Tôi là “phiên bản hạn chế” của tạo hóa
– Cây bút thời trang số 1, được rất nhiều tạp chí thời trang danh tiếng săn đuổi vẫn chưa có nổi chứng chỉ tốt nghiệp PTTH. Theo chị, điều này phản ánh bằng cấp đôi khi chỉ là kỷ vật trưng bày hay cái tên Trác Thúy Miêu là “tạo vật đặc biệt” của số phận?
– Mỗi lẫn nhắc đến điều này là tôi lại không ngăn được cảm giác rất trẻ con: Sự đắc thắng! Khi ấy, chẳng tuyên chiến với nền giáo dục, cũng chẳng kì vọng gì ở bản thân. Tôi chỉ mới 16 tuổi mà. Bản năng thôi. Nhưng tôi biết, bất cứ ai, dù trên đỉnh hay dưới đáy, chắc chắn không phải “sinh vật” tái xuất hàng loạt của tạo hóa. Và nếu có vài món “kỷ vật trưng bày” như vậy, liệu tôi có hay ho hơn bút danh Trác Thúy Miêu? Tôi cho là không.
Quay trở lại câu hỏi: Bằng cấp phi nghĩa hay tôi ưu tú? Tôi cho là cả hai. Thế nên sau này, tôi vẫn khuyến khích các bạn trẻ chuyên tâm trau dồi học vấn, và chẳng bao giờ khuyên ai bỏ học như tôi. Tin tôi đi, tôi là phiên bản hạn chế (limitededition) của Tạo hóa.
– Ngày ấy, chị không muốn hay không thể tiếp tục việc học? Và cái ngày bước ra khỏi cánh cổng trường học, chị có dự cản như thế nào về số phận cô bé Trác Thúy Miêu? Có chút mơ hồ gì về sự nghiệp thời trang?
– Là tôi không muốn. Ba mẹ tôi trọng sự học hơn bất cứ điều gì, đặc biệt ba tôi là người hiếu học và tôi thừa hưởng ở ông sự háu đói trước kiến thức. Có lẽ vì vậy mà tôi từ chối những gì được chào mời trong môi trường giáo dục lúc bấy giờ! Nhưng ông đã rất đau khổ và lo lắng cho tôi, đến mức tôi không dám về nhà đối diện với sự thất vọng của ông.
Dự cảm gì ư? Không gì cả, 16 tuổi, người ta thừa đủ ngu xuẩn và dũng cảm để không có chỗ cho dự cảm. Ngược lại, chỉ có sự hoảng loạn lẫn phấn khích của đứa con gái được gia đình canh giữ cẩn mật suốt 16 năm. Tương lai tươi sáng duy nhất là việc tôi biết mình sẽ không về nhà ngày hôm ấy, phần còn lại là bản năng sinh tồn, khi lần đầu tiên biết “nghĩ xa”: Điều gì sẽ xảy ra vào giờ ăn tối, khi không có gì để ăn?
– Rất nhiều người biết đến chị với tư cách cây bút thời trang sắc sảo và là cô gái có cá tính lạ, không dành cho mọi bạn chơi, đến nay có thêm danh hiệu MC của chương trình “Không thể không đẹp” (VTV3), trong khi tôi được biết tài năng trội bật của chị là các bản vẽ và mơ ước lớn nhất cuộc đời chị là trở thành nhà thiết kế. Nhưng cuối cùng, các bản vẽ của chị lại đứng tên người khác và rất nhiều năm chị chăm chỉ làm cái bóng mờ nhạt bên người thầy là nhà thiết kế được xã hội trọng vọng. Phải chăng đến vế này thì số phận không còn chiều chị nữa?
– Những phác thảo, công việc thiết kế thời trang – tôi không gọi là mơ ước. Đó là tình yêu. Mà đã yêu thì phải theo đuổi, si tình và chinh phục, trong khi giấc mơ chỉ có kết cục… ngồi dậy và đánh răng rửa mặt!
Tôi không gọi công việc của mình là thiết kế thời trang vì tôi thiết kế trên cấu trúc thời trang đã quá gần với sự hoàn hảo: Áo dài Việt Nam. Phần lớn thời gian tôi thiết kế các giải pháp họa tiết cho áo dài hơn là can thiệp vào cấu trúc đăng đối hoàn hảo của tà áo dài. Chưa bao giờ mơ ước trở thành nhà thiết kế, tôi chỉ hồn nhiên làm điều mình sốt ruột vì không thấy ai làm tốt hơn tôi, đó là kế tục Thầy tôi.
