Top 8 phim Hoa ngữ không thể không xem - Tạp chí Đẹp

Top 8 phim Hoa ngữ không thể không xem

Giải Trí

The Flowers of War (Kim Lăng Thập Tam Thoa)

Bộ phim “The Flowers of War” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu được xây dựng dựa trên tiểu thuyết “13 Người phụ nữ Nam Kinh” của nhà văn Nghiêm Ca Linh. Đây là một bộ phim bom tấn về đề tài chiến tranh, có sự tham gia của nam diễn viên Hollywood từng đoạt giải Oscar Christian Bale và được đại diện cho Trung Quốc tham gia tranh giải Oscar năm 2012.

Nội dung phim dựa trên sự kiện cuộc “đại thảm sát ở Nam Kinh” vào năm 1937 khi quân Nhật chiếm đóng Trung Quốc. Câu chuyện kể về 13 cô kỹ nữ ở bên sông Tần Hoài, 6 chàng binh sỹ thoát ra khỏi đống tử thi, những khuê nữ con nhà quyền quý và một vài vị linh mục, những người còn sót lại sau cuộc chiến thảm khốc, cùng trú ngụ trong một giáo đường và họ tiếp tục phải đối mặt với cuộc đại thảm sát lịch sử. Bộ phim đã được chuẩn bị trong 4 năm. Tổng kinh phí đầu tư lên đến 600 triệu NDT (khoảng 1900 tỷ VND) và thu về 15 triệu NDT (khoảng 50 tỉ đồng) sau một tuần công chiếu tại Trung Quốc.

Red Sorghum (Cao lương đỏ)

Bộ phim “Red Sorghum” đánh dấu lần đầu tiên hợp tác của cặp đôi xuất sắc Trung Hoa: đạo diễn Trương Nghệ Mưu và nữ diễn viên Củng Lợi. Nội dung phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Ngôn – chủ nhân giải Nobel Văn học 2012.

Bối cảnh phim là những năm 1920, 1930 tại miền quê Cao Mật ở miền Nam Trung Hoa. Phim kể về tình yêu trái ngang của một cô gái trẻ và một người phu kiệu khỏe mạnh (sau này thành tư lệnh Dư Chiêm Ngao). Kết tinh hạnh phúc ba ngày ngắn ngủi trong rừng cao lương đỏ của họ là một cậu con trai, sau này gia nhập đoàn quân Dư Chiêm Ngao mà không biết cha mình chính là vị tư lệnh đáng kính… Chuyện phim xuyên suốt với màu đỏ đặc trưng trong những tác phẩm của Trương Nghệ Mưu, để lại “ám ảnh” khó phai trong lòng người xem. Và dẫu đã bao nhiêu thập kỷ trôi qua (từ 1987 đến nay), “Red Sorghum” vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn đối với khán giả yêu điện ảnh đương thời.

To Live (Phải sống)

Tiểu thuyết “To Live” (Phải sống) của tiểu thuyết gia Yu Hua đã được đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu chuyển hóa thành bộ phim cùng tên và được tôn vinh ở Liên hoan phim Cannes năm 1994.

Bộ phim kể về Fugui, chàng trai trẻ giàu có và ngạo mạn, thường qua đêm với những trò đỏ đen và đã mất không ít tiền. Tất cả bắt đầu khi mà Fugui, ông bố trẻ của gia đình, và là người chồng hạnh phúc với cô vợ Jiazhen (Củng Lợi), vướng vào trò cờ bạc đến nỗi đánh mất tất cả gia sản tiền bạc. Những món nợ trở thành gánh nặng quá sức đến nỗi bố anh phải đành lòng bán đi ngôi nhà của mình để bù đắp cho những lỗi lầm mà cậu con trai mắc phải. Khi Fugui nhận thức được sai lầm của mình thì đã quá muộn, hoàn cảnh của anh trở nên không thể cứu vãn nổi: người bố qua đời, còn người vợ khi đó đang mang thai đứa con thứ hai, quyết định rời bỏ anh và mang theo đứa con gái đầu. Anh chỉ còn lại một mình, cô đơn, không xu dính túi và lang thang rách rưới trên phố…

Raise the Red Lantern (Đèn lồng đỏ treo cao)

“Raise the Red Lantern” thêm lần nữa chứng minh rằng, một bộ phim sẽ thành công xuất sắc khi có sự kết hợp của Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi. Bộ phim được phỏng theo tiểu thuyết “Wives and Concubines” (Thê thiếp đầy đàn) của tác gia Tô Đồng, vẫn giữ nguyên được tiếng vang từ thời điểm công chiếu (1991) cho đến hiện tại.

Đây được coi là một trong những bộ phim tráng lệ nhất, sáng tạo nhất của đạo diễn họ Trương, đặc biệt khi ông đưa vào chi tiết đèn lồng đỏ – không hề có trong nguyên tác và xử lý nó như một nhân vật quan trọng nhất, là linh hồn của bộ phim. Tình dục và quyền lực, giành giật và kìm nén, là những chủ đề đan xen vào nhau trong “Raise the Red Lantern”. Bối cảnh quanh quẩn ở trong tòa đại viện của một lão gia giàu có vào những năm 1920, kể câu chuyện về thói ăn miếng trả miếng của các bà vợ sống trong cảnh cá chậu chim lồng. Họ giở đủ mọi thủ đoạn để giành ưu tiên lọt vào tầm chiếu cố của lão gia.

