“Tôi tham vọng và đôi khi ích kỷ”

Trước khi gặp Nguyễn Nhật Quỳnh – Phó TGĐ
phụ trách Marketing và Kinh doanh Trong nước và Quốc tế Cty Thời trang
Việt , tôi được giới thiệu về chị như
sau: Đó là một người phụ nữ đẹp; Học master về marketing; Là người đầy
năng lượng
trong công việc; Nhưng trên hết, chị có tình yêu đặc biệt với thời
trang.

Chỉ bấy nhiêu
cũng đủ để mảng toan hiện lên những nét cọ cơ bản về chân dung người phụ nữ hiện đại
mà Đẹp đang tìm kiếm. Nhưng gặp Nhật Quỳnh, nói chuyện với chị, khám phá và…
phải hiểu chị, mới nhận thấy mảng toan không chỉ có ngần ấy gam màu…

Khi chiếc bể nhỏ và con cá lớn hơn
Chúng ta sẽ bắt đầu bằng tình yêu thời trang của chị – một tình yêu, suy
cho cùng, cũng không có gì lạ lẫm đối với bất kỳ người phụ nữ nào?

Ai cũng có tình yêu thời trang. Vấn đề là tình yêu đó
đưa mình tới đâu. Tôi không dùng từ nhu yếu phẩm, vì thời
trang là ăn mặc đã thành chuyện xưa rồi. Giờ thời trang đi
xa hơn, đặt người làm đứng trước nhiều thách thức hơn. Khi
thị trường phát triển, công nghệ thông tin bùng nổ, sự hiểu
biết về thời trang đạt đến mức độ chuẩn, tạo cho các doanh
nghiệp Việt Nam phát triển tốt hơn để đáp ứng. Chính thị
trường đó khơi dậy trong tôi niềm đam mê thời trang.

Còn những năm trước, thị trường “dẫn” chị đi đâu?

Sau khi ra trường, tôi làm một công ty của Hàn Quốc.
Tôi đã trải qua 6 năm rất ý nghĩa trong công việc marketing.
Sau 6 năm, tôi chuyển qua môi trường chuyên nghiệp
hơn là Uniliver, với hơn 1 năm làm Giám đốc phụ trách khu
vực châu Á Thái Bình Dương cho nhãn Comfort, và hơn
một năm làm Sunsilk. Có thể nói, tôi là người không quan
trọng chức vụ, địa vị. Thứ tôi quan tâm là môi trường mình
vùng vẫy như thế nào. Mình làm được gì và mình có “happy”
không. Sau 6 năm làm ở công ty Hàn Quốc, chiếc bể trở nên
quá nhỏ, còn con cá lại lớn hơn, nó cần một môi trường rộng
hơn để vùng vẫy. Đó là lí do tôi đi…

Còn thêm lí do nào cho cuộc chia tay này? Ví như 6 năm đủ để những ý
tưởng marketing của chị bị mòn, mà người Hàn Quốc luôn cần những ý
tưởng mới, để không phải “hít khói” đối thủ?

Chỉ có một lí do duy nhất, đó là nhu cầu của tôi. Môi
trường ở đó đưa người ta lên tột đỉnh của văn hoá Hàn Quốc:
Muốn làm là phải được. Là người cá tính, quyết đoán, nên
trong môi trường đó tôi càng có lí do để phát huy. Nhưng tôi
không thích thứ “văn hoá răm rắp” của người Hàn. Nhân
viên cấp dưới không được cãi sếp. Sếp nói, nhân viên phải
răm rắp nghe theo. Tôi không dễ dàng chấp nhận điều đó.
Có những người hỏi: Tại sao tôi phải “đổ máu”, trong khi
việc “đổ máu” đó không được lợi gì cho mình? Câu trả lời của
tôi là: Cuộc đời tôi, cho dù làm thuê hay làm chủ, tôi vẫn
làm với cái tâm, trách nhiệm và với tư cách… ông chủ! Tôi
không thể là người bàng quan. Nếu chướng mắt, tôi sẽ vào
cuộc. Không vì lợi ích cá nhân, mà vì công việc. Nhưng cũng
vì điều đó mà các sếp thường yêu quý tôi, và luôn muốn giữ
lại, kể cả khi tôi muốn ra đi.

