TPHCM: Hiểm họa từ “giặc” chuột mang mầm bệnh suy thận cấp - Tạp chí Đẹp

TPHCM: Hiểm họa từ “giặc” chuột mang mầm bệnh suy thận cấp

Tin Tức
Chu
Chuột “đại náo” tại một khu dân cư phường 15, quận Tân Bình

Vào đầu tháng 10/2012, ông N.V.T (55 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TPHCM) bị chuột cắn ở chân, được đưa vào Bệnh viện quận Phú Nhuận cấp cứu trong tình trạng sốt cao, ho, giảm tiểu cầu và nổi mẩn đỏ qua da. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị sốt xuất huyết, dù được điều trị thận trọng nhưng bệnh của ông T. vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Sau khi được chuyển qua Bệnh viện Nhiệt Đới và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy ông T. dương tính với virus Hanta – một loại virus ở chuột có khả năng gây suy gan, suy thận cấp.

Khi phát hiện bệnh, ông T. đã được các bác sĩ điều trị các triệu chứng viêm phổi và suy thận. Đến cuối tháng 10, tình trạng sức khỏe của ông T. ổn định và được xuất viện.

Trước căn bệnh mà ông T. mắc phải và nhằm đánh giá, truy tìm nguồn gốc của bệnh, các bác sĩ thuộc Viện Pasteur TPHCM đã xuống nơi ông T. cư ngụ và bắt ngẫu nhiên 25 con chuột (cả chuột cống và chuột nhắt sống trong nhà) đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy có 3 mẫu dương tính với virus Hanta gây suy thận cấp, cả 3 đều là chuột cống.

Hang chuột ngay dưới miệng cống
Hang chuột ngay dưới miệng cống

Một hang chuột khác được đào dưới gốc cây mục
Một hang chuột khác được đào dưới gốc cây mục

Việc phát hiện chuột cống mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã được kiểm chứng bằng các xét nghiệm từ Viện Pasteur, nhưng khảo sát thực tế thì nạn chuột vẫn đang lộng hành tại một số khu vực thuộc quận Phú Nhuận, quận 3, huyện Nhà Bè, quận 7, quận 12… (TPHCM). Tuy nhiên, nỗi kinh hoàng mà chuột gây ra phải kể đến khu vực phường 15 (quận Tân Bình). Dù nơi này luôn có người qua lại và nằm sát vách nhiều hộ dân khác nhưng không làm ảnh hưởng đến việc kiếm ăn của đàn chuột. Khi lượng thức ăn bên ngoài hết, đàn chuột bắt đầu đào lỗ tràn vào nhà dân, đục tung nền gạch, cắn xé bất kì thứ gì chúng gặp phải.

Lũ chuột tự do kiếm ăn trong khu dân cư như chỗ không người
Lũ chuột tự do kiếm ăn trong khu dân cư như chỗ không người

Chị Phạm Thị Thúy (24 tuổi, thuê trọ tại khu vực gần kênh Tân Trụ, phường 15, quận Tân Bình) kể: “Mọi người đã quen với cảnh đào bới, tàn phá của lũ chuột dưới cống ngoi lên. Dù dùng nhiều biện pháp như đổ bê tông, lấy gạch đá chặn miệng lỗ nhưng vẫn không thể ngăn cản chuột. Thậm chí có những lần chuột còn cắn vào móng chân khi tôi đang ngủ”.

Cũng theo lời chị Thúy, lũ chuột không chỉ từ các bờ kênh chui vào mà còn chui lên từ các lỗ cống. Thông thường các nắp cống luôn có các lỗ thông hơi to nên chuột có thể theo đường đó lên xuống và làm ổ dưới cống. “Những con chuột cống này nhìn rất ghê rợn, ghẻ lở trên người, hôi thối và đặc điểm là chúng không sợ người. Thấy đồ ăn vương vãi là lao vào lấy. Chúng tôi cũng dùng nhiều cách để bẫy chuột nhưng không ăn thua” – chị Thúy kể.

Người dân địa phương cho biết, nạn chuột bùng phát có thể do kênh Tân Trụ, Cống Lở và Hy Vọng bị ô nhiễm nặng vì một số cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra môi trường, tạo điều khiện thuận lợi cho đàn chuột sinh sôi. Tuy nhiên, quan sát thực tế cho thấy, hàng trăm hộ dân nơi đây đều thải rác sinh hoạt hàng ngày trực tiếp xuống kênh. Vừa có nơi cư ngụ “lí tưởng” về địa hình, vừa được cung cấp nguồn thức ăn “thoải mái” cộng với việc thiếu các phương án diệt chuột nên việc đàn chuột “đại náo” khu dân cư là điều dễ hiểu.

Chuột cống có thể mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Chuột cống có thể mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, Hanta virus truyền qua người bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu chuột. Hiện chưa có văcxin phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị. Bệnh này khi được điều trị kịp thời có thể khỏi sau 7 – 10 ngày.

Cũng theo bác sĩ Siêu, may mắn là không phải ai bị chuột cắn cũng nhiễm virus Hanta và không phải chuột cống nào cũng mang virus này. Cái khó khăn nhất của bệnh là dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác, biểu hiện ban đầu của người nhiễm virus Hanta là sốt cao kéo dài, giảm tiểu cầu nên các bác sĩ dễ nghĩ đến sốt xuất huyết. Đến khi vào cơn suy thận cấp thì việc cứu chữa sẽ rất khó khăn. Thỉnh thoảng Bệnh viện Nhiệt Đới, cũng tiếp nhận bệnh nhân dương tính với virus Hanta do tiếp xúc với chuột.

Vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn chuột lộng hành
Vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn chuột lộng hành

Các ngành chức năng khuyến cáo, người dân ở những nơi bị chuột “đại náo” nên ngủ trong màn, tránh để chuột cắn. Để hạn chế “giặc” chuột, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các quận huyện đã nhiều lần ra quân và dùng đủ các biện pháp diệt chuột nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Trước khi nạn chuột chưa được chặn đứng, cơ quan chức năng kêu gọi người dân nên xử lí phế thải trong sinh hoạt, không nên đổ trực tiếp xuống kênh tạo nguồn thức ăn cho chuột. Bên cạnh đó nên tổ chức phát quang, đánh sập hang ổ để chuột hết chỗ cư ngụ. Việc không có nơi trú ẩn và không có nguồn thức ăn chắc chắn sẽ hạn chế được số lượng chuột. Trong trường hợp bị chuột cắn hay tiếp xúc với chuột, nếu thấy sốt cao phải lập tức đến bệnh viện và báo cho bác sĩ biết để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.

Theo Dân trí

Thực hiện: depweb

20/11/2012, 07:44