Thật sai lầm khi cho rằng, trẻ không biết gì và không vội đưa bé vào khuôn phép. Tôi có 2 cô con gái và đã chứng kiến rất nhiều “chiêu trò” của 2 bé. Trẻ con rất thông minh, dù còn nhỏ tuổi những bé đã biết cách “nắn gân” bố mẹ, biết tìm đến ai để được “giải cứu” khi “lâm nguy”. Chúng ta dù biết điều đó, nhưng đôi khi ánh mắt ngây thơ, nụ hôn ngọt ngào, lời nói nũng nịu yêu thương, cơn mưa nước mắt khiến chúng ta chậc lưỡi bỏ qua các quy tắc để đáp ứng yêu cầu của trẻ.
Để trở thành trẻ ngoan, thành công dân tốt trong tương lai, con trẻ cần được yêu thương và dạy bảo đúng cách. Chúng ta cần phải nói “không” với con trẻ khi cần. Chúng ta ở đây không chỉ gồm bố mẹ mà còn cả ông, bà và những người thân khác trong gia đình. Chỉ có sự nhất quán và đồng tâm, đồng sức, chúng ta mới có thể thành công trong hành trình nuôi dạy con trẻ vô cùng khó khăn.
Với con trẻ, bạn không thể nói “không” giống như một chiếc máy đã được lập trình. Một số chuyên gia cho rằng, cha mẹ nói “không” quá nhiều có thể gây phản tác dụng và khiến trẻ càng thích chống đối. Vì vậy, bố mẹ cần khéo léo để từ chối hay cấm đoán con mà không cần phải nói ra chữ “không”.
Giải pháp thay thế
Thay vì tập trung vào việc nói “không” với trẻ, hãy đưa giải pháp thay thế. Điều này giúp bạn thực hiện được mục đích của mình, trong khi trẻ vẫn thấy thoải mái, vui vẻ. Nếu không muốn con thổi bóng bay ở phòng khách, hãy đưa ra giải pháp thay thế kiểu như, “Chúng ta có thể thổi bóng ở ngoài sân hay trong phòng của con”. Nếu không muốn con ăn kẹo hãy chuyển hướng, “Con có thể ăn một chiếc bánh quy hay một quả táo”. Phương pháp này rất hiệu quả. Nó khả thi vì, thay vì bạn cấm trẻ làm điều gì đó, bạn cho con một sự lựa chọn.
Đừng nói từ “Không” giống như một chiếc máy đã được lập trình
Khi con gái muốn mua món đồ đó, tôi luôn hỏi con, “Tại sao con muốn hay cần món đồ đó”. Nếu câu trả lời của con thuyết phục được tôi, tôi sẽ đồng ý. Trường hợp, tôi không bị thuyết phục, tôi sẽ từ chối và cũng giải thích tại sao tôi từ chối. Rất có thể, bạn sẽ không thể khiến con tự nguyện đồng tình trong 1 hay 2 lần đầu, nhưng khi điều này đã trở nên quen thuộc con sẽ tự hiểu khi bạn nói “Để lúc khác con nhé”.
Giới hạn ngân sách cho con
Tôi không biết các bậc phụ huynh khác ra sao, nhưng tôi luôn thấy lo lắng mỗi khi bước vào cửa hàng đồ chơi với 2 con gái. Bởi, tôi đang bước vào “chiến trường”. Sau vài lần bị bại trận tại cửa hàng đồ chơi, tôi đã nghĩ ra một cách để “khắc chế” con gái và đã quẳng được gánh lo.
Ngay từ đầu, tôi thiết lập ngân sách cho con và nói rõ rằng, “Con có thể mua bất cứ cái gì con thích, nhưng con chỉ có 200.000 đồng để mua đồ chơi thôi nhé”. Việc thiết lập ngân sách này sẽ giúp con có lựa chọn hợp lý và bố mẹ không cần phải vất vả để kiểm soát niềm khao khát muốn mang thật nhiều đồ chơi về nhà.
Hãy để con bày tỏ sự thất vọng của mình khi bị từ chối
Cũng giống như chúng ta, dù đã được giải thích hay đã được bố mẹ hứa hẹn sẽ bù đắp, nhưng bé cũng sẽ rất buồn khi đề nghị của mình bị từ chối. Hãy khuyến khích con nói ra cảm xúc của bé và thể hiện sự đồng cảm của mình, “Mẹ biết là con rất buồn. Mẹ xin lỗi, nhưng mẹ không thể mua cho con bây giờ được”. Nói ra được cảm xúc của mình và nhận được sự đồng tình của bố mẹ sẽ làm trẻ thấy thoải mái hơn và điều này tốt cho chúng ta.
Những thay đổi nhỏ này đã giúp tôi đã đạt được thành công. Chúc các mẹ cũng đạt được thành công như mong muốn.
Bài: Lê Anh
“Luật bất thành văn” của mẹ Moon