Top 7 bộ phim tuyệt vời hơn tiểu thuyết

Thông thường, những bộ phim phỏng theo tiểu thuyết thường khiến người đọc thất vọng vì không thể lột tả được hết những nhấn nhá, chấm phá sâu sắc mà từ ngữ mang lại. Thế nhưng, vẫn có những trường hợp ngược lại, một số bộ phim phỏng theo còn tuyệt vời hơn cả nguyên tác của nó. Dưới đây là top 7 bộ phim như thế.

The Notebook

phim lễ tình nhân - the notebook

“The Notebook” luôn là cái tên nằm trong top đầu những bộ phim xuất sắc hơn tiểu thuyết. Bạn hoàn toàn có thể kiểm chứng điều này qua việc tự xem, tự đọc và tự so sánh. Điều tuyệt vời hơn cả là hình ảnh nhân vật Noah trong phim có phần lãng mạn hơn trong tiểu thuyết. Một phần là nhờ vào ngoại hình điển trai, lãng tử và đôi mắt hút hồn của nam diễn viên Ryan Gosling. Bên cạnh đó là những cảnh quay lãng mạn, ngọt ngào và diễn xuất tuyệt vời của hai diễn viên chính. Họ đã thể hiện đam mê, khao khát dành cho nhau cháy bỏng đến mức khiến khán giả bị cuốn theo một chuyện tình vĩ đại có thật, cùng nức nở theo những cung bậc cảm xúc của nhân vật. Và cho đến nay, vẫn chưa có quyển tiểu thuyết nào khác của nhà văn Nicholas Sparks được chuyển thể thành phim thành công như “The NoteBook”.

The Perks of Being a Wallflower

Khi một tác giả viết nên một quyển tiểu thuyết khiến hàng triệu độc giả, đặc biệt biệt là giới trẻ say mê, thì việc làm thế nào để bộ phim chuyển thể từ tác phẩm đó hoàn hảo tới mức chạm được kỳ vọng của độc giả là điều cực kỳ quan trọng. Điều này cũng lý giải vì sao tác giả của quyển tiểu thuyết ăn khách “The Perks of Being a Wallflower”, Stephen Chbosky kiên quyết trở thành nhà viết kịch bản và đạo diễn của bộ phim được chuyển thể cùng tên.

Bộ phim với sự góp mặt của ngôi sao loạt phim “Harry Porter”, Emma Watson đã thành công hơn cả mong đợi. Cùng nội dung với tiểu thuyết, bộ phim đã chạm đến những vấn đề gần gũi trong cuộc sống của các cô cậu nhóc tuổi teen. Sự ngọt ngào, thi vị của tình yêu và tình bạn được dàn diễn viên của “The Perks Of Being A Wallflower” lột tả một cách khéo léo, tự nhiên, mang lại cho khán giả những giây phút nhẹ nhàng, ý nghĩa.

Requiem for a Dream

Tiểu thuyết “Requiem for a Dream” đã được dựng thành phim và được chiếu ở Việt Nam với cái tên gây tò mò “Lễ cầu hồn cho một giấc mơ”. Những ai xem xong phim rồi muốn tìm tiểu thuyết để đọc hoặc ngược lại, đều phải công nhận một điều, rằng bộ phim đã truyền tải được hết nội dung của câu chữ, mang đến hình ảnh chân thực về số phận đầy tính bi kịch của 4 nhân vật chính trong phim.

Bạn có thể cảm thấy đã rất tối tăm và tuyệt vọng khi đọc tiểu thuyết, nhưng sẽ càng thấy tối tăm và tuyệt vọng hơn nhiều khi xem phim. Kết thúc bộ phim, đọng lại trong khán giả là những cảm xúc hỗn độn không tên và không dễ gì diễn tả được bằng lời. Cuộc đời với những câu chuyện buồn, rối rắm và phức tạp của các nhân vật đã được khắc họa một cách rõ nét qua bối cảnh, không gian và diễn xuất của dàn diễn viên chính, đặc biệt là ngôi sao Jared Lato.

