"Tối hậu thư" cho các ngân hàng yếu kém - Tạp chí Đẹp

“Tối hậu thư” cho các ngân hàng yếu kém

Tin Tức
Nhức nhối xử lý ngân hàng yếu kém
Còn chưa tới 2 tháng để các NH yếu kém có phương án tự tái cấu trúc trước khi NHNN thực hiện biện pháp bắt buộc.

Sớm hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu

Tại Nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa mới ban hành, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường kỷ cương trong lĩnh vực ngân hàng. Tại đây, cơ quan điều hành yêu cầu, một nhiệm vụ trọng tâm là xử lý các ngân hàng yếu kém.

Đây là vấn đề được nhấn mạnh nhiều lần. Trong tháng trước, Chính phủ cũng đã chỉ đạo, việc xử lý các ngân hàng yếu kém phải dứt điểm trong năm 2013.

Theo NHNN, đã có 9 ngân hàng được đưa vào diện tái cấu trúc, bao gồm 3 ngân hàng đã thực hiện hợp nhất là Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn, NH Habubank – đã sáp nhập vào SHB, TienPhongBank (đã tự tái cơ cấu) Đại Tín, Nam Việt, Phương Tây, và GPBank.

Từ nay tới cuối năm nếu các đơn vị không có phương án phù hợp, NHNN cho biết sẽ có biện pháp bắt buộc. Riêng công ty tài chính sẽ có phương án sáp nhập với một số ngân hàng hoặc trở thành công ty con trực thuộc ngân hàng trong thời gian tới.

Ngoài ra, NHNN cũng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu, báo cáo Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị.

Theo ước tính của NHNN, mặc dù con số nợ xấu đã được giải quyết từ đầu năm đến nay khoảng 36.000 tỷ, nhưng con số nợ xấu của toàn ngành tính đến thời điểm cuối tháng 10 vẫn chiếm vào khoảng từ 8,8-10% tổng dư nợ. Trong số này, 84% nợ xấu là có tài sản đảm bảo và hiện tại các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập được dự phòng rủi ro 70.000 tỷ đồng.

Nhức nhối xử lý ngân hàng yếu kém

Hiện tại, đề án thành lập Công ty mua bán nợ đã được hoàn thành và dự kiến trình Chính phủ thông qua trước 15/11. Khi công ty này đi vào hoạt động, số nợ xấu kỳ vọng được xử lý khoảng từ 60 nghìn đến 100 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong chỉ đạo của Chính phủ lần này, NHNN được yêu cầu tăng cường dự trữ ngoại tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh và nhân dân về ngoại tệ trong những tháng cuối năm 2012.

Mạnh tay với hàng giả và đầu cơ, găm hàng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ. Riêng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 cho phép giải ngân đến ngày 31/3/2013.

Chính phủ lưu ý đến việc quản lý thị trường cuối năm. Theo đó các bộ, cơ quan, địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong quản lý, điều hành thị trường, giá cả, bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là giá thực phẩm trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Cũng trong thời gian này, đối với những hành vi đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao, Thủ tướng yêu cầu phải xử lý nghiêm. Bộ Công Thương được giao làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm cân đối đủ hàng hóa cho nhu cầu sản xuất – đời sống nhân dân và triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp để giảm hàng tồn kho.

Bộ này vừa rồi cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ từ Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong tháng 10, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 12,5 nghìn trường hợp, xử lý 6,3 nghìn vụ vi phạm. Trong đó có 1,3 nghìn vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; hơn 1 nghìn vụ hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, 2,7 nghìn vụ kinh doanh trái phép và 1,3 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực giá với số thu 25,6 tỷ đồng.

Ưu tiên vốn người thu nhập thấp có nhà

Về hướng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương kiểm tra, rà soát và phân loại các dự án đô thị và nhà ở; hướng dẫn việc tạm dừng hoặc điều chỉnh cơ cấu các dự án, quy mô căn hộ theo hướng tăng tỷ lệ các loại hình nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.

Đồng thời các Bộ ngành cũng được yêu cầu phải có đề xuất phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và việc giãn thời điểm nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở. Đặc biệt lưu ý đến đến chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở, từ đó gỡ nút cho bất động sản và đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng vật liệu xây dựng tồn đọng. Mà điều cần làm là NHNN phải ưu tiên vốn cho phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.

Theo Dân trí

Thực hiện: depweb

08/11/2012, 11:32