Tổng kết Hội Sách Hà Nội 2016

Hội Sách không chỉ nhằm tôn vinh văn hoá đọc, xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống văn hóa xã hội của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà còn là dịp để ôn lại truyền thống văn hiến Thăng Long – Hà Nội, góp phần làm sâu sắc hơn về ý nghĩa lịch sử to lớn của Ngày Giải phóng Thủ đô. Đồng thời ghi dấu chặng đường hơn 20 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sự kiện chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN.

Lễ khai mạc Hội Sách đã được tổ chức trang trọng sáng ngày 6/10/2016 với sự hiện diện của Đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố, Đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đại diện Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, các cơ quan Trung ương, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các cơ quan thông tấn báo chí và đại diện các đơn vị tham gia Hội Sách cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đặc biệt, tham dự lễ khai mạc Hội Sách còn có Đại sứ Philippnes, Đại sứ Indonesia, tham tán văn hóa Đại sứ quán Nga và Claudia Kaiser (Phó Chủ tịch Hội Sách quốc tế Frankfurt – Hội chợ sách lớn nhất thế giới), Chủ tịch Hội Xuất bản Asean, lãnh đạo hiệp hội xuất bản các nước trong cộng đồng Asean. 

Hai chuyên đề trưng bày sách “Hà Nội với các nước Asean” đã giới thiệu sách, ảnh, ấn phẩm về truyền thống văn hoá, lịch sử và các hoạt động hợp tác giữa Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung với các nước thành viên cộng đồng ASEAN; chuyên đề “Biển, đảo Việt Nam” giới thiệu nhiều sách, ảnh, bản đồ, tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, đồng thời trưng bày mô hình Bản đồ Tổ quốc xếp bằng sách và mô hình Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa rất ấn tượng, khiến nhiều độc giả đã ghi lại những dòng cảm tưởng vô cùng xúc động.

Bên cạnh phần trưng bày sách, Hội Sách năm nay có 168 gian hàng của 46 nhà xuất bản, công ty sách trong nước và 20 nhà xuất bản, tập đoàn xuất bản, đại diện bản quyền của 12 nước (là Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hungary, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia); đã giới thiệu tới độc giả hàng chục vạn bản sách gồm nhiều thể loại phong phú, đa dạng: chính trị – xã hội, văn học nghệ thuật, kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ, thiếu nhi, ngoại văn, sách điện tử và thiết bị số…

Trong 3 ngày 6/10 đến 8/10/2016, đã diễn ra 25 cuộc gặp gỡ trao đổi về giao dịch bản quyền giữa các nhà xuất bản, công ty sách trong nước và các nhà xuất bản nước ngoài với khoảng 90 đầu sách được đặt mua bản quyền và đang tiếp tục được giao dịch; thực hiện ký kết 06 hợp đồng bản quyền tại Hội Sách. 

Về doanh thu, theo báo cáo chưa đầy đủ (do các đơn vị vẫn đang tiếp tục cập nhật báo cáo), mặc dù năm nay Hội Sách chỉ diễn ra trong 5 ngày nhưng doanh thu của toàn Hội Sách năm 2016 đạt trên 7 tỷ đồng (tăng 17% so với doanh thu của Hội Sách 2015). 

Các đơn vị: Nhà xuất bản Kim Đồng, Công ty Cổ phần Phát hành sách Tp.HCM chi nhánh Hà Nội (FAHASA), Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam là những đơn vị đạt doanh thu cao nhất Hội Sách. Tiếp theo là các đơn vị: Công ty Cổ phần Sách Alpha, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, Công ty Cổ phần Văn hóa Huy Hoàng… là những đơn vị cũng có lượng sách phát hành cao.

10 tên sách bán chạy nhất tại Hội Sách: Tranh truyện màu lịch sử “Lược sử nước Việt bằng tranh” (Nhà xuất bản Kim Đồng), Sách tô màu các loại (Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành), Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông), Vài ngón nghề ngoại giao (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật), 365 trò chơi khoa học khó mã dễ, dễ mà khó (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Văn hóa Đinh Tỵ mua bản quyền từ nhà xuất bản Usborne của Anh), Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori (Nhà xuất bản Phụ nữ), Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương (Nhà xuất bản Dân trí và Công ty Cổ phần Sách Alpha), Sherlock Holmes toàn tập (Nhà xuất bản Văn học), Những khúc hát thương nhau (Nhà xuất bản Lao động và Công ty Cổ phần Sách Thái Hà), Truyện nhà Bông Bờm Bách (Nhà xuất bản Lao động và Công ty Cổ phần Sách Thái Hà).

