Tội nghiệp hoa hồng - Tạp chí Đẹp

Tội nghiệp hoa hồng

Sống
Người ta thường ví cuộc đời như một chuyến đi, hay, giống như một con tàu… Trên chuyến tàu miệt mài phăm phăm về phía trước ấy, hẳn hành khách chúng ta chỉ háo hức dừng chân ở các ga lớn, rực rỡ, sôi động… Trên chuyến tàu chộn rộn miên man ấy, hẳn chúng ta không có thì giờ ghé thăm các ga xép. Để, đôi khi, bắt gặp ở đây chút bồi hồi, xao xuyến… Trên chuyến tàu của mình, nữ đạo diễn Việt Linh hẳn đã dừng chân ở nhiều ga xép như vậy. Và, đôi khi, chị muốn chia sẻ cùng chúng ta…

Chiều nay ra đường chị lại nhìn thấy nó, cái thứ bông lòe loẹt có tên mỹ miều – hồng cầu vồng, hồng hạnh phúc – nhưng chưa bao giờ chị thích; thậm chí nhìn nó, chị như nghe từ cánh hoa những tiếng nấc thăm thẳm…

 

Lần đầu tiên xuất hiện ở Anh cách đây hơn một năm, hoa hồng cầu vồng được chào đón bởi những lời quảng cáo phập phù. Rằng mỗi màu của hoa hồng đều mang ý nghĩa nào đó, ví như đỏ là màu của tình yêu, vàng nói lên tình bạn, hồng – cảm ơn… Nhưng nếu bạn không chắc chắn ý nghĩa của mỗi loại hoa, hoặc muốn gây suy đoán, thì hãy gửi hoa… bảy sắc cầu vồng!

Loại hoa hồng ép uổng, tiện lợi này là tác phẩm của chuyên gia nghiên cứu hoa Hà Lan Peter van de Werken. Bằng cách cấy thuốc nhuộm vào hoa hồng kem họ Vendela ở thời kỳ phát triển, Werken đã tạo ra những màu sắc khác nhau của cánh hoa. Hoa hồng bảy sắc cầu vồng hiện bán rộng rãi trên thế giới, đắt gấp đôi giá thông thường. Hoa cũng có mùi dịu như các giống hồng truyền thống, nhưng lá nhanh héo hơn. Làm sao không nhanh héo hơn khi hoa bị tiêm chích, hô biến, vặn vẹo như thế! Người ta mua vì mới lạ, nhưng thử đặt mình vào chỗ hoa, chị nghĩ hoa rất đau…

Gần như lần nào có bạn sang Paris, ngoài những danh lam phổ thông, chị đều rủ họ đi thăm… nghĩa trang. Rộng 43 héc ta, Père La Chaise không chỉ là nơi yên nghỉ của người đã khuất mà còn là công viên cho người sống với hàng ngàn cây cổ thụ và quần thể những ngôi mộ có kiến trúc đặc sắc như bảo tàng điêu khắc. Thành lập từ thế kỷ thứ 19, Père La Chaise có vô vàn huyền thoại cổ, nhưng mỗi khi nghĩ về nó, chị lại nhớ tới câu chuyện rất buồn, của hôm nay.

Chuyện nổ ra từ sau cái chết của nam ca sĩ, diễn viên điện ảnh Pháp lừng danh Yves Montand cuối năm 1991. Như mọi chàng nghệ sĩ đào hoa, cuộc đời Yves Montand bị bủa vây bởi vô số bóng hồng. Trong những cuộc tình khoa trương hay vụng trộm đó, có một phụ nữ mà ngay lúc sinh thời Montand đã khăng khăng phủ nhận giọt máu bà mang, khăng khăng từ chối xét nghiệm, khăng khăng cho đến ngày nhắm mắt.