The Devil Wears Prada

Có thể nói nhờ vào nhân vật Miranda Preisty khó tính đến mức không thể chịu đựng được của nữ diễn viên từng 8 lần đoạt giải Quả cầu vàng Meryl Streep mà bộ phim “The Devil Wears Prada” xuất sắc hơn tiểu thuyết cùng tên.

Thế giới thời trang hào nhoáng, bóng bẩy mà tác giả vẽ ra trong tiểu thuyết lại được thể hiện xuất sắc trong bộ phim. Kịch bản phim vẫn được giữ nguyên so với tiểu thuyết gốc, thế nhưng những gì mà đoàn làm phim làm được lại tuyệt vời hơn sách rất nhiều. Những nhân vật được xây dựng rõ nét, chân thực và tuyệt vời hơn cả miêu tả bằng văn viết, là một Andy cá tính hơn, một Emily nham hiểm hơn và một Miranda xấu xa hơn rất nhiều…

Jurassic Park

Quyển tiểu thuyết khoa học viễn tưởng năm 1990 “Jusrassic Park” (Công viên khủng long) của Michael Crichton là một tác phẩm tuyệt vời nhưng không thể đặt bạn vào trong một công viên bị những con khủng long khổng lồ xâm lấn như bộ phim chuyển thể đã làm được.

Đạo diễn Steven Spielberg đã mang lại cho khán giả một cảm giác sợ hãi đến nghẹt thở với âm thanh Dolby Surround vang dội và hình ảnh thật đến không ngờ của những con thú mà trước nay chỉ biết đến qua hình ảnh hay tưởng tượng. Mặc dù so với nội dung tiểu thuyết, kịch bản phim có khác một phần, những nhân vật chết trong phim lại sống sót ở trong sách và một số nhân vật trong phim đã được thay đổi về mặt tính cách so với tiểu thuyết. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chính bộ phim được sản xuất năm 1993 này đã đem lại một sức sống mới cho những quyển sách cùng thể loại, giúp chúng chiếm những vị trí hàng đầu trong danh sách của các nhà phê bình.

Fight Club

Bộ phim năm 1999 “Fight Club” của đạo diễn David Fincher chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chuck Palahniuk là một trong những bộ phim xứng đáng nằm trong danh sách này. Điều làm nên sự vượt bậc của bộ phim là nhân vật chính Tyler Durden do tài tử Brad Pitt thủ vai.

Trong tiểu thuyết, Tyler không mạnh mẽ và lý tưởng như nhân vật mà Brad Pitt đã làm được trong phim. Rất nhiều câu hội thoại tuyệt vời mà Tyler nói trong phim không hề có trong tiểu thuyết. Bên cạnh đó, kỹ thuật dựng phim là xuất sắc và nhạc nền là không thể chê vào đâu được. Hai nhân vật của Brad Pitt và Edward Norton trong “Fight Club” cũng là những vai diễn để đời trong sự nghiệp của họ. Có thể quyển sách giúp bạn hiểu sâu sắc hơn về câu chuyện, nhưng chính bộ phim mới mang lại cho bạn toàn bộ những điều còn sót lại mà bạn kỳ vọng.

The Shining

Là một bộ phim kinh dị chuyển thể từ một tiểu thuyết kinh dị, nhưng chắc chắn hình ảnh và âm thanh trong phim “The Shining” sẽ khiến bạn “lạnh sống lưng” hơn rất nhiều so với các câu chữ trong tiểu thuyết cùng tên. Bởi những hiệu ứng, kỹ xảo hình ảnh ghê rợn hơn với những điều trước đó mà độc giả tưởng tượng trong đầu mình.

Là tác phẩm không quá xuất sắc của Stephen King, nhưng nó đã được Stanley Kubick chuyển thể thành bộ phim vô cùng rùng rợn, luôn luôn có mặt trong vô số danh sách các “Phim kinh dị đáng sợ nhất lịch sử” từ trước tới nay.


From the same category