tôi đã tự hỏi, tại sao dường như chị rất tự hào khi làm phụ nữ, vui sướng tự hào một cách cực kỳ đặc biệt, trong khi những người đàn bà khác thì hay than thở…

– Tôi tha thiết yêu quý người đàn bà mang tên mình. Hồi nhỏ, tôi còn ngồi vẽ chân dung tôi khi lớn nữa. Tôi si mê tôi từ bé. Mỗi ngày ngồi trước bàn phấn, tôi long trọng lắm. Phải pha cà phê ngon, bật nhạc đúng tâm trạng, rồi mới bắt đầu “thi hành điển lễ”. Tôi không bao giờ quên mình từng ngưỡng mộ mấy cô lịch sự phấn sáp như thế nào, và tôi không bao giờ quên cảm ơn Chúa đã cho tôi lớn đủ để làm tất cả những trò hay ho của đàn bà trưởng thành.

– Có bao giờ chị ra đường mà không trang điểm?

– Trước Tết vừa rồi, tự nhiên có mấy hôm tôi nổi hứng để mặt mộc ra đường, còn chụp hình quăng thử lên Facebook nữa. Mọi người khen tôi mặt mộc đẹp hơn. Nhưng tôi trang điểm đâu chỉ để đẹp hơn hay trẻ ra đâu. Tôi phấn sáp là để trịnh trọng diễn vai diễn của mình cho đàng hoàng mà. Diễn đây không phải là khoác cái mặt nạ dối trá, mà là ước lệ hóa và cường điệu hóa nhân cách mình chọn cho mình, cho rõ vai tà vai thiện mà thôi. Nếu trang điểm có mục đích rõ ràng là làm đẹp thì đã không được gọi là phù phiếm.

– Chị chọn vai này vì nó hợp với chị, hay chị thấy nó là vai diễn nổi bật nhất trong phim?

– Thượng đế cho tôi ngoại hình của mình, đó là điều tôi không tự chọn được. Tôi ghét thế bị động 100%, nó chẳng nói lên cái gì về tôi sất. Nhưng nếu tôi trộn điều Thượng đế cho tôi với điều tôi chọn cho mình, đó mới là hình hài tôi.

– Theo chị, uy quyền của phụ nữ là gì? Lời nói? Ánh mắt? Mùi hương?

– Là nhu cầu bản năng được thuần dưỡng. Uy quyền của phụ nữ chính là nhu cầu bản năng của đàn ông chứ đâu xa. Tôi là con ngựa chiến nè, khó thuần dưỡng lắm nè, con ngựa hoang có những khắc u sầu sang trọng nè, thuần dưỡng tôi đi! Thế là xong! Họ cần quái gì mùi, cặp nhũ, hay đôi tay ngà của ta – dù chúng có thể có tác dụng quyến rũ ban đầu. Chị em thôi tự huyễn hoặc đi nhé! Những thứ như phấn sáp, mùi thơm, cứ dành để làm vui chính mình thôi!

– Chị hãy nghĩ tới 3 con vật đầu tiên hiện ra trong đầu?

– Mèo – Cáo – *

Đây là bài trắc nghiệm tâm lý tôi rất thích. Nó chỉ ra rằng, chị muốn làm một con mèo, nhưng người ta lại nghĩ chị là con cáo. Con vật thứ 3 bộc lộ con người bản năng của chị.
(Tôi xin giấu con vật cuối cùng, hãy cứ để chị miệt mài làm con mèo và thiên hạ nghĩ chị là con cáo. Còn con gì ẩn giấu bên trong – đó sẽ là bí mật của riêng chúng tôi).

 

Bài: Vũ Thủy
Ảnh: Phan Võ

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Sự vụ cụ Nguyễn Ánh 9 nhận xét thế hệ nhạc trẻ Việt Nam, trong khi người ta viết thư nói cụ là ngụy quân tử để rồi lại nhào đến ôm cụ khóc, Tâm mỉm cười: “Chú Chín như cha như chú trong nhà, chú nói vậy thì có sao đâu.” Đấy là cách Tâm sống, Tâm đối nhân xử thế, đúng với cái tên Mỹ Tâm – “một trái tim đẹp.”

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

06/03/2014, 11:00