Tơi bời với Lệ Rơi

Chưa bao giờ Việt Nam bội thực ca sĩ như bây giờ, cứ như thể ra ngõ là gặp ca sĩ. Vậy mà đùng một cái xuất hiện Lệ Rơi. Chẳng thể gọi gương mặt này là ca sĩ, vậy mà trong chớp mắt, anh ta có chỗ đứng. 

Lệ Rơi và ca sĩ thời nay

Lệ Rơi khuynh đảo cộng đồng mạng bằng những clip tự quay, tự hát, tự chế ở mức dưới chuẩn. Bạt ngàn ca sĩ của Việt Nam hiện nay chọn cách ra MV (music video) rồi “phát hành” trên Youtube. Cả hai bên đều gặp nhau ở chữ “miễn phí”. Nhưng khác ở chỗ, clip của Lệ Rơi có chi phí thực hiện là… 0 đồng, còn clip của ca sĩ thường ở mức 100 đến 300 triệu đồng và rất nhiều khi là tiền… đi vay. 

Khi những ca khúc được “cover” (mà Lệ Rơi đọc là “co ve”) lên mạng, ngay lập tức chúng tạo nên làn sóng tìm nghe. Trong khi đó, không ít ca sĩ được cho là hoạt động chuyên nghiệp, tung MV mà chỉ thu hút lượng nghe lèo tèo, ở mức thấp hơn Lệ Rơi nhiều lần, dù đã quảng bá đủ kiểu.

Tung hô hay phản ứng với Lệ Rơi, phải chăng là cách công chúng hả hê với những gì mà họ có cảm giác hồn nhiên, chân thành, đáng tin cậy? Và phản ứng này thể hiện sự dị ứng với những chiêu trò, tiểu xảo ít giá trị đang thừa mứa bây giờ?

Nhiều ca sĩ phấn đấu một năm có một vài MV để đưa lên Youtube, Zing, Nhạc Của Tui hoặc Keeng… đã làm tốt lắm rồi. Còn Lệ Rơi, anh “sản xuất” một tháng liên tục tới gần 150 clip. Oái oăm hơn, dẫu tốn nhiều công sức, tiền của, nhiều ca sĩ đến năm lần bảy lượt ra MV, dạo qua đủ các cuộc thi ca hát… vẫn không có nổi một bài “hit”. Lệ Rơi thì ngược lại, anh ta ngồi một chỗ hát, chỉ việc “co ve” bài nọ bài kia, vậy mà… có “hit”. Các bài như “Forever and One”, “Em của ngày hôm qua”, “Kiếp đỏ đen”… do Lệ Rơi hát có lượt nghe không dưới 100.000 chỉ tính trên một tài khoản “up” lên Youtube.

Clip của Lệ Rơi không dán nhãn bản quyền nên mỗi khi tung ra, có khối người chờ trực tải về rồi “up” lên, đưa vào tài khoản Youtube của mình. Số lượng nhân bản cho mỗi clip vì thế là nhiều vô kể. Người tìm nghe để… cười, vì thế, không biết đâu là bản chính – bản phụ, và những tài khoản Lệ Rơi “giả” thì xuất hiện nhan nhản. Còn với nhiều ca sĩ đi hát kiếm tiền, nhiều clip của họ tung lên hoặc là vì gắn bản quyền nên không ai sử dụng lại, hoặc là vì… nhạt, có xem cũng được không cũng chẳng sao, nên không được “nhân bản”. Thế là người hồn nhiên hát thì được cộng đồng lan truyền, người tính toán đến “hại não” thì chỉ có nhóm nhỏ đoái hoài. 

Lệ Rơi không phải ca sĩ, giọng hát của anh chỉ như Chaien trong truyện “Doreamon”, hay nói cách khác là anh hát như nhiều người trong số chúng ta “thể hiện” lúc karaoke hay ở trong phòng tắm. Nhưng chỉ cần nghe Lệ Rơi hát một lần, người nghe có thể dễ dàng xác định được ngay giọng hát của anh ta, khó nhầm lẫn. Trong khi đó, rất nhiều người đi hát, từng đứng trên các sân khấu lớn nhỏ, được ông bầu nọ kia dù dắt, có giọng hát và cách hát na ná nhau, khó phân biệt ca sĩ này với ca sĩ khác. 

 

Những khi không bận “co ve” bài hát, Lệ Rơi đi chăm vườn ổi

Lệ Rơi hát lại (cover) những bài nổi tiếng thì có nhiều người cười lăn lộn, coi như được xem một màn diễn hài giúp xả stress hiệu quả. Nhiều ca sĩ khác cũng hát lại nhưng bị chê ngay trên sân khấu “là cái bóng của người đi trước”. Người ta nghe – xem Lệ Rơi xong thì cười hoặc… chửi, vì… thấy ớn. Nhưng đã có không ít người nghe – xem các ca sĩ khác hát xong thấy… tiếc tiền, tiếc thời gian vì vô hồn, không có gì khác biệt, dễ trôi tuột ngay khi người biểu diễn vừa rời chân khỏi sân khấu.

