Tôn Hiếu Anh: “Bây giờ tôi ngoan thế còn gì” - Tạp chí Đẹp

Tôn Hiếu Anh: “Bây giờ tôi ngoan thế còn gì”

Bộ Sưu Tập

Xuất hiện trong êkip thực hiện chương trình “Chai thủy tinh” của VTV6 và “Nối vòng tay lớn” (Đài THVN) là một cái tên quen mà lạ: BTV Tôn Hiếu Anh. Gọi điện thì được “sếp trưởng” Diễm Quỳnh xác nhận: “Chính xác là Tôn Hiếu Anh – con trai cố PGS Tôn Thất Bách và cháu nội cố GS Tôn Thất Tùng”.

Không còn là một tay chơi nổ trời hay một NTK thời trang, Tôn Hiếu Anh của thuở làm BTV nhà đài ngồi trước Đẹp trong một bộ dạng “yên ổn” hơn, với ba câu chuyện lạ: cuộc chiến cai hàng hiệu, “giã từ vũ… trường” và 5 bước để đọc một cuốn sách.

“Khác tôi, Kelly Bùi là tờ giấy trắng!”

Vì sao lại có vụ “cải tên” này: Tôn Hiếu Anh, thay vì Tôn Lê Hiếu Anh?

Thậm chí một dạo người ta còn gọi tôi là “Tôn Thất Hiếu Anh” nữa kia! Nhưng chính xác chỉ là Tôn Hiếu Anh.

Đến cái tên mà cũng để bị nhầm!

Cái tên thì làm được gì, chả quan trọng! “Gì cũng được!” – Đó là câu nói nổi tiếng tôi rất khoái.

Nhưng biết đâu, nếu như anh mang cái tên “gia bảo” “Tôn Thất…”, thì trước đó, cũng như giờ đây, mọi việc có thể đã khác?

Chả ai làm được gì chỉ bằng cái tên đâu mà!

Chẳng hạn, như thương hiệu bị đổ: “Ton Colletion”?

Tưởng đi học ở Anh về để lên tay hơn, không ngờ lại chán nghề, khi thấy cuộc cạnh tranh với hàng Tàu thật mệt mỏi và không đáng. Thấy điều mình tính làm thật vênh với điều mình được học. Thế là cụt hứng.

Đó là lúc thấy thấm thía hơn bao giờ câu nói về quy luật khắt khe của nghề này: “Ngày hôm nay bạn có thể được người tiêu dùng lựa chọn. Nhưng chỉ cần sang đến hôm sau, bạn có thể bị loại”. Và chính xác là tôi đã bị loại!

Vẫn còn một chốn để anh “dung thân” lúc đó cơ mà: Viện Thời trang London?

Nơi đã cho tôi suất học bổng đi học ở Anh và cũng là nơi đợi tôi về. Song vấn đề là ở đấy, người ta chỉ cho tôi được đứng lớp có 2 giờ/tuần, nhưng hàng ngày vẫn bị bắt đến ngồi chềnh ềnh, hết lê la trên mạng chán lại bò ra dịch tài liệu. Cảm giác dư thừa năng lượng. Cả tự ái nữa: “Mình như thế này mà phải làm một công việc thế này à?”.

Rồi nỗi nhớ nước Anh, đời sống của nó, không khí của nó: tàu điện ngầm, đường phố, những trung tâm giải trí, mua sắm (mà tôi thì là một con nghiện mua sắm), rồi cái văn hóa lập dị trong gu thời trang của nó (chỉ sau Pháp và trên Ý)… Thế nên tôi toàn trốn đi chơi. Và tất yếu, bị bật!

Trong khi đó, Kelly Bùi – một trong hai người đã giành được suất học bổng đi Anh cùng anh và nổi tiếng sau anh, lại nhanh chóng trở thành một cái tên được biết?

Cũng là người mà chính tôi đã sớm phát hiện ra và dìu dắt những bước đầu. Hai anh em chơi thân. Khác tôi, lúc sang Anh, Kelly Bùi là tờ giấy trắng. Vì là tờ giấy trắng, nên khi gặp những nét chữ đầu tiên, Kelly Bùi dễ có nhiều rung cảm hơn tôi, năng lượng nhờ đó cũng giàu có hơn để đủ sung sức lao vào “cuộc chiến”. Còn tôi là tờ giấy viết lại.

