Tổ ấm cần lắm sự khoan dung

Trong quyển sách “9 dạng người bạn cần phải khoan dung trong cuộc đời“, tác giả Trung Quốc Hồng Hoa đã nhấn mạnh – bạn đời – là một trong 9 dạng người bạn cần phải khoan dung. Bởi khoan dung là “cách cư xử tốt đẹp nhất trong hôn nhân. Yêu là một nghệ thuật, sự khoan dung chính là tinh túy của nghệ thuật đó”. Nhưng thực tế, chúng ta dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của người khác dù họ làm ta buồn, ta thất vọng, nhưng thường khó lòng bỏ qua những lỗi lầm mà bạn đời của mình gây ra. Khoan dung với bạn đời, vì vậy cũng là một kỹ năng.

Lắng nghe và kiên nhẫn

Để có được sự khoan dung trong cuộc sống gia đình, trước hết chúng ta cần phải học cách lắng nghe. Nếu ngay khi người bạn đời mắc sai lầm, bạn lập tức nổi giận, dùng những lời không hay để trách cứ, nhiếc móc thì quả là thất bại. Hãy tôn trọng để cho người ấy cơ hội trình bày và hãy tỉnh táo để lắng nghe. Càng không nên kết tội một cách vội vã. “Anh/em lại sai rồi”, “Chắc chắn đây là lỗi của anh/em” là những câu nói làm bạn đời mất tinh thần nhất. Họ sẽ thấy mình là người kém cỏi, một kẻ không ra gì và luôn luôn làm người khác thất vọng. Hoặc sẽ ngay lập tức “xù lông nhím” để bảo vệ cái tôi của mình. Bạn đời – người bạn đã hết lòng yêu thương, đã tìm hiểu, đã cùng nhau vượt qua bao sóng gió để thành vợ thành chồng, vì thế xứng đáng để được lắng nghe, được cho một cơ hội.

Sai lầm là của chung

Hôn nhân là cam kết cùng chia ngọt sẻ bùi, vậy thì sai lầm của đối phương, tại sao ta lại có thể dửng dưng hay tự đóng vai người trừng phạt?

Ví dụ, một người chồng trót mang tiền công ty đi đầu tư cá nhân, bị phát hiện và buộc cho thôi việc. Người vợ ngay lập tức kết án anh ta tham lam, không màng hậu quả, làm hại gia đình. Nhưng nếu cô vợ không ngày đêm ca thán chuyện tiền bạc với chồng, so sánh gia cảnh nhà mình với người khác thì chưa chắc người chồng rối trí mà làm sai. Vợ chồng luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, đôi khi hành động của người này có sự tác động không nhỏ từ người kia. Vì vậy, trong mọi sai lầm của bạn đời bạn hãy cố gắng xem xét vai trò, tác động của mình trong đó. Bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn, thông cảm hơn để dễ dàng khoan dung cho sai lầm của bạn đời.

Đôi khi, khoan dung cũng chính là im lặng

Bạn không cần nói thẳng ra những sai lầm của bạn đời rồi nói sẽ tha thứ cho họ. Điều này chẳng làm bạn trở nên khoan dung, thánh thiện, chỉ khiến bạn thành người kẻ cả, bề trên. Quan hệ vợ chồng không có chỗ cho việc hơn thua, ai đúng ai sai, ai là người ban phát – ai là kẻ chịu ơn. Hãy coi khuyết điểm của bạn đời là bí mật của riêng mình. Có những khuyết điểm không thể thay đổi, bí mật chẳng thể “bật mí”, chỉ là nhẹ nhàng chấp nhận “đó là cuộc sống” rồi bước tiếp cùng nhau. Và hãy nhớ, bạn không phải là người hoàn hảo, cũng có những khiếm khuyết và không thiếu những bí mật. Biết đâu, chính bạn đời cũng đang âm thầm tha thứ cho ta.

Khoan dung vốn chẳng dễ dàng, nhưng để duy trì tổ ấm – duy trì mối quan hệ quan trọng nhất mực của đời mình, bạn sẽ làm được.


Xem thêmVị tha ơi là vị tha 

Đừng ham hố làm chi cái thành tựu vị tha, nếu nó góp phần biến đàn ông thành những gã trai vô trách nhiệm, ích kỷ, ngạo mạn, vô dụng và vô tâm, còn đàn bà trở thành những kẻ ăn xin tình thương và cảm giác an toàn, giữa chợ. 



From the same category