Trong suốt 5 ngày của Hội Sách, độc giả Thủ đô đã có cơ hội tham gia 25 cuộc tọa đàm, ra mắt sách, giao lưu giữa độc giả với các tác giả, nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu của ngành xuất bản thế giới… Một số chương trình có nội dung rất ý nghĩa, thu hút được sự tham gia của đông đảo độc giả như: Giao lưu với bà Claudia Kaiser – Phó Chủ tịch Hội Sách Quốc tế Frankfurt (Đức) về xu hướng phát triển của ngành xuất bản trên thế giới và giới thiệu về Hội Sách quốc tế Frankfurt. Giao lưu Tác giả với bạn đọc – gặp gỡ tác giả Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và cuốn sách “Vài ngón nghề ngoại giao” do NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật thực hiện; Giao lưu với nhà văn Hoàng Quốc Hải quanh bộ sách “Bão táp Triều Trần” và Giao lưu giữa các dịch giả và thí sinh cuộc thi “Thử tài dịch sách” của NXB Phụ nữ. Tọa đàm “Thanh niên Việt nên làm gì?” nhân dip ra mắt cuốn sách “Trai nước Nam làm gì?” của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy do Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức…

Một hoạt động hết sức ý nghĩa lần đầu tiên được tổ chức Trong khuôn khổ Hội Sách Hà Nội 2016 là cuộc thi “Đại sứ Văn hoá đọc Thủ đô 2016” dành cho các em thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn Thành phố. Sau hơn 3 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút được hơn mười ngàn học sinh Hà Nội tham dự ở cấp trường và cấp phòng GD&ĐT. Tại vòng thi Thành phố, BTC đã nhận được 1.219 bài dự thi với 858 bài tiếng Việt, 361 bài tiếng Anh. Đã chấm và trao giả cho 2 Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu của Thủ đô là: Nguyễn Vân Thùy Linh (lớp 9A4 THCS Ngô Sĩ Liên) và Cao Mỹ Duyên (lớp 5A1 Tiểu học Lý Thái Tổ) và 20 Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô phần tiếng Việt, cùng 5 Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô phần tiếng Anh. Các Đại sứ Văn háo đọc Thủ đô đã thể hiện sự xuất sắc trong ý tưởng, cách chọn sách, nội dung, kỹ thuật viết và khả năng sáng tạo; đề xuất ý tưởng để phát triển văn hóa đọc. 

Các hoạt động bên lề cũng đã được Ban Tổ chức quan tâm, đầu tư nhằm tạo ra một không gian văn hóa hấp dẫn, phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân trong dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ngoài ra, nhằm tạo thêm nhiều không gian và dịch vụ, phục vụ bạn đọc khi đến với Hội Sách, Ban Tổ chức sẽ tổ chức các khu vực như: Trà sách – Thư pháp, cà phê (miễn phí), vẽ chân dung, khu vui chơi cho trẻ em…

Năm nay, Ban Tổ chức cũng tiếp tục phát động các đơn vị tham gia Hội Sách và độc giả ủng hộ, quyên tặng sách cho các thư viện trường học và các điểm bưu điện văn hóa các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn Thành phố, các chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Lý Sơn… 

Công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, trực y tế, vệ sinh môi trường… được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ và chủ động tổ chức các phương án thực hiện theo Kế hoạch của Thành phố. Việc tổ chức trông giữ xe phục vụ nhân dân tham gia Hội Sách năm nay cơ bản được giải quyết, Ban Tổ chức đã bố trí, bổ sung thêm các điểm trông giữ xe quanh khu vực tổ chức Hội sách trong suốt thời gian diễn ra Hội Sách. 

Tuy nhiên, do có nhiều hoạt động được tổ chức tại Hoàng Thành Thành Thăng Long trong dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, công tác tổ chức Hội Sách còn nhiều điều cần phải rút kinh nghiệm để việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các đơn vị tham gia và nhân dân Thủ đô.   

Hội Sách Hà Nội được tổ chức lần thứ ba tại Di sản Hoàng Thành Thăng Long – Di sản văn hóa thế giới. Để Hội Sách Hà Nội trở thành một hoạt động thường niên, một nét đẹp trong đời sống văn hóa xã hội của Thủ đô, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các nhà xuất bản, công ty sách, công ty phát hành của Hà Nội và cả nước.

PV

 

 

 


From the same category