Thiếu lửa thì bị loại cũng phải!

Đúng vậy, và khi lửa đã lạnh thì không ai có thể làm gì được nữa!

“Tôi chả bao giờ quan tâm đến tiền”

Cảm giác của anh, lúc biết chắc mình bị loại?

Tôi tự hỏi: Tại sao lúc trước, trong đầu tôi lại giàu có ý tưởng hơn, thậm chí tự tin hơn, còn đi học về, lạ thay, là sự cụt hứng, tự ti. Là cảm giác không bơi được tiếp. Tôi tiếc, thà mình không đi học còn hơn. Lúc làm thủ tục chuyển nhượng cửa hàng và chia tay nhãn hàng (Ton Collection) mà tôi đã gây dựng, gắn bó suốt bảy năm, tôi đã phải nhờ một người bạn vì không dám chứng kiến cảnh đó.

Sau đấy thì tôi nằm dài, suốt một tháng trời chuyên trị mì tôm và game online. Thực sự không biết làm gì để đi tiếp. Một người học trò của bố tôi đến chơi, thấy vậy, mắng vào mặt tôi xơi xơi: “Mày học một đống về rồi lại ngồi một cục đấy thì học mà làm gì?”. May sao, sau đó, mẹ tôi đã xốc cái thằng con lớn xác thừa tay thừa chân là tôi dậy, bằng một sáng kiến bất ngờ.

Đến phòng truyền máu của Bệnh viện Việt Đức – nơi mẹ anh làm?

Đúng vậy! Ở đó, tôi được dạy để làm những công việc của một người trợ việc: chạy máy xét nghiệm, lấy máu… Những công việc nghe thì tưởng giản đơn nhưng cũng phải mất kha khá thời gian để trở thành tay quen, vậy mà tôi chỉ mất có hai tuần.

“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”!

Tôi quả thật không ngờ mình lại khá thích hợp với nghề y vì ít nhất, tôi đáp ứng được hai điều kiện: khéo tay và có ngoại ngữ (rất cần thiết khi làm ở phòng truyền máu).

Lúc đó anh có thấy ân hận vì đã không chiều theo ý nguyện muốn con theo nghề của bố anh?

Cái tối cần là sự kiên nhẫn thì tôi lại không có. Quả thật không có! Sáu năm ở trường Y là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với tôi.

Chứng kiến những cảnh người thiếu máu, những sự sống còn trong gang tấc, cả những đồng tiền trực khiêm tốn của các bác sỹ – những người đã mất không chỉ sáu năm ở trường Y…, lúc đó cựu tay chơi nổ trời là anh nghĩ gì?

Tôi chả nghĩ gì cả. Xưa nay chẳng bao giờ tôi chịu tốn một gram nào trong đầu để nghĩ về tiền hết. Tôi chả bao giờ quan tâm đến tiền. Trước có tiền thì một ngày café của tôi có khi mất hai triệu, giờ không có thì tôi tiêu năm trăm cũng có sao! Cuộc sống là thế, đâu phải cái gì cũng đặt cạnh nhau được. Dám làm thì phải dám chịu, phải có gan đón nhận những gì mà cuộc sống nó vốn có thế. Sống thế, cho nhẹ đầu!

“Giờ đi nhảy tôi thấy đau đầu!”

Thế rồi làm sao mà anh “bắt được sóng” VTV?

Một bạn đồng nghiệp của mẹ tôi đã giới thiệu tôi với chị Diễm Quỳnh (lúc đó còn làm ở VTV3). Tôi có cơ hội với chương trình “Thời trang & Cuộc sống” từ đó (1/2007). Được gần 2 năm, tôi lại “chạy” qua VTV6, vì lúc này (8/2008), V6 lại cũng cần một người làm về thời trang và tạo vỏ kênh.

“Tay ngang” với truyền hình, liệu cái đầu của một nhà thiết kế có giúp được gì đáng kể?

