"Tôi chỉ cần kim, vải và người mẫu" - Tạp chí Đẹp

“Tôi chỉ cần kim, vải và người mẫu”

Bộ Sưu Tập
Thời trang “phi xu hướng”

Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của thập kỷ 80 cho rằng việc chạy đua theo thời gian gây ra sự căng thẳng và mệt mỏi. Bắt đầu từ giữa những năm 90, Alaia từ chối tổ chức các buổi trình diễn thời trang theo lịch của hiệp hội các nhà thiết kế thời trang tại Paris. Điều đó cũng có nghĩa là ông từ bỏ việc thiết kế trang phục theo mùa, theo năm, tự gạt khái niệm về “xu hướng” trong các bộ sưu tập thời trang của mình, chối từ những bản chiến dịch kinh doanh để phát triển thương hiệu.

Có thể cho rằng Alaia không đủ lực để chạy đua với thời trang, nhưng đó cũng là một sự lựa chọn: “phần lớn những nhà may nổi tiếng đều kết thúc một cách đáng buồn” – ông nói. Thay cho “mới” và “hợp thời trang” là sự xa xỉ được tự do phát triển thời trang theo ý riêng của mình. Thương hiệu của Alaia không lớn, thể hiện phong cách không phải qua logo, hình ảnh của thương hiệu hay những cửa hàng hoành tráng, mà bằng những ngôn ngữ thời trang đặc trưng, sự hoàn hảo của đường cắt, đường may hay những chất liệu đặc biệt,… Những giá trị vô giá khiến không ít phụ nữ trở thành những khách hàng trung thành với ông.

Nữ ca sĩ opera Jessye trong trang phục của Alaia

Naomi Campbell

Stephanie Seymour

Trang phục gợi đến chiếc corset ép sát làn da, thắt chặt eo, nâng ngực, tạo phom cho các đường cong trên cơ thể một cách gợi cảm nhất. Điển hình trong những thiết kế của Alaia là: đồ len mềm mại, dệt nổi giống như đồ móc, thêu; dáng chân váy bồng bềnh xòe rộng qua hông đến trên đầu gối; thắt lưng to bản khảm đinh cỡ lớn, giày gắn lông vũ, khảm đinh, bọc ren; họa tiết da rắn, da báo; đồ da cứng cắt tỉa như thêu ren; những trang phục bằng da cắt sát cơ thể như một làn da thứ hai; những dải băng “bó” chặt lấy cơ thể người phụ nữ. Đó là những yếu tố tạo nên “chất Alaia”, những chi tiết, kiểu trang phục, kỹ thuật, kiểu dáng đã một thời thống trị thời trang thập kỷ 80 và hiện giờ lại một lần nữa chinh phục những phụ nữ sành điệu nhất của thời trang.

Một chiếc váy da thêu hoa nhỏ li ti trên những nếp xếp ly của Alaia có thể được hoàn thiện trong vòng một năm. Đơn giản là nhà thiết kế mốt này đặt cho mình một nguyên tắc bất di bất dịch là phải tự tay thiết kế từng trang phục trong bộ sưu tập, theo nhịp điệu riêng của mình, từ việc tạo dáng, cắt mẫu, thêu thùa, làm đồ da, làm vải xếp ly, cho đến khâu thử nghiệm tìm tòi những chất liệu mới. Alaia đã từng dùng vải may áo bơi để may trang phục dự tiệc buổi tối. Ông thường kết thúc công việc lúc 2, 3 giờ sáng. Ngủ một vài tiếng, dắt các chú chó yêu đi dạo, đi chợ sáng mua thức ăn, tự tay nấu ăn cho khách hàng thân quen khi họ ghé thăm cửa hàng, cùng ăn trưa với nhân viên, thỉnh thoảng ngủ gật cạnh bàn làm việc, rồi nhiều khi lại chuẩn bị bữa tối thân mật mời bạn bè và người thân.

Không khó để đoán rằng Alaia sẽ gửi trang phục cho các boutique khi nó được hoàn thành, không kể đó là một nửa, hay một phần ba của bộ sưu tập, vào tháng 1 hay tháng 7, cho mùa hè hay mùa thu. “Muộn”, “thất thường”, bên cạnh “sexy” và “hoàn hảo” cũng là “phong cách” tiêu biểu cho nhà thiết kế thời trang này. Nhưng người ta kiên nhẫn chờ, vì tại Barneys, 10 Corso Como hay Dover Street Market, những boutique nổi tiếng trên thế giới biết rằng, trang phục của Alaia không bao giờ làm cho khách hàng thất vọng.