Khi các phác thảo của tôi mang tên Thầy, đã là sự chiều chuộng hào phóng của số phận dành cho tôi. Không có cái tên ấy, thì đến nay chúng cũng chỉ tồn tại như những rẻo vải vẽ tay ở một hiệu may vô danh bất kỳ nào đó, cũng như hãy tưởng tượng nàng Sarah Burton “tài hoa nhưng kém vía” bao giờ mới được biết đến, nếu không vì “đại đế” McQueen? Ngày ấy, tôi ngủ gục trên bàn vẽ, rồi thức dậy làm việc như phát rồ và không phải mảy may quan tâm đến vận mệnh tài chính của doanh nghiệp. Thói quen này duy trì mãi về sau. Tôi luôn tìm Thầy trong những người mời tôi làm việc và yêu cầu họ một cách thật thà nhất: “Tôi không biết đếm tiền đâu, hãy bảo đảm cho tôi có tiền vào một ngày nào đó trong tháng, hãy chăm sóc tôi và để yên cho tôi làm việc tôi làm giỏi nhất!”.
– Đến giờ, giấc mơ sở hữu thương hiệu thời trang riêng đã ngủ theo cá tính nghệ sĩ cần tiền nhưng không lệ thuộc vào tiền hay vẫn còn âm ỉ sống trong tài năng phải sớm bỏ cuộc chơi vì thiếu bóng mát của… mạnh thường quân?
– Ngày tôi lẳng lặng rời bỏ công việc thiết kế là một ngày giống năm 16 tuổi – tôi ra đi. Bản năng thôi. Tôi không giải thích, cám ơn và tạm biệt. Đến nay, trong nhà tôi vẫn giữ chiếc rương gỗ, tôi để vào đó hộp màu, những cây cọ, những phác thảo dang dở cuối cùng. Nếu một ngày tôi mở chiếc rương này và hoàn tất những phác thảo dở dang nọ, chúng cũng sẽ mang tên Thầy tôi, như hơn nửa thập niên trước đây. Cứ gọi tôi là kẻ cuồng tín, nhưng sau ông, tôi không thể tiếp nhận và đánh giá cao bất kì mạnh thường quân nào khác.
Tôi không định là kẻ dễ gần với toàn xã hội
– Đôi mắt được trang điểm sắc lẹm, đôi môi được tô son đỏ chót, đôi bàn tay với những chiếc móng được cắt tỉa nhọn hoắt như nanh vuốt của loài mèo và đôi giày bao giờ cao trên 10 phân với phần gót được thiết kế như poster phim “Quỷ cái vận đồ Prada”. Cá tính thời trang Trác Thúy Miêu đang muốn truyền đi thông điệp gì?
– Cực đoan! Tôi sinh nhằm cung Thiên Bình – những kẻ được tác thành bởi mỗi hai mặt đối lập mạnh mẽ nhất trong mọi yếu tố. Tôi cũng từng là vũ công và cái đẹp cơ bản nhất nằm ở sự cực đoan trong từng biên độ động tác.
Bạn có bao giờ thấy mũi chân thẳng tắp đến cay nghiệt của vũ công ballet? Hay những ngón tay dài muốt cong tớn của vũ nữ Apsara?
Tôi ghét móng tay tròn, những gót giày thân thiệt lưng chừng và tôi hay mắc cười trước những cái muỗng nhựa dùng để ăn sữa chua: Chúng nông không tới, cạn nửa vời và có những cái đầu bẹt thèn lẹt. Tôi không thích thấy mình giống như cái muỗng ăn sữa chua!
– Tôi được biết, một người bạn rất thân đã bị chị xem như tự gạch tên mình khỏi danh sách bạn bè của chị chỉ vì lỡ tặng chị đôi giày cao 7 phân! Có quá cực đoan không Trác Thúy Miêu?
– Có thể quá cực đoan nhưng tôi đã rất, rất đau đớn khi nhận món quà này – món quà chắc chắn được nhờ mua hộ và không dặn kỹ càng. Và tôi ắt sẽ đau đớn hơn rất nhiều, nếu chính người bạn thân quý ấy đủ hời hợt để tự mua chúng. Thật may mắn, khi đó không phải người tình!
– Tôi thích khuôn mặt mộc của chị. Nó khác hẳn khuôn diện Trác Thúy Miêu ban ngày. Nghĩa là dễ thương và mang nét hồn nhiên con trẻ. Nhưng một lần chị tâm sự, rằng khi chết chị vẫn phải đẹp và đẹp theo định nghĩa của chị là phải trang điểm cầu kỳ. Tại sao vậy? Phải chăng, chị đang quá áp lực trong việc tạo dựng hình ảnh theo định nghĩa của mình?
– Hồi nhỏ, ba tôi kể ngày xưa, đàn bà ra đường trang điểm được gọi là “các bà các cô lịch sự”. Lỡ để người sơ giao nhìn thấy mặt mộc là thất thố sỗ sàng lắm. Cái nếp này rất hay!
Xa hơn thế, những ngài quyền thế ở Âu Châu cũng vẽ mặt để ra bề quyền thế, đến tận các chiến binh, tù trưởng da đỏ ở Tân Thế Giới cũng vẽ mặt để ngụy trang hoặc thị uy. Cái nếp này cũng rất hay!
