Tôi phát hiện ung thư vú gần ngày cưới

Thương Sobey, ung thư vú ở phụ nữ, bệnh ung thư vú
Thương Sobey cùng các tình nguyện viên trong Pink Ribbon Day (Ngày Nơ Hồng dành cho bệnh nhân ung thư vú) tại Sydney, Úc. 

Khoảng hơn hai tháng đó với những nghi ngờ không có câu trả lời, tâm trạng tôi rất phức tạp, lúc thì tràn trề hy vọng chắc mình chẳng sao, lúc thì hoảng loạn, sợ hãi vì linh cảm có điều chẳng lành.

Ngày nhận chẩn đoán, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên được. Đó là ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2012. Tôi cầm chẩn đoán mình mắc ung thư vú thể ống xâm nhập tại bệnh viện K Hà Nội, lúc đó đã hơn 5 giờ chiều. Người ở cạnh tôi lúc đó là một đồng nghiệp làm cùng ở trường đại học. Chị ấy cũng là một bệnh nhân ung thư vú, làm xét nghiệm cùng tôi ngày hôm đó. Cả tôi và chị đều nhận những kết quả không mong đợi. Tôi không khóc được. Cầm kết quả, hai chị em lặng lẽ ra về.

Điều khiến tôi khủng hoảng và suy nghĩ nhiều nhất đó là ngày tổ chức đám cưới của tôi không còn xa. Tại sao căn bệnh lại chọn đúng lúc này để giáng xuống. Tôi đã mong chờ, mặt mày lúc nào cũng rạng rỡ chuẩn bị cho ngày kết đôi với người đàn ông của đời mình sau gần 4 năm yêu nhau trong xa cách. Tôi không biết phải nên như thế nào mới tốt nhất cho mình, cho người mình yêu và cho những người yêu thương tôi. Thật lòng, thời gian lên kế hoạch và nghĩ về đám cưới là khoảng thời gian hạnh phúc của tôi. Tôi đã mơ, đã tin rằng đời mình sẽ sang một trang mới thật tươi đẹp sau khi kết hôn.

Thương Sobey, ung thư vú ở phụ nữ, bệnh ung thư vú
Cùng dự hội thảo của Mạng lưới ung thư vú ở Úc. 

Khi bình tĩnh hơn, tôi lại phải đối mặt với khó khăn kế tiếp là không có đủ thông tin để quyết định nên bắt đầu điều trị như thế nào. Có thể tôi đã bỏ lỡ cơ hội của mình khi dành thời gian để tìm kiếm đủ thông tin, tham khảo nhiều nguồn trước khi ra quyết định. Tuy vậy, tôi tin rằng, tính mạng và sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mình, bác sĩ sẽ cùng mình bảo vệ nó. Tôi không thích giao toàn quyền quyết định cho bác sĩ. Nếu bác sĩ làm vậy là cũng nhận tất cả rủi ro về phía mình.

Bác sĩ điều trị ung bướu ở Việt Nam còn thiếu hụt nghiêm trọng về số lượng, trong khi bệnh nhân quá đông, nên thời gian dành cho bệnh nhân rất eo hẹp. Khi đến viện gặp bác sĩ, tôi lúc nào cũng bị cảm giác vội vội vàng vàng chi phối suy nghĩ và hành động. Làm gì thì làm nhanh, hỏi gì thì hỏi nhanh để đến lượt bệnh nhân khác hoặc sợ bác sĩ lại có việc khác, hoặc sợ bác sĩ mắng mỏ.

Việc đầu tiên tôi làm là tìm hiểu quy trình khám, điều trị và thanh toán viện phí để đỡ vất vả cho chính mình và bớt áp lực cho bác sĩ, y tá. Việc tiếp theo là ghi vào sổ những băn khoăn, câu hỏi hoặc triệu chứng, bất thường xảy ra trong quá trình điều trị để trình bày với bác sĩ một cách rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn những lo lắng của mình.