Một người mẹ đoan quyết, một đứa con khát khao tình phụ tử khi đó đã làm xốn xang công chúng, trong đó có chị. Nhưng không phải sự khích lệ của công chúng, sự thách thức của truyền thông mà chính lòng tin vào mẹ đã khiến đứa con muốn đi tới cùng chân lý, đòi pháp luật soi sáng quan hệ huyết thống mà theo cô, mang ý nghĩa tinh thần chứ không phải cái gia sản mà cô sẽ (đương nhiên) thừa kế khi thắng kiện. Tin vào mẹ, đứa con không ngần ngại mọi giải pháp, kể cả giải pháp… quật mồ.

Sáu năm yên nghỉ trong lòng đất, thi thể người đàn ông tài hoa đã bị xốc lên, để cho ra một kết quả khoa học: cô gái không phải là con của Yves Montand! Chị không biết gương mặt của cô gái ra sao khi nghe kết quả này, nhưng chị tin giờ phút ấy có một trái tim tan nát… Mặc cho người mẹ vẫn lu loa về một khám nghiệm gian dối, đứa con tuyệt đối im lặng. Hơn mười năm đã trôi qua từ sau cuộc khai quật tai tiếng, người ta không biết mẹ con họ giờ sống ra sao bởi dư luận đã thôi bàn tán; nhưng chị vẫn se lòng mỗi khi nghĩ tới đứa con suốt đời tổn thương…

Một dạo cả nước bỗng rầm rào chuyện bình chọn Hạ Long qua tin nhắn điện thoại. Không ít chuyện khôi hài xung quanh chiến dịch (được cho là) yêu nước này, nhưng có một bức ảnh lan truyền trên mạng mà mỗi lần nhìn thấy, chị không biết nên cười hay mếu. Đó là ảnh bé gái năm tháng tuổi, đáng yêu, hai tay chăm chăm điện thoại di động, mà theo giải thích cao hứng của ông cháu – một quan chức – là “người trẻ nhất bầu chọn cho Hạ Long”.

Sau đây là lời bình công khai của nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Khi người lớn đã huy động hết mọi lực lượng từ mọi phong trào, của mọi ngành nghề nhưng dường như vẫn chưa yên tâm hay đủ tự tin cho cuộc chơi tổng lực của mình… thì cháu bé năm tháng tuổi được đưa vào cuộc. Tôi hy vọng hình ảnh dễ thương ấy chỉ là trò vui riêng tư của gia đình. Còn nếu không phải trò vui mà là trò chơi của người lớn, tôi đành phải nhớ tiếng kêu thét từ Lỗ Tấn ‘hãy cứu lấy trẻ con!’.”

Tình cờ chị thấy trên mạng câu chuyện của phụ nữ trẻ tên X. X. kể rằng bố mẹ cô cực kỳ xung khắc, không chút yêu thương nhưng kiên quyết không ly dị vì sợ dư luận chê cười. Cứ vậy họ ly thân triền miên, chửi bới, đánh đập nhau triền miên trước con cái, thân nhân, thiên hạ… Ngay từ nhỏ, X. đã bị cha đọc cho viết những lá đơn tố cáo mẹ ngoại tình. Sợ cha, đứa con gái đã cắn răng làm điều “ô nhục”.

X. kể mỗi lần bố mẹ ly thân, cô phải ở với cha, và suốt ngày phải nghe chửi đại loại: “Mày không được cái nết gì!”, “Rồi sau này mày cũng khốn nạn giống mẹ mày thôi!”. Bây giờ, 30 tuổi, mấy lần yêu và một lần ly hôn, X. nói không hiểu sao luôn bị những người đàn ông hành hạ dù mình không phải người đanh đá, hay hỗn hào. X. chua chát kết luận: “Tôi hiểu khi mình sống trong bạo lực thì sẽ bị què quặt tâm hồn. Từ vô thức tôi đã luôn chọn những người làm mình đau đớn để yêu, bởi tôi đã bị ‘cài đặt’ trong tiềm thức rằng người làm mình đau đớn chính là người yêu thương mình nhất, có trách nhiệm với mình nhất”.

Có thể X. sai khi kết luận nguồn cơn bi kịch, nhưng mặc cảm “đứa con bị cài đặt” khó làm ta thờ ơ. 

Bài: Việt Linh


Thực hiện: depweb

04/10/2012, 13:52