Ngày cuối năm, “Ngôi Nhà Thiên Thần” tại Hà Nội – một cửa hàng tiêu dùng và thời trang đặc biệt được ra mắt gây chú ý trong dư luận. Đó là cửa hàng thuộc hệ thống TokyoLife với 16/18 nhân viên là Người Điếc – một mô hình vận hành kiểu mới, tạo công ăn việc làm bền vững cho người khuyết tật – nơi những “Thiên Thần” có thể tự viết nên câu chuyện đẹp đẽ cho cuộc đời chính mình.
Những nụ cười không rào cản
Ghé qua “Ngôi Nhà Thiên Thần”, bạn sẽ cảm nhận một không gian yên tĩnh mà ấm áp kỳ lạ, sẽ gặp các “Thiên Thần” (theo cách gọi của TokyoLife) với những nụ cười rạng rỡ, cử chỉ lễ phép. Tất nhiên, bạn sẽ thắc mắc, vậy mình mua hàng ra sao, trao đổi thế nào. Đơn giản lắm, “Khi cần giúp đỡ, hãy vỗ vai!” – bạn sẽ được các “Thiên Thần” hướng dẫn tận tình, được trải nghiệm với sự hỗ trợ từ các công cụ giao tiếp công nghệ số. Và biết đâu, đây chính là dịp để bạn học một ngôn ngữ ký hiệu thú vị hơn bạn tưởng tượng, mà qua đó, bạn có thể lựa chọn được những sản phẩm phù hợp trong số những sản phẩm thời trang cũng như đồ gia dụng Nhật Bản của TokyoLife – vốn đã ghi điểm bởi chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
Không ít người cho rằng, người khuyết tật thường nhận nhiều tình thương thay cho sự phấn đấu. Thực tế, những người khuyết tật luôn mong muốn có công việc ổn định, bền vững, muốn khẳng định bản thân, được xã hội ghi nhận chứ không trông chờ lòng thương hại của bất cứ ai. Chính vì thế, TokyoLife không tặng con cá, đương nhiên rồi, nhưng cũng không chỉ tặng cần câu, mà còn tạo ra cả những hồ câu vui vẻ cho các em. Công ty không những tuyển dụng người khuyết tật có nguyện vọng được lao động, mà còn tuỳ chỉnh các công đoạn để phù hợp cho mỗi thể trạng người khuyết tật, đặc biệt còn xây dựng bộ phận “Chăm sóc Thiên thần”, làm nhiệm vụ thiết kế những trải nghiệm tốt nhất cho người khuyết tật và làm cầu nối giữa người khuyết tật với các cán bộ, nhân viên khác trong toàn Công ty.
Cùng xem MV “Happy Silent New Year do16 em là Người Điếc trong “Ngôi Nhà Thiên Thần” lần đầu thử làm… ca sĩ trình diễn bằng ngôn ngữ ký hiệu
Hãy giúp người khuyết tật viết nên cuộc đời chính mình
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 7% dân số – 6,2 triệu người – là người khuyết tật. Một phần trong số đó, khoảng 2,5 triệu người vẫn có khả năng lao động và mong muốn được lao động. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng nhấn mạnh, Việt Nam mất khoảng 3% GDP do không tối ưu hóa vai trò của người khuyết tật trong lực lượng lao động, điều này dẫn đến sự thiếu hụt không hề nhỏ về mặt kinh tế.
Ông Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch TokyoLife cho biết: “Với kinh nghiệm và mô hình sử dụng người lao động là người khuyết tật tại TokyoLife, nếu được nhân rộng với sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, thì mục tiêu tạo công ăn việc làm bền vững cho 2,5 triệu người khuyết tật là có thể thực hiện được”.
Dù cố gắng bao nhiêu thì người khuyết tật nói chung vẫn cần sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp để phát huy hết năng lực bản thân. Sẽ kỳ diệu hơn nếu bạn không chỉ giúp họ bằng những hoạt động từ thiện đơn thuần, mà giúp họ kiếm sống bằng sức lao động, để từ đó có cơ hội kết nối, hoà nhập cùng cộng đồng và viết nên câu chuyện đẹp đẽ cho chính cuộc đời mình.