Yêu cầu số một là: không được lặp lại điều đã nói, hành động đã làm. Yêu cầu số một là: không được để bị trách cứ là nhàm chán. Giả sử bạn cần chung thủy với người nào đó trong khoảng thời gian hữu hạn là một năm đi, thì số lượng hay ho cũng đã đáng kể lắm rồi. Một năm không được lặp lại – bạn có thấy nhà hàng nào mỗi ngày thay một thực đơn không?
Những người chung thủy, bởi vậy, là những kẻ thông minh tuyệt đỉnh. Chiều ngược lại vẫn đúng: phải thông minh và tự tin vào sự thông minh của mình lắm thì mới chung thủy được.
Nhà văn Pháp Frédéric Beigbeder chê những gã Don Juan là kẻ lười biếng, ăn sẵn: khi thay đổi người tình, chỉ việc nhắc lại những câu đã nói với người trước, làm những hành động đã làm với người trước. Don Juan, theo lập luận trên, giống như quán phở đầu ngõ, ngày nào cũng chỉ một món phở và luôn luôn dở.
Tôi không phải là người chung tình cho lắm, thường thì tôi đổ lỗi cho cái tật dễ chán của mình. Nhưng mà không phải đâu: tôi nhàm chán mới là chính xác. Trí tưởng tượng nghèo nàn, khả năng hư cấu hạn chế, đầu óc cạn cợt – tôi làm người ta chán trước, sau đó mình tự chán mình.
Ước gì tôi thông minh hơn.
Phải chung thủy thì mới có được một tình yêu đáng gọi là huyền thoại. Liz Taylor ly dị rồi cưới lại Richard Burton đến ba lần, ừ thôi thì cũng cần có lúc giải lao để tái tạo sức tưởng tượng. Các Don Juan (thì tôi đã nói rồi) vì lười biếng, quen ăn sẵn, rỗng tuếch, làm sao mà tạo ra huyền thoại. Tình yêu huyền thoại giống như một sản phẩm của riêng những người thông minh: họ giữ nhau bằng sự tài tình tươi mới mỗi ngày, rồi họ cùng dựng lên một thứ ta gọi là huyền thoại, lấp lánh sáng ngời. Tôi tủi thân quá, tình yêu lâu bền hóa ra đâu có phải nhờ trái tim, mà nhờ chất xám.
Ước gì tôi thông minh hơn.
Nhưng một tình yêu huyền thoại có khi chưa chắc là tình yêu hạnh phúc. Sự can thiệp chặt chẽ của lý trí (ngăn ngừa sự nhàm chán, sự bội phản, chủ động tạo ra những cái mới lạ lý thú) ắt sẽ làm giảm đi việc tận hưởng. Vậy là tình yêu huyền thoại cũng… mệt. Ta nghĩ vậy để đỡ tủi thân.
Yêu và làm mới tình yêu (rồi nhất thiết là phải làm mới theo một quy định cho trước, không được tùy hứng) để có được tình yêu huyền thoại mới khó làm sao. Đây là cái giá phải trả: đã có tình yêu huyền thoại rồi, hình ảnh đó đã được PR quảng cáo rồi, đã định vị trong mắt mọi người rồi, thì có thay đổi thêm thắt cũng không còn được nữa. Sửa đi, là mất huyền thoại – ta hay dùng cụm từ “hơi bị thất vọng” như một ngôi sao ca nhạc làm trò lố lăng. Không được sửa! Là huyền thoại rồi, được cấp bằng rồi, là cứ giữ nguyên thế đến chết.
Vậy tôi chẳng ước mình thông minh hơn làm gì.
Nhưng đây không phải là một bài cổ động cho việc phản bội, thiếu chung thủy.
Một cách nào đấy, chúng ta khi đã yêu đều có xu hướng giữ gìn và mong mỏi sự lâu bền. Một Don Juan bẩm sinh hay một người đạo hạnh từ bản chất, cả hai đều thấy sự vững bền là cần thiết. Không phải ai cũng muốn, cũng cần dệt nên những huyền thoại đời mình, cũng cắn răng phấn đấu để cố sống cố chết phải có một “tình yêu lớn”, tình yêu vĩ đại, vĩnh cửu. Nhưng trừ những kẻ quá tự tin vào bản lĩnh sống cô độc hoặc quá háo thắng, còn thì hầu hết đều hy vọng người yêu chung thủy với mình và mình cũng thế. Bi kịch là khi ta mắc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan, mệt nhoài trong việc làm mới mối tình (chứ không phải làm mối tình mới) đồng thời run lên lo sợ không khí tình ái ngày một nhàm chán. Làm sao giải quyết nan đề đó?
Không thể mới được nếu chỉ cố làm mới. Không thể hết sợ hãi nếu chỉ biết sợ hãi. Về bản chất, tình yêu lớn, hay tình yêu huyền thoại, là một thứ trời sinh – hai cá thể gắn kết tự nhiên, đan đời sống vào nhau hài hòa, không phải cố gắng miễn cưỡng. Không phải cái cây nào cũng cho trầm, con trai nào cũng có ngọc. Cả thế kỷ may lắm mới được một vài tình yêu huyền thoại. Cả triệu người may lắm được một đôi mà tình yêu của họ làm thay đổi nhận thức, quan niệm yêu đương. Ở trên kia, tôi nói đùa đấy: tình yêu huyền thoại không tạo ra được, không hề là một sản vật do hai người thông minh nghĩ ra rồi đem tiếp thị. Không phải cố là được. Tình yêu huyền thoại, như mọi huyền thoại trong lịch sử, là cây quý của đời, ở ngoài chúng ta, ở trên chúng ta.
Nó có ở đó, hiếm thôi, để ta còn tin vào sự màu nhiệm.
Bài: Quốc Bảo
Chuyên đề “Tình nhạt” sẽ giúp độc giả nhìn nhận về những quan niệm tình yêu đa chiều hết sức thú vị.