Mọi người đang chứng kiến một thế hệ phụ nữ đương đại, trong đó, có rất
nhiều người đã hoặc đang tồn tại ở Unilever. Chị thích sự chuyên nghiệp,
lại được “ngồi” trong cái “ghế” tạm gọi là an toàn. Tại sao lại phải ra
đi?

Tôi rất thích câu: Mỗi câu chuyện đều có sự kết thúc.
Nhưng trong cuộc sống, mỗi sự kết thúc là một sự bắt đầu
mới. Tôi bắt đầu một con đường mới, với địa vị khác, trách
nhiệm khác, nhưng khi đã lên tới vị trí đó, tôi lại muốn
chạm tới cái đỉnh cao hơn. Làm ở Unilever, tôi vẫn chỉ là
một marketer, trong khi bước chân vào học Master, tôi xác
định 10 năm sau mình không phải là Giám đốc marketing
nữa, mà phải là CEO. Không phải tham vọng địa vị, mà tôi
muốn bản thân được thử thách ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Lúc bấy giờ, tôi và mấy người bạn muốn mở công ty Việt
Nam, về thực phẩm. Đang làm công ty nước ngoài quay về
công ty Việt Nam, mọi người kịch liệt phản đối quyết định
của tôi, kể cả gia đình. Nhưng tôi nhìn bức tranh rộng hơn.
Ở Unilever, để lên được vị trí CEO, tôi sẽ phải mất rất nhiều
năm. Còn nếu dám ra khỏi Unilever, đồng nghĩa thời gian sẽ
được rút ngắn lại, dù rủi ro cao ngang ngửa cơ hội. Nhưng
tôi nghĩ thực lực mình có, mình còn trẻ. Tại sao không dám
thử thách?

Chị nói lí do đi khỏi công ty Hàn Quốc vì nó đã trở thành cái ao hẹp.
Unilever rộng hơn rất nhiều để chị bơi. Nhưng thực tế lại cho thấy, cuối
cùng chị quay về cái ao còn hẹp hơn cả ban đầu. Có mâu thuẫn quá
không?

Tôi hình tượng một chút nhé: Khi ở trong cái ao, tôi mơ
về biển. Nhưng ra biển rồi, bơi hết chỗ này chỗ kia, sẽ phải
bơi rất lâu. Kinh nghiệm và “sơ yếu lí lịch” giúp tôi được đặt
lên vị trí “top”. Nhưng tôi là người không thể ngồi yên. Dù
sao, người làm chủ vẫn khác người làm thuê.

Nhưng làm chủ một thời gian khá ngắn, chị lại quay sang làm cho… chủ
mới, khi quyết định về đầu quân cho Thời Trang Việt?

Tôi chưa bao giờ thích ngành thực phẩm. Khi bắt tay vào
làm, trong con người tôi mới nảy sinh nhu cầu được chọn
công việc mình đam mê, giống như điều kiện cần và điều
kiện đủ. Thời trang là sự đam mê của tôi. Duyên may là tôi
chọn nó.

Khi con cá
muốn trở lại
chiếc ao làng

Chị lại vi phạm nguyên tắc của mình: Chị nói cần một môi trường chuyên
nghiệp. Nhưng liệu Thời Trang Việt đã đạt tới chuẩn mực chuyên nghiệp?
Chị nói cần môi trường rộng, nhưng rõ ràng Thời Trang Việt không phải
cái “tên” mạnh, nhất là với thói quen sính ngoại của số đông người tiêu
dùng thời trang?

Môi trường chuyên nghiệp không phải câu hỏi bây giờ,
vì nguyên tắc đó xảy ra cách đây 10 năm. Tôi đã đi qua môi
trường chuyên nghiệp rồi. Đâu đó trong con người tôi – rất
thật – tôi muốn làm cho công ty Việt Nam. Ngày xưa, anh
em chúng tôi dựng nên Anco cũng cùng mong muốn người
Việt làm sản phẩm Việt, cho người Việt. Giờ đây, đối với tôi,
công ty nước ngoài hay Việt Nam đều không quan trọng,
quan trọng là môi trường nào thử thách mình và làm mình
thích thú.

