Toàn cảnh làng văn nghệ thế giới bước vào mùa thu: đẹp và dễ chịu!

Bước vào mùa thu, mùa đẹp và buồn nhất trong năm, dường như làng văn nghệ thế giới cũng đẹp và dễ chịu hơn rất nhiều, ở cả mảng điện ảnh hay âm nhạc, với những tác phẩm không chỉ để xem đó rồi thôi mà thực sự cuốn người ta vào một thế giới và bầu trời của riêng nó.

Một cảnh trong phim “Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi”

Điện ảnh mùa thu: Chiêm nghiệm và tham vọng

Nếu như mùa hè là mùa của bom tấn điện ảnh thì mùa thu là mùa của những giải thưởng lớn, cũng là thời điểm các nhà làm phim phát hành những tác phẩm tham vọng nhất. Vài năm trở lại đây, những phim được ghi nhận tại Venice – liên hoan phim quan trọng nhất mùa thu – đều có một mùa giải thành công tại Oscar, điển hình là “The shape of water” hay “Roma”. Năm nay có lẽ cũng không là ngoại lệ khi chủ nhân giải Sư Tử Vàng là bộ phim “Joker” của đạo diễn Todd Phillips. “Joker” là câu chuyện tiểu sử về nhân vật gã hề điên loạn của thành phố Gotham, nhân vật đã trở thành kinh điển ngay từ khi y xuất hiện lần đầu trong tập truyện tranh “Batman” của DC Comics và sát hại nạn nhân bằng thứ nọc độc khiến gương mặt họ nở nụ cười quái đản.

Thành công của “Joker” giúp DC Comics lấy lại phong độ trên màn ảnh

Không riêng “Joker”, các tác phẩm tranh giải tại Venice 2019 cũng đánh dấu một năm điện ảnh khởi sắc sau năm 2018 tẻ nhạt, với sự trở lại của một loạt đạo diễn như Roman Polanski, Hirokazu Koreeda, Roy Andersson, Lâu Diệp, Steven Soderbergh. Với riêng James Gray, sau “The lost city of Z”, ông vẫn tiếp tục đề tài về những người đàn ông trong chuyến du hành của mình đến những miền đất thăm thẳm, nơi bản ngã đối diện với hư không, với “Ad Astra” – một tác phẩm dù không phải đỉnh cao trong thể loại của nó (làm sao có thể vượt qua những đỉnh núi như “Solaris” của Andrei Tarkovsky hay “2001: A space odyssey” của Stanley Kubrick), song vẫn là một tác phẩm tuyệt đẹp và buồn nao lòng về con người lửng lơ trong những tầng trời vũ trụ.

Brad Pitt có một năm 2019 đầy thành công sau giai đoạn chững lại trong sự nghiệp

Brad Pitt, người thủ vai chính trong “Ad Astra”, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, anh trình diện hai nhân vật hoàn toàn khác biệt: một Cliff Booth thật tự tại, thật ngầu trong “Once upon a time… in Hollywood” và giờ là phi hành gia Roy McBride với đôi mắt buồn quạnh quẽ. Với cả hai bộ phim, anh đều diễn không hề khoa trương, không hề cố định nhân vật bằng những “đòn” diễn uy lực, gây rúng động xúc cảm ngay tức khắc đối với người xem. Ngược lại, anh mở ra một chân trời cho nhân vật, diễn theo cách đầy sức gợi, cho người ta tiếp tục liên tưởng và nghĩ suy về vai diễn.

Nền điện ảnh Trung Quốc mùa thu này cũng thành công ngoài sức tưởng tượng với “Na Tra: Ma đồng giáng thế”, khi trở thành bộ phim hoạt hình không phải do Mỹ sản xuất có doanh thu cao nhất trên thế giới. Dù còn nhiều tranh cãi về chất lượng, không thể phủ nhận câu chuyện về cậu bé Na Tra huyền thoại đã đặt một dấu mốc cho sự phát triển thể loại phim hoạt hình Trung Quốc, chắc hẳn nó sẽ còn thăng hoa trong nhiều năm tới.

“Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi” có nước phim mơ màng, những khung hình Sài Gòn thi vị và những bản nhạc indie tĩnh lặng, man mác

Tất nhiên, không nhất thiết phải tạo nên những tác phẩm hoành tráng, cầu kỳ, những tác phẩm hướng tới giải thưởng danh giá mới là tham vọng. Có những tham vọng bé nhỏ hơn, chẳng hạn như những nhà làm phim độc lập Việt Nam lặng lẽ làm ra những tác phẩm bình dị, đơn thuần, mô tả thế giới như nó vẫn là, tỉ mỉ mà không hề sặc sỡ. “Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi” có nước phim mơ màng, những khung hình Sài Gòn thi vị và những bản nhạc indie tĩnh lặng, man mác. Những thước phim ấy không hề có tham vọng trở thành một cú hit, một tác phẩm đình đám, nó chỉ tồn tại trong dòng chảy của riêng mình. Và bất chấp những khó khăn của việc làm phim độc lập ở Việt Nam, các nhà làm phim trẻ vẫn miệt mài lao động, để khán giả không bao giờ quên rằng điện ảnh không phải lúc nào cũng là một đại tiệc hoành tráng và mãn nhãn, có khi nó chỉ là cuộc đời, yên lành và trong trẻo.

Âm nhạc mùa thu: Hoài niệm và ngọt ngào

Taylor Swift tái tạo chính mình bằng năng lượng tình yêu mới.