Thương Sobey, ung thư vú ở phụ nữ, bệnh ung thư vú
Tìm hiểu kỹ về căn bệnh của mình, luôn lạc quan và cùng chia sẻ với nhiều bệnh nhân khác

Tôi cũng muốn động viên những bệnh nhân ung thư như tôi một điều rằng: Các chị có quyền được hỏi bác sĩ điều mình không hiểu, điều mình muốn biết về bệnh tình của mình. Bác sĩ có mắng mình ngu ngốc cũng chẳng sao. Bác sĩ đã phải học hàng chục năm về căn bệnh mới có hiểu biết như vậy. Một người bình thường chẳng học chữ nào về y khoa, hỏi những câu ngớ ngẩn hoặc vô lý cũng chẳng có gì ngạc nhiên cả. Tính mạng là của mình cơ mà.

Tôi may mắn có người chồng yêu thương và đồng hành với tôi trên chặng đường gian khó nhất của cuộc đời. Có lúc tôi tự tin nghĩ rằng những khó khăn, đau khổ nhất của đời mình đã qua rồi. Giả sử khó khăn có đến nữa thì cũng bình thường thôi. Tôi không thể ngờ, thách thức này quá lớn đến vậy. Nếu không có chồng, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng, tôi không thể đứng vững được trước cơn sóng gió này. Tình yêu của họ tiếp cho tôi nghị lực để chiến đấu với vô vàn khó khăn vẫn còn đang chờ tôi ở phía trước.

Hiện tại, tôi vẫn đang sử dụng phác đồ điều trị nội tiết và truyền hóa chất tái tạo xương, tôi chưa qua giai đoạn truyền hóa chất toàn thân, chưa rụng tóc nên không có nhiều thay đổi đáng kể về ngoại hình. Tôi cũng không nhận biết được nhiều những thay đổi về tinh thần. Có những điều tôi đã biết từ trước kia, nhưng chưa hiểu. Mắc bệnh rồi, tôi mới thấm thía hơn. Ví dụ đơn giản nhất là trước kia tôi nghe, tôi biết rằng chẳng có gì quý hơn sức khỏe và thời gian nhưng biết rồi đôi khi quên, đôi khi bỏ đó, biết mà không biến thành hành động. Giờ thì thấm thía vô cùng.

Thương Sobey, ung thư vú ở phụ nữ, bệnh ung thư vú
Buổi tổng kết sau ngày quyên góp cho Daffodil Day tại Úc

Tôi mới phát hiện thêm một khối u ác tính thứ hai và phẫu thuật thêm lần nữa vào cuối tháng 8/2013. Thật không may, khối u ác tính thứ hai là một thể khác của ung thư vú, không giống với thể ung thư trong lần mổ ban đầu. Tôi sẽ sớm tiến hành truyền hóa chất toàn thân. Sau khi truyền hóa chất, tôi mong muốn được phẫu thuật lần ba để cắt toàn bộ tuyến vú vì tôi có linh cảm mạnh mẽ rằng, ngực còn lại của tôi cũng đã có tế bào ung thư mà các xét nghiệm không thể phát hiện ra được. Tôi hy vọng, phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú sẽ cho tôi thêm thời gian được sống bên người đàn ông tôi yêu và làm những việc tôi khát khao được làm.

 

Thương Sobey

Chị Thương Sobey (Nguyễn Khánh Thương) mắc ung thư vú giai đoạn 4 sau lễ ăn hỏi ít ngày, khi mới qua sinh nhật tuổi 30 ít tháng. Hiện tại, chị là giảng viên khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Thạc sĩ ngành Quản lý Truyền thông tại Đại học Công nghệ Sydney, Úc (theo chương trình Học bổng Phát triển của Chính phủ Australia – AusAID). Chị là người thành lập nhiều nhóm hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội, như: Vòng tay yêu thương (Free Hugs Group), Kết nối yêu thương, Trao cho em ngày mai, Giao thừa yêu thương, Công trình hy vọng hay Một giờ làm người khiếm thị… Ngoài ra, chị cũng là người sáng lập và điều hành dự án Mạng lưới ung thư vú ở Việt Nam (website: http://bcnv.org.vn).


From the same category