Nhiều chứ! Tư duy hình ảnh, chẳng hạn! Đủ để làm hiện trường, làm hậu kỳ, làm đồ họa, chạy co chữ…

“Chạy giời không khỏi… mốt”, “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Tưởng anh đã “dứt tình” với thời trang rồi chứ?

Đam mê có thể dập tắt, nhưng khó mà vứt nó đi được. Chia tay với công việc thiết kế, nhưng đâu có nghĩa đoạn tuyệt được với thời trang. Đáng kể nhất, có chăng là cuộc chiến giã từ hàng hiệu.

Vì lòng tự trọng của một NTK chăng: “Tử vi xem số cho người – Số thầy (lẽ nào) lại để cho ruồi nó bu”?

Chả phải! Nhớ hồi ở Anh, tôi điên cuồng vì hàng hiệu. Thế rồi tự dưng hết cơn. Cũng như tự dưng, thấy hết cơn với vũ trường. Tin không, lần gần đây nhất đi nhảy lại, tôi đã gần như không chịu nổi. Thấy đau đầu. Đành đứng dậy ra về.

Cai vũ trường, cai hàng hiệu – Điều gì đã “cảm hóa” anh vậy, thay vì trước đó, chỉ biết sống cho mình?

Thì bây giờ tôi vẫn tiếp tục sống cho mình thôi chứ! Xưa nay làm gì, bao giờ tôi cũng nghĩ đến tôi đầu tiên, phải yêu bản thân mình đầu tiên! Bản thân tôi. Cá nhân tôi. Tôi thấy thích thì tôi mới làm. Còn thì tôi luôn thừa tư duy để biết mình làm đúng hay sai.

Cái sai nào thì anh cảm thấy trong chừng mực cho phép?

Trong khuôn khổ pháp luật.

Cuộc sống thiếu gì cái pháp luật không làm gì được, nhưng lương tâm có thể lên tiếng!

Có tin là tôi đọc sách triết học khá nhiều không? Nhưng càng đọc, tôi càng thấy các bài giảng đạo đức thật khó vào đầu mình. Vì lấy gì để đảm bảo đạo lý này là hoàn toàn đúng, là cần chiếu từ dưới lên hay trên xuống, rồi thì cùng một chuyện, triết học phương Đông cho là thế này, triết học phương Tây lại cho là thế khác…

Luôn chọn cách sống “cho nhẹ đầu”, vậy liệu đã bao giờ anh nghĩ: Để được nhẹ đầu như thế, biết đâu có lúc lại khiến người thân phải nặng lòng?

Ô thì bây giờ tôi ngoan thế còn gì! Mà tóm lại, trọng tâm của bài báo này là gì?

Một Tôn Hiếu Anh khác!

Đấy, thì là khác quá còn gì, ngoan thế còn gì!

“Tôi bị cái mặt đáng ghét!”

Không vũ trường, vậy giờ trò giải trí của anh là gì?

Đọc sách.

Đọc “Tự thú của một tín đồ shopping” chưa? Có phần ba rồi nhé!

Phần một còn chả đọc! Đọc một cuốn sách nói về… một đứa giống mình thì đọc làm gì? Giờ tôi chỉ đọc sách về tuổi teen. Chiêu này gọi là “thăm dò thị hiếu khán giả”!

Vậy còn cuốn “Bóng”, “Không lạc loài”? Tự truyện của những người thuộc giới tính thứ ba gần đây khá là nhiều!

Chị muốn hỏi gì cứ hỏi thẳng. Nói chuyện với tôi không cần phải loanh quanh rào chắn đâu!

Vậy những tin đồn về giới tính của anh, có nên chỉ coi là tin đồn?

Những ý nghĩ của mọi người về tôi không có trong đầu tôi. Để công bố cái gì về mình, tôi nghĩ đều cần phải có mục đích. Tôi chưa nhìn thấy mục đích đấy. Một con người chỉ giữ được sự hấp dẫn của mình khi họ còn bí ẩn, vậy tại sao lại phải đi bộc lộ những gì là riêng tư nhất của mình? Chưa nói, có những điều, tôi còn phải giữ cho gia đình tôi, cho ông cụ.

