TokyoLife: Cửa hàng không lời & xưởng may ánh sáng - Tạp chí Đẹp

TokyoLife: Cửa hàng không lời & xưởng may ánh sáng

Sống

Phía sau những sản phẩm thời trang và hàng tiêu dùng đang được ưa chuộng, ngợi khen của TokyoLife là sự nỗ lực gấp trăm ngàn lần của hơn 170 người khuyết tật.

Huấn luyện viên thể hình cho nhân viên công ty là người bị mất một cánh tay, nhân viên truyền thông sáng tạo nhất là một người mù, người chịu trách nhiệm chăm sóc các “Thiên thần” là người Điếc, hai nhân viên ở bộ phận tuyển dụng và bộ phận công nghệ là người khuyết tật vận động. Ở xưởng may, các người thợ xỏ chỉ bằng đôi tay không lành lặn, nhấn mô tơ bằng bàn chân teo bại; ở cửa hàng, nhân viên đón khách bằng ký hiệu của những ngón tay vì không thể diễn đạt thành lời. Nhưng trên tất cả, những “Thiên thần” ấy luôn làm việc và chăm sóc khách hàng bằng cả trái tim.

Cửa hàng không lời

Cửa hàng không lời hay Ngôi nhà Thiên thần là cửa hàng đặc biệt bán các sản phẩm tiêu dùng và thời trang thuộc hệ thống TokyoLife với 16 trong tổng số 18 nhân viên là người Điếc. Đây là mô hình vận hành kiểu mới, tạo công ăn việc làm bền vững cho người khuyết tật – nơi những “Thiên thần” (cách gọi thân thương dành cho người khuyết tật của TokyoLife) có thể tự viết nên câu chuyện đẹp đẽ cho cuộc đời mình mà không cần đến sự chiếu cố hay thương hại.

Thông điệp “Chúng tôi tự hào khi mang những sản phẩm tốt nhất của TokyoLife đến với khách hàng” được nói bằng ngôn ngữ ký hiệu của các nhân viên bán hàng là người Điếc tại Ngôi nhà Thiên thần – 96 Thái Hà, Hà Nội
Những người Điếc đảm nhận các công việc từ đơn giản như đón khách, chăm sóc hàng hóa, đến phức tạp hơn như tư vấn bán hàng và thu ngân với sự hỗ trợ từ các công cụ giao tiếp công nghệ số cũng như các trang thiết bị, ấn phẩm hướng dẫn.
Ngôi nhà Thiên thần bán sản phẩm tặng kèm sự chu đáo cùng những nụ cười tươi tắn nhất

Đinh Thủy Tiên – 21 tuổi

Nhanh nhẹn, lễ phép, chu đáo, trung thực… là những gì chúng em được dạy để phục vụ khách mua hàng. Chúng em không thể diễn đạt được thành lời, vì vậy chúng em luôn cố gắng tận tâm hết mức để khách hàng cảm thấy thoải mái khi mua sắm ở một không gian không thanh âm như Ngôi nhà Thiên thần.

Đỗ Đắc Kỳ – 27 tuổi

Em rất hạnh phúc khi làm việc tại Ngôi nhà Thiên thần cùng những người Điếc khác, chúng em cùng nhau chăm sóc khách hàng bằng sự tận tâm, chu đáo nhất có thể, dù chúng em không nói, không nghe được. Ngoài mua sắm, khách hàng còn có thể học ngôn ngữ ký hiệu và tìm hiểu thêm về những nét văn hóa của người Điếc chúng em.

Xưởng may ánh sáng

Gọi là “Xưởng may Ánh sáng” (PV) vì nơi này mang lại ánh sáng hạnh phúc cho những bạn khuyết tật – những người trước đây quen sống trong bóng tối của sự mặc cảm và sự kỳ thị từ những người xung quanh.