Alaia và những người phụ nữ

Azzedine Alaia sinh ra tại Tuy-ni-di, một thuộc địa cũ của Pháp vào những năm 40 của thế kỷ 20. Trang web Wikipedia khẳng định ngày sinh của ông là 7/6/1940. Tuy vậy, đến ngay cả những bạn bè thân thuộc nhất của ông cũng không biết chính xác Alaia năm nay bao nhiêu tuổi. “Tôi quyết định xóa nó ra khỏi ký ức của mình” – Alaia nói với tạp chí Love. “Tôi giữ mọi kỷ niệm, trừ ‘già’ và ‘tuổi’”. Một điều chắc chắn là Alaia đã nói dối về tuổi tác (và làm trái ý bố) để được nhận vào học tại trường mỹ thuật Ecole des Beaux Arts tại Tunis, thủ đô Tuy-ni-di. Không có bằng tốt nghiệp phổ thông, cậu bé 15 tuổi chỉ được nhận vào học những môn cơ bản như lịch sử nghệ thuật, vẽ, điêu khắc. Alaia và hai em gái lớn lên trong sự nuôi dạy của bà ngoại, thậm chí cậu còn ngủ cùng bà cho tới khi tròn 15 tuổi – thời điểm nhập học trong trường và may được chiếc váy đầu tiên cho một thợ may gần nhà với tiền công là 1 franc.

Những người phụ nữ lớn tuổi đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chàng trai trẻ tuổi người Tuy-ni-di. Madame Pinot, bà đỡ cho mẹ cậu là người đầu tiên đem lại cho Alaia mối quan tâm về thời trang qua các tạp chí thời trang đương thời, bà cũng là người dạy Alaia may vá rồi buộc cậu phải học tiếng Pháp. Bắt đầu với việc học nghề của một thợ may chuyên “may theo” các kiểu váy của Dior và Balmain tại Tunise, Alaia nhanh chóng trở thành thợ may lý tưởng cho bạn bè cùng trường và các phụ nữ khác trong khu phố.

Nhờ có bà mẹ một người bạn cùng trường viết thư giới thiệu mà Christian Dior nhận Alaia vào học việc khi cậu đến Paris lần đầu tiên khi 18 tuổi. “Đường công danh” của nhà thiết kế trẻ mới vào nghề tại Dior kéo dài đúng 5 ngày, cho đến khi cậu bị sa thải vì nạn kỳ thị dân tộc (Alaia là người gốc Tuy-ni-di, thuộc địa của Pháp đang đấu tranh giành độc lập lúc bấy giờ). Tại Guy Laroche, một thương hiệu haute couture khác của Paris, Alaia học cắt may trang phục trong hai mùa sau đó. Cho đến lúc sự nghiệp của Alaia thật sự khởi sắc vào năm 1965, nhà thiết kế mốt trẻ tuổi này làm gia sư cho một gia đình giàu có tại Paris, kiêm đầu bếp và thợ may cho bà chủ và các bạn bè của bà. Nhờ có Louise de Vilmorin, nữ văn sỹ, nhà thơ và đồng thời là một người đàn bà giàu có che chở và kết bạn cho đến khi bà qua đời năm 1969, Alaia được giới thiệu đến tầng lớp thượng lưu ở Paris.

Cuối những năm 60, người nọ giới thiệu cho người kia, nhà may của Alaia bên kia bờ sông Seine với 18 thợ may đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho giới quý tộc và các diễn viên nổi tiếng. Greta Garbo đến đây theo Cecile de Rothschild và đặt may một chiếc áo khoác kiểu thủy thủ to đủ cho hai người mặc. Sau này bà hoàng của phim câm người Thụy Điển còn quay lại hai lần để may kiểu áo khoác rộng quá cỡ này. Khách hàng đặc biệt của Alaia còn phải kể đến Thierry Mugler và Yves Saint Laurent. Chính Alaia là người may phiên bản mẫu cho chiếc váy Mondrian nổi tiếng. Điều thú vị là Alaia cũng là người thiết kế trang phục cho đội vũ nữ của Crazy Horse Saloon nổi tiếng vào đầu những năm 70: “Trang phục phải rất vừa và ôm người rất chắc chắn khi vũ nữ biểu diễn, nhưng chỉ với một động tác thôi là váy áo phải được… rũ bỏ ngay lập tức”.

