Tháp Mjos nằm gần một hồ nhỏ, cách thủ đô Oslo 100km về phía Bắc, và được đặt theo tên hồ này.
Với chiều cao 85,4m, chia làm 18 tầng, đây sẽ là tòa tháp cao nhất thế giới hoàn toàn bằng gỗ, vượt cả chiều cao 49m của “đối thủ” Treet (một tòa nhà trên cây ở thành phố Bergen, miền Tây Na Uy, hiện đang giữ kỷ lục về công trình bằng gỗ cao nhất thế giới). Chiều cao này cũng khiến tháp Mjos nhỉnh hơn tháp HoHo (cao 84m) đang được xây dựng ở Vienna (Áo). Tuy nhiên, đây là công trình kết hợp gỗ với nhiều vật liệu khác.
Những người khởi xướng xây tòa tháp Mjos cho biết việc dùng chất liệu gỗ, loại vật liệu có thể tái chế, khiến tòa tháp này có thể hấp thụ khí CO2 trong môi trường, trong khi vật liệu chính được dùng trong xây dựng ở các thành phố là bêtông.
Doanh nhân Arthur Buchardt cho biết dự án trên lấy cảm hứng từ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Ông nói: “Xây dựng bằng gỗ sẽ giúp chúng ta hít thở trong một thế giới trong lành hơn.” Ngoài ra, các công nhân xây dựng cho biết công trình này có khả năng chống hỏa hoạn vì sử dụng gỗ phiến kết nối, vốn chỉ có thể bốc cháy khi tiếp xúc với ngọn lửa trong một thời gian dài liên tục.
Dự kiến tháp Mjos sẽ được khánh thành vào tháng 3/2019, và được dùng làm nhà ở, văn phòng, có một bể bơi trong nhà, một khách sạn, một nhà hàng và nhiều khu vực sinh hoạt chung.
Một loạt dự án bằng gỗ đầy tham vọng khác đã được đề xuất, trong đó có tháp Baobab ở thủ đô Paris của Pháp (cao 120m), tuy nhiên các chính quyền thành phố đã yêu cầu hạ thấp độ cao. Dự án tháp Abebe Court ở Lagos (87m) cũng đang chờ thi công.