Tổn thọ vì… con cưới!

Ngày cưới của con gái, ba mồ hôi nhễ nhại, vừa tiếp sui gia vừa tả xung hữu đột vào bếp. Còn mẹ, tranh thủ sau giờ đồng áng, thức trắng đêm tính toán, mua gà, mua gạo, chạy đôn chạy đáo lo thiệp cưới, thay con… chọn váy cô dâu. Ngày mai đám cưới, mãi đến trưa nay, cô dâu chú rể mới lò dò về nhà.

Bố mẹ “tự xử” từ A-Z

Cứ nhắc đến cưới xin là chị Hà Thị Dung (52 tuổi, huyện Thanh Ba, Phú Thọ) lại muốn rợn tóc gáy. Trước đây, khi thấy con gái 25 tuổi cứ “nhởn nhơ”, chẳng thấy yêu ai, chị Dung cứ nơm nớp lo con bị ế. Đùng một cái, cách đây một năm, đang đi làm tại Sài Gòn, con gái chị thông báo về cho cha mẹ là mình muốn lấy chồng, một chàng cùng quê.

Mừng chưa được bao lâu, gia đình đã thấy lo vì con gái chị thỏ thẻ: “Làm hai tiệc, cưới ở quê xong là con bay vào Sài Gòn làm tiếp một cái nữa đãi đồng nghiệp, bạn bè. Con sẽ lo liệu đám cưới ở Sài Gòn, còn đám cưới ở quê phải nhờ bố mẹ ra tay, đến sát hôm cưới chúng con mới có mặt ở nhà được”.

Vậy là, vắng mặt cô dâu, chú rể, hai bên gia đình ở quê phải sắp xếp trước mọi thứ. Ngày nhà trai đến bàn với nhà gái chuyện đám hỏi, chọn ngày lành tháng tốt cũng chỉ có hai bên sui gia, hai nhân vật chính… mất hút.

Nhà chị Dung vốn neo người, chẳng đông con cháu gì nên hai vợ chồng cứ thế mà “ôm sô” tất tần tật mọi việc. Chồng chị Dung phải xuống thành phố Việt Trì để đặt thiệp mời cho con, rồi phải mang thiệp tới từng nhà họ hàng lẫn bạn học chung với con ngày trước để mời đám cưới. “Nhiều khi, ban ngày phải làm việc đồng áng nên vợ chồng tôi phải tranh thủ thời gian buổi tối đi mời khách. Rồi mua gà, mua gạo nếp… đến tận 11h khuya mới về nhà” – chị Dung nhớ lại. Con gái về muộn, sợ không đủ thời gian đi thuê áo cưới, chị Dung phải nhờ một người bạn của con ở gần nhà cùng đi lựa áo cô dâu giúp, rồi chị lo luôn việc thuê người trang điểm, chọn hoa cưới… Quả đúng như lời… cảnh báo, cách giờ rước dâu khoảng … 12 tiếng đồng hồ, cô dâu chú rể mới có mặt trình diện song thân.

 

Để tiết kiệm chi phí, gia đình chị Dung đãi tiệc tại nhà, chỉ thuê phông bạt rồi nhờ anh em hàng xóm đến dựng sân khấu giúp. Đội ngũ phục vụ trong ngày cưới là các thanh niên trong làng. Khi khách quá đông, chị Dung kiêm luôn việc bưng bê. Vấn đề đau đầu nhất cho anh chị là khoản nấu nướng. Ở quê chị, rất ít người thuê dịch vụ nấu ăn, họ chỉ thuê chén đĩa, còn lại là nhờ đầu bếp “cây nhà lá vườn”. Sẵn nấu ăn ngon, thường đi nấu tiệc giúp mọi người, lần này, bố cô dâu đảm nhiệm luôn trọng trách… bếp trưởng. Thế là trong đám cưới, người ta cứ thấy anh thoắt ẩn thoắt hiện, vừa làm sui gia vừa làm đầu bếp, chỉ đạo xếp mâm, dọn cỗ. Chưa kể đêm hôm trước nhà trai ở xa, phải đi rước dâu từ nửa đêm, sáng sớm 7h đã tới nhà gái. Muốn chuẩn bị kịp, anh chị phải thức đêm thức hôm lo cỗ bàn.

Chị Dung tủm tỉm: “Người ta làm bố cô dâu thì quần tây áo vest tiếp khách, còn ông nhà tôi chỉ độc cái áo phông tay ngắn, mồ hôi thì nhễ nhại vì phải chui vào bếp, nghĩ cũng tội”. Rồi những lúc thiếu nguyên liệu nấu nướng hay bị “cháy” cỗ, hai anh chị lại xoay như chong chóng. Vậy là hai ngày đám cưới của con, anh chị mệt quá nên cũng chẳng ăn ngủ được gì. Lại còn chuyện anh em họ hàng ở xa đến, chị phải lo chỗ ngủ cho mọi người. Tóm lại, nhà trai qua rước dâu xong là chị Dung thấy… nhẹ cả người.

