![]() |
Bà Phạm Trung Thu – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo SOS Hà Nội với các cháu trong trường |
Cũng ngày này năm trước tôi và người thân trong gia đình bàng hoàng khi nghe bác sĩ thông báo tôi bị ung thư vú giai đoạn 2. Với tôi, lúc ấy đúng như sét đánh ngang tai, choáng váng không còn nghĩ được gì nữa.
Từ khi phát hiện bệnh đến khi tôi lên bàn mổ vừa đúng 1 tuần.
Ai cũng bảo bệnh của tôi chưa tuyệt vọng vì chưa bị di căn sang hạch nách, cắt toàn bộ bên vú với khối u 2,5 cm, bóc 8 hạch nách viêm quá sản với kích thước hạt to nhất 1,5 cm; chiếu tia xạ; truyền hóa chất 6 đợt là xong. Nhưng thực tế xảy ra khốn khổ hơn nhiều.
Xuất phát điểm từ việc 15 ngày sau mổ vết thương lành bên ngoài nhưng còn ứ dịch bên trong. Sau mổ tôi được chỉ định sang khoa tia xạ, ở đây bác sỹ tiến hành rút ống dẫn lưu rồi cho băng ép bằng băng chun.
Bắt đầu từ đây nhiều ngày tôi phải xoay sở, loay hoay không biết nên như thế nào và đã gánh trọn hậu quả. Trong quá trình 1 tháng rưỡi tia xạ, nhiều lần vết thương sưng tấy ứ dịch.
Mỗi lần như vậy bác sĩ lại chọc kim hút dịch, cho uống kháng sinh; hết kháng sinh lại sưng tấy đầy dịch. Rồi đến lúc vết thương thành ổ áp xe ở chỗ chọc hút nhiều, tiêm kháng sinh nặng cũng không được.
Sau hai đợt truyền hóa chất, ổ áp xe vỡ chỗ vết khâu, đúng nơi chọc hút dịch và là vùng chịu tia xạ. Ở vùng chiếu tia xạ bác sĩ dặn rất kĩ không được để trầy xước vì vết thương ở đó không lành được.
Vậy mà nay vết thương của tôi đã bị thủng một lỗ to bằng đồng xu 5 nghìn, bên trong rỗng như cái túi to bằng bàn tay.
Từ đó là những ngày ròng rã khốn đốn vì vết thương. Từ giữa tháng 7/2007 đến tháng 1/2008 ngày nào tôi cũng phải vào viện để thay băng, bơm rửa vết thương.
Truyền được 4 lần hóa chất, mỗi lần truyền là một lần vết thương sưng tấy, chảy dịch, không may tôi lại bị nhiễm thêm trực khuẩn mủ xanh là loại nhiễm khuẩn bệnh viện rất khó điều trị, rất ít người bị.
Tiêm kháng sinh 26 ngày ở viện K không khỏi, tôi được chuyển sang Viện Các bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm Quốc gia tiêm tiếp gần 1 tháng với các loại thuốc đặc trị mới khỏi được trực khuẩn mủ xanh.
Nhưng vết thương thì vẫn vậy, há ngoác miệng và sâu hoắm vào vùng nách không thể liền được.
Khi thăm khám vết thương bác sĩ nào cũng ái ngại cho tôi, ở đâu, bệnh viện nào cũng vậy, từ viện K, Viện 354, Viện Các bệnh Nhiệt đới và Truyền nhiễm Quốc gia đến bác sĩ quen ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108 đều nói vết thương không lành được, phải chung sống chịu đựng, ngày ngày thay băng, nạo lớp mạc giả…
Tôi buồn và thất vọng vô cùng, đôi khi còn có ý nghĩ tiêu cực. Có những lúc tôi ngồi một mình mà nước mắt cứ chảy dài. Nhưng rồi tôi lại nghĩ đến chồng con, những người thân yêu của mình.
Cả gia đình nhỏ của tôi như đang cùng trên một con thuyền giữa giông bão, nếu bất cứ một thành viên nào gục ngã, thì chắc chắn những người còn lại sẽ không thể vững tay chèo.
Đúng rồi, tôi phải bắt mình trở nên mạnh mẽ, lạc quan, để chồng con tôi có động lực tiếp tục những ngày sắp tới. Nhiều lúc tôi nghĩ, trời cho mình sống được đến đâu thì hay đến đó, tại sao trong lúc được ở bên người thân lại không vui vẻ.
