“Tòa nhà Kim Tiêu”: từ một dự án nhỏ trở thành ngôi sao sáng vực dậy tên tuổi TVB

Từ một dự án nhỏ được xếp khung giờ phát sóng bình thường, “Tòa nhà Kim Tiêu” (Barrack O’Karma) không chỉ được đưa vào giờ vàng của đài TVB chỉ sau ngày lên sóng đầu tiên, mà còn được dự đoán sẽ là Best Drama 2019 của TVB chỉ sau 1 tuần phát sóng. Với rating lý tưởng đạt 27.8 điểm, phim của đôi trai tài gái sắc Trần Sơn Thông và Lý Thi Hoa đã trở thành cứu cánh, vực dậy tên tuổi cho TVB trong năm 2019. Sau tất cả, điều gì đã làm nên thành công ấn tượng này?

Tình duyên 2 kiếp được kể bằng 10 câu chuyện tâm linh kỳ bí

Là phim tâm linh kỳ bí kể về 10 sự kiện ly kỳ xảy ra trong cùng một tòa nhà, “Tòa nhà Kim Tiêu” đem đến cho khán giả một cái nhìn mới mẻ về những hiện tượng siêu nhiên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, tòa nhà này cũng là nơi khơi lại tình yêu dang dở ở kiếp trước của nhân vật Tiêu Vĩ Minh (hiện tại) – Húc Huy (quá khứ) do Trần Sơn Thông đóng và nhân vật Alex (hiện tại) – Coco (quá khứ) do Lý Thi Hoa thủ diễn. Nếu Tiêu Vĩ Minh – bảo vệ của tòa nhà Kim Tiêu thời điểm hiện tại thường mơ về quá khứ, thì Coco – nàng vũ nữ nổi tiếng ở vũ trường Kim Tiêu của những năm 1960 – lại mơ thấy tương lai. Cả hai “không hẹn mà gặp” cùng yêu người giống trong mơ của mình, để rồi từ đây cùng nhau khám phá những bí mật kỳ quái ẩn giấu trong tòa nhà và nối lại tình duyên hai kiếp.

Mối tình của đôi tình nhân này định sẵn là ràng buộc lẫn nhau bởi giấc mơ của cả hai về đối phương.

Nhiều khán giả cho rằng từ sau “Câu chuyện huyền ảo” (2005) thì TVB mới lại sản xuất được một bộ phim ghê rợn và thu hút sự bàn tàn sôi nổi của đông đảo người xem đến như vậy.

Gặt hái thành công nhờ hội đủ thiên thời – địa lợi – nhân hòa

Đây ắt hẳn là lời kết đúng nhất khi nói về sức công phá của “Tòa nhà Kim Tiêu”. Lẽ ra phim khánh đài (phim ra mắt ở thời điểm cuối năm hướng đến lễ kỷ niệm thành lập và giải thưởng thường niên của hãng truyền hình Hồng Kông, và luôn là các chế tác lớn, quy tụ dàn sao đình đám) được lên lịch năm nay là “Bằng chứng thép 4” – một trong những series hình cảnh làm nên tên tuổi của TVB – nhưng vì bê bối tình cảm của Huỳnh Tâm Dĩnh, phim không chỉ bị lùi lịch phát sóng sang năm sau mà còn phải quay lại rất nhiều cảnh. Chưa dừng lại ở đó, góp phần đẩy sự kỳ vọng của khán giả lên đỉnh điểm chính là sự tiếc nuối đến từ bộ phim “12 truyền thuyết”.

Những năm gần đây, sức ảnh hưởng của phim truyền hình Hong Kong TVB không còn tốt như trước đây, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những tác phẩm hay vượt trội mỗi năm.

“12 truyền thuyết” xoay quanh hành trình vén màn bí ẩn 12 vụ án kinh hoàng được che đậy tinh vi dưới lớp vỏ bọc tập tục dân gian của Giáo sư Dân tộc học Phan Đóa Lạp (Lâm Hạ Vy) và phóng viên Phó Tử Bác (Tiêu Chính Nam). Tuy nhiên vì diễn biến các vụ án khá nhanh, yếu tố tình cảm khai thác ít và nữ chính được “o bế” quá nhiều nên không tạo được “cơn sốt” như mong đợi. Sự hụt hẫng và tiếc nuối ấy của khán giả khiến kỳ vọng đặt vào dự án “Tòa nhà Kim Tiêu” vô cùng lớn. Cùng với nội dung chắc tay, kịch bản độc đáo và diễn xuất thuyết phục của nam – nữ chính, “Tòa nhà Kim Tiêu” may mắn không làm người xem thất vọng.

Bối cảnh được sáng tạo từ tòa nhà nức tiếng một thời 

“Tòa nhà Kim Tiêu” ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực từ khán giả không chỉ vì khai thác đề tài độc lạ, mà còn sáng tạo dựa trên bối cảnh có thật của một tòa nhà thương mại nổi tiếng của Hồng Kông ngày xưa – Champagne Court (香槟大厦). Được xây dựng từ năm 1954 và hoàn thành vào năm 1957, Champagne Court trở thành tòa nhà cao nhất (8 tầng) và sầm uất nhất tại Cửu Long – nơi mà người dân có thể mua sắm bất kỳ món đồ gì lúc bấy giờ.