Không ít người nghi ngờ Lệ Rơi có hai bằng đại học (CĐ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và văn bằng hai ĐH Kinh tế quốc dân), bởi chẳng lẽ học đến thế mà không đọc trúng những từ tiếng Anh đơn giản nhất? Tuy nhiên, anh chàng này không giấu giếm mình là một nông dân, thay vì là một ca sĩ, như lựa chọn của anh.

Anh nông dân thích hát và chia sẻ để mọi người… cười này có “phòng thu” và nơi biểu diễn là nhà mình. Không gian quen thuộc của anh là… vườn ổi. Người được gọi là ca sĩ so với anh thì khác một trời một vực, vì ca sĩ đang được coi là… nghề dễ hốt bạc bây giờ. Nhiều ca sĩ hát vì tiền, không ngại sống “ảo”, phải tạo dựng đủ chiêu trò, có khi là chiêu trò rất “bẩn” để qua mặt đồng nghiệp và cả khán giả, hòng có “sô” hoặc được chú ý. Cùng hát, nhưng cái khác ở đây là một bên tính đẳng cấp bằng giá “cát-xê”, một bên tính hiệu ứng bằng số lần “nghe chùa”. 

Không ít ca sĩ vì tiền vì danh bất chấp tất cả và nhiều khi “câu” khán giả vì những “quả lừa” và sự ỡm ờ, còn “ca sĩ” Lệ Rơi thì… chưa, vẫn đang miệt mài phục vụ khán giả sau giờ làm, dù đã bị không ít… nghi ngờ. Đơn giản thôi, người hát kiếm tiền đã bị công chúng cảnh giác kiểu “chim đậu cành cong” thì đến Lệ Rơi, dù hát chưa có mùi tiền, cũng khiến không ít người sợ “dính bẫy” cũng là chuyện thường tình…

Khi có bài viết này thì có nhiều trang mạng đã không cưỡng lại được sức ép “câu viu” (page views) đã về tận nhà Lệ Rơi ở Thanh Hà, Hải Dương để đưa tin, viết bài, “xác minh” thông tin sau những clip làm “chơi vơi” dư luận. 

Vậy mà, nhiều ca sĩ, cả thành danh lẫn chưa, lại thường không giấu giếm việc luôn “chăm sóc” cánh phóng viên báo chí  tận tình để có cơ hội xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Có phải bởi vậy mà cách công chúng hả hê với những gì mà họ có cảm giác chất phác, thật thà thì cũng đồng thời thể hiện sự dị ứng, phản ứng với những chiêu trò, tiểu xảo sắp đặt đang thừa mứa bây giờ. Tất nhiên, đó cũng có thể là sự hoang mang giữa những thái cực hay và dở, thật và ảo, đẹp và xấu.

Lệ Rơi hay ca sĩ, ai đỏ mặt…

Khi “Lệ” đã “Rơi” thì lệ cũng có thể… khô, nhưng khi Lệ Rơi vẫn hát thì sẽ có biết bao ca sĩ phải “rơi lệ” vì nghĩ về nghề nghiệp của mình. Công chúng thì vẫn cứ cười, vì biết những clip hôm nay có thể được là “vui” thì ngày mai có thể trở thành “nghe nhức cả đầu”!

Những điều này hẳn là đáng suy ngẫm, nhất là trong thời buổi bao trò bày ra đều dễ trở nên nhạt và người hát dăm ba bài đã được gọi là ca sĩ. Thế mà “ca sĩ” và cả “nhạc sĩ” vẫn tiếp tục mọc lên nhiều như nấm sau mưa, đến mức “bội thực”, khiến người ta chả muốn nhớ, muốn cười.

Bài: Danh Anh

Ảnh: Ca sĩ Lệ Rơi’s Facebook 


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Chúng ta hay phân loại các sản phẩm theo khái niệm sang và sến, nghệ thuật và thị trường để rồi phân loại khán giả theo đó mà quên đi rằng: nhu cầu thưởng ngoạn, thị hiếu thẩm mỹ của mỗi người khác nhau. Quên điều đó để rồi lại ngạc nhiên khi thấy cát xê của một nhóm nhạc mà chúng ta cười chê là ngô nghê, vớ vẩn lại cao hơn những ca sĩ học hành bài bản trường lớp, được đầu tư chuyên nghiệp.


From the same category