Nhưng tôi cũng phải thú nhận nạn cướp giật ở VN, cụ thể là TP.HCM, đã khiến những tình cảm đó bị ảnh hưởng đáng kể.
Do tính chất công việc, tôi có cơ hội đặt chân đến nhiều quốc gia, châu lục khác nhau… và tôi nghĩ nạn trộm cắp, cướp giật ở VN thật đáng lo ngại.
GGreg Harris(chuyên gia tư vấn giải pháp tài chính) – Ảnh: Công Nhật
Có lần tôi và vài đồng nghiệp đang làm việc trong văn phòng ở Q.2 thì có một người tự xưng là thợ sửa điện bước vào. Chúng tôi hơi băn khoăn nhưng trông ngoại hình, điệu bộ rất chuyên nghiệp, dạn dĩ của anh ta thì ai cũng tặc lưỡi, nghĩ rằng đó là người do chủ tòa nhà gọi tới. Sau đó do sơ ý lẫn ỷ lại, tôi rời bàn đi công chuyện để rồi lúc quay lại thì chiếc ví trong cặp đã “không cánh mà bay”. Người “thợ sửa điện” lúc ấy cũng biến mất. Tôi bị mất không chỉ tiền mặt mà còn thẻ ngân hàng, card điện thoại, hình ảnh người thân…
Lúc đó tôi rất buồn và thất vọng, không ngừng trách bản thân quá chủ quan. Nhưng điều làm tôi buồn nhất không phải việc bị mất tiền mà trong ví có nhiều thứ có giá trị tinh thần khó thể nào kiếm lại được. Tôi từng mong tên trộm chỉ lấy tiền và sẽ gửi lại ví với những vật dụng khác nhưng chuyện đó đã không xảy ra… Sự việc qua đã lâu, tôi đã vơi buồn nhưng vẫn không thể quên được.
Từ lúc đó trở đi, mỗi khi ra khỏi nhà tôi chỉ mang số tiền đủ dùng trong ngày, tất cả giấy tờ khác tôi đều để ở nhà. Túi xách đựng laptop thì tôi để trước ngực thay vì đeo phía sau.
Cảnh giác như thế nhưng cách đây hai tháng tôi lại bị giật balô trên đường ở TP.HCM. Đó là một buổi chiều chập choạng tối và tôi đang trên đường đi từ siêu thị về nhà. Tôi đã cẩn thận khoác chiếc balô ở hướng phía trong lề đường nhưng bất chợt một chiếc xe máy phóng thẳng tới, đèn xe lóa cả mắt khiến tôi mất cảnh giác, giơ tay che và chiếc balô nhanh chóng bị giật mạnh, còn tôi bị té xuống đường.
Một nạn nhân của cướp giật: bà Tatiana Nikitina (quốc tịch Nga) bị thương ở tay khi bị giật túi xách tại Nha Trang ngày 21-9 – Ảnh: Lê Xuân
Trong balô thật ra cũng chẳng có đồ gì quý giá, nhưng điều khiến tôi sợ là tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra khi bị cướp giật. Thật khó thể tin rằng chỉ trong sáu tháng mà tôi bị trộm và cướp giật tới hai lần tại VN. Từ đó trở đi, tôi “dẹp mộng” đi du lịch bụi ở VN dù có ai cho trẻ lại 25 tuổi.
Dĩ nhiên nạn cướp giật ở một quốc gia sẽ dẫn dắt theo đó nhiều hệ lụy khó lường: nền công nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi du khách nước ngoài không muốn quay lại, các chủ doanh nghiệp nước ngoài sẽ e dè mỗi khi muốn đến VN làm ăn, hình ảnh con người Việt, lao động Việt trở nên xấu xí, đáng ngờ trong mắt người nước ngoài… Tôi còn nhớ một câu tục ngữ, đại khái: “Cần một người để phổ biến điều xấu tới 50 người, nhưng cần tới 50 người để thay đổi ác cảm, định kiến của một người”.
Để cải thiện tình trạng trên, theo tôi, phải có những biện pháp trừng phạt thật nghiêm khắc đủ khiến kẻ trộm cắp, cướp giật phải run sợ mỗi khi nhớ đến. Tôi nghĩ các bạn có thể học hỏi từ một số quốc gia trong khu vực đã hạn chế tốt tình trạng trên. Cụ thể, trong bốn năm ở Singapore, tôi đã có dịp nói chuyện với một số người dân từng vi phạm luật lệ. Hầu hết những người này đều bị ám ảnh với hình phạt rất nghiêm (từ phạt tiền tới phạt roi) và thề sẽ chẳng bao giờ tái phạm.
Ở châu Âu, cảnh sát hoặc nhân viên tòa án thường tới trường học để giao lưu, thảo luận các vấn đề liên quan đến pháp luật với học sinh. Đây không chỉ là cách giúp trẻ sớm cập nhật kiến thức luật pháp mà còn giúp chúng có sự gần gũi, tin cậy hơn ở “người bạn” cảnh sát để sau này không sợ hãi, e ngại trình báo, hợp tác cùng cơ quan chức năng mỗi khi đụng chuyện.
Truyền thông cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát tệ nạn trên. Một số quốc gia châu Âu có các chương trình truyền hình hằng tuần liên quan đến việc cập nhật tình hình tội phạm, hướng dẫn và hỗ trợ những cách chống trộm cướp hiệu quả.
GREG HARRIS (chuyên gia tư vấn giải pháp tài chính)
CÔNG NHẬT ghi
* Anh Vũ Phạm Minh Tuấn (Q.4, TP.HCM): Có lần tôi chở một người bạn Philippines vòng quanh Q.1 (TP.HCM) và bạn luôn tấm tắc khen Sài Gòn an toàn quá. Tôi nghe thế cũng gật gù: “Đúng đó, an ninh ở đây khá tốt…”. Vừa dứt lời, chúng tôi thấy một tên cướp chạy xe máy ào tới giật túi xách của một cặp vợ chồng người Nhật đang đi trên đường. Tôi và người bạn nước ngoài tự dưng im bặt suốt đoạn đường dài… * Chị Trân Lê (Q.Phú Nhuận, TP.HCM): Trong tháng 10 vừa qua, cơ quan của tôi có hai trường hợp nhân viên nước ngoài bị cướp giật tài sản (một người bị mất túi xách, một người bị mất iPhone). Hiện công ty chúng tôi đã biên soạn cuốn survival guide (tạm dịch: cẩm nang “sống sót” bỏ túi) để phần nào giảm bớt tình trạng trên. * Anh John F. (cư ngụ tại Q.Bình Thạnh): Tôi từng bị cướp giật vài lần tại TP.HCM, bọn cướp hầu hết đều rất hung dữ nên tôi nghĩ tốt nhất không nên chống cự. Người nước ngoài có một nỗi niềm là ngại bất đồng ngôn ngữ và sợ bị trả thù nên ít khi tới trình báo với công an. |
Theo Tuổi trẻ