“Tình trường” như chiến trường!

Chết rồi, dậu đổ bìm leo, nào biết thủ phạm hay nạn nhân? Bên bảo “nghi can duy nhất” là gái ngoan, hiