Không có biện pháp gì mới
Trong năm 2012, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng số lượng phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố vẫn tăng đều đặn. Tính đến giữa tháng 11, số lượng phương tiện đăng ký tại thành phố đã có gần 520.000 xe ô tô và hơn 5.300.000 xe môtô, tức gần 6 triệu xe cơ giới. Đó là chưa kể cả triệu xe cơ giới từ các tỉnh đến thành phố mỗi ngày.
Trong khi đó, trong năm 2012 thành phố không có công trình giao thông lớn nào hoàn thành, đặc biệt là ở khu trung tâm, nơi tình trạng ùn tắc thường xảy ra nhất. Trong năm 2012, thành phố chỉ có vài dự án hạ tầng mới hoàn tất như cầu Rạch Chiếc, cầu Gò Dưa… Nhưng đó không phải là những dự án mang tính chiến lược để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Hàng loạt công trình lớn, mang tính chiến lược như Metro 1, cầu Sài Gòn 2 thì chỉ mới bắt đầu khởi công. Công trình mang tính giải pháp tình thế chiến lược là cầu vượt bằng thép thì chỉ mới bắt đầu xây dựng tại 2 vị trí trong quý 3 và dự kiến đến đầu năm 2013 mới hoàn thành, chưa thể phát huy tác dụng giải quyết ùn tắc.
Nhiều giải pháp khác được UBND TP đề cập trong báo cáo như là những then chốt giúp thành phố đạt thành tích cao trong chương trình giảm ùn tắc giao thông năm nay như tăng cường lực lượng tuần tra, tăng cường kiểm tra việc thi công các công trình đào đường, tổ chức giao thông khoa học, lắp đặt giải phân cách trên đường, cải tạo giao lộ… Tuy nhiên, đây là những giải pháp không mới, thời gian trước hầu như năm nào cũng thực hiện.
Một giải pháp đầy tham vọng khác được đề cập đến trong phần báo cáo thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông năm 2012 là triển khai thực hiện đề án thay thế, phát triển 1.680 xe buýt giai đoạn 2011 – 2013 để phát triển giao thông công cộng, thay thế xe cá nhân. Tuy nhiên, đến nay đề án này vẫn còn đang trong giai đoạn chờ xét duyệt, chưa triển khai.
Ùn tắc vẫn giảm… bất ngờ!
Dù không có công trình chiến lược hoàn thành, không có giải pháp hạn chế ùn tắc đột phá được thực hiện nhưng TPHCM vẫn đạt được kết quả rất bất ngờ trong năm 2012: chỉ xảy ra 2 vụ ùn tắc, giảm 92% so với cùng kỳ năm 2011.
Theo báo cáo tình hình triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2012 của Sở Giao thông Vận tải TPHCM vào tháng 2/2012, từ đầu năm cho đến ngày 26/2/2012, TP đã xảy ra 1 vụ ùn tắc. Một báo cáo khác cho biết đã xảy ra 1 vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút vào tháng 4/2012 là 2 vụ. Và con số ùn tắc dừng tại đó cho đến nay (!).
Trong khi đó, trong tháng 5/2012, báo chí liên tục đưa tin về những vụ ùn tắc khủng khiếp trên các tuyến đường trọng điểm. Đơn cử: Sáng 3/5/2012, báo Tuổi trẻ đưa tin cửa ngõ phía đông TPHCM tắc nghẽn nghiêm trọng do lượng người đổ vào TP sau lễ. Báo Người lao động đưa tin vào lúc 12h40 ngày 10/5/2012, trên quốc lộ 1A (quận Thủ Đức) đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 5 xe ôtô khiến kẹt xe kéo dài nhiều km…
Trước đó, vào lúc 10 giờ ngày 10/5/2012, trên Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức) xảy ra vụ va chạm giữa xe container và xe buýt khiến tuyến đường này bị tê liệt, các phương tiện phải xếp hàng dài nhiều km. Ngoài ra, Sở GTVT cũng không tính đến những vụ kẹt xe triền miên trong giờ cao điểm sáng và chiều trên đường Trường Chinh diễn ra mỗi ngày trong suốt tháng 5 mà nhiều báo đã lên tiếng…
Ngày 30/6/2012, báo Dân trí, Pháp luật, Tuổi trẻ… đồng loạt đưa tin kẹt xe nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua huyện Bình Chánh do sửa cầu Bình Điền. Trong dịp lễ 2/9, nhiều báo cũng đưa tin các vụ kẹt xe kéo dài nhiều tiếng đồng hồ tại các cửa ngõ trong thời gian trước và sau lễ. Ngày 1/10, báo Thanh niên cũng đưa tin kẹt xe nghiêm trọng tại nhiều khu vực nội thành do trời mưa, ngập nước…
Chỉ tiêu của TPHCM trong năm 2012 chỉ là giảm 10% số vụ ùn tắc (năm 2011 là 32 vụ). Nhưng trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với UBND TP vào đầu tháng 3/2012, Phó Thủ tướng đề nghị nên chăng tăng chỉ tiêu lên 30%. Từ đó, báo cáo về các vụ ùn tắc bắt đầu… giảm đà tăng trưởng.
Kết quả giảm ùn tắc hết sức bất ngờ trên không khỏi khiến người dân suy nghĩ: Đường “thông thoáng” như vậy, vì sao mỗi ngày họ vẫn phải “chôn chân” trên những tuyến đường?