Sử Việt của người trẻ
Lịch sử trước nhất, không hoàn toàn là những trận đánh “long trời lở đất”, những đạo quân, tướng lĩnh ra trận oai phong lẫm liệt. Nó còn là dấu mốc phản ánh cuộc sống, tập tục văn hóa hay phong cách ăn mặc của người dân ở từng thời kỳ. Đó là cách mà Trần Quang Đức, người từng đoạt giải nhất cuộc thi Cầu Hán Ngữ lần thứ 3 đồng thời là chủ nhân tác phẩm “Ngàn năm áo mũ”, tiếp cận lịch sử. Cuốn sách phác họa văn hóa trang phục truyền thống Việt Nam hơn 1.000 năm trước bị mất dấu do chiến tranh hay do những biến động xã hội. Bằng lối hành văn mạch lạc, tư liệu phong phú, kết hợp với thư tịch đồ hình; Quang Đức đã tái hiện chuẩn xác lối ăn mặc truyền thống người Việt cổ từ chiếc áo đại cán, mũ mão của vua quan đến chiếc áo tứ thân, chiếc quần đóng khố của dân thường.
Cũng đi theo dòng sách khảo cứu, Nguyễn Sử (hiện công tác tại Phòng nghiên cứu Phật giáo – Viện nghiên cứu Tôn giáo) lại đi sâu về lĩnh vực thư pháp bằng việc đi tìm lời giải cho câu hỏi “Việt Nam có thư pháp hay không?”. Ròng rã 4 năm trời điền dã khắp các tỉnh thành Việt Nam, thu thập những “thần bút” mà tiền nhân để lại trong các đền chùa, trên bia đá hay trên trang giấy, Nguyễn Sử tập hợp tất cả thành cuốn sách “Lịch sử thư pháp Việt Nam”.
Đó là dòng sách chính sử và nghiên cứu tham khảo còn nếu chuyển qua một chút về thể loại dã sử thì ta sẽ có thêm nhiều tựa sách đáng để quan tâm như “Ngoài bờ Đông là mặt trời” (tiểu thuyết lịch sử) của Trường An hay gần đây là “Sử Việt: 12 khúc tráng ca” của Dũng Phan – một kỹ sư xây dựng nhưng rất tâm huyết với Sử Việt.
Thể loại ít được độc giả trẻ chú ý đến là tiểu thuyết lịch sử, một phần vì không được truyền thông tốt, hai là hầu hết các tác phẩm đều kén người đọc. Nhưng không vì vậy mà ta bỏ qua các tác giả nổi bật thể loại này như Uông Triều với “Sương mù tháng Giêng” và “Đôi mắt Đông Hoàng” hay các tác phẩm của Trường An. Họ đều là những nhà văn có lối viết độc đáo, cấu tứ rõ ràng, mang nhiều dấu ấn cá nhân, và biết kết hợp nét đẹp ngôn ngữ cùng sử liệu khô khan để dệt nên những câu chuyện lịch sử mang đậm nét sử thi hào hùng.
Đáng mừng hơn là đáng lo
Việc xuất hiện nhiều dòng sách lịch sử do những người trẻ viết trong vài năm qua đã chứng tỏ một điều: sách sử không nhất thiết phải đến từ các sử gia hay các nhà nghiên cứu lịch sử.
Họ có thể là những người trẻ có tâm thế hướng về cội nguồn dân tộc, trân quý những giá trị của quá khứ. Tất cả đều chịu khó trong việc tìm đọc các tư liệu liên quan đến lịch sử, có quan điểm cá nhân sắc sảo, văn phong hợp thời, và chỉn chu trong thiết kế trình bày. Lối tiếp cận phù hợp này đã giúp thế hệ sau không còn tâm lý chán nản mỗi khi đọc sách sử. Không những thế họ còn thành lập nhiều CLB, nhóm chuyên đàm đạo về sử như Thư Quán Cội Việt giúp lan tỏa thêm niềm đam mê, tự hào sử nước nhà.
Bên cạnh những mặt tích cực thì trở ngại lớn nhất của người trẻ khi tìm hiểu lịch sử chính là sự vội vàng trong tiếp nhận thông tin, thiếu sự đối chiếu qua lại giữa nhiều nguồn tư liệu khác nhau khiến cho dữ kiện viết ra phần nhiều mang tính chủ quan. Việc này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhiều độc giả trẻ và gây ra “lỗ hổng” rất lớn trong kiến thức Sử Việt.
Tựu trung lại, việc một người trẻ chỉ mới hơn 20 – 30 mà viết về câu chuyện ngàn năm trước quả là một chuyện khó khăn trăm bề. Nhưng khách quan mà nói thì đây là điều đáng mừng hơn là đáng lo về một thế hệ biết gìn giữ và trân trọng di sản cha ông để lại. Ít nhất chúng ta có thể lạc quan khi giờ đây người Việt, nhất là người Việt trẻ, không còn vô tâm với Sử Việt nữa.
Các tác phẩm về Sử Việt của các tác giả trẻ đáng chú ý :
– Ngàn năm áo mũ (Trần Quang Đức)
– Lịch sử thư pháp Việt Nam (Nguyễn Sử)
– Sử Việt – 12 khúc tráng ca (Dũng Phan)
– Ngoài bờ Đông là mặt trời (Trường An)
– Đôi mắt Đông Hoàng, Sương mù tháng Giêng (Uông Triều)
Danh mục bài viết trong chuyên đề Men & History:
Dũng Phan – Tay ngang viết Sử
Trần Văn Đại Lợi – Mong ước về một thế hệ trẻ yêu Sử nhà
Phan Khắc Huy – Lan tỏa tình yêu Sử Việt
Phạm Vĩnh Lộc – “Lịch sử là những bài học đắt giá cho tương lai”
Hình hài đất nước bao trùm màn ảnh rộng