Việc Donald Trump trở lại Nhà trắng đã một lần nữa khẳng định sự biến động không ngừng của chính trường Mỹ, khiến câu nói “lịch sử lặp lại” trở nên có thật hơn bao giờ hết.
Trải qua nhiều vòng tranh cử, thậm chí đứng trước hàng loạt sức ép dư luận lẫn những cuộc bạo loạn khốc liệt, Donald Trump đã chính thức tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào ngày 06/11, với tổng số phiếu bầu là 312. Chiến thắng này đánh dấu cột mốc quan trọng của nước Mỹ khi lần đầu tiên trong 100 năm lịch sử đất nước có một tổng thống đắc cử nhiệm kỳ không liên tiếp, kể từ thời Grover Cleveland.
Phát biểu trước đám đông ủng hộ tại Hội nghị Palm Beach (Florida), Trump bày tỏ rằng ông cảm thấy vô cùng vinh dự khi được bầu làm Tổng thống lần thứ 47, đồng thời nhấn mạnh cử tri Mỹ đã trao cho ông “một sứ mệnh to lớn chưa từng có”. Đáng chú ý, ngay khi Donald Trump được xác nhận giành chiến thắng, các thị trường tài chính trên toàn cầu chứng kiến một sự phục hồi mạnh mẽ. Các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ đồng loạt tăng, trong đó đồng đô la đạt mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2016, với chỉ số Dollar Index tăng 10%, đạt mức cao nhất trong hơn hai năm.
Mới đây, lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump đã diễn ra tại Washington D.C. Buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Joe Biden, Phó tổng thống Kamala Harris, cùng các cựu tổng thống và các chính khách chủ chốt của Hoa Kỳ. Buổi lễ bắt đầu với nghi thức tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống của ông James David Vance. Ngay sau đó, đúng 0 giờ ngày 21/1 (theo giờ Việt Nam), Donald Trump bước lên bục, đặt tay lên kinh thánh và đọc lời tuyên thệ 35 chữ theo quy định của Hiến pháp. “Tôi – Donald Trump, long trọng tuyên thệ sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ một cách trung thành và nỗ lực hết mình để giữ gìn, cũng như bảo vệ Hiến pháp Mỹ. Vì thế, xin Chúa hãy giúp tôi”, ông Trump tuyên thệ trước Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ – John Roberts. Sau khi lời tuyên thệ kết thúc, loạt pháo lễ chào mừng đánh dấu giờ phút Hợp chúng quốc Hoa Kỳ chính thức đón chào Tổng thống lần thứ 47.
Khép lại phần tuyên thệ, Tân Tổng thống đã có bài phát biểu nhậm chức. “Tôi trở lại chức vụ Tổng thống với sự tự tin và niềm lạc quan rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên đầy hứng khởi về sự thành công của đất nước. Một làn sóng thay đổi đang len lỏi khắp đất nước, ánh mặt trời đang chiếu rọi khắp thế giới và nước Mỹ đang có cơ hội này hơn bao giờ hết”, ông Trump nói. Song, vị tổng thống cũng khẳng định “sẽ chiến đấu” vì người dân xứ sở cờ hoa và hứa hẹn về một thời kỳ hoàng kim cho nước Mỹ. “Kỷ nguyên vàng của nước Mỹ bắt đầu từ bây giờ. Từ lúc này, đất nước chúng ta sẽ lại thịnh vượng và được tôn trọng trở lại trên toàn thế giới. Chúng ta sẽ trở thành niềm ghen tị của mọi quốc gia, và chúng ta sẽ không để bị lợi dụng thêm nữa trong từng ngày của chính quyền Trump. Tôi sẽ đặt nước Mỹ lên hàng đầu”, Donald Trump nhấn mạnh.
Nếu cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã dành ngày đầu tiên của buổi lễ nhậm chức để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng nhằm cứu vãn nền kinh tế, thì Donald Trump khởi đầu bằng các chính sách nhằm phục hưng Hoa Kỳ, thể hiện cam kết sẽ đưa quốc gia này trở nên hùng mạnh và hưng thịnh. Tổng thống Donald Trump đã cam kết thực hiện một chiến dịch trục xuất quy mô lớn, nhắm đến khoảng 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ và người xin tị nạn, bao gồm cả những người từng có tiền án. Vị tổng thống dự định hủy bỏ các biện pháp bảo vệ đối với những người này và thay đổi ưu tiên trục xuất từ những tội phạm nghiêm trọng sang những người nhập cư lâu dài không có giấy tờ. Để thực hiện kế hoạch này, ông Trump dự kiến ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sử dụng quân đội để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật trong việc bắt giữ và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.
Một trong những cam kết quan trọng của ông Trump cho nền kinh tế Mỹ là áp dụng 25% thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mỹ và Canada, và dự kiến bắt đầu từ ngày 01/02/2025. Nước đi này được xem như một phần trong chiến lược “Ưu tiên nước Mỹ” của ông Trump, nhằm bảo vệ sản xuất nội địa và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, nó cũng đối mặt với nhiều chỉ trích từ các chuyên gia kinh tế khi có nguy cơ đẩy chi phí sản xuất lên cao, gây khó khăn cho người tiêu dùng và làm tổn hại quan hệ thương mại với các đối tác chiến lược. Hơn hết, chính sách này khiến Chính phủ Canada đã bày tỏ sự sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ thực hiện kế hoạch áp thuế.
