Được đào tạo bài bản tại “cái nôi” của các thiên tài thời trang, trường Central Saint Martin, Veronica Etro bắt đầu đảm nhiệm những thiết kế trong bộ sưu tập nữ của nhãn hiệu Ý Etro từ năm 2000. Sự gắn bó chặt chẽ với những giá trị truyền thống không những không hạn chế sáng tạo của Veronica Etro mà còn khiến cho những bộ sưu tập của bà được đón nhận nồng nhiệt.
Bà Veronica Etro
– Họa tiết là xu hướng nổi trội từ năm 2011, nhưng họa tiết đã được xem là linh hồn của Etro từ những ngày đầu thành lập. Điều gì khiến những thiết kế với họa tiết mang lại thành công cho Etro như ngày hôm nay?
– Những họa tiết (cụ thể là họa tiết cánh hoa – paisley) là đặc trưng trong các thiết kế của chúng tôi. Đường hướng và quan niệm về thời trang của chúng tôi được hình thành dựa trên sự cân bằng hoàn hảo giữa thời trang và truyền thống. Chúng tôi không hướng đến những bộ sưu tập với những thiết kế hợp mốt mà muốn tạo ra những món đồ với phong cách bất biến theo thời gian, những món đồ mà mọi người vẫn tìm kiếm và chọn mặc năm này qua năm khác. Những bộ sưu tập của chúng tôi được định nghĩa là Những truyền thống mới (New Traditions): ý tưởng về thời trang bắt nguồn từ truyền thống của thương hiệu tự phát triển dựa trên sự nhận thức, những cái nhìn đa chiều và vị trí riêng của mình trong bộ máy thời trang rộng lớn. Etro được thành lập từ năm 1968, là một công ty sản xuất vải dệt, chính vì vậy họa tiết và vải dệt là giá trị cốt lõi của thương hiệu.
– Làm thế nào Etro có thể làm mới những họa tiết mùa này qua mùa khác?
– Etro đã tạo ra họa tiết cánh hoa – paisley, họa tiết lượn sóng trong các thiết kế bằng chất liệu cashmere, trở thành ngôn ngữ thị giác và biểu tượng cho thương hiệu. Đó là những ý nghĩa và giá trị từ xa xưa, giống như những hạt giống cho “cây đời” (Tree of life) phát triển tới nay. Họa tiết cánh hoa rất linh hoạt, không khó khăn gì trong việc làm mới chúng. Trong quá trình làm mới họa tiết cánh hoa, tôi thường kết hợp chúng với những họa tiết hoa hoặc với hình họa kết hợp cùng những màu sắc và kỹ thuật mới.
– Những họa tiết đối xứng luôn biết cách tôn những đường cong tự nhiên của phụ nữ, bà có đồng ý với điều này không?
– Bạn hoàn toàn có thể sử dụng những họa tiết để nhấn mạnh vào đường cong của phụ nữ. Ví dụ như trong bộ sưu tập Xuân Hè 2012, tôi lấy cảm hứng từ nghệ sĩ theo trường phái Futuristic Fortunato Depero. Trong quá trình nghiên cứu những tác phẩm của ông, tôi đã tiết chế những họa tiết in đặc trưng của Etro thành những hình dạng đơn giản hơn. Họa tiết cánh hoa chạy dài theo hàng, làm tôn lên những đường cong trên cơ thể, toát ra vẻ nữ tính hết sức tự nhiên.
– Thông thường bà bắt đầu thực hiện bộ sưu tập mới như thế nào?
– Bước đầu tiên trong quá trình thực hiện của tôi đó là tưởng tượng. Hãy đón nhận những hình ảnh xung quanh, bạn sẽ tìm thấy những nguồn cảm hứng hiện diện trong vạn vật. Bạn phải giữ cho trực giác của mình thật nhạy bén và mở rộng chào đón mọi thứ, vì bất cứ điều gì cũng có thể trở thành điểm khởi đầu cho quá trình thực hiện một bộ sưu tập. Mỗi mùa lại khác và cảm hứng có thể bắt nguồn từ khả năng cảm thụ bất tận, bạn hãy luôn tò mò về cuộc sống, về những điều xung quanh bạn. Sự buồn tẻ là điều tôi không thể hiểu được và không bao giờ chấp nhận. Thông thường, tôi bắt đầu bộ sưu tập mới dựa trên màu sắc và các họa tiết, sau đó mới đến kiểu dáng, chi tiết và cuối cùng là bộ sưu tập phụ kiện.
– Có khoảng 30 cửa hàng của Etro tại riêng hai quốc gia Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều gì đã giúp cho Etro phát triển thành công tại thị trường châu Á?
– Châu Á là một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi bởi vì đây là một thị trường mới. Bên cạnh đó, chúng tôi có rất nhiều những giá trị truyền thống và người dân châu Á luôn tôn trọng những giá trị này. Họ yêu màu sắc, quan tâm tới vải dệt và nhận thức được tầm quan trọng của những giá trị cội nguồn.
– Bà học tại trường Central Saint Martin và tên tuổi được biết đến khi mới 25 tuổi nhưng tới năm 2000 mới tham gia thực hiện bộ sưu tập nữ của Etro. Trước đó bà đã làm gì?
– Tôi học xong tại Central Saint Martin cuối năm 1997 và thực ra tôi bắt đầu làm tại Etro trong cùng thời gian đó. Nhưng tôi phải mất gần 2 năm để học hỏi thêm và nắm bắt được công việc, sự vận hành của bộ máy Etro trước khi chính thức đảm nhiệm chức vụ hiện tại.
Bài Tuấn Anh
Ảnh Etro