Các em gọi nơi đây là gia đình, bởi ở đây có sự quan tâm chăm sóc, sự sẻ chia đồng cảm, mặc dù để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo, các em đã phải nỗ lực để học, để hiểu và luyện tập gấp trăm ngàn lần so với người lành lặn.

Không ít người cho rằng, người khuyết tật thường nhận nhiều tình thương thay cho sự phấn đấu. Thực tế, những người khuyết tật luôn mong muốn có công việc ổn định, bền vững, muốn khẳng định bản thân, được xã hội ghi nhận chứ không trông chờ lòng thương hại của bất cứ ai. Chính vì thế, TokyoLife không tặng con cá, nhưng cũng không chỉ tặng cần câu, mà còn tạo ra cả những hồ câu vui vẻ cho các bạn, để từ đó chắp cánh cho những đôi tay thiệt thòi nỗ lực vươn lên khẳng định mình và đóng góp cho xã hội.

Tằng Văn Minh – 36 tuổi

Em là người dân tộc Dao, em bị tai nạn từ năm lên 6 tuổi. Tuy mới vào xưởng may của TokyoLife được 3 tháng, đang trong thời gian học việc nhưng em vẫn được nhận lương và được lo chỗ ăn, chỗ ở. Em còn hạn chế về vận động, không nhanh nhẹn bằng người khác, nhưng ai cũng kiên nhẫn chỉ bảo em rất tận tình. Là một người khuyết tật nhưng có ích thật thích. Em chỉ mong các bạn khuyết tật khác cũng được may mắn, được giúp đỡ như chúng em bây giờ.

Hồ Thị Tân – 30 tuổi

“Gớm quá” là hai từ em quen nghe, “trừ lương” là chuyện em thường gặp khi đi làm thuê, còn “nước mắt” là người bạn quen thuộc của em trước kia. Bây giờ thì khác rồi, em đã có ngôi nhà thứ 2 – xưởng may này – nơi em được cười cả ngày, được tôn trọng, chỉ bảo, được chăm sóc chu đáo. Hôm vừa rồi, chúng em cũng được ra cửa hàng, tận mắt thấy khách hàng lựa chọn, nghe khách hàng khen sản phẩm do chính chúng em làm ra mà mấy đứa đứng cạnh nhau trào nước mắt vì tự hào và hạnh phúc. Mình khuyết tật thế này, chân tay không lành lặn thế này mà tạo ra được những sản phẩm có ích, như vậy mình không còn vô dụng nữa. 2 năm nay, em cũng không phải giấu giếm bàn tay của mình trong túi áo khi đi ra ngoài, bởi trong đầu em đã có sự tự tin, rằng mình là người có ích như những người lành lặn khác.

Phạm Thị Nhã – 25 tuổi

Em đã từng chỉ quen sống trong bóng tối của căn phòng ngột ngạt mấy mét vuông, quanh quẩn với suy nghĩ mình là người cô độc, vô dụng, ăn bám cha mẹ, ra ngoài thì bị nhìn ngó như sinh vật lạ. Một thời gian dài, em đi xin việc khắp nơi không ai nhận, khó lắm mới có được việc làm thì bị cắt giảm lương cho dù số lượng và cả chất lượng sản phẩm không thua kém người bình thường. Cách đây 2 năm, em lên mạng đọc được thông tin công ty TokyoLife tuyển dụng, em liều đến với suy nghĩ chắc không ai nhận mình đâu. Vậy mà em được đón nhận! Và em đã bước vào một thế giới khác, toàn niềm vui và sự đồng cảm. Bây giờ, niềm tự hào lớn nhất của em là tuy mình không có đôi chân đôi tay hoàn hảo, nhưng mình lại làm được ra những sản phẩm đẹp đẽ, có ích cho xã hội. Còn hạnh phúc lớn nhất của em là hàng tháng phụ giúp được cha mẹ chút tiền – điều mà trước đây, nằm mơ em cũng không dám.

Ảnh: Lê Lai, Tokyolife

Tác giả: Đẹp Online

05/04/2021, 12:00