Cuối thập kỷ 70 là lúc Alaia nghe theo lời khuyên của Thierry Mugler và bắt đầu thiết kế thời trang may sẵn pret a porter, mới đầu cho Charles Jordan, nhưng không được thương hiệu này đánh giá cao. Năm 1979, Nicole Crassat, biên tập viên thời trang đã có công làm nên tên tuổi cho tạp chí Elle, tình cờ nhìn thấy các thiết kế của ông. Tờ Elle đăng ảnh “chiếc váy đen khêu gợi của các cô gái điếm” do Alaia thiết kế. Cô còn mượn váy đen có khóa kéo và trang phục đen hai mảnh cho bản thân và đồng nghiệp để chưng diện trong tuần lễ thời trang Paris. Bill Cunningham chụp ảnh họ đăng trên tờ Women’s Wear Daily – “cẩm nang” của giới thời trang chuyên nghiệp Mỹ và thế giới. Bergdorf Goodman gửi thư đặt mua bộ sưu tập từ Paris và chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, Azzedine Alaia đã trở thành tên tuổi được cả thế giới thời trang nhắc đến, trong khi không ai biết rằng trong tay ông chỉ vẻn vẹn có mỗi 10 mẫu thiết kế cho bộ sưu tập. Khi chuỗi cửa hiệu bán lẻ thời trang cao cấp nổi tiếng của New York này mời Alaia tổ chức buổi trình diễn thời trang tại Mỹ, điều kiện của ông là hai phòng khách sạn sang trọng, thật nhiều hoa cho bản thân và chú chó yêu thích, cộng với 10 vé máy bay hạng nhất cho toàn bộ các nhân viên của mình.

Đệ nhất phu nhân Mỹ – Michelle Obama là tín đồ của Alaia

Nữ diễn viên Zoe Saldana trong lễ ra mắt “Star Trek” trong trang phục Alaia

20 người mẫu hàng đầu của New York, trong đó phải kể đến Pat Cleveland và Alva Chinn, đã trình diễn bộ sưu tập với các trang phục đa số là màu đen, cùng áo thun cao cổ, váy ngắn, váy len, trang phục dạ hội, đến giày cao gót cũng đen, với cùng một kiểu tóc, không hề có phụ trang hay đồ trang sức – vì đó là tất cả những gì Alaia có khả năng chi trả lúc bấy giờ. Nhưng bộ sưu tập màu đen này đã mở đầu một giai đoạn thời trang với đầy những sự thái quá của thập kỷ 80: sexy, trực diện, “phản cảm” với cách trang phục mang tính tình dục và bạo lực, phơi bày đường cong cơ thể người phụ nữ một cách thái quá. Báo chí gọi đó là “thời trang của các cô bạn gái của các anh chàng buôn chứng khoán phố Wall”. Qua tay của Alaia, hình ảnh này xuất hiện ở trạng thái hoàn hảo nhất, với các đường cắt tinh tế và chất liệu táo bạo. Thập kỷ này đã đưa Alaia đến vinh quang mà thời điểm tượng trưng có thể coi là lúc nữ ca sĩ opera người Mỹ da đen Jessye Norman xuất hiện trước hàng triệu công chúng hát bài quốc ca Pháp “La Marseillaise” trong lễ kỷ niệm 200 năm ngày Cách mạng Pháp năm 1989, trong trang phục do Alaia tạo dáng từ lá cờ ba màu trắng, xanh, đỏ.