12 năm lăn lộn cho thấy chị là người không ổn định, và tôi không chắc
chắn chị sẽ ở Thời Trang Việt cho đến khi thực hiện được giấc mơ của
mình?

Với tôi, chuyện thay đổi công ty không quan trọng, quan
trọng là được thử thách. Còn quá sớm để tôi nói về công ty
Thời Trang Việt. Giống như tình yêu nam nữ. Khi xác định
yêu, mình hoàn toàn dành thời gian cho nó và luôn nghĩ
đó là tình yêu đích thực. Nhưng nếu hỏi sau này, tôi có tìm
thấy tình yêu nào đích thực hơn không? Tôi không trả lời
được! Mỗi thời điểm, mỗi “người” mình yêu đều là tình yêu
đích thực. Không ai nói tôi không yêu những nơi mình đã
dừng chân. Nhưng tình yêu đích thực không có nghĩa là tình
yêu vĩnh viễn. Ở giây phút hiện tại đó là tình yêu đích thực,
nhưng không ai biết mai này ra sao.

Xem ra, chị là người phụ nữ rất tham vọng. Chị biết mình muốn gì và
làm gì để đạt được điều mình muốn?

Tôi không biết trả lời gì ngoài… chị nói đúng!

Anh có thể tìm người
phụ nữ biết cách chăm
sóc anh hơn

Tôi đang hình dung cuộc sống phía sau người đàn bà tham vọng là gì?

Trước đây chồng tôi không bao giờ hiểu tôi. Chúng tôi
quen nhau từ khi học đại học đến khi lập gia đình là 4 năm.
Anh ấy biết tôi là người đam mê công việc, và có thể đợi tôi
2 – 3 tiếng trước công ty. Tôi nói 9 giờ về, nhưng đến nơi tôi
chưa xong việc và đợi quá 11 – 12 giờ đêm là chuyện bình
thường. Nhưng anh ấy nghĩ làm đám cưới rồi tôi sẽ khác.
Nhưng tôi không khác được. Chồng tôi không chấp nhận.
Nói thẳng ra là vài năm đầu, chúng tôi rất.. rất… rất khó
khăn.

Trong hoàn cảnh này, chị vượt qua hay đầu hàng khó khăn?

Tôi là người rất “mở”. Tôi nói với anh ấy: “Nếu thực sự
cảm thấy sống với em không mang lại hạnh phúc cho anh,
anh có thể tìm người phụ nữ phù hợp hơn, ngọt ngào hơn,
và biết cách chăm sóc anh hơn”. Chồng tôi trả lời: “Bản thân
anh thích phụ nữ cá tính”. Và tôi nói: “Nếu thích phụ nữ cá
tính, anh phải hiểu em đang làm gì”. Cuối cùng, chồng tôi
quyết định lùi về phía sau và để tôi được là chính mình. Nếu
tôi hạnh phúc thì anh ấy hạnh phúc. Bây giờ chồng tôi đã
quá hiểu tôi, nên gia đình tôi ổn.

Tham vọng và bình yên – chị có quá thông minh và khôn ngoan để đạt
được điểm cân bằng đó?

Xin đừng dùng từ khôn ngoan với tôi! Tôi không tính
toán, mà là sống thật với chính mình, dù đó là công việc, bạn
bè hay gia đình. Có lẽ tôi là người may mắn.

May mắn và ích kỷ?

Đôi khi tôi nghĩ mình là người ích kỷ.

Giờ thì tôi hiểu phía sau người phụ nữ thành đạt như chị là người đàn
ông… phải hy sinh. Nhưng liệu các con có “chịu đựng” được chị như ông
chồng của chị?

Tôi có một nguyên tắc bất di dịch: Không đụng chạm đến
ngày Chủ nhật. Với tôi, ngày Chủ nhật là ngày của gia đình.
Cả gia đình sẽ ăn sáng cùng nhau. Sau đó, tôi dắt con đi bơi,
đi chơi. Buổi chiều đi lễ và về nhà ăn cơm với bố mẹ! Có lẽ vì
thế mà gia đình tôi ổn và các con tôi ổn!

Xin cảm ơn chị, và chúc chị cùng những người thân yêu sẽ luôn “ổn”!


From the same category