Từ chất lượng đáng lo ngại…
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội – cho biết, cuối năm 2011, Thành ủy TP.Hà Nội đã có yêu cầu báo cáo giám sát về các công trình kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Theo báo cáo chính thức của Sở Xây dựng, các sự cố tại các dự án trên đều đang nằm trong giai đoạn hoàn thiện và bảo hành. Như công trình Bảo tàng Hà Nội, hiện tượng dột, bong tróc… là do khâu hoàn thiện thấm dột, ốp lát. “Các dự án trên đều không có những vấn đề lớn ảnh hưởng tới chất lượng và kết cấu công trình”, ông Nam khẳng định.
|
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà chất lượng các công trình này lại khiến dư luận phải đặc biệt quan tâm. Đại lộ Thăng Long (nhà thầu là Tổng công ty Vinaconex) được thông xe và khai thác tạm vào tháng 10.2010, nhưng chỉ tới tháng 4.2011, đã xuất hiện lún nứt mặt đường, tạo thành ổ trâu, ổ gà ở nhiều đoạn từ Km 8 – Km 9. Thời điểm đó, cả chủ đầu tư và đại diện tổng thầu đều cho rằng, do phải thi công trên những đoạn có nền đất yếu, dẫn tới co giãn, trồi sụt không đều giữa phần đường và phần cầu, nên đường vẫn tiếp tục lún theo quy phạm. Tháng 5.2011, mặt đường hầm chui trên đại lộ Thăng Long xuất hiện hàng chục vết nứt, có vết kéo dài cả chục mét, rộng 2-3 cm. Theo lý giải, do kết cấu bề mặt đoạn đường chạy qua hầm chui bằng bê tông nên khi bê tông co ngót sẽ tạo các vết nứt. Ngoài ra, dù đã đi vào hoạt động gần 2 năm, nhưng hệ thống đường dẫn lên cầu vượt trên đại lộ (đoạn từ xã Trung Văn sang xã Mễ Trì) cũng vẫn đang là đường tạm.
Ngày 20.8, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết, do thiếu vốn nên tới thời điểm này, mới chỉ khắc phục được một nửa tình trạng nứt lớp bê tông xi măng ở mặt hầm chui.
Ông Bùi Trung Dung, Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục đã chỉ ra, nguyên nhân lún, nứt mặt đường đại lộ Thăng Long khởi nguồn do tư vấn thiết kế, thiếu trách nhiệm giám sát. Dẫn tới khi xây dựng đại lộ, đã có rất nhiều biến chuyển về nhà cửa hai bên đường so với ban đầu, nhưng không có hướng thoát nước. Cũng theo ông Dung, “công tác thi công và giám sát thi công cũng có phần thiếu trách nhiệm. Có thể năng lực trên danh nghĩa của nhà thầu đạt, nhưng thực tế có đạt hay không lại là vấn đề. Chúng tôi đang tập hợp hồ sơ về năng lực của các bên liên quan trong quá trình thi công như chỉ huy trưởng, tư vấn giám sát, rồi các ý kiến đánh giá, nghiệm thu, kết quả đo đạc, khảo sát hiện trường”.
Trong khi đó, theo một chuyên gia cầu đường, bản thiết kế của tư vấn đã có tính toán đầy đủ việc xử lý nền đất yếu, cũng như dự báo, tính toán lún trong quá trình thi công, nên việc lún xuất hiện trên tuyến đường là do thi công. “Việc thông xe bằng mọi giá để đảm bảo tiến độ công trình có thể là nguyên nhân dẫn tới việc ép tiến độ, khiến chất lượng không đảm bảo”, ông này nói.
… đến bỏ không lãng phí
Bảo tàng Hà Nội là công trình trọng điểm chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 3.000 tỉ đồng. Nhưng ngoại trừ xôm tụ vào những ngày khai trương, dịp đại lễ, còn lại phần lớn thời gian từ đó đến nay là để giải quyết tình trạng thấm dột, bong tróc. Cho tới 20.8, một nguồn tin có trách nhiệm cho biết hợp đồng thiết kế nội dung chi tiết vẫn chưa được ký kết. Trong thời gian chờ đợi, Bảo tàng Hà Nội đành đem hiện vật của mình bày tạm trong những tủ kính.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, Bảo tàng Hà Nội với quy mô lớn nhất nước thu hút được khoảng 130.000 lượt khách. Trong khi đó riêng từ năm 2010-2011 các bảo tàng quy mô nhỏ hơn tại Hà Nội như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thu hút được 500.000 lượt khách, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là 73.000 lượt.
Một công trình khác là Cung Trí thức thủ đô với 2 khối nhà (16 tầng và 3 tầng, tổng diện tích sàn gần 16.000 m2), có tổng vốn đầu tư trên 200 tỉ đồng, với mục đích “tụ hội” giới trí thức thủ đô, cũng đang trong tình trạng xuống cấp và hoang phí, sau gần 2 năm đưa vào sử dụng.
