Là một nhà thiết kế thời trang, Hiếu Anh bị núp dưới cái bóng lớn của gia đình. Ông nội là cố giáo sư Tôn Thất Tùng, bố là cố phó giáo sư Tôn Thất Bách. Không đi theo ngành Y truyền thống mà quyết theo những nghề bị coi là phù hoa: người mẫu- nhà thiết kế, Tôn Lê Hiếu Anh dường như không được một số người nhìn nhận là người “có hiếu”. Thậm chí, cậu công tử “con nhà” này có lẽ là người có nhiều tin đồn nhất Hà Nội. Mà tất nhiên, hiếm có tin đồn nào tốt đẹp…
Từng có tư tưởng sống bằng scandal
Có quá nhiều tin đồn về anh, toàn quanh chuyện gia đình, chuyện thị phi nghề người mẫu, chuyện chơi bời của thanh niên. Rất tế nhị, song thật thiếu sót nếu không hỏi khi gặp anh?
Tôi không muốn nói nhiều về quá khứ, tất cả đã là ngày hôm qua. Điều quan trọng bây giờ là con người hiện tại của tôi – có dám sống và chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm hay không. Nếu bố tôi còn sống, tôi sẵn sàng trả lời tất cả câu hỏi quanh chuyện gia đình tôi. Nhưng bố tôi đã mất – vì ông xin đừng hỏi những chuyện quá khứ.
Nhưng những tin đồn đó đều gây sốc. Anh không sợ bị ảnh hưởng đến thanh danh gia đình?
Tôi biết tất cả những lời đồn đại đó. Trước đây, tôi có một quan điểm hết sức sai lầm: Nổi tiếng và tai tiếng là một. Tôi từng có tư tưởng sống bằng scandal! Không phải tự tạo ra mà tôi cứ mặc kệ, để người ta thoải mái thêu dệt đồn thổi. Hiếu Anh là dân sành điệu, là dancer nhảy bục. Hiếu Anh nghiện ma túy. Hiếu Anh bị bố từ… Ai nói tôi cũng mặc kệ, càng đồn thổi thì mình càng nổi tiếng. Bây giờ trưởng thành, chín chắn hơn, tôi sợ suy nghĩ trước đây của mình. Tại sao mình không tỉnh táo, chọn cách sống phù hợp với xã hội phương Đông hơn! Bố tôi cũng nghe hết những tin đồn đó. Ông chỉ nói: “Sống trên tai tiếng là chuyện bình thường. Tốt nhất đừng nghe những gì người ta nói. Mà phải làm cái gì để người ta không nói đến mình nữa”. Nhưng đến bây giờ tôi mới hiểu, chắc chắn bố mẹ tôi cũng đã rất buồn vì tôi… Đó mới là điều đáng tiếc và ân hận nhất của tôi.
Trong những câu chuyện thêu dệt ấy hẳn cũng có những sai lầm, nông nổi của anh?
Là một người trẻ, ý nghĩ của tôi đôi khi hơi điên cuồng, muốn thể hiện cái tôi của mình thái quá. Không riêng tôi, mà hãy tha thứ cho sai lầm của tất cả người trẻ, khi họ nhận ra đó là sai lầm.
Đến bây giờ liệu gia đình đã tha thứ cho những nông nổi của anh chưa?
Bố tôi là người nhân hậu, bao dung. Có bao giờ ông trách tôi đâu mà phải tha thứ. Khi tôi sai bố không mắng, khi tôi làm được gì cũng chẳng khen, mà ông chỉ vui hoặc buồn. Năm thứ 4 đại học, tôi bị lưu ban do bỏ học nhiều, bố tôi nói: “Đúp rồi đấy, giỏi chưa? Thôi năm sau gỡ lại chứ còn gì nữa”. Nhưng chính sự nhẹ nhàng của bố làm tôi thấm được nhiều điều để sống tốt hơn.
Với thanh danh gia đình, sống có quá khó khăn?
Tôi không muốn nói nhiều về quá khứ, tất cả đã là ngày hôm qua. Điều quan trọng bây giờ là con người hiện tại của tôi – có dám sống và chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm hay không. Tôi luôn nghĩ phải sống cho mình trước đã, sau đó mới sống vì những người xung quanh. Điều tôi mong chờ nhất trong thời gian này là mẹ tôi luôn khoẻ và vui, hài lòng với những công việc mà tôi làm được.