Từ chỗ là “thợ may” cho một số khách hàng cá nhân, Alaia nhanh chóng trở thành một ngôi sao của “văn hóa pop”. Người ta ngưỡng mộ người đàn ông trắng trẻo bé nhỏ, mặc áo cổ vuông kiểu Trung Quốc (ông có đến vài trăm bộ trong tủ của mình), hay ôm những chú chó nhỏ và thường xuyên xuất hiện trên báo chí bên cạnh những siêu sao thời trang, nhạc pop, giới nghệ sỹ và kiến trúc, những người yêu thích các thiết kế ấn tượng của ông. Ngôi sao nhạc rock Tina Turner hay kiến trúc sư người Pháp Andree Putman nằm trong số các khách hàng trung thành. Trang phục của ông gắn liền với vẻ đẹp huyền bí của Grace Jones, Iman, Katoucha, những người mẫu da đen nổi tiếng của thập kỷ 80. Sau đó đến lượt các siêu mẫu đầu tiên của thời trang như Naomi Campbell, Linda Evangelista, hay Stephanie Seymour.

Chiếc váy co giãn bó sát người, với thắt lưng khảm đinh cỡ lớn của ông xuất hiện trên video clip “Addicted to love” của Robert Palmer năm 1985. Grace Jones mặc đồ của ông trong bộ phim “A view to a kill” trong sê-ri những bộ phim trinh thám về điệp viên 007 James Bond. Emanuelle Seigner mặc chiếc váy đỏ bó sát người “theo phong cách của Alaia” khi nhảy với Harisson Ford theo điệu nhạc “Libertango” của Grace Jones trong bộ phim nổi tiếng “Frantic” – với cốt chuyện trinh thám xảy ra tại Paris do Roman Polanski đạo diễn năm 1988. Thời trang đại trà nhanh chóng bắt chước phong cách của Alaia bằng các trang phục may bằng chất liệu co giãn pha lycra. Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng này không bao giờ phàn nàn về việc người khác đã làm giàu nhanh chóng khi sử dụng các ý tưởng của mình. Tuy thế, người ta ghi nhớ rằng ông đã phật lòng khi thấy Cindy Crawford mặc đồ “nhái Alaia” và không bao giờ còn tặng cô siêu mẫu này những trang phục do ông tự tay thiết kế nữa.

Giữa Alaia và những người mẫu nổi tiếng nhất của thời trang có những mối quan hệ đặc biệt khăng khít. Nếu như Gianni Versace đưa Linda Evangelista, Christy Turlington, Naomi Campbell và Cindy Crawford trở thành những siêu mẫu đầu tiên của thời trang, thì Alaia có thể được ví như người cha đỡ đầu mát tay của các cô gái đẹp mới bước chân vào nghề. Ông là người đầu tiên đã tuyển Naomi Campbell trong show diễn thời trang, khi cô gái người Anh này chân ướt chân ráo đến Paris năm 17 tuổi. Mẹ của cô siêu mẫu tương lai chỉ đồng ý với điều kiện Naomi phải được Alaia đích thân trông nom. Ông cho Naomi ở nhờ nhà mình và vì ông không biết tiếng Anh, còn Naomi không nói được tiếng Pháp, bà mẹ của cô phải đóng vai trò là người phiên dịch qua điện thoại. “Trông nom” cũng có nghĩa là ông đã có lúc phải đi tìm và lôi cô người mẫu nổi tiếng với tính cách quá khích từ sàn nhảy về nhà lúc 6 giờ sáng. Naomi Campbell, Veronica Webb hay Stephanie Seymour – người nhận được sự “bảo trợ” của Alaia khi bước vào nghề người mẫu thời trang năm 14 tuổi coi Alaia như bố ruột, họ gọi ông là “ơapa”.

Vào những năm 90, khi Alaia còn tổ chức show, nhà riêng của ông, nơi đồng thời là phòng thiết kế, xưởng may, cửa hàng, showroom, sàn diễn cũng là phòng trọ cho các người mẫu, từ Naomi, Stephanie đến Linda mỗi khi họ đến Paris. Đó là thời gian người mẫu có thói quen xin các nhà thiết kế tặng lại các trang phục cho họ, thay cho tiền công. Nhiều trang phục được thiết kế với ý tưởng dành riêng cho từng người mẫu một. Và điều thú vị là họ phải “cạnh tranh” với nhau để nhận được chiếc váy yêu thích vì tất cả các người mẫu đều có số đo giống nhau. Alaia lấy tên của các người mẫu đặt cho nhiều thiết kế của ông. “Tôi chỉ cần kim, vải và người mẫu” – Alaia nói – “không cần xu hướng hay các cách thể hiện tâm trạng, cảm xúc cho bộ sưu tập”.

