Trắc nghiệm: Thói ăn vặt và bạn.

Gần đây các chuyên gia tâm lý và dinh dưỡng đã đưa ra một kết luận khá thú vị: ăn vặt không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu về năng lượng hay dinh dưỡng mà bị ảnh hưởng bởi môi trường sống và yếu tố tâm lý. Việc bạn chọn loại thức ăn gì sẽ phản ánh phần nào tâm trạng của bạn. Áp lực công việc và stress là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thói quen ăn vặt.

Thử làm một bài trắc nghiệm dưới đây để biết bạn đang gặp phải vấn đề nào. Có thể lựa chọn một trong hai đáp án, cả hai đáp án hoặc không chọn đáp án nào cũng được.

[1.] Mỗi khi thấy thèm ăn một thứ gì đó mặc dù không đói, bạn sẽ:

a. Nghĩ ngay đến những món hấp dẫn như khoai tây chiên, bánh quy… và lập tức phi xe ra cửa hàng tìm mua cho bằng được.
b. Đi lòng vòng nghĩ ngợi một lúc xem mình đang thèm ăn gì nhất, sau đó mở tủ lạnh lấy gói mì tôm hoặc ra quán mua một chiếc bánh mì hoặc cây kem.

[2.] Bạn thường cảm thấy buồn mồm khi:

a. Đang làm việc, công việc căng thẳng và đầu óc như muốn căng ra.
b. Ở nhà một mình và bỗng cảm thấy mọi thứ thật buồn tẻ.

[3.] Mỗi khi thấy thèm ăn đồ ngọt, bạn thường chọn:

a. Một thanh kẹo, bánh quy hoặc kẹo gôm nhai lai rai.
b. Sữa, kem hoặc bánh ngọt.

[4.] Ngay cả khi vừa ăn xong, bạn vẫn không từ chối nếu:

a. Một người bạn rủ đi ăn xúc xích, thịt nướng, bánh pizza.
b. Mẹ bạn mang đến một món tráng miệng mà bạn rất thích như bánh khoai, chè…

[5.] Thời gian trong ngày mà bạn thấy thèm ăn nhất là:

a. 3, 4 giờ chiều khi bạn đang ở cơ quan, ngán ngẩm trước đống tài liệu to vật vã.
b. Tầm 11 giờ đêm khi bạn thấy buồn bực vì không có việc gì để làm và không có ai để buôn dưa lê.

[6.] Bạn là fan ruột của:

a. Khoai tây chiên, các kiểu hạt chiên (đậu phộng, hạt điều…) và các loại snack
b. Mì, phở, bún, miến… bánh mì, khoai tây hầm.

[7.] Vào ngày nghỉ, bạn thường cảm thấy:

a. Cáu kỉnh, buồn bực, bồn chồn, khó chịu, bứt rứt, thất vọng…
b. Chán nản, buồn tẻ, cô đơn, mệt mỏi, đứng ngồi không yên…

[8.] Thỉnh thoảng bạn ăn một thứ gì để tránh:

a. Phải làm một việc gì đó, ăn cũng là một cách trì hoãn mà.
b. Nghĩ về những cảm xúc hiện tại của mình, những món khoái khẩu sẽ giúp bạn vùi lấp những tình cảm đang hiện hữu trong đầu.

[9.] Bạn ăn chủ yếu vì:

a. Vui là chính, không có cuộc nhậu nhẹt nào dù lớn hay bé vắng mặt bạn cả.
b. Nó làm đầu óc bạn thư giãn, chẳng hạn mỗi khi ăn một món gì đó lại khiến bạn nhớ về thời thơ ấu chẳng hạn, và bạn cảm thấy dễ chịu.

[10.] Bạn muốn một ngày có khoảng 10 bữa, mỗi bữa bạn sẽ lựa chọn:

a. Những món ngũ cốc và các loại hạt.
b. Trứng, bánh quy và nước sốt.

