Nhạt gần với không. Màu nhạt là màu có pha nhiều sắc trắng. Nhạt không hay không dở chỉ dứt khoát không đậm. Món nhạt là món ít muối, hoặc ít chất ngọt. Cười nhạt là để dùng vào lúc ít buồn cười hơn cả. Một cuốn sách/bộ phim nhạt nghĩa là xem cũng như không. Một âm thanh nhạt gần với sự im lặng. Hoặc có rất nhiều âm thanh nhưng không có cái gì nổi lên cả. Cũng chủ âm lúc đó là sự tĩnh lặng. Một thứ âm nhạc cho cái tai quá tải của bạn được nghỉ ngơi.
Âm nhạc là cách xuất hiện bằng âm thanh của con người trong thế giới này.
Có lẽ cho rằng những âm thanh tự nhiên là quá nhạt nên người ta đã tạo ra âm nhạc. Vậy thì thứ nhạc nhạt nhất sẽ gần với những âm thanh nhạt trong tự nhiên nhất. Đều đều, từ tốn, không to tiếng. Đó sẽ là tiếng suối róc rách hơn là tiếng sóng biển gầm gào, tiếng chim hót hơn tiếng bò rống, tiếng lá cây xào xạc hơn tiếng gió rít qua kẽ lá…
Thứ âm nhạc đầu tiên người ta được nghe sẽ là một thứ nhạc nhạt. Đó là những bài hát ru, chỉ có vài nốt quấn quít lấy nhau. Đứa trẻ mải mê nghe rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Đương nhiên với những người mới đẻ thì lỗ tai của họ dễ thuyết phục hơn nhiều. Nhất là âm nhạc phát ra từ mẹ lại chả hay. Cộng với một sân khấu êm ái của lòng mẹ nên thính giả chỉ còn nước ngủ.
Nhạc gây ngủ trong nhiều trường hợp không phải là thứ nhạc chán. Chắc hẳn bạn đã nếm trải cảm giác êm ái ngủ thiếp đi trong khi nghe đĩa nhạc mình ưa thích, kể cả là nhạc rock đi nữa. Thứ nhạc bạn thích hẳn là thứ nhạc bạn yên tâm, thoải mái khi ở trong đó. Nó là một kiểu nhạt bởi bạn đã pha mình vào nó…
Nhạc cũng để an thần, thư giãn. Dùng khi ngồi thiền, hay đi spa. Những âm thanh trong veo, những giai điệu bình ổn, những vòng hòa âm lặp đi lặp lại. Người nghe có thể tiếp tay bằng cách nhắm mắt tưởng tượng mình đang ở trong một cánh rừng hay trên bờ biển tươi mát, thế là xong. Thứ nhạc này tuyệt nhiên không phải để thưởng thức. Nếu bạn chăm chăm thưởng thức nó thì kết quả sẽ ngược lại. Bạn sẽ phát điên vì sự nhạt của nó.
Một tiếng động hay một câu nói được lặp đi lặp lại sẽ thành nhạc, ít nhất vì tính nhịp điệu. DJ có các phương tiện máy móc để làm việc này. Các nhà sư tụng kinh quá lâu cũng tạo thành nhạc. Một thể tiền (thân của) nhạc, một thứ âm thanh nằm giữa vùng tiếng nói và âm nhạc được tin tưởng mang lại sức mạnh tâm linh. Không biết có Phật tử nào đủ buồn ngủ để thiếp đi trong thứ nhạc đỉnh cao của nhạt này? Nhạt ở đây khi lại có công hiệu thức tỉnh.
Con người càng trưởng thành, càng tăng liều âm nhạc. Giống như việc người ta phải bắt đầu với rock rồi mới dần quen với rock nặng hơn, kim loại xong mới đến kim loại nặng. Nhỏ/nhẹ ở đây có nghĩa là nhạt.
Đậm nhất cho tới nay là âm thanh của Death Metal chứ gì? Hay là các tiếng động được mệnh danh là âm nhạc (noise music)? Từ đây có thể đi đến một định nghĩa mới: Âm nhạc là tất cả các âm thanh do con người tạo ra.
Con người càng trải qua nhiều thời kỳ, âm nhạc càng bớt nhạt. Dân ca so với nhạc mới lại chả nhạt. Nhạc ngày xưa rủ rỉ rù rì acoustic, nhạc ngày nay hòa âm phối khí trống phách loa âm thanh vòm lập thể om xòm.