Không bao giờ tôi sống dưới cái bóng của người thân. Tôi tự hào về truyền thống gia đình và những gì ông và bố đã làm được trong lĩnh vực Y học. Nhưng tôi không muốn đi trên con đường màu hồng mà bố mẹ tôi chọn sẵn. Tôi muốn là một nhánh vươn ra hẳn, nên quyết tâm chọn nghề thời trang. Vừa là đam mê, vừa là con đường chỉ một mình tôi bước, chẳng ai trong gia đình hỗ trợ được gì.
Không thể trở thành bác sĩ giỏi
Trước khi học đại học Mỹ thuật Công nghiệp, anh đã trượt đại học Y. Anh từng có ý định nối nghiệp gia đình?
Đúng là tôi từng trượt đại học Y, chính xác là kỳ thi đó được đúng 3,5 điểm! Tôi muốn chiều bố, thi một lần để bố biết tôi… không có khả năng làm bác sĩ. Nhưng vì thích môn Sinh, nên tôi đã chọn làm một câu hỏi cuối cùng, làm tốt để chứng tỏ cho bố biết: con đáp ứng được một chút mong muốn của bố. Thời gian còn lại tôi… ngủ. Khi đó tôi 18 tuổi, rất nông nổi. Nhưng bây giờ có quay lại tuổi 18, chắc tôi cũng làm như vậy!
Nhưng khi đó bố anh là Hiệu trưởng trường Y, người ta nghĩ anh đỗ thì dễ chứ trượt thì lạ thật?
Người ta đồn tôi có người ném “phao” vào phòng thi. Nhưng như đã nói, tôi ngủ suốt 2 buổi thi chứ có làm bài đâu. Tôi tự hào viì bố tôi luôn công bằng, công tâm, ghét sự gian lận. Năm đó, bố tôi đã để người khác làm Chủ tịch và rút ra khỏi Hội đồng thi.
Theo ngành Y, anh còn ngại vì người ta sẽ chê cười: bố giỏi mà sao con… tậm tịt thế?
Điều này cũng đúng. Chắc chắn tôi không thể trở thành bác sĩ giỏi! Điều cần nhất cho một bác sĩ là sự kiên nhẫn – tôi không có. Nhìn bố đứng mổ suốt 10 tiếng đồng hồ, tỉ mẩn nối các tĩnh mạch nhỏ xíu, tôi biết mình không thể làm được. Mặc dù được thừa hưởng gen của bố và hiểu biết rất nhiều về ngành Y. Nhưng sự kiên nhẫn không có, đồng nghĩa với việc không chịu tìm tòi nghiên cứu, như thế sẽ không bao giờ trở thành nhà khoa học giỏi. Thực lực về logic toán học của tôi cũng rất kém. Không phải học không vào đầu, mà tôi không thích những con số về toán học, hóa học. Khi đã không thích thì ép tôi cũng không làm được.
Có bao giờ anh nghĩ: mình phải kế thừa và phát huy truyền thống gia đình?
Có một câu ông nội nói với bố và bố đã nói lại với tôi: “Nghề gì cũng tốt, miễn là mình làm tốt nghề đó”. Tôi rất ngưỡng mộ ông và bố, họ đã dành cả đời cho một nghề cao quý. Nhưng tôi phải thẳng thắn nhìn vào sự thật: nếu trở thành bác sĩ, dù cố gắng lắm tôi cũng chỉ là bác sĩ trung bình! Lúc đó cái bóng của gia đình còn tạo sức ép gấp nhiều lần. Thà đi một ngành trái hẳn, còn có sức làm được điều mong muốn. Tôi luôn nghĩ phải sống cho mình trước đã, sau đó mới sống vì những người xung quanh. Có thể tôi là người ích kỷ!
Ích kỷ và vô trách nhiệm?
Thi thoảng tôi cũng day dứt sao mình không thi vào ngành Y? Thời gian sau khi bố mất, tôi càng buồn và hối hận. Nhưng 2 – 3 ngày tôi tự an ủi: bây giờ có muốn quay lại cũng muộn. Mình phải đi tiếp con đường đã chọn. May mắn rằng, bố con tôi rất hiểu nhau. Ông luôn tôn trọng quyết định của tôi. Còn mẹ lại rất ủng hộ tôi theo nghề thời trang, vì bà đã chứng kiến hết những sự vất vả của nghề Y. Đó cũng là điều bố tôi ân hận. Ông đã không có nhiều thời gian cho gia đình. 12 năm đi học của tôi, ông bận đến mức không bao giờ đi họp phụ huynh. Thời gian bố dạy tôi và nói chuyện với tôi cũng không nhiều.
Và khi ông đột ngột ra đi, anh không có mặt tại Việt Nam?