Kết quả

[1.] Bạn chọn nhiều đáp án a

Cảm giác tức giận, thất vọng, stress, thù ghét, ganh tị, căm ghét bản thân hay đau khổ vì chuyện gì đó… tóm lại bạn thường xuyên trong trạng thái bị kích thích, đây chính là nguyên nhân khiến bạn luôn muốn có thứ gì để chóp chép trong miệng (đa phần là vật cứng), thể hiện bạn đang muốn nhai ngấu nghiến một thứ gì đó mà bạn đang phải đối mặt và khiến bạn đau đầu: công việc căng thẳng, cãi nhau với người yêu, sếp khó tính…

Các chuyên gia gọi đây là hiện tượng “head hunger” phát sinh do suy nghĩ, do áp lực và do quan điểm. Khi có quá nhiều chuyện phải lo lắng, bạn lại suy diễn lung tung, nghĩ ngợi nhiều, stress và cuối cùng là giải quyết nỗi lo lắng bực dọc bằng cách… ăn.

Để thoát khỏi tình trạng bế tắc kiểu này bạn hãy tham gia vào những hoạt động phù hợp với cường độ cảm xúc của bạn lúc bấy giờ. Ví dụ: nếu thấy buồn bực chân tay, đừng vội mở tủ lạnh tìm đồ ăn mà hãy bật một bản nhạc thật sôi động, bật càng to càng tốt và nhảy nhót hết mình. Thay vì sà vào những quán ăn hãy đi bộ hoặc chạy thể dục, thậm chí về nhà túm ngay chiếc gối đập thả phanh vào tường cho đến khi mệt lử. Chắc chắn bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn, đồng thời giúp bạn quên đi cơn thèm ăn đang chực kéo đến.

[2.] Câu trả lời phần lớn là b

Bạn đang phải vật lộn với nỗi buồn, cô đơn, chán nản vì thấy cuộc sống thật tẻ nhạt, vô vọng. Bạn cảm thấy tự ti, thất vọng, thậm chí sợ hãi mọi thứ, bạn thèm một cử chỉ yêu thương, một sự quan tâm, một tình yêu… rồi dần dần bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, đói bụng và lúc ấy ăn uống là thứ duy nhất làm bạn có thêm năng lượng. Đây là hiện tượng khá phổ biến với những người gặp trục trặc trong chuyện tình cảm, thấy nhàm chán với cuộc sống đơn điệu ngày nào cũng giống ngày nào, và với nhiều bạn trẻ đang gặp bế tắc trong việc tìm hướng đi cho mình.

Các nhà khoa gọi đây là hiện tượng “heart hungry” do yếu tố tình cảm gây ra, con người thấy mình cô độc mềm yếu nên thích ăn những thứ gì mềm, dễ ăn dễ nuốt (kem, phở, mì, đồ ninh hầm nhừ…).

Lời khuyên của các chuyên gia tâm lý dành cho bạn là hãy nghĩ về những điều tốt đẹp nhất xung quanh bạn, xem những bộ phim hài lãng mạn, đọc những cuốn sách vui nhộn, ngâm mình trong bồn tắm và thư giãn… có quá nhiều cách giúp bạn thoát khỏi sự đơn điệu của cuộc sống thay vì ngồi gặm nhấm nỗi buồn cùng với đĩa thức ăn. Nếu bạn rảnh, đừng nằm dài ở nhà mà hãy tham gia các lớp khiêu vũ, nữ công gia chánh, học thêm một cái gì đó hay tham gia vào các hoạt động xã hội, làm quen với những người bạn mới. Chắc chắn lúc ấy bạn sẽ tìm thấy những ý nghĩa của cuộc sống mà bạn đang kiếm tìm.

[3.] Nếu bạn chỉ thấy 3/10 phương án giống với mình thì xin chúc mừng bạn.

Bạn không hề bị yếu tố tình cảm ảnh hưởng đến chế độ ăn uống. Bạn hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Hãy cố gắng duy trì điều đó.

Chúc bạn thành công./.


From the same category