1. Tín đồ shopping mini
Tác giả: Sophie Kinsella
Người dịch: Linh Nâu.
Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn
Đúng là Sophie Kinsella – tác giả của “Tín đồ shopping” lại “ngựa quen đường cũ”, bất chấp cái “ổ gà” mới: khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng lần này thì có vẻ đáng tha thứ hơn: vì “tín đồ shopping” ở đây, kinh khủng thay, là… một cô bé lên hai – bản photocopy hoàn hảo của “Tín đồ shopping” – Mẹ, với những bản danh sách dài dằng dặc những vòi vĩnh và làm khó mà để đáp ứng được nó trong điều kiện tài chính eo hẹp, đòi hỏi người mẹ nhất thiết phải có tài “mưu lược”. Truyện có thể khiến bạn nghĩ ngay đến “tín đồ giày cao gót” Suri – “cục cưng” nhà Tom Cruise – Katie Holmes, dù cái ổ gà “khủng hoảng” còn lâu mới chạm được đến gót giày của cô bé.
2. Tiếng hát người cá
Tác giả: Masatsugu Ono.
Người dịch: Lâm Thương.
NXB Trẻ.
Một câu chuyện vừa được kể bằng một giọng điệu “ngồi lê đôi mách”, không đầu không cuối của cánh đàn bà, lại vừa như trẻ con đang chơi trò xếp hình với những mảnh ghép tuồng như ngẫu nhiên lại vừa như hữu ý. Một Nhật Bản khác mà cả Kawabata lẫn Murakami cũng đều dường như chưa chạm tới, khi nó thuộc về thời tiền hiện đại và nằm cách biệt thành một ô riêng trên tấm bản đồ toàn cầu hóa. Một Nhật Bản truyền thống, một Nhật Bản của những người già, một Nhật Bản vùng sâu vùng xa, một Nhật Bản thiêng liêng đến chừng không thể mất…Và đúng là không mất, ít nhất, ở một tác giả sinh năm 1970, nhiều năm nay ăn cơm Tây ở nhà Tây, duy ánh mắt là luôn quay về núi…
3. Mắt người Sơn Tây
Tuyển thơ văn Quang Dũng.
NXB Hội Nhà Văn & Nhã Nam.
“Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn – Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng – … Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ – Còn có bao giờ em nhớ ta…”, “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy – Có thấy hồn lau nẻo bến bờ – Có nhớ dáng người trên độc mộc – Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”, “Ơi! Con đường xưa – Men vườn ổi thơm – Em tuổi hai mươi – Yêu anh hào hiệp – Bỏ em anh đi – Đường hai mươi năm – Dài bao chia ly -… Em mãi là hai mươi tuổi – Ta mãi là mùa xanh xưa – Giữ trọn tình người cho đẹp…” – “Sến” mà hào hoa được đến nhường kia, hỏi sao “em không nhớ ta” cho được! Nữa đây còn là “hào hiệp” – món quà mà hình như lâu nay chị em chúng ta không còn nhận được, không mấy khi nhận được… Hoặc giả, nếu có, thì cũng chưa chắc đã đủ để “giữ trọn tình người”…