Nhan nhản các tờ rơi quảng cáo phòng trọ ngắn ngày trước khu vực ĐH Thương mại, phố Hồ Tùng Mậu, H.Từ Liêm, Hà Nội – Ảnh: Thúy Hằng
Chặt chém, lừa đảo nở rộ
Tránh phiền phức từ các nhà trọ đông người, dịp thi đại học, những gia đình khá giả đã lựa chọn nhà nghỉ, khách sạn cho con em mình ở dẫn đến tình trạng nhà nghỉ quanh các trường đại học đồng loạt “hét” giá cao.
Trưa 3.7, theo khảo sát của chúng tôi, giá trung bình cho một phòng đơn (2 người) tại các nhà nghỉ, khách sạn ở phường Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu là 700 ngàn/ngày, tại khu vực Nhổn – Từ Liêm, giá phòng thấp nhất là 350 ngàn/ngày.
Theo lời của quản lý một khách sạn trên phố Nguyễn Khánh Toàn, từ nay đến hết thi đợt 2, phòng đơn nhà anh 600 ngàn/ngày vẫn không đủ cho thuê.
Quanh ĐH Công nghiệp Hà Nội, Bách khoa, Thương mại, Đại học Quốc gia Hà Nội… những ngày qua, nhan nhản các tấm biển cho thuê nhà trọ ngắn ngày với mức giá 100 ngàn/người/ngày (ở ghép phòng 6 người), hoặc 2 triệu/phòng/3 ngày thi.
Tại khu vực Ngã tư Cổ Nhuế (H.Từ Liêm), cũng xuất hiện nhiều tờ rơi mời về ở ghép.
Chủ các quán trà đá khu vực phường Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội cũng kiêm luôn chức “cò” phòng trọ ngắn ngày – Ảnh: Thúy Hằng
Theo một tờ rơi “có phòng khép kín, giá rẻ”, chúng tôi tìm đến một phòng trọ sau ĐH Mỏ địa chất (ngã tư Cổ Nhuế, H.Từ Liêm).
Phòng rộng 15 m2, nhưng đã có 4 người. Thấy khách dè dặt, bà chủ cho hay: “Phụ huynh nam có thể ngủ cùng sinh viên phòng bên cạnh, phụ huynh nữ có thể xuống tầng 1 ngủ cùng chủ nhà. Giá rẻ, 150.000 đồng mỗi người một ngày, ở vài ngày chết ai”.
Cạnh tranh khách, sáng 3.7, sau buổi làm thủ tục dự thi, trước ĐH Công nghiệp Hà Nội (đường 32, H.Từ Liêm), hàng chục “cò phòng” đứng chèo kéo phụ huynh, thí sinh về nhà mình ở. Các xe ôm, chủ quán trà đá ở cổng trường cũng kiêm luôn tiếp thị phòng bình dân. Giá trung bình các cò đưa ra là 80 – 100 ngàn/người/đêm.
Theo chân một “cò phòng”, chúng tôi được dẫn tới tầng 2 một căn nhà xóm Đình Quán, Phú Diễn. Phòng rộng 30 m2, cũ kỹ, ẩm mốc nhưng đã có 4 người. “Trăm rưỡi 2 người 1 ngày. Phụ huynh thích thì trải chiếu nằm cạnh con em. Hoặc xuống nằm ở sàn phòng khách”, chủ nhà nói.
Giá phòng cao, nhiều gia đình nông thôn có con đi thi còn méo mặt trước nhiều thứ phải chi trả khác ở Hà Nội.
Đưa con đến thi tại ĐH Công nghiệp Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tiến (quê Nam Sách, Hải Dương) tìm một nơi ở ghép cùng nhiều phụ huynh, thí sinh khác tại một nhà dân thôn Kiều Mai, Phú Diễn mất 80 ngàn/người/ngày. Ăn cơm bụi mỗi người mất 25 ngàn/xuất. Trà đá cổng trường thi cũng 4 ngàn/ly. Anh cho hay sáng 2.7, từ Bến xe Mỹ Đình xuống hai cha con không biết đường, gặp phải tay xe ôm chở hai cha con vòng vèo cả nửa tiếng rồi “hét” hơn 200.000 đồng.
“Tôi sợ Hà Nội quá. Cái gì cũng cần tiền. Ăn uống không yên tâm. Nhà trọ đông người rất bất tiện. Buổi tối con muốn ôn lại bài cũng khó”, anh Tiến chia sẻ.
Đội thanh niên tình nguyện ĐH Công đoàn giúp đỡ phụ huynh, thí sinh tỉnh xa chuyển đồ tới phòng trọ giá rẻ gần Bến xe Giáp Bát – Ảnh: Thúy Hằng
Anh Vũ Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên Giao Thủy, Nam Định, điều hành hoạt động Tiếp sức mùa thi 2012 tại Bến xe Giáp Bát cho hay, từ cuối tháng 6 đến nay đã tiếp nhận nhiều trường hợp thí sinh, phụ huynh bị móc túi, bị ăn chặn tiền từ cánh xe ôm làm “cò nhà trọ”.
“Sáng 30.6, một thí sinh đến từ Thái Nguyên bị móc túi mất 1 điện thoại iPhone 4. Chiều 30.6, hai mẹ con một thí sinh ở Nam Định lên Bến xe Giáp Bát kêu cứu chỗ chúng tôi khi không còn một đồng trong túi vì bị một thanh niên lừa mất 2 triệu đồng”, anh Hùng kể lại.
Theo anh Nguyễn Quán Tiến, cán bộ Ban thanh niên trường học Thành đoàn Hà Nội, thi đại học là một dịp béo bở để dân làm dịch vụ ở Hà Nội “bắt chẹt” thí sinh, phụ huynh nơi khác đến.
Anh Tiến cho hay, để có một kỳ thi an toàn nhất, các phụ huynh, thí sinh nên tìm sự giúp đỡ từ các đội thanh niên tình nguyện, tiếp sức mùa thi tại các bến xe, trước cổng trường đại học để được phát bản đồ Hà Nội, tư vấn các tuyến xe buýt gần nhất tới điểm thi cũng như tìm các chỗ trọ, nơi ăn, nghỉ giá rẻ hoặc miễn phí trên toàn thành phố.
Theo Thanh Niên