Mùa thu bắt đầu với sự ra đời của “Lover” về một Taylor Swift chan chứa yêu đương, đó như dấu hiệu tốt lành cho một mùa âm nhạc có sự trở lại của những ngôi sao ta yêu mến.

“Wake me up when September ends”, hãy đánh thức tôi khi tháng 9 tàn, đó là tên “thánh ca” mùa thu mà ban nhạc Green Day đã sáng tác. Thế mà khi tháng 9 còn chưa kịp qua đi, thì Green Day sau nhiều năm không phát hành sản phẩm mới đã bất ngờ trở lại với ca khúc “Father of all motherfuckers” với đầy đủ phẩm chất của những bản nhạc punk rock từng đưa họ tới đỉnh cao trong “American idiot” hay “Dookie”, và chưa hết, họ còn hứa hẹn về một album mới vào đầu năm 2020.

Green Day bất ngờ trở lại với ca khúc “Father of all motherfuckers”

Và cả nàng thơ một thời của nỗi sầu mùa hè, Lana Del Rey cũng xuất hiện trở lại vào mùa thu, với album “Norman fucking rockwell!” đan xen những bản tình ca thê thiết như cô vẫn thường vậy, những tuyên ngôn về chính trị không lên gân, không ồn ào nhưng đầy suy nghiệm, những giấc mơ chua chát của nước Mỹ hào hoa mà phản địa đàng. “Norman fucking rockwell!” thực sự là một sản phẩm đỉnh cao của Lana Del Rey, hay nói như nhà báo Jean Pelly trên Pitchfork (dù sự tâng bốc có thể hơi quá), nó “xác lập Del Rey như một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất còn đang sống của nước Mỹ”.

“Norman fucking rockwell!” thực sự là một sản phẩm đỉnh cao của Lana Del Rey.

Với người hâm mộ nhạc Việt, mùa thu cũng sẽ dịu dàng với phiên bản mới của “Tám chữ có”, ca khúc được Lê Cát Trọng Lý mang tới tận châu Phi để quay MV trên những đồng cỏ xavan hay dưới những cây bao báp khổng lồ, còn Hà Anh Tuấn sẽ mang những bản tình ca trong liveshow “Truyện ngắn” từ Hội An ra Sài Gòn và Hà Nội.

Hà Anh Tuấn miệt mài với những show diễn.

Truyền hình mùa thu: Vương vấn và tri ân

Không hẹn mà gặp, cả trên thế giới và ở Việt Nam, mùa thu năm nay đều nhuốm một màu vương vấn khi khán giả phải nói lời chia tay với những tác phẩm họ yêu mến.

Sau hơn 80 tập phim “Về nhà đi con”, khán giả màn ảnh nhỏ Việt Nam vẫn có thể gặp lại những câu chuyện gia đình với motif quen thuộc trong “Hoa hồng trên ngực trái”, từ cuộc sống cay đắng của những nhân vật nữ, sự nhu nhược của những nhân vật nam, chuyện tình tay ba lằng nhằng phức tạp kéo dài từ tập này sang tập khác. Có lẽ, người ta vẫn chưa sẵn sàng để quên “Về nhà đi con”, và việc VTV trình chiếu một bộ phim với nội dung mang nhiều điểm tương đồng giống như một cách níu kéo những cảm xúc còn sót lại từ bộ phim trước đó.

“Hoa hồng trên ngực trái” truyền đi thông điệp nữ quyền: phụ nữ hoàn toàn có thể đứng dậy sau đổ vỡ hôn nhân.

Truyền hình miền Nam cũng háo hức với “Tiếng sét trong mưa”, một dự án có kinh phí lên tới 10 tỷ đồng, quay trong 2 năm, dựng lại một vở cải lương kinh điển từng làm rúng động xã hội Trung Quốc những năm đầu thế kỷ 20 do kịch tác gia Tào Ngu sáng tác, vở “Lôi Vũ”. “Lôi Vũ” là một tấn kịch gia đình tréo ngoe, một tác phẩm dữ dội về báo ứng, nhân quả, tình yêu, tội ác. Ở đó, tất cả các nhân vật cuối cùng đều chỉ là tốt thí trên bàn cờ số phận. Một cốt truyện tầng tầng lớp lớp và đầy chất liệu để chuyển thể thành phim nhiều tập. Và với những chia sẻ về quá trình làm phim đầy kỳ công, “Tiếng sét trong mưa” có thể ít nhiều tạo nên một dấu mốc mới cho truyền hình miền Nam.

“Chernobyl” làm về thảm họa hạt nhân và cũng là thảm họa nhân tính của thế kỷ 20.

Trong khi ấy, ở Mỹ, giải thưởng Emmy danh giá cho lĩnh vực truyền hình vừa diễn ra trong những ngày cuối tháng 9, vinh danh những tác phẩm để lại quá nhiều dư âm cho khán giả. Đó là “Chernobyl” – bộ phim 5 tập về thảm họa hạt nhân nhưng cũng là thảm họa nhân tính kinh hoàng của thế kỷ 20, dằn vặt lương tâm con người về câu hỏi “cái gì là sự thật?”. Đó là phần khép lại loạt phim “Games of Thrones”, dù không xuất sắc như kỳ vọng nhưng xét cho cùng, sau chừng ấy mùa phim, sau chừng ấy những cảm xúc mà nó đã từng đem đến, khi nó đi tới dấu chấm sau cùng, nó cũng vẫn đáng được tri ân.

“Game of Thrones” được vinh danh lần cuối cùng tại Emmy.

Và đó là cái kết có hậu để mở đầu một mùa thu với những hành trình mới.


From the same category