Thu Hà, 26 tuổi, con gái chị Dung phân trần: “Biết là vất vả cho bố mẹ, thương lắm nhưng không có điều kiện thì mình cũng không còn cách nào khác”.

Đau đầu vì đám cưới 9X

Tuấn Anh, cậu con trai sinh năm 1991 của chị Nguyễn Thị Nhàn (44 tuổi, Đông Nai) vừa tốt nghiệp cao đẳng đang háo hức tìm việc làm. Chẳng ngờ, cô bé người yêu của Tuấn Anh, kém cậu một tuổi, còn đang đi học, hốt hoảng đòi cưới gấp vì đã “lỡ” mang thai.

Thấy con dẫn người yêu về xin cưới, vợ chồng chị Nhàn rất ngạc nhiên. Dĩ nhiên, chị chẳng hào hứng gì khi con mình lấy vợ sớm, lại còn lùm xùm bầu bì. Nhưng nghĩ kỹ, nhà chị có tới 3 đứa con trai, lại chẳng khá giả, giờ lo cho đứa nào nhẹ được đứa ấy. “Sợ đến lúc tất cả anh em nó cùng đòi cưới thì hai vợ chồng tôi chịu sao nổi”, chị bảo. Chồng chị Nhàn thì hy vọng, cưới vợ rồi con mình sẽ biết tu chí làm ăn, thế là chỉ loáng sau một tháng, gia đình hai bên đã lên xong kế hoạch cưới xin, chọn được ngày lành tháng tốt cho đôi trẻ.


 

Tuấn Anh là con cả, chị Nhàn cũng muốn mở màn bằng một cái đám cưới “coi được’ một chút cho mát mặt với thiên hạ. Ngặt một nỗi, anh chị chỉ là công nhân, trong nhà làm gì có đến cả trăm triệu. Thế là anh chị chạy vạy mượn tiền khắp nơi. Ngày cử hành hôn lễ đến rất gần, anh chị vẫn còn tính tới tính lui chuyện đãi bao nhiêu mâm, mọi thứ cứ rối tung.

Điều… “khổ” nhất là cô dâu chú rể còn khá hồn nhiên, chỉ có thể đảm nhiệm những việc đơn giản như: chọn thiệp cưới, mời bạn bè. Thậm chí chuyện viết thiệp cưới, chàng và nàng cũng lúng túng rồi khoán luôn cho bố mẹ. Anh chị vừa phải viết thiệp, lại mất 4 ngày trời tới từng nhà gửi thiệp cho con. Chuyện chụp album ảnh cưới, đích thân chị Nhàn cũng phải đưa các con đến tiệm chọn kiểu. Rồi bao nhiêu việc anh chị phải ôm gọn: bàn với nhà trai việc đưa rước dâu, ai là người chủ hôn, trang trí, sửa sang nhà cửa thế nào để mới mẻ, may mắn cho các con, chọn thực đơn, chọn quà, sắm lễ…

Chuẩn bị cho đám cưới đã vất vả, đến giờ G, anh chị vẫn chưa thể nào được thong thả, thậm chí còn mệt nhọc gấp nhiều lần. Là người hay lo chị cứ nơm nớp sợ có trục trặc không hay xảy ra: Sợ bể đồ trong ngày cưới thành điềm xui, sợ trễ giờ rước dâu, lo nhà gái đánh giá tiếp đãi không tốt, sợ khách chê đồ ăn dở… Tinh thần chị Nhàn cứ gọi là căng như dây đàn.

Tổn thọ vì… con cưới

Xong ngày cưới chính, hậu đám cưới hãy còn là… một bãi chiến trường. Sau đám cưới của con trai, chị Nhàn đã huy động anh em ở lại dọn dẹp nhưng nhà cửa vẫn bừa bộn, chưa kịp nghỉ ngơi, chị lại còn phải mất thêm mấy ngày để sắp xếp, đưa đồ đạc về vị trí cũ.

Sắc mặt mệt mỏi, chị bảo “Xong cái đám cưới của thằng con cả, tôi lăn ra bệnh phải đến cả tuần vẫn chưa khỏi. Đám cưới chỉ hai ngày nhưng vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ cả tháng trời, sụt mất vài kí”. Rồi chị rút kinh nghiệm: “Còn hai thằng con nữa, mai mốt tôi không cho tụi nó cưới sớm đâu, bao giờ vững vàng kinh tế, tự lo được cho bản thân thì mới lấy vợ. Nếu không, việc gì cũng đến tay bố mẹ, sức đâu mà chịu nổi”.

Vợ chồng chị Dung cũng chẳng sung sướng gì, tưởng “thoát” sau đám cưới ở quê, nhưng chưa nghỉ ngơi đủ 3 ngày, hai anh chị còn phải vào Sài Gòn tiếp tục dự đám cưới của con ở đây lại xe cộ, lại tiếp khách… Chị Dung thở phào: “Cũng may mình chỉ có một đứa con chứ tôi sợ đám cưới quá rồi!”.

Theo Thế giới Gia đình


From the same category