1942

Cuối năm 2012, khán giả sẽ được trải nghiệm thêm về tài năng vượt bậc của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, người đã tạo dấu ấn mạnh mẽ với “Đường Sơn đại địa chấn” trước đó. Bộ phim lịch sử “1942” ngoài sự góp mặt của các diễn viên nổi tiếng Trung Quốc như Trương Quốc Lập, Trương Hàm Dư, Trần Đạo Minh… còn có sự tham gia của hai ngôi sao Hollywood từng giành giải Oscar là Tim Robbins và Adrien Brody.

Nội dung phim được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết “Remembering 1942” (Nhớ năm 1942) của nhà văn Lưu Chấn Vân, lấy bối cảnh nạn đói xảy ra ở Trung Quốc vào năm 1942. Đây cũng là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Nhật bước vào năm thứ 5, hàng trăm vạn người dân phải tha phương cầu thực và nạn đói đã lấy đi sinh mạng của 3 triệu người.

The Message (Phong thanh)

Bộ phim “The Message” (Phong Thanh) được công chiếu trong dịp lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc năm 2009 của đạo diễn Cao Quần Thư đã thổi một làn gió mới vào điện ảnh Trung Quốc với đề tài tình báo. Bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạch Gia và có sự tham gia của dàn diễn viên hàng đầu Trung Quốc: Châu Tấn, Huỳnh Hiểu Minh, Lý Băng Băng, Tô Hữu Bằng, Trương Hàm Dư.

Chuyện phim diễn ra tại Nam Kinh năm 1942 khi lãnh thổ Trung Quốc đang bị quân đội Nhật Bản kiểm soát. Sau một loạt vụ ám sát nhằm vào quan chức chính phủ bù nhìn của Nhật Bản, viên tướng Takeda đã tung tin tức giả hòng dụ bắt một nhóm những kẻ bị tình nghi là nội gián về ngôi biệt thự Cầu Trang để tra hỏi. Trò chơi “mèo vờn chuột” căng thẳng bắt đầu khi một điệp viên cộng sản Trung Quốc (với mật danh “Lão Quỷ”) cố gắng đưa tin tình báo ra ngoài để bảo vệ tổ chức của mình.

Red Cliff (Xích Bích)

“Red Cliff” của đạo diễn Ngô Vũ Sâm dựa trên tiểu thuyết “Tam quốc chí” của La Quán Trung được sản xuất với kinh phí 80 triệu USD, được coi là bộ phim đắt giá nhất trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc và châu Á tính cho đến năm 2008.

Bộ phim lấy bối cảnh triều đại nhà Hán ở Trung Hoa năm 208 sau Công nguyên khi bị chia cắt thành nhiều lãnh thổ cát cứ. Lấy Hoàng đế làm bình phong, Thừa tướng Tào Tháo gây hấn với nước Thục ở phía Tây, do hoàng thúc Lưu Bị cai quản. Tào Tháo mang dã tâm cực lớn: thâu tóm tất cả các nước và trở thành hoàng đế của Trung Hoa thống nhất. Lưu Bị phái quân sư Gia Cát Lượng đi sứ đến Đông Ngô nhằm thuyết phục chủ công Tôn Quyền liên minh lực lượng kháng Tào. Tại đây, ông gặp đô đốc Chu Du lừng danh Đông Ngô, hai người giao kết thành bạn thân. Hay tin Ngô – Thục liên minh, Tào Tháo giận dữ phái 80 vạn tinh binh cùng hai ngàn chiến thuyền Nam tiến, quyết một phen “nhất tiễn song điêu”, tiêu diệt hai thế lực chống đối. Trận chiến Xích Bích nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa xảy ra, kết quả hai ngàn chiến thuyền Bắc Ngụy bị thiêu rụi, làm xoay chuyển bánh xe lịch sử Trung Hoa.

Go! Lala Go! (Nhật ký của Đỗ La La)

Bộ phim “Go! Lala Go” được dựng dựa trên cuốn tiểu thuyết “best-selling” – “A Story of Lala’s Promotion” (Câu chuyện về sự thăng tiến của Lala) do nữ diễn viên xinh đẹp Từ Tịnh Lôi đạo diễn và đảm nhiệm vai chính. Nội dung phim gửi đến khán giả cái nhìn rõ nét hơn về cuộc sống của giới nhân viên văn phòng, những mâu thuẫn, tình yêu, tình bạn nơi công sở.

 Nhân vật Đỗ La La bắt đầu sự nghiệp của mình tại một công ty đứng trong hàng ngũ 500 công ty hàng đầu trên thế giới với công việc là một nhân viên tiếp tân khiêm tốn. Nhưng La La luôn cố gắng hết mình để đối mặt với sức ép và sự thất vọng với thái độ tích cực, nhận thức rằng trở ngại chỉ là những thử thách gay go mà cô phải vượt qua. Cuối cùng cô đã gặt hái được sự thăng tiến trong công việc và thêm một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng nữa, là tình yêu.

Linh Nguyễn ( Theo Chinesefilm)
http://www.chinesefilms.cn/141/2012/10/16/122s12290.htm

Thực hiện: depweb

07/11/2012, 14:39