Bởi thế, tôi thường nói với mọi người thế này: “Mình biết bệnh của mình không nặng, chỉ cần mổ và xạ trị, hóa trị xong là khỏi, chỉ thấy thương chồng con phải vất vả thôi”.
Mỗi lần nghe được câu nói ấy, tôi thấy gương mặt chồng con tôi như giãn ra. Những lúc cơ thể đau đớn, tôi cắn răng chịu đựng một mình, không than vãn, và không có phép mình được nghĩ tiêu cực nữa.
Tôi cũng thường tự hỏi mình đã sai lầm từ đâu? Có lẽ tôi sai lầm ngay từ khi bước chân ra khỏi khoa ngoại vú Viện K mà vẫn đeo ống dẫn lưu sang khoa tia xạ, không hỏi han bác sĩ cặn kẽ xem nên làm thế nào khi vẫn còn nhiều dịch.
Sau này tôi mới biết rằng mình nên quay về khoa ngoại. Sau khi bị vỡ áp xe hàng ngày sang thay băng ở khoa ngoại tôi mới được nghe bác sĩ y tá mắng:
“Sao ở ngay Hà Nội mà để bị nặng như thế này. Đáng ra, nếu còn dịch chị phải sang đây bọn em hút dịch cho thì đâu đến nỗi, bao nhiêu người ở tia xạ vẫn sang đây nhờ bọn em hút dịch, họ ngon lành hết có sao đâu”.
Thật là một bài học đáng đời nhưng muộn quá. Giá như bác sĩ ở khoa ngoại tư vấn cho tôi sớm hơn thì đỡ biết bao nhiêu.
Sau 7 tháng ròng rã khốn khổ với vết thương, bỗng nhiên ông trời thương cho tôi gặp thày gặp thuốc. Qua một bài viết trên báo điện tử mà bạn của con gái tôi gửi tặng, tôi biết ở Viện bỏng Quốc gia vừa chữa lành cho một bệnh nhân như tôi.
Lập tức tôi tìm đến, vào khoa phẫu thuật tạo hình và quí nhân của tôi ở đây. Đó là tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quang Vinh. Khi mới đến tôi rất rụt rè nghi ngại vì ở những nơi khác đều trả lời vết thương không lành chưa phẫu thuật được.
Vì thế, khi nghe bác sĩ Vinh khẳng định sẽ nhận phẫu thuật cho tôi, tôi sững sờ, sung sướng quá tự nhiên nước mắt cứ trào ra.
Bác sĩ đã tiến hành chuyển vạt cơ lưng to có cuống che phủ vết hổng ở ngực, một kỹ thuật mới đòi hỏi tay nghề cao.
Hiện nay có nhiều bệnh nhân có vết loét do tia xạ phải chịu đau đớn tuyệt vọng mà chưa được tiếp cận nền y học mới may mắn như tôi.
Sau một tháng nằm viện, được sự chăm sóc tận tình các bác sĩ y tá tại đây, tôi đã lành lặn trở lại, hết đau, hết cảnh hàng ngày vào viện thay băng.
Bây giờ tôi quay lại những nơi đã điều trị, bác sĩ nào xem vết thương của tôi cũng trầm trồ khen ngợi.
Tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ đã trả lại cho tôi cuộc sống bình yên giúp tôi dồn sức chiến đấu lâu dài chống bệnh ung thư vú tái phát.
Vừa tròn một năm từ khi mắc bệnh, đã điều trị ở bốn bệnh viện, đã trải qua những đau đớn thể xác và tinh thần, tôi nghiệm ra một điều sâu sắc rằng, khi chữa bệnh phải luôn luôn tỉnh táo không ngại ngần trao đổi với bác sĩ, người bệnh bên cạnh, tìm hiểu những gì còn thấy vướng mắc, “con khóc mẹ mới cho bú” mà, thấy mình có biểu hiện khác người bên cạnh phải hỏi bác sĩ luôn, dù có bị mang tiếng lắm điều, nhũng nhiễu.
Và điều quan trọng nhất mà ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng đủ nghị lực để thực hiện: đó là sự lạc quan. Vâng, để lạc quan cũng cần nghị lực, các bạn ạ. Đó là một trong những bài học tôi rút ra được trên bước đường còn dài vượt qua bệnh tật.
Phạm Trung Thu |