Đó là cú sốc lớn nhất trong cuộc đời tôi. Hôm trước, tôi mới nhận được điện thoại của bố, ông còn hồ hởi nói đang đi công tác ở Lào Cai. Đêm hôm đó tôi đã rất vui vì bố quan tâm đến mình. Lúc 5 giờ sáng nhận được điện thoại báo bố đã mất, tôi bàng hoàng chết lặng, không nói được gì, nước mắt cứ chảy ra. Cảm giác như có cái gì đó đang sụp đổ! Người mà tôi kính trọng, thương yêu nhất đã ra đi.
Ký ức sâu sắc nhất của anh về bố?
Ông là một thần tượng để tôi học hỏi. Ở ông cái gì cũng hoàn hảo, tràn đầy sức sống. Mỗi khi mất niềm tin tôi đều tâm sự với bố.
Cảm hứng âm nhiều hơn dương
Nghe nói, bố anh không bao giờ xem anh trình diễn thời trang hoặc trình diễn sản phẩm của anh?
Lần đầu tiên tham gia cuộc thi thời trang, tôi đã đầu tư hết nhiệt huyết để sáng tạo, nhưng không nhận được sự đánh giá công bằng. Uất ức và buồn chán, tôi tâm sự với bố. Ông khuyên tôi: “Nhiều khi sự thất bại là động cơ thúc đẩy mình thành công. Con cứ thi tiếp. Từ cái cũ, làm sao để phát triển thành cái mới, nhưng không được làm mất cái cũ”. Và tôi cách tân bộ sưu tập cũ, tham gia cuộc thi do Hội đồng Anh tổ chức, được giải nhì – một kết quả đủ cho tôi mãn nguyện. Đây cũng là lần đầu tiên bố đi xem buổi trình diễn thời trang của tôi.
Giải thưởng liệu có phải là thước đo đích thực cho sự sáng tạo cá nhân?
Giải thưởng mở ra cơ hội, nhưng chưa chắc đã là thước đo chính xác. Tôi nghĩ mình thành công hay không, khách hàng là câu trả lời chính xác nhất. Trước đây, tôi cũng hay cay cú với giải thưởng. Giờ, tôi hoàn toàn thoải mái nếu thất bại trong các cuộc thi. Thậm chí tôi nghĩ nếu trước đây tôi sớm có thành tựu, có lẽ, lúc nào tôi cũng ôm giải thưởng mà sống và không vươn lên nữa.
Thương hiệu Ton Collection đã bộc lộ hết cái tôi của anh?
Mới chỉ bộc lộ được 1/3. Hồi mới mở cửa hàng, đối tượng tôi hướng đến là giới trẻ sành điệu, hay đi vũ trường. Cầu kỳ hơn nữa là những ca sĩ, ban nhạc. Đối tượng này qui mô nhỏ, tôi thoải mái bay bổng vì ý tưởng mới dễ dàng được chấp nhận. Nhưng đó là cách làm không chuyên nghiệp, mình chỉ phục vụ cho sở thích của mình. Sau khi du học ở Anh, tôi sửa lại hệ thống cửa hàng, bớt ham chơi, cân bằng giữa kinh doanh và sáng tạo cá nhân.
Thường một thân hình như thế nào sẽ kích thích được cảm hứng và sức sáng tạo của anh?
Tôi chọn tiêu chuẩn vẻ đẹp của phụ nữ là thần Vệ nữ. Nói trần tục, đó là người có bộ ngực đầy đặn, eo nhỏ, hông nở, mông căng và tròn.
Hình như đa số khách hàng của Ton Collection là người đồng tính?
Xin khẳng định cửa hàng của tôi 100% phục vụ cho giới nữ. Dân “gay” đến, tôi vẫn tiếp vì họ đều là con người. Nếu họ có nhu cầu và tôi có cảm hứng, tôi sẵn sàng thiết kế cho họ những bộ đồ đẹp, thậm chí đẹp hơn của nữ.
Sẵn sàng thiết kế trang phục cho dân gay, nhưng có vẻ anh không có cảm hứng thiết kế cho nam giới?
Đúng là cảm hứng của tôi có thiên hướng phần âm nhiều hơn dương, nên chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc thiết kế trang phục cho nam giới. Cũng có thể cách nhìn nhận đồ nam của tôi không được tinh tế lắm nên không dám làm. Nói chung, làm mà không tự tin thì tốt nhất là không nên làm.
Anh mong chờ điều gì nhất trong thời gian này?
Tôi mong mẹ tôi luôn khoẻ và vui, hài lòng với những công việc mà tôi làm được.
Chúc anh thành công./.