Có những năm tháng hình như anh đã không kịp nghĩ thế?

Nhưng tôi cũng chưa làm gì đến nỗi quá đà cả!

Đọc sách, thay vì vũ trường – Từ một “chốn lao xao”, lại lui về “nơi vắng vẻ”, anh xoay xở thế nào với việc đọc sách?

À, tôi có cách đọc sách rất… giật gân nhé! Chia làm 5 bước. Bước 1: Đọc tổng thể, đọc lướt. Bước 2: Nắm tình huống, diễn biến. Bước 3: Tìm kiếm nhân vật mình yêu thích, những đoạn thoại hay. Bước 4: Lần sờ đường link của câu chuyện, sợi dây móc nối. Và cuối cùng là bước 5: Bới lông tìm vết.

Nhân vật mình yêu thích – anh đừng có mơ cuốn nào cũng có nhé!

Cứ tìm đi, kiểu gì chả có! Cuốn sách, nó cũng như cái mặt người thôi chứ, có cái mặt đáng yêu, có cái mặt đáng ghét. Tôi cũng bị cái mặt đáng ghét. Một anh bạn đồng nghiệp giờ chơi thân nói với tôi: “Hồi mày mới về Đài, nhìn cái mặt trơ trơ, đi lại thì ngông nghênh, chỉ muốn lao vào đánh!”

Mạnh về “tư duy hình ảnh” mà không biết cách “nhập gia tùy tục” sao?

Ôi một khi đã từng là nhà thiết kế thì bạn còn… sợ gì dư luận! Bởi “cuộc chiến” trong làng thời trang theo tôi nó còn rẻ và khốc liệt hơn nhiều! Còn ở Đài, nếu quả thực có một “cuộc chiến”, thì đó đáng nói là một cuộc chiến vì nghề!

Anh đã có đủ lòng yêu nghề để khỏi lo bị bật ra không?

Nếu thời trang là ảo, là phải ăn may nhiều vào cảm hứng và rất dễ bị “ì” bởi luôn cho phép “câu giờ” thì truyền hình thực hơn vì luôn là cái đã và đang diễn ra, là cái guồng quay định kỳ, bắt buộc. Giờ đây, tôi bắt đầu nhìn thấy một ngày của mình rõ hơn và dài hơn, những từ 8h sáng đến 10h đêm cơ mà!

Lạc vào một nơi lừng lững những cái tên, anh có thấy ngợp?

Nếu là ngợp vì sự nổi tiếng của họ thì không, làng thời trang trước đó thiếu gì! Nhưng có những người, đúng là phải đứng gần, ở chốn hậu trường, mới thấy hết được cái giỏi của họ. Ở một nơi mà cá tính của ai hầu như cũng mạnh, điều hành là chuyện chẳng dễ dàng gì! Nhưng trong khoản này, tôi thấy ba vị Lại Văn Sâm, Tạ Bích Loan, Diễm Quỳnh đúng là “đại cao thủ”!

Anh thấy họ làm gì?

Trước những đề xuất hoặc thắc mắc hai chiều, thường thì tôi thấy bác “Ai là triệu phú” hay đưa ra chính kiến ngay; còn “Người đương thời” thì kiên nhẫn lắng nghe ý kiến hai chiều; cựu MC “Trò chơi âm nhạc” thì thường dùng cách “phân khúc thị trường” để lần lượt gỡ từng cái nút một.

Anh có máu “ngồi ghế nóng” hay sao mà toàn để ý kinh nghiệm dùng người?

Đúng là tôi đang “rắp tâm” theo học họ, nhưng là học cách thiết kế một “bộ lọc” trong xử lý thông tin. Một lời dẫn của người dẫn “Ai là triệu phú” chứa đựng bao thông tin – Đó là điều tôi luôn nể phục!

Anh muốn xem bài báo này trước không?

Xem trước thì khi báo ra còn gì là bất ngờ? Đã bảo, “gì cũng được!” mà!

Bài: Thủy Lê
Ảnh: Na Sơn
Stylist: Đàm Quang Tuấn 

Thực hiện: depweb

10/02/2009, 15:22