Gần đây, tôi được biết cái mặt mình không trang điểm cũng ngộ, cũng kháu lắm, trông nó hiền và dễ gần. Nhưng tôi lo ngại trước điều này, bởi tôi không định là kẻ dễ gần với toàn xã hội nên để dành sự hồn nhiên ấy cho những ai đảm bảo cho tôi sự an toàn để tôi “hồn nhiên con trẻ”. Mà với tôi, phải yêu quý hoặc lười lắm để có thể thấy an toàn.
Vâng, những kẻ dũng cảm hoặc… điên mới dám yêu tôi!
– Đã nhiều thập niên chọn sống cuộc đời độc thân rực rỡ và cuối cùng quyết định lên xe hoa cùng “cậu bé” sinh sau gần 1 thập niên. Chị nghĩ sao nếu tôi bình luận Trác Thúy Miêu lại tiếp tục rót vào trật tự cuộc sống một tình tiết li kỳ, dị biệt?
– Tôi có định thế đâu. Nhưng những người đàn ông trẻ tuổi, hẳn nhiên thú vị hơn. Một số vẫn còn biết cách sùng kính ái tình và họ đẹp hơn những người đàn ông lớn tuổi hơn họ, điều đó là chắc chắn! Thế nên tôi, ở tư cách người đàn bà, hẳn nhiên ưu ái họ hơn.
Tôi xét thấy mình không hề là người đàn bà đầu tiên hay duy nhất. Trái lại, tôi đang rất tuân thủ trật tự tự nhiên nhất của cuộc sống: Chọn cho mình người đàn ông tôi cho là hay ho tuyệt vời nhất!
– Câu chuyện tình yêu của chị đậm màu sắc lẵng mạn, điên cuồng và cực đoan nhưng nó phải gánh đỡ không ít tò mò lẫn búa rìu dư luận. Chị có xót thương tình yêu của mình?
– Đã có thời gian điều này khiến tôi đau đớn khủng khiếp. Nhưng cuối cùng, tình yêu ấy khỏe, lì đòn và kiêu hãnh hơn tôi và mọi người tưởng. Giờ nó đã chín mùi. Như một người trưởng thành, có chút sẹo ngang sẹo dọc. Những khi mân mê những “vết sẹo” cũ ấy, tôi tự hỏi: Liệu mình có thể si tình điên cuồng và cực đoan như thế này không, nếu chưa từng có những trận đòn miệng?
– Chị có… nổi đóa, nếu tôi phán xét, với cá tính của chị thì đàn ông, hoặc rất dũng cảm, hoặc rất… điên mới dám yêu chị?
– Một phán quyết tiếp theo: yêu Trác Thúy Miêu sẽ rất mệt và khó tìm được lối về là cuộc sống bình thường. Chị nghĩ sao?
– Tôi cũng hoàn toàn đồng ý. Khi mới yêu, tôi đã phải thốt lên với người đàn ông của mình (một cách rất thơ): “Yêu tôi nhiều như vậy, người mệt lắm hay không?”. Tôi xót chồng tương lai của mình lắm và sự bù đắp là vô cùng. Tôi cũng biết khó có người đàn ông nào được yêu như chồng tương lai của tôi. Tôi tin vào thiên chức phụng sự của phụ nữ trong ái tình và tôi không quá “hiện đại năng động” để không biết cách đặt người đàn ông của mình lên ngai tối thượng.
– Cuối cùng xin hỏi: Người – đàn – ông – cậu –bé của chị có đủ sức làm bóng tùng cho một cá tính quá mạnh mẽ và có thực sự sưởi ấm được tâm hồn thường xuyên cô đơn của chị?
– Đã rất vất vả cho người thanh niên trẻ tuổi trở thành người đàn ông thật gấp để kịp yêu thương một người đàn bà! Nhưng không phụ công tôi tin vào điều kì diệu và tôi lại được hồn nhiên mặt mộc trước người đàn ông của mình, người có khả năng dạy tôi những điều rất khác về trật tự xã hội mà tôi chưa được biết tới. Từng có những người đàn ông căng thẳng trước tôi – con ngựa chứng, và mỏi mòn làm những trò oanh liệt cực kì ấn tượng. Nhưng tôi không hiểu gì cả, cho đến khi tôi tìm được người đàn ông duy nhất biết học cách bình dị và chân thành đưa tay gãi bờm con ngựa chứng. Đến đây, lại nhớ đến một chương mà tôi cực kì tâm đắc trong cuốn Hoàng Tử Bé, đoạn con chồn bước tới trước mặt hoàng tử và nói: “Hãy thuần dưỡng tôi đi, làm ơn!”
Câu hỏi đó, đã mất hơn 2 thập niên tìm kiếm. Thật may là tôi đã đủ cực đoan để chờ…