Bạn có thể thăm Champagne Court ở số 16-20 đường Kim Ba Lợi (Kimberley Road – Tsim Sha Tsui, Kowloon).

Nhưng đến những năm 1980, với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Hồng Kông cũng như ngành nghề bất động sản, tòa nhà này bắt đầu bị trôi vào quên lãng và dần xuất hiện nhiều câu chuyện không mấy hay ho. Theo lời kể của cư dân, kể từ năm 1990 trở đi, Champagne Court có rất nhiều động mại dâm được vận hành tại đây và nhiều căn nhà là nơi ở của xã hội đen thời bấy giờ. Hầu hết các cảnh quay đều được diễn ra ở tòa nhà này và được quay chủ yếu vào buổi đêm, nên không khí trong phim càng thêm ma mị và đáng sợ.

Diễn xuất thăng hoa của Lý Thi Hoa và Trần Sơn Thông

“Tòa nhà Kim Tiêu” thành công đến mức Lý Thi Hoa và Trần Sơn Thông được đồn đoán khả năng cao sẽ đoạt giải Thị Đế và Thị Hậu năm nay. Sau 10 năm gắn bó với TVB, vai diễn này của Lý Thi Hoa được người hâm mộ cho là để lại dấu ấn sâu đậm nhất. Tuy nhiên, nữ diễn viên sinh năm 1981 hiện đã kết thúc hợp đồng với TVB với bộ phim cuối cùng là “Bằng chứng thép 4”. Cô đã ký hợp đồng với một công ty quản lý tại Hoa Kỳ và dự định tiến vào Hollywood.

Nói về phần 2 của phim, cả hai diễn viên chính vô cùng sẵn lòng tham gia, việc quan trọng là thu xếp lịch làm việc.

Về phía Trần Sơn Thông, đây chắc chắn là một cột mốc đáng nhớ của anh khi lần đầu trở thành nam chính. Sau nhiều năm lận đận với những vai diễn nhỏ tại TVB, cuối cùng nam diễn viên cũng thu được quả ngọt. Có thể nói, “Tòa nhà Kim Tiêu” vừa là cột mốc quan trọng đánh dấu sự thăng hoa trong diễn xuất của Lý Thi Hoa và Trần Sơn Thông, vừa biến họ trở thành một trong những đôi tình nhân đẹp nhất màn ảnh Hồng Kông.

Mỗi câu chuyện là một bài học cuộc sống đáng suy ngẫm

Cái hay của phim là các nhân vật trong mỗi câu chuyện kỳ lạ, đều liên kết với nhau trong cùng một không gian – tòa nhà Kim Tiêu. Nhưng quan trọng hơn hết, mỗi sự kiện xảy ra đều mang đến cho người xem một bài học cuộc sống đáng suy ngẫm. Ví như câu chuyện quạ đen bắt cóc trẻ nhỏ, phim muốn nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ không nên áp đặt nhiều kỳ vọng của mình vào con cái. Trẻ con nên được tự do phát triển bản thân, thoải mái học tập, vui chơi, thay vì mang quá nhiều áp lực. Hay như câu chuyện về chiếc gương thần cũng là lời nhắc nhở phái đẹp rằng sự quan tâm thái quá vào vẻ ngoài sẽ gây nên nỗi ám ảnh và áp lực tinh thần về lâu dài. Và nhiều triết lý nhân sinh giản dị như thế đã được “Tòa nhà Kim Tiêu” lan tỏa trong suốt 20 tập phim, để lại dư âm mạnh mẽ trong lòng người xem.

Nhiều khán giả thậm chí đã nói rằng họ vô cùng hối hận khi xem “Tòa nhà Kim Tiêu’ vào ban đêm vì nó quá đáng sợ và rùng rợn.

Nhạc phim và tạo hình nhân vật làm say lòng người hâm mộ

Sẽ là vô cùng thiếu sót nếu không nói đến tạo hình của nhân vật Coco (Lý Thi Hoa) trong phim. Là một vũ nữ nức tiếng, cô thể hiện sức hút của mình khi luôn diện trang phục sườn xám với mái tóc búi cao, ánh mắt biết nói và làn môi đỏ yêu kiều. Đôi khi chỉ bằng một ánh nhìn hững hờ, người đẹp 38 tuổi cũng đã khiến người xem “say lòng”, ngày đêm đứng ngồi không yên.

Lý Thi Hoa ghi điểm với sức hút không thể cưỡng lại ở tuổi 38.

Cuối cùng, trái tim người xem hẳn đã bị cuốn đi khi giai điệu đầu tiên của ca khúc chủ đề “Đêm nay trân trọng biết bao” vang lên. Bằng giọng ca da diết và tình cảm của mình, Đàm Gia Nghi đã khắc họa nên mối tình bi thương hai kiếp của hai nhân vật chính. Đây là lý do vì sao dẫu phim đã khép lại nhưng người xem vẫn cảm thấy trong lòng quyến luyến không thôi.


From the same category