Mối quan hệ khăng khít cá nhân cũng như trong nghề nghiệp giữa Alaia và các người mẫu nổi tiếng trở thành đề tài của vụ tai tiếng xảy ra khi viện bảo tàng Metropolitan tại New York tổ chức triển lãm “Models as muse” vào năm ngoái. Bảy người mẫu, trong đó có Stephanie, Linda và Naomi đặt Alaia may trang phục đi dự buổi khai mạc triển lãm, trong khi họ không biết rằng không một trang phục nào của nhà thiết kế nổi tiếng này được chọn trưng bày. Alaia yêu cầu các khách hàng thân của mình không mặc trang phục của ông đi dự triển lãm. Naomi và Stephanie công khai từ chối tham dự buổi tiệc và Linda cũng không có mặt. Nhà thiết kế mốt thậm chí còn đổ lỗi cho Anna Wintour, người ông cho rằng chưa bao giờ thân thiện với mình. Bằng chứng là trong suốt 15 năm gần đây, tờ Vogue của bà không mấy khi đăng ảnh các trang phục của ông. Trong lúc đó thì Vogue Paris và đặc biệt là bà tổng biên tập Carine Roitfeld là một trong những người hâm mộ trung thành: “Bạn mua đồ của Alaia vì biết rằng không ai sẽ có trang phục tương tự”.

Trong số những phụ nữ đã tìm đến Alaia phải kể đến Carla Bruni, Carla Sozzani hay Victoria Beckham – những người phụ nữ có quyền lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội. Michelle Obama chọn trang phục của ông khi cùng chồng tham dự buổi tiệc cấp cao của khối NATO, phá vỡ quy tắc không lời rằng đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ chỉ mặc đồ do các nhà thiết kế Mỹ thực hiện trong các buổi gặp mặt trọng thể. Sự kiện không chỉ mang ý nghĩa thời trang đã làm cho tên tuổi của ông một lần nữa xuất hiện trở lại trên trang nhất của báo chí thế giới, một lần nữa đưa ông ra khỏi thế giới nhỏ bé của một số khách hàng cá nhân trong “giới ăn chơi”.

“Những đường cong đầy đặn”

Phải chăng thời trang ưu ái Alaia khi phong cách của thập kỷ 80 một lần nữa lên ngôi? Hay người ta đã quá mệt mỏi với những vòng xoay quá nhanh, hoặc việc những bộ “phiên bản mới” bắt chước ý tưởng xuất hiện quá nhiều?

Hay vì thời trang tìm thấy trong trang phục của Alaia giải pháp cho những phụ nữ không còn ở độ tuổi teen của các người mẫu và không còn ở “size 0” – họ chính là đối tượng thật sự của thời trang cao cấp? Những người mẫu có thân hình đầy đặn xuất hiện trở lại trên sàn diễn của thời trang Thu-Đông năm nay và “những đường cong đều đặn” trở thành xu hướng có vẻ “thân thiện” với phụ nữ hơn. Trong xưởng may của Alaia, khái niệm “những đường cong đầy đặn” cũng gắn liền với kỷ luật. Katie Grand, stylist và tổng biên tập tờ Love bị ông buộc phải giảm vài cân để mặc vừa váy cưới do Alaia thiết kế. “Đó là một điều kinh khủng”, Katie nói khi nhắc đến 10 tiếng Alaia đích tay chỉnh sửa và hoàn thiện trang phục cho cô.

Khi Joan Burstein, chủ nhân của hãng Browns Fashion nổi tiếng có ý kiến rụt rè rằng những đường may của chiếc váy mới “không được ổn lắm”, bà liền nhận được câu trả lời: “Thân hình của bà mới không ổn!” Alaia có thể ưa thích hãng thời trang rẻ tiền H&M, nhưng ông không chấp nhận khái niệm “thời trang dân chủ”. Thời trang là những nỗ lực không ngừng từ cả hai phía. Những đường kim mũi chỉ hoàn hảo của một trang phục đắt tiền không đủ làm cho người phụ nữ đẹp, nếu họ không tự giữ vẻ đẹp của cơ thể cho chính mình.

Bài: Lukasz Nguyễn

Ảnh: AFP, Gretty Images

Thực hiện: depweb

05/10/2010, 10:18