Điểm đáng chú ý khi Trump tái đắc cử đó là ký sắc lệnh ân xá cho khoảng 1.500 người tham gia vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021. Quyết định này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận và giới chính trị. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump tự nhận mình là “vị cứu tinh được Chúa lựa chọn” để “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, đồng thời nhấn mạnh việc ân xá như một bước tiến hướng tới “hòa giải dân tộc”. Dù vậy, nhiều người cho rằng động thái này có thể làm gia tăng căng thẳng chính trị và xã hội, đặc biệt khi vụ bạo loạn đã gây ra hậu quả nghiêm trọng và được xem là một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử dân chủ Mỹ.
Chưa dừng lại ở đó, Donald Trump cam kết sẽ đảo ngược những tiến bộ về quyền của người chuyển giới. Cụ thể, ông ký sắc lệnh chỉ công nhận hai giới tính sinh học là nam và nữ, đồng thời cấm người chuyển giới nhập ngũ vào quân đội Mỹ, cũng như ngừng cho phép phụ nữ chuyển giới tham gia thể thao nữ. Quyết định này của ông sẽ ảnh hưởng đến khoảng 1.6 triệu người Mỹ chuyển giới, trong đó có 15.000 quân nhân đang phục vụ trong quân đội cùng hàng nghìn vận động viên sinh viên ở các trường học và đại học trên toàn quốc.
Không chỉ vậy, sau khi nhậm chức, ông còn ký sắc lệnh thu hồi 78 chính sách từ chính quyền Joe Biden. Nổi bật nhất là rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vì ông cho rằng cơ quan này đã không xử lý đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng y tế khác trên toàn cầu một cách đúng đắn. Đặc biệt hơn, Trump đã thu hồi quyết định của cựu Tổng thống Biden về việc xóa Cuba khỏi danh sách các quốc gia “tài trợ khủng bố”, nhằm áp đặt lại các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này. Ngoài ra, Chính quyền Trump đã hủy bỏ mục tiêu chuyển đổi sang xe điện vào năm 2030, phản ánh sự thay đổi trong chính sách năng lượng và môi trường. Đáng nói, ông Trump còn ban hành lệnh đóng băng tuyển dụng liên bang và thành lập một nhóm cố vấn nhằm cắt giảm quy mô chính phủ. Các biện pháp này được cho là sẽ ảnh hưởng đến lực lượng lao động liên bang và có thể dẫn đến việc nhiều nhân viên liên bang tự nguyện rời bỏ vị trí.
Một điểm đáng chú ý khác, Donald Trump cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp quyết định trì hoãn lệnh cấm TikTok tại Hoa Kỳ thêm 75 ngày. Trước đó, ứng dụng này đã bị gỡ khỏi các cửa hàng ứng dụng và ngừng hoạt động tại Mỹ do lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc. Quyết định của Tân Tổng thống nhằm tạo thêm thời gian cho ByteDance tìm kiếm đối tác mua lại tại Mỹ, đồng thời đề xuất khả năng chính phủ Hoa Kỳ nắm giữ 50% cổ phần trong hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Tưởng chừng thế sự khép lại ở đó, nhưng Tổng thống Donald Trump một lần nữa khiến công chúng phải xôn xao khi quyết định ngồi xuống đàm phán về xung đột Ukraine. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump nhấn mạnh cam kết chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ, mặc dù thời hạn này được cho là khá tham vọng. Đáp lại, Tổng thống Nga – Vladimir Putin bày tỏ sẵn sàng đối thoại với chính quyền mới của Mỹ, hy vọng đạt được “hòa bình lâu dài” dựa trên sự tôn trọng lợi ích hợp pháp của tất cả các bên liên quan. Những động thái này cho thấy một cơ hội mới cho tiến trình hòa bình tại Ukraine, với sự tham gia tích cực từ các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới.
Có thể thấy, tuy chỉ mới tái nhậm chức, nhưng Tổng thống Donald Trump đã lập tức chứng minh rằng ông không có ý định chờ đợi hay thăm dò tình thế. Những quyết sách táo bạo và nhanh chóng được ông đưa ra ngay trong những ngày đầu của nhiệm kỳ đã tạo nên một luồng tranh luận sôi nổi trên cả chính trường trong nước và quốc tế. Điều này không chỉ phản ánh phong cách lãnh đạo quyết đoán, mà còn cho thấy ông đang định hình lại nền chính trị Mỹ theo hướng mà ông tin rằng sẽ củng cố vị thế của quốc gia. Tuy nhiên, với tốc độ và quy mô của những thay đổi, ông Trump đang đặt ra bài toán lớn cho hệ thống chính trị và các tổ chức liên quan. Liệu các quyết định này sẽ mang lại hiệu quả dài hạn hay chỉ tạo nên những rung chuyển tạm thời? Đó là câu hỏi không chỉ dành cho ông Trump, mà còn cho cả những nhà lập pháp, doanh nghiệp và người dân Mỹ trong giai đoạn đầy biến động này.