Tôi đang đi trên một con đường cô độc
– “Ngọc Viễn Đông” không phải là một bộ phim thương mại, anh có e ngại khi thực hiện?
Cũng lo lắng vì khán giả ưa chuộng dòng phim giải trí hơn nhưng tôi tin rằng vẫn có khả năng quan tâm đến dòng phim nghệ thuật. Và dù chỉ có một người xem đến cùng, tôi vẫn thấy vô cùng hạnh phúc. Nói thật, tôi đã ấp ủ dự án này trong suốt hơn 2 năm trời. Trong 2 năm đó, biết bao chuyện vui buồn xảy đến. Và, làm phim nghệ thuật như đi trên một con đường cô độc. Tôi ôm ấp lí tưởng của mình. Tôi muốn làm một bộ phim mà 10 năm sau bạn vẫn có thể xem lại nó sau buổi café với bạn bè hoặc sẽ xem lại nó vào một lúc nào đó trong cuộc đời…
– Trước đây, Cường Ngô được biết đến vì các giải thưởng đạt được ở Mỹ và Canada nhưng khán giả trong nước thì khá xa lạ. Và nhờ “Ngọc Viễn Đông”, khán giả biết gu làm phim của anh, anh có tự tin sẽ thuyết phục họ ở phim sau?
Nhiều người cũng đã hỏi tôi điều này. Như bạn biết, tôi chỉ dùng hình ảnh và ít lời thoại để khán giả tự cảm nhận. Tôi tin khả năng cảm nhận của người xem rất mạnh mẽ. Sắp tới, tôi định làm phim thương mại hay hành động, nhưng còn tùy vào kịch bản, tôi vẫn đang tìm. Nhưng, tôi muốn nó vừa có tính giải trí và người xem vẫn suy ngẫm. Tôi muốn làm dòng phim drama comedy và romatic comedy.
– Trước nay anh chỉ làm phim ngắn, việc bước chân qua phim dài có khó khăn không?
Nó không khó khăn như bạn tưởng bởi thật ra làm phim ngắn khó hơn phim dài. Bạn chỉ có 15-30 phút để truyền tải một câu chuyện. Giống như bạn dẫn người xem đến một căn phòng rồi nhanh chóng đóng cánh cửa lại và lại dẫn họ đến căn phòng khác. Còn với phim dài 90 phút, người xem có thời gian đồng hành cùng sự phát triển của nhân vật. Thật ra ở các nước như Mỹ, Canada… khi muốn làm phim các nhà sản xuất thường muốn xem phim ngắn của bạn trước khi đồng ý để bạn làm phim dài.
– Gu làm phim của anh là chuyển tải thông điệp qua hình ảnh, vậy nếu hình ảnh không kết nối được với người xem thì 90 phút ấy sẽ dài đằng đẵng?
Đúng vậy, cần đến những điểm nhấn nhá và cao trào. Và điều đó còn tùy thuộc vào kịch bản phim. Tôi thường dành nhiều thời gian vào kịch bản phim. Tôi thường dành nhiều thời gian để nghiên cứu kịch bản. Trước tiên, tôi phải cảm được nó rồi mới truyền đạt đến khán giả. Hiện giờ tôi vẫn đang loay hoay tìm kịch bản. Có nhiều kịch bản đến tay, nhưng cái thì tôi không cảm được, cái thì không phù hợp… có kịch bản theo kiểu chân dài – đại gia, tôi không thích.
– Đa số đạo diễn hiện giờ đều tự viết kịch bản, vì sao anh lại loay hoay đi tìm kịch bản?
Mỗi một người tôi gặp đều có một câu chuyện hay tôi muốn kể. Tôi muốn được làm việc với những nhà văn và biên kịch của Việt Nam. Tôi muốn được chuyển thể những tác phẩm văn học hoặc những câu chuyện có thật thành những kịch bản điện ảnh. Và tôi thấy xung quanh mình còn có rất nhiều người có những câu chuyện hay để kể.
Muốn làm phim tại Việt Nam
– Như anh nói, làm phim nghệ thuật thì không nhiều tiền, nếu không muốn nói là nghèo. Mà khán giả đến rạp phần lớn là khán giả trẻ chuộng dòng giải trí. Anh có nghĩ đến sự thỏa hiệp không?
Nói thật đến giờ tôi vẫn nhận được sự hỗ trợ từ gia đình để chuyên tâm theo con đường nghệ thuật. Tôi đã được dạy rằng, trước khi bắt đầu một việc gì đó hãy nghĩ đến niềm say mê trước chứ không phải “tiền, tiền và tiền”. Tôi muốn làm phim cho khán giả trẻ nhưng không phải loại phim chỉ đặt nặng giải trí mà không có nội dung.
