Tôi nói gì khi nói về nữ quyền (*)

Câu chuyện chênh lệch mức cát-sê đến 1500 lần giữa một nam diễn viên Hollywood và bạn diễn nữ vừa qua như đổ thêm dầu vào ngọn lửa đấu tranh cho nữ quyền. Mong muốn được bình đẳng trước nam giới về năng lực, cơ hội thăng tiến, nhìn nhận của xã hội, cuộc cách mạng nữ quyền khởi phát từ đầu thế kỉ 18 đến nay vẫn chưa dừng lại. Liệu khi người ta ca ngợi những đức tính của phụ nữ (nhất là phụ nữ Á Đông) như hi sinh, nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó… đó phải chăng là chiếc vòng kim cô kìm hãm phụ nữ trong hai chữ “bổn phận”? Trong chuyện ái tình, việc đề cao những chuẩn mực đức hạnh, kín đáo, thụ động, không đòi hỏi… có đảm bảo một đời sống tình dục hạnh phúc, hay chỉ là cách đàn ông thể hiện vai trò thống trị? Những cuốn tiểu thuyết như “50 sắc thái” mô tả phụ nữ giống một loại búp bê tình dục để thỏa mãn những sở thích giường chiếu kì dị của đàn ông phải chăng một lần nữa chà đạp lên lòng tự trọng của phụ nữ?

nu-quyen-1

Tôi có anh bạn người Đức hiện đang sinh sống ở Panama. Anh là mẫu đàn ông mà hầu hết chị em đều mong muốn: cao lớn, rắn rỏi, có sự nghiệp vững vàng. Anh kể trước khi rời nước Đức, anh theo chủ nghĩa hiện đại, ủng hộ nữ quyền, thích những cô nàng độc lập, cá tính. Tuy nhiên, sau gần 10 năm sống ở các nước Mỹ La tinh, quan niệm của anh thay đổi 180 độ. Quay về với nếp nghĩ truyền thống, anh thích phụ nữ dịu dàng và chịu nép sau lưng đàn ông. Trong khi tôi tròn xoe mắt tưởng anh bước giật lùi so với xã hội, thì anh từ tốn giải thích: “Em không thấy là cuộc đấu tranh nữ quyền đang biến phụ nữ trở thành đàn ông theo nghĩa đen à? Nếu như em có thể tự làm hết mọi việc, thì tôi không cần mở cửa xe cho em, không cần nắm tay em mỗi khi sang đường, không kéo ghế cho em ngồi và cũng sẽ không lên giường với em nữa. Tôi không muốn làm tình với đàn ông. Phụ nữ cần được đàn ông tôn trọng, bảo vệ, chăm sóc, yêu thương. Nữ quyền không phải là phủ nhận đàn ông!”.

Không thể phủ nhận những gì anh bạn tôi nói là có lý, dù có phần hơi cực đoan, và phải chăng một vài người trong chúng ta đang đi quá xa trên con đường mang tên nữ quyền này? Ở châu Âu, tôi từng chứng kiến cảnh phụ nữ mạnh mẽ, cứng rắn đến nỗi đàn ông phải e dè. Tôi nhớ mình từng khệ nệ kéo lê chiếc va li lên cầu thang một ga tàu điện ở Thụy Điển và vô cùng thất vọng vì tuyệt nhiên không có người đàn ông xung quanh nào ngỏ ý giúp đỡ. Cô bạn đi cùng tôi lắc đầu: “Đàn ông ở đây ngại giúp đỡ phụ nữ bởi khi giúp có thể bị ăn mắng. Ở đây phụ nữ luôn thể hiện: Tôi làm được, tôi không cần anh giúp!”. Tôi băn khoăn lẽ nào nữ quyền sẽ chia thế giới thành hai nửa tuyên chiến với nhau: “Tôi rửa một cái bát, anh rửa một cái bát!”, nữ quyền là phụ nữ phải tự đi sửa điện, sửa nước, là ăn to nói lớn, phủ nhận nữ tính?

Tôi chợt nghĩ về mẹ mình. Bà tự nguyện chọn cuộc sống bình lặng ở nhà chăm sóc gia đình, để được ba tôi bảo vệ. Bà hạnh phúc với lựa chọn của mình. Còn tôi, tôi chọn những chuyến viễn du, những cuộc tình nồng nhiệt và sống một cuộc đời phiêu lưu. Mẹ ủng hộ tôi nếu đó là điều làm tôi thấy hạnh phúc. Nữ quyền chính là đây. Là khi ta thấy hoàn toàn hạnh phúc với lựa chọn của mình, dù có là một bà nội trợ bận bịu hay một nữ doanh nhân thành đạt. Nữ quyền cho phụ nữ được thoải mái thể hiện những ham muốn, cảm xúc của mình sau cánh cửa đóng kín, cho họ quyền tự do khoe vẻ đẹp cơ thể trên những bãi biển nóng bỏng.

Tôi bỗng nghĩ về chuyến độc hành của mình ở Châu Mỹ. Trong nhiều tháng trời, không ít lần tôi buộc phải mạnh mẽ, cứng rắn như một người đàn ông, nhưng phần lớn thời gian, tôi được là chính mình, thậm chí tôi còn trở nên “bánh bèo” đến độ quanh quẩn trong thành phố, trang điểm xinh đẹp, mặc váy đầm đi chợ rồi lại bận bịu nấu nướng. Thi thoảng, tôi thảng thốt nhận ra rằng, mình thích lụi cụi trong bếp không kém gì việc được vác ba lô lên đường, thích co tròn trong vòng ôm ấm áp của chàng trong khi vẫn tự tay điều hành, quản lý công ty nho nhỏ của mình. Đó chính là thứ nữ quyền mà tôi muốn.

(*) Mượn tựa cuốn sách của nhà văn Haruki Murakami: “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”


From the same category