“Tôi cũng từng là một fan cuồng…”

  

– Tháng 4 là tháng không vui với dân tình khi hàng hóa đồng loạt tăng giá. Trong bối cảnh đó, những cuộc vui như festival, đại nhạc hội, lễ hội quốc tế… có vẻ như  hơi “xa xỉ”? Còn nhớ, cách đây mấy năm, Hà Nội từng “cắn răng” cắt bỏ “hạng mục” pháo hoa đêm giao thừa để thực hành chủ trương tiết kiệm. Vậy theo anh, giữa việc “thắt lưng buộc bụng” và việc “bay trong đêm pháo hoa” có gì lạc nhịp?

– Đúng như dự đoán của các nhà kinh tế, năm nay quả là một năm rất khó khăn, và thực tế đến hôm nay đã chứng minh điều đó khi mà chúng ta đã thấy, rất nhiều “người giàu cũng khóc”. Nhưng cũng từ đầu năm tới giờ, cùng với những dự báo đó, có hơn 10 siêu xe bao gồm 1 chiếc Bugatti, 3 chiếc Rolls Royce Phantom Dragon (phiên bản đặc biệt số lượng rất giới hạn) đánh số thứ tự 1,2,3 đã có mặt tại Việt Nam và sắp tới, còn có thêm 2 chiếc Lamborghini Aventador nữa.

Điều đó cho thấy “thắt lưng buộc bụng” là việc của chính sách ở tầm vĩ mô, còn “bay trong đêm pháo hoa” hay “vui ở đâu đấy” là việc của người dân. Nhà ai có điều kiện thì nhà đấy vui, không ai cấm được nếu chuyện đó không phạm pháp!



– Một tuần nóng lên câu chuyện fan cuồng, hết fan hôn ghế, fan khóc vô cớ, fan ngất xỉu lại đến chuyện fan la ó, ném chai lọ… Người thì lo: Đó là sự phát triển lệch lạc, đánh mất lòng tự trọng, thậm chí, còn là “nỗi nhục quốc thể”; người thì cho rằng: Cần phải để giới trẻ được tự do thể hiện cảm xúc, cá tính của họ… Anh thì sao?

– “Người trẻ” – Bản thân cụm từ đó cũng đã nói lên nhiều điều. Luôn xốc nổi, ngây thơ, bốc đồng và lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Vì thế mà theo tôi hãy nhìn mọi việc bằng con mắt độ lượng, hãy để họ làm gì cũng được miễn sao không gây hại cho xã hội, cho bản thân và họ có quyền của họ. Chẳng phải chính người hâm mộ là động lực để các nghệ sĩ nỗ lực cống hiến và muốn trở thành một ngôi sao sao? Thà họ điên cuồng, gào thét để thể hiện tình cảm của mình (cho dù có là quá khích), còn hơn là một buổi biểu diễn lẹt đẹt vài tiếng vỗ tay rồi gần cuối buổi là thản nhiên (đến mức vô cảm) đứng lên rầm rập để chạy ra… lấy xe cho đỡ tắc, mặc kệ nghệ sĩ đứng trên sân khấu, muốn nghĩ sao thì nghĩ…

– Từng có cơ hội xem các show khủng ở nước ngoài, anh thấy cái sự “không thể hoãn lại sự sung sướng” này có giống nhau giữa Tây và ta?

– Chẳng có gì là khác nhau cả, họ cũng quá khích vậy thôi! Cứ để họ là chính họ, thời gian trôi qua tự họ sẽ điều chỉnh mình cho phù hợp! Hồi trước, chính tôi cũng từng là một fan cuồng của các đêm dạ hội sinh viên, cũng dán đầy ảnh thần tượng trong phòng, rồi nghe nhạc của họ 8 tiếng/ngày, cũng bỏ ăn bỏ uống, lồng lộn làm đủ thứ để có được một cái băng cassette chương trình của họ khiến cho bố mẹ lo lắng không biết ông con mình có vấn đề gì về đầu óc không. Thà sống có đam mê (cho dù hơi điên khùng), còn hơn là sống mà chẳng có đam mê gì hết. Xã hội ai mà cũng giống ai, hoặc ai cũng phải giống ai thì chán lắm!

– Tuần qua cũng nóng rãy hai chữ “thân thiện” của nghệ sỹ. Khi Hồ Ngọc Hà, với những phản ứng khôn khéo tại HTV Award ngay cả khi bị fan của Mỹ Tâm la ó, cùng những động tác “giảng hòa”, “bằng mặt (mà có thể) không bằng lòng” trước đó với Phương Thanh, Tăng Thanh Hà… thì được khen là “ngôi sao thân thiện”. Còn Đàm Vĩnh Hưng sau khi bị “phong danh hiệu nổ nhất showbiz Việt” thì phản pháo: “Mọi người vẫn thích các nghệ sĩ phải luôn là “hoa hậu thân thiện” trong mắt mình, ngoan ngoãn và dễ dàng bị điều khiển. Điều đó sẽ không bao giờ có đối với tôi đâu!”. Quan điểm của anh về hai chữ “thân thiện” trong showbiz, nhân hai câu chuyện này?

– Đàm Vĩnh Hưng là một nghệ sĩ đặc biệt, những gì Hưng làm sẽ được ghi nhớ và nhắc đến cho dù điều đó là phải hay trái. Không có nhiều nghệ sĩ có được năng lực để làm điều này, vì vậy, tôi nghĩ cần tôn trọng những gì anh ấy nói. Mỗi người sẽ tự chọn cho mình một cách cư xử để được “an toàn” trong thế giới thông tin vốn đầy may rủi này. Bản thân bức ảnh Hà chụp con trai mình trên facebook sau khi nhận giải HTV Awards đã thay không chỉ cô ấy mà tất cả mọi người nói lên điều đó.

– Vừa bị “ném đá” tại Bước Nhảy Hoàn Vũ, anh có đồng cảm với lời “than thở” này của giám khảo Khánh Thi: “Nếu tôi nhạt nhòa, mọi người sẽ bảo là tôi thiếu muối. Nếu tôi nặng lời quá sẽ bị nói là khắt khe. Nếu ôn hòa lại bị nhận xét là nhàm chán. Làm thế nào để vừa lòng tất cả mọi người đây”?

– Khánh Thi là một nữ kiện tướng dancesport, đó là điều không ai có thể thay đổi hay lấy đi của cô ấy được. Mọi việc khác đều không quan trọng!

– Anh nghĩ sao về ý kiến bênh vực này: Trong các kiểu khoe, thì khoe kiến thức chẳng có gì đáng phải xấu hổ cả, nếu không muốn nói là đáng tự hào!

– Cả chuyện này cũng không quan trọng nốt! Mọi người đều có quyền phán xét của riêng mình. Sống trong một thế giới phẳng, chúng ta nên chấp nhận điều đó!


From the same category