(Cười) Thì đúng là tại anh ấy hát hay quá!
Điểm nổi bật ở giọng hát Tùng Dương?
Trong sáng.
Nghĩa là?
Cảm giác nó thật, không ngụy tạo. Nói chung nó giống như từ rừng núi đi ra vậy, bản năng, trong sáng. Dù về học thuật, anh Dương rất giỏi nhưng vẫn khiến người ta có cảm giác rất hồn nhiên, chân chất.
Cảm giác này Lý có bắt gặp ở nhiều ca sĩ khác?
Thường bắt gặp ở những ca sĩ mới hát. Tùng Dương hát lâu mà vẫn giữ được tình yêu thuần khiết ấy.
Có thể là nhờ vào chất giọng không có giới tính?
Đâu, ảnh hát nam tính đó chứ! Ảnh biểu diễn có thể không có biên giới nhưng hát thì rất nam tính.
Từ nam tính thường được dùng cho một giọng nam trầm ấm, đầy đặn. Còn Tùng Dương lại rất biến báo, dùng những quãng giọng rất cao?
Là vì anh có khả năng. Anh làm được điều đó. Bản thân giọng hát của anh ấy cực trầm cũng có, cực cao cũng có. Đầy trung khí, rất nam tính!
Trung khí?
Trong người mình có nhiều loại khí. Trung khí là khí từ đan điền, nhờ đó mà giọng nói của mình chắc, ổn định. Giọng của anh Dương bẩm sinh có cái đó. Hát lên một câu nó đã như vậy, tự nhiên, không cần cố gắng. Còn những cái mình thấy anh ấy thể hiện là do anh có nhiều học thuật, giỏi. Giọng bẩm sinh của anh cũng hay. Nó khàn nhưng không có bass nhiều. Khàn nhưng vẫn dày. Cảm giác mình sờ được độ dày của giọng hát.
Bên cạnh đó anh ấy yêu việc ca hát, thì anh ấy kết hợp được nhuần nhuyễn như vậy. Người ta thấy yếu tố kỹ thuật nhiều hơn. Nhưng với em, cái đáng quý nhất là tình yêu, sự hồn nhiên.
Tưởng giọng bẩm sinh của Tùng Dương hơi mỏng?
Không. Dày lắm đó! Tại cái mỏng – dày mình hay quan niệm theo kiểu cổ điển. Ở anh Dương với cái nhìn của em, nó vẫn dày.
Nhưng vì nó mượt, nó không làm cho người ta ngạt thở ngay lập tức nên mình cảm giác như nó mềm và mỏng. So với những cái em được biết thì ảnh có thể được so sánh với cả ở ngoài nước.
Tùng Dương hát tình ca thì sao?
Cái chất đấy tùy vào thẩm mỹ của mỗi người. Anh Dương thì hát gì cũng ra Tùng Dương à! Cho nên người ta chấp nhận được Tùng Dương hay không là vấn đề. Chứ không phải là anh sẽ hát tình ca theo kiểu tình ca của mọi người.
Theo dõi Tùng Dương từ hồi Sao Mai Điểm Hẹn 2004 tới giờ, Lý có thấy Dương khác nhiều?
Ngày trước xem anh ấy biểu diễn thì người ta nghĩ anh ấy hơi xa cách. Nhưng khi tiếp xúc thì ảnh rất là dễ thương, rất hòa đồng nhưng không theo kiểu dễ dãi. Hay là tính phục vụ của ảnh cao lắm. Gì anh cũng hát à! Những cái đó làm em bất ngờ.
Tính phục vụ của Tùng Dương cao?
Ví dụ có lần em xem ảnh hát ở phòng trà. Người ta yêu cầu ảnh thì ảnh rất nhã nhặn, khi không đáp ứng được thì kiếm cách khác để phục vụ họ. Chứ không phải anh ấy chỉ nói “không” thôi.
Lý thấy Tùng Dương hát “Chênh vênh” thế nào?
Em thấy rất OK. Tất nhiên bài đó mang tính giao lưu, gây một dấu ấn dễ thương. Không thực sự là một bài để Tùng Dương đi hát, để làm cho mọi người cực kỳ hứng thú. Vả lại “Chênh vênh” của em giai điệu cũng không đủ để Tùng Dương thể hiện những cái anh có. Khả năng, sở trường của ảnh nằm ở địa hạt khác. Ảnh cần những ca khúc khác để thể hiện điều đó.
Tùng Dương đôi khi thiếu những bài hát nhẹ nhàng như thế. Quằn quại trưng trổ nhiều quá có khi gây mệt?
So với ngày xưa, em thấy bây giờ ảnh làm cho công chúng gần ảnh hơn. Tại thật sự rút cuộc mình hát, ngoài việc được yêu thích ra, mình phải phục vụ được người khác. Yếu tố khán giả rất quan trọng. Đương nhiên số khán giả không bền vững thích theo xu hướng. Còn ai thực sự cần âm nhạc, họ cần đúng con người của mình. Một người nghệ sĩ như vậy cần phải kiên trì. Họ có thể làm nhiều hình thức nhưng họ nuôi một hướng đi, một mực chung thủy với hướng đi đó.
Sự xuất hiện của Tùng Dương có thể coi là may mắn cho khán giả?
Chắc chắn rồi! Bản thân niềm đam mê và tận tụy với nghề của ảnh đã là một sự cống hiến. Âm nhạc anh tạo ra hay dở không quan trọng lắm. Nhưng nó gây được sự ngạc nhiên trong bao lâu, đóng góp thật sự thành một màu sắc theo lịch sử như thế nào. Cái đó mình chờ xem, quan sát. Điều thú vị là khán giả có nhiều lựa chọn. Nghệ sĩ ngược lại không có quyền có nhiều. Giờ nếu anh Dương đi hát nhạc sến này, nhạc tình ca, rồi hát nhạc “quái đản”… Dần dần sẽ chả ai nghe anh Dương. Nó tạp nham. Khi người ta nhớ đến một người nghệ sĩ, người đó phải có cái gì…
Lý nghe Tùng Dương hát nhạc tiền chiến chưa?
Có, anh đi nước ngoài hát nhiều mấy món đó lắm. Nhưng em nghĩ ảnh rất thông minh. Tại người ta yêu quý mình trước, rồi mới chấp nhận cái thẩm mỹ của mình từ từ, dần dần.
Người ta cũng hay băn khoăn về gu thời trang của Dương…
Em thích mấy bộ đồ của ảnh, lúc đầu nhìn mắc cười nhưng cảm thấy thú vị. Đó là nghệ sĩ duy nhất ở Việt Nam thực sự can đảm. Không theo một xu hướng như đẹp trai, hotboy hay sexy, mà là xu hướng của ảnh. Nhiều nam nghệ sĩ không can đảm bằng ảnh đâu! Họ sợ xấu lắm. Để làm một cái gì đó kỳ quặc thì họ rất sợ công luận.
Còn gì để “bêu xấu” Tùng Dương nữa không nhỉ?
Một người cháy hết sức sống. Hiếm có!