Theo ghi nhận của chúng tôi chiều 20.8, rất nhiều vị trí tại tòa nhà xảy ra tình trạng thấm dột, nhiều khu vực sàn nhà lênh láng nước. Tại một số vị trí đã xuất hiện những vết nứt kéo dài, gạch ốp bong tróc. Khi bước vào khu nhà thấp tầng, ngay sảnh tầng 1 đã thấy nước chảy lênh láng. Khu nhà với chức năng phục vụ hội nghị, hội thảo này như ngôi nhà hoang với những lớp bụi phủ dày khắp nơi. Tại tầng 2, nước chảy tràn ngay tủ điện và trần sụt rơi lả tả xuống sàn nhà. Tương tự, khu nhà 16 tầng cũng có nhiều tầng bỏ hoang, nhiều vị trí thấm dột. Thậm chí, ngay phòng hội trường nối 2 tòa nhà tại tầng 2, nơi làm việc của ban quản lý tòa nhà xuất hiện vết nứt dài…
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại chiều cùng ngày, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội (đơn vị được TP giao nhiệm vụ tổ chức quản lý, khai thác công trình) cho biết, hiện tòa nhà vẫn đang trong quá trình bảo trì nên mọi hư hại do chất lượng công trình đều do Tổng công ty cơ khí xây dựng (Coma) tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng. Trong đó, theo lời bà Hà: “Tại tầng 16 dù đã xử lý rất nhiều lần nhưng vẫn xảy ra thấm dột, có lẽ phải xem lại thiết kế”.
Vừa xây xong đã sửa Tình trạng “chín ép” đẩy công trình sớm hoàn thành tiến độ đại lễ, khiến chất lượng công trình không đảm bảo, vừa xây xong đã sửa, cũng lặp lại với cầu Vĩnh Tuy hay Công viên Hòa Bình. Theo đó, cầu Vĩnh Tuy với tổng vốn lên tới 5.500 tỉ đồng, được khánh thành cuối năm 2009, nhưng tới nay trên mặt cầu đã xuất hiện những khe co giãn, ụ đường nhựa nhô cao, có nơi bị lõm sâu, thậm chí khe phía nam cầu nứt rộng khiến một phần đường tách rời khỏi cầu. Công viên Hòa Bình chỉ 10 ngày sau đại lễ, hầu hết đá xẻ được lát dưới nền, các bờ tường bao quanh công viên cũng đã vỡ. |
Đổ trách nhiệm vụ đường Lê Văn Lương gãy đôi Cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hố sụt lún trên đường Lê Văn Lương sáng qua vẫn chưa đi tới kết luận cuối cùng về nguyên nhân, trong khi Tập đoàn Nam Cường và Công ty CP Sông Đà Thăng Long (SĐ-TL) tiếp tục tranh cãi nảy lửa và đổ trách nhiệm lẫn nhau. Ông Trần Oanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường tiếp tục khẳng định, đường Lê Văn Lương kéo dài đảm bảo an toàn chịu lực, chất lượng công trình theo đúng quy định và cho rằng, hố sụt lún trên mặt đường không thể xảy ra nếu không có tác nhân bên ngoài là mưa bão và việc thi công tòa nhà gần đó của Công ty CP SĐ-TL. Phản bác lại ý kiến này, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SĐ-TL đề nghị “chúng tôi không nói do chất lượng đường thì anh Oanh cũng không được nói do công trình của SĐ-TL”. Ông Dũng khẳng định, SĐ-TL không rút cừ tại chân công trình. Thông tin gây ra sự cố do cừ là không đúng. Theo ông Dũng, hiện tượng nước phụt lên từ dưới mặt đường là do hệ thống cống ngầm bị phá hủy từ trước. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Huy, Phó phòng Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị mời tư vấn độc lập đánh giá lại thiết kế, thi công để tìm ra nguyên nhân. Chiều tối 20.8, ông Bùi Trung Dung, Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, nguyên nhân gây ra sụt lún trên phải được kiểm định 3 yếu tố là thiết kế, thi công, quan trắc trước khi đưa ra kết luận. Nhưng theo nhận định ban đầu, có thể do đường ống bị hở nước, khi áp lực nước lên do trời mưa to, nước tràn qua khe hở thoát ra ngoài, trôi đất đá xuống 2 tầng hầm của tòa nhà Sông Đà. Hiện trạng tại chỗ sụt lún cũng cho thấy cừ đang nghiêng vào trong. Nhưng mặt khác, sụt lún cũng có thể do đường cống vắt qua đường đi ra hồ điều hòa), khi có xe tải trọng nặng chạy qua nhiều sẽ làm võng, nứt đường ống. Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các bên, chậm nhất ngày 21.8 phải đưa ra phương án khắc phục sự cố. |
Theo Thanh Niên