Nhạc nhạt chính ra chơi được lâu. Như các liền anh liền chị quan họ thuở xưa cứ ngồi ề à với nhau thâu đêm. Dàn nhạc giao hưởng hoành tráng đã mấy lần ru ta ngủ trong nhà hát. Dù quy mô rất xa nhau nhưng đến thời điểm này, hai thứ nhạc kể trên đều đã nhạt đi nhiều…
Âm nhạc cũng như chủ thể của nó (người sáng tác và thưởng thức…) – rồi cũng chẳng đi đến đâu cả. Rất có thể một chu kỳ nhạt – đậm sắp kết thúc và người ta lại quay về với nhạc nhạt.
Bây giờ đã có những tín hiệu về một nền ca nhạc nhạt. Nhạc tiên – hay thường gọi là nhạc teen. Với các giọng hát thỏ thẻ, những giai điệu đơn giản ngọt ngào ấy, ở đây ta lại thấy ngọt tương đương với nhạt. Nghĩa là một thứ nhạc luôn gợi nhớ tới những gì ta đã nghe từ trước. Nó không khuấy động được cái ao cảm xúc trong ta. Tất nhiên nó hợp với những người mới lớn – vừa mới bắt đầu quá trình khám phá âm nhạc đã gặp phải thời nhạt nhẽo lên ngôi.
Mỗi cộng đồng có một công thức âm nhạc riêng. Đôi khi nhìn sang thực đơn nghe của người khác, chúng ta lại thèm thuồng. Trong khi món nhà mình còn chưa thưởng thức hết, chưa chế biến hết. Bây giờ một số người làm nhạc vẫn có vẻ khoái nếu sản phẩm của họ được nhận xét là có tí Hàn Quốc. Có dạo người ta đua nhau làm nhạc theo kiểu Hoa. Thực ra Hoa hay Hàn thì vị chủ đạo ở đây vẫn là nhạc pop của Tây. Đôi khi người ta thêm hoặc bớt một vài gia vị để câu khách nhất thời, nguyên liệu cơ bản vẫn thế.
Mấy ai để ý công thức của chúng ta đã gần như để thất truyền? Ngày nay, yếu tố Việt cũng chỉ được dùng như một gia vị mà thôi. Tức là nó đã nhạt đi rất nhiều. Gần như không còn liên quan gì giữa ca trù hay chèo với những bài hát dân gian đương đại ngày nay. So với lịch sử thì đây là một sự nhạt hóa.
Xét về đồng đại, đây vẫn là một sự hóa nhạt. Khi các mùi vị được pha loãng rồi hòa vào nhau để tạo thành một thứ gọi là world music. Tùy vào vùng miền mà pha chế đậm nhạt khác nhau nhưng chất liệu căn bản vẫn là Tây. Rồi Tây này so với cổ điển Tây xưa lại chỉ còn là một trời một vực. Ở ta có khái niệm nhạc nhẹ thế mà chính xác – cho một thời. Còn tới đây sẽ là thời của nhạc nhạt.
Sự cạn kiệt về tài năng cũng thể hiện trong lĩnh vực sáng tác. Mới nhất là nghi án đạo nhạc trên Bài hát Việt – sân chơi chính thống dành cho giới nhạc sĩ nước nhà. Tác giả bài “Mưa” (Minh Vương) đã dùng một nền hòa âm của một bài hát Hàn Quốc để gợi hứng cho giai điệu của mình, và tiện tay bê luôn một số đoạn trong bản phối của người vào tác phẩm của mình, gửi đi thi và dành giải Bài hát được khán giả yêu thích nhất trong tháng.
Lối làm việc kiểu này vẫn được đón nhận như thường. Chỉ cần khéo léo hơn một chút là đã không mang tiếng đạo nhạc – nếu dùng một bản phối hoàn toàn mới – mà cùng lắm người ta chỉ bảo là: Nhạt. Trong khi công chúng đang quay cuồng trong biển nhạc nhạt phèo, thì nhạc sĩ lại đổ thêm nhạt vào nhạc. |
Bài: Nguyễn Mạnh Hà – Ảnh: Ngọc Phan