Tinh túy hoa cỏ - Tạp chí Đẹp

Tinh túy hoa cỏ

Làm Đẹp
Họ nhà tinh dầu có cả “một bồ huy chương” đắc dụng gắn trên ngực, nhưng nếu cần trích chiết ít thành tích có duyên với lãnh địa nhan sắc của phái đẹp thì có thể kể đến công năng giúp chị em mịn da, dày tóc, thư giãn tinh thần (cũng là một cách làm đẹp) và cả giảm cân nữa.

Tinh dầu có từ bao giờ?

Theo bản dịch chữ tượng hình của người Ai Cập cổ và bản viết tay của người Trung Hoa, thầy tế và thầy lang thời đó đã từng dùng chiết xuất dầu từ thảo mộc để chữa bệnh, điều đó có nghĩa là tinh dầu được biết đến như một loại thuốc trị bệnh sớm nhất.

Các vị Pharaoh của thời Ai Cập cổ đại thường đổi Blue Lotus Oil với các vị vua của Ấn Độ để lấy nô lệ, vàng và các hàng hóa giá trị khác. Các loại hương liệu được người Ai Cập sử dụng để chăm sóc cơ thể cũng như phục vụ cho các nghi lễ thờ cúng trong đền thờ và kim tự tháp. Ngoài ra, theo những nghiên cứu lịch sử sớm nhất, người Ai Cập còn dùng dẫn xuất balsamic với hiệu quả hương liệu trong y học.

Năm 1817, một cuốn sách giấy cói dài 870 feet được phát hiện. Cuốn sách có niên đại từ 1.500 năm trước công nguyên này đề cập đến hơn 800 đơn thuốc và công thức thảo mộc. Theo nghiên cứu, với những liệu pháp y học này, người Ai Cập cổ đại đã đạt được tỷ lệ thành công khá cao trong việc điều trị hơn 81 căn bệnh khác nhau.

Không chỉ có người Ai Cập, người Roman cũng rất ưa thích sử dụng tinh dầu. Họ thường dùng tinh dầu để xông hơi và đốt thơm trong những ngôi đền và tòa nhà công cộng, pha với nước tắm và massage cơ thể.

Ngoài ra, với những nghiên cứu hóa học về hiệu quả của thảo mộc, người Ả Rập cũng đã chiết xuất ra tinh dầu hoa hồng và nước hoa hồng, một loại hương liệu rất phổ biến tại Trung Đông thời điểm đó. Còn tại Hy Lạp, Hippocrates, cha đẻ ngành y khoa, cũng từng dùng tinh dầu thảo mộc để hun thơm toàn bộ thành phố nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lan tràn. Như vậy, có thể nói, tinh dầu đã có lịch sử từ rất lâu đời và phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.

“Gia phả” tinh dầu và hiệu quả tuyệt vời của nó

Làm đẹp lòng chị em không phải là tài năng duy nhất của tinh dầu. Có thể nói, nam phụ lão ấu đều có phần trong bảng vàng thành tích của những tinh túy hoa cỏ này. Nói về công năng của tinh dầu trong y học thì không ai không biết đến chai dầu gió xanh – một thành viên ưu tú của họ nhà tinh dầu – được nhiều người tin dùng trong việc phòng và chữa một số tật bệnh thông thường, đặc biệt là cảm mạo, dị ứng, đau đầu, tai mũi họng, nhức khớp, ê xương, giải độc gan, thận, chống mất ngủ…

Bên cạnh đó, với tính năng khử mùi, khử trùng, tạo bầu không khí trong lành, tinh dầu cũng dễ dàng trở thành một thành viên không thể thiếu của nhiều gia đình.

Sẽ rất khó nếu muốn liệt kê đầy đủ thành phần hóa học có trong đại gia đình tinh dầu, nhưng ở đây, chúng ta có thể điểm danh một số thành phần cơ bản làm nên tên tuổi họ tinh dầu như: các acid hữu cơ phân tử thấp (acid acetic, acid valerianic, acid isovalerianic…), nhóm rượu, aldehid, nhóm nhân thơm (pheniletilnol, benzaldehid, vanilin…), lipid (trung tính, glycolipid, phospholipid), một số kháng sinh, kháng viêm tự nhiên…

Thế giới thảo mộc mênh mông nên “gia phả” nhà tinh dầu cũng vô cùng phong phú. Hàng ngày, hàng giờ người ta lại tìm thấy những tên tuổi, công năng mới bổ sung vào hàng ngũ tinh dầu đông đúc này. Với tính năng làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, nhu cầu về tinh dầu cũng ngày càng gia tăng. Ngày nay, nhắm mắt lại, cũng dễ dàng tìm thấy một loại tinh dầu nào đó trong những chai mỹ phẩm trên thị trường.

