Trà thất Yohaku nằm trong một căn nhà phố ở Hà Nội, có thiết kế nội thất kiểu Nhật Bản. Nơi đây hàng tháng diễn ra các lớp dạy cắm hoa, thực hành trà đạo bởi nghệ nhân người Nhật dành cho những ai yêu mến văn hóa xứ hoa anh đào.
Tinh hoa trên bàn trà
Chủ nhân của Yohaku là chị Việt Hà (Abe Hanna), một người phụ nữ Việt hiện đang sống tại Nhật. Chị mở đầu cuộc trò chuyện về “những tinh hoa nhỏ bé trên bàn trà”: chén uống trà, dụng cụ đánh trà, muỗng xúc trà, hũ đựng trà, ấm đun nước, vải lau, khăn lót. Chị bảo lòng hiếu khách chính là tinh thần trọng yếu của trà đạo, do đó, chủ nhà phải chọn lựa, chăm chút trà cụ rất kỹ càng.

Thói quen quan sát đồ đạc hay quan tâm đến người khác chính là những bài học từ phòng trà. Mỗi buổi học và thực hành trà đều là một cuộc giao đãi với nghệ thuật, văn hóa, tâm hồn thông qua sự kết nối của thân, tâm, trí.
Những khoảng lặng
Trong kiến trúc truyền thống Nhật Bản, tokonoma là một khu vực nhỏ trong phòng tatami (phòng nghỉ ngơi, tiếp khách hoặc thưởng trà), được thiết kế để trưng bày các tác phẩm như tranh cuộn, bình hoa hoặc những món đồ có giá trị nghệ thuật và tinh thần. Có thể hiểu đó là “kết giới”, khoảng không gian kết nối giữa hiện thực và phi thực, tưởng tượng và hoài vọng.
Dù đời sống hiện đại ở Nhật Bản không còn diện tích cho hốc tường tokonoma hoặc một thất trà nhưng mỗi khi đánh một bát trà, các trà sư vẫn thường liên tưởng tới một khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ hay một trà cụ nào đó. Tại Yohaku có một “kết giới” như thế, là nơi trà nhân chuẩn bị tiệc trà. Đến Yohaku, bạn sẽ được chậm rãi thưởng thức vẻ đẹp của những khoảng lặng, của những điều bình thường giản dị.
Nghệ thuật Ikebana
Khi đứng trước một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, ta rung động và muốn tái hiện cảm nhận đó qua bình hoa để chia sẻ cùng người khác, đó là những gì tôi hiểu về Ikebana sau khi thực hành tại Yohaku.
Hoa Nadeshiko (cẩm chướng Nhật) chỉ mọc trên cánh đồng ven sông đầy nắng còn dương xỉ thường mọc dưới tán cây dày đặc. Hai loài thực vật này không bao giờ gặp nhau trong tự nhiên, nhưng chúng có thể xuất hiện chung trong một bình hoa mà không gợi cảm giác sai trái là nhờ sự rung động của người cắm.
Bình hoa anh đào phong cách Rikka tuân theo các quy tắc chặt chẽ, với 7 hoặc 9 yếu tố tượng trưng cho các hình ảnh tự nhiên như núi, thác nước hay thung lũng… Thứ bình hoa truyền tải không phải một khung cảnh có thật ngoài đời mà là sự tưởng tượng của người cắm hoa. Vào mùa xuân, hoa anh đào thường nở từ chân núi trước rồi lan dần lên đỉnh. Vì vậy, những bông hoa mới nở được kết hợp với cành già, tái hiện dáng vẻ của rừng hoa anh đào.
Mối liên hệ giữa hoa đạo và trà đạo rất chặt chẽ. Trong trà thất, hoa chính là “vật sống” duy nhất bên cạnh con người. Mùa nào hoa ấy, hoa nở rồi tàn. Hoa không chỉ mang đến vẻ đẹp của tự nhiên mà còn nhắc nhở con người về giá trị của thời khắc hiện tại, tôn vinh tinh thần “Ichigo Ichie” (nhất kỳ nhất hội) – lần gặp gỡ nào trong đời cũng đáng quý bởi đó là khoảnh khắc không bao giờ trở lại. Cắm một bình hoa hay đánh một bát trà không có sự phân biệt về hình thức, tất cả đều hướng tới sự thưởng thức bên trong, dù ta làm việc này cho bản thân hay cho người khác.