– Victor Vũ, Charlie Nguyễn đều là những Việt kiều Mỹ về nước làm phim, anh có muốn đứng chung hàng ngũ với họ? Liệu anh có làm phim theo phong cách Hollywood?
Tôi cũng rất thích điều đó, tôi muốn làm phim cho điện ảnh Việt Nam và truyền tải hình ảnh Việt Nam đến thế giới. Tôi học hỏi kỹ thuật nước ngoài nhưng muốn phim mang hương vị thuần Việt. Tôi hi vọng mình có điều kiện để làm. À, khi “Ngọc Viễn Đông” ra mắt, anh Charlie Nguyễn đã email cho tôi rằng: “Em rất là dũng cảm!”. Có lẽ vì phim nghệ thuật ít có ai làm và kén khán giả cho dù ở đất nước nào.
– Vậy hình ảnh người phụ nữ Việt trong “The journey” được khai thác ra sao?
Tôi lớn lên trong một gia đình trí thức và ảnh hưởng nhiều bởi những người phụ nữ xung quanh mình. Khi nhận kịch bản phim với hình ảnh về người phụ nữ lao động, tôi đã đi lang thang nhiều nơi từ bến xe Miền Đông đến hàng quán, công viên, vỉa hè… Tôi để ý đến những người phụ nữ lao động, dáng đi, cách họ nói chuyện… để có thể truyền tải hình ảnh của họ.
Anh tiếp tục cộng tác với Ngô Thanh Vân trong “The journey”, anh đánh giá thế nào về cô ấy? Diễn xuất hay tên tuổi của Vân khiến anh chọn cô ấy?
Vân đã làm việc rất tận tụy với vai trò diễn viên, tôi thấy sự nỗ lực và khả năng diễn xuất thuyết phục của cô ấy. Còn về danh tiếng thì khi casting tôi cũng không biết cô ấy là ngôi sao, tôi thấy cô ấy hợp vai và người ta nói với tôi cô ấy là một ngôi sao.
Thế còn Lan Ngọc?
Em ấy diễn xuất hay lắm, nhiều đoạn em ấy khóc làm tôi cũng muốn khóc theo.
Tôi trở về nhà với mẹ khi mất cân bằng
– Ai là người đã truyền cho anh niềm đam mê phim ảnh?
Bố tôi. Ngày tôi còn bé bố hay dẫn hai anh em tôi đi xem phim ở rạp, khi đó rạp còn chiếu phim trắng đen. Tôi nhớ đông người xem lắm, phải xếp hàng rất lâu mới được xem, trong rạp đầy khói thuốc lá. Khi xem về người tôi ám khói. Nhưng tôi rất mê xem. Và lớn lên tôi muốn làm phim.
– Có những lát cắt nào trong những cuốn phim anh làm mang dáng dấp những gì anh đã trải qua?
Đó là phim ngắn “Thơ” gợi nhớ hình ảnh tôi lúc bé. Tôi cũng đã từng trải qua nối buồn tạm biệt ấy. Tôi nghĩ tình cảm ấy chưa thể gọi là tình yêu. Nhưng tôi cũng trải qua cảm giác chia tay cô bạn thuở bé của mình.
– Có bao giờ anh đi qua những khoảnh khắc mà anh muốn một lúc nào đó sẽ mang nó lên phim và chia sẻ cho khán giả?
Nhiều lắm. Tôi mơ ước một ngày nào đó kể câu chuyện của mình đến người xem. Chẳng hạn như có một lần tôi đến thăm nhà người bạn, rồi trên đường về tuyết phủ trắng xóa. Tôi quyết định đi bộ về nhà, vừa đi vừa nghe soundtrack một bộ phim và tôi cứ đi mãi mà không hề hay là đã đi suốt bốn tiếng. Tôi đi qua những ngôi nhà, nhà thờ, nghĩa trang… Tuyết phủ lên khắp nơi một màu trắng xóa và phản chiếu ánh đén đường. Hình ảnh đẹp lắm và tôi mong được truyền tải những gì đẹp đẽ mà tôi từng thấy đến người xem.
– Ngoài làm phim ra anh còn làm gì?
Đọc sách và tìm kịch bản, viết kịch bản, dựng phim và làm những công việc liên quan đến phim ảnh.
– Khi mất cân bằng trong cuộc sống, anh làm gì?
Tôi trở về nhà với mẹ.
– Một cuộc đời chỉ để làm phim như thế đối với anh liệu có đủ?
Nếu như cho tôi thêm một cuộc đời nữa, tôi vẫn muốn tiếp tục làm phim.
Bài: Hoàng Trâm
Theo Mỹ thuật