“Ngõ” vào cơ thể của tinh dầu

Hô hấp: Các phân tử tinh dầu qua niêm mạc mũi tìm đến não bộ và hệ thần kinh. Hướng đi này chủ yếu được thực hiện qua hình thức xông hơi để tinh dầu có thể khuếch tán trong không khí. Ngoài ra, bạn cũng có thể thoa tinh dầu trực tiếp lên da, đặc biệt ở những vị trí “huyết mạch” như cổ, thái dương, sau tai để sở hữu cho mình một mùi hương quyến rũ.

Qua da: Làn da là “bàn đạp” khác cho các phân tử tinh dầu xâm nhập qua lỗ chân lông, mao mạch. Thích hợp với “ngõ” vào này là hình thức massage hoặc xông hơi.

Tắm: Một hình thức khác giúp hấp thụ tinh dầu qua da lẫn đường hô hấp là nhỏ vài giọt tinh dầu vào nước tắm hoặc bồn tắm ấm nóng giúp các giác quan và cơ thể được thư giãn.

Miệng: Nghe có vẻ lạ nhưng một số tinh dầu lại có thể được hấp thụ chính bằng cách ăn hoặc uống nhữngviên nang, viên đường, muỗng (mật ong) có chứa một vài giọt tinh dầu.

Vì sao tinh dầu đắt tiền?

Nguyên nhân bởi việc điều chế tinh dầu đòi hỏi nhiều kỳ công và với khối lượng nguyên liệu lớn mới có thể cho ra vài cc tinh chất. Ví dụ:

– 100kg cây bách mới sản xuất được 3kg tinh dầu.

– 100kg hoa violet chỉ chiết xuất được 30g tinh dầu.

– 5 tấn cánh hoa chỉ để sản xuất 1 lít tinh dầu hoa hồng mà thôi.

Cất trữ tinh dầu ra sao?

Tinh dầu nguyên chất được cất trong lọ hổ phách hoặc thủy tinh đen để bảo vệ chúng khỏi ánh sáng, tránh nơi có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp và tránh tiếp xúc trực tiếp với không khí (không mở nắp lọ tinh dầu trong thời gian dài).

Nếu được cất trữ trong điều kiện tốt, tinh dầu có thể giữ được hương thơm và chất lượng trong nhiều năm.

Sự khác nhau giữa nước hoa và hương liệu?

Đều sử dụng tinh dầu, nhưng hương liệu và nước hoa lại có những công năng chính khác nhau. Nếu như nước hoa chỉ đem lại mùi hương quyến rũ cho người sử dụng, thì hương liệu còn được biết đến với cả mục đích chăm sóc sức khỏe. Khi ngửi mùi hương liệu, cơ thể chúng ta sẽ phản ứng lại, tìm lại sự cân bằng và hồi phục sức khỏe sau những mỏi mệt. Tuy nhiên, sẽ là phản tác dụng nếu mùi hương đó không phù hợp với bạn.

Trong gia đình tinh dầu, có
thể có những cái tên mà người ta chưa từng nghe thấy bởi tính phổ dụng
hẹp của chúng, nhưng không khó kể ra một số tên tuổi “vua biết mặt chúa
biết tên” bởi bề dày thành tích của chúng trong rất nhiều lĩnh vực từ
hương liệu, làm đẹp, dược phẩm đến thực phẩm như:

Chamomile (Cúc): Chống viêm nhiễm và an thần.

Eucalyptus (Khuynh diệp): Tốt cho hô hấp, chống cảm cúm, chống nhiễm trùng.

Frankincense (Trầm): Tốt cho trí não.

Lavender (Oải hương): Giúp an thần, chữa bỏng.

Lemon (Chanh): Khử trùng, giảm tăng huyết áp và tốt cho da.

Peppermint (Bạc hà): Giúp tiêu hóa tốt, chống cảm cúm.

Pine (Thông): Khử trùng, rất hiệu quả trong điều trị các vấn đề về hô hấp.

Rose (Hoa hồng): Kích thích khả năng “yêu” và tăng cường độ mềm mại của da, là loại tinh dầu đắt tiền nhất.


Thực hiện: Lê Hạnh
Ảnh: Hùng Sơn

Thực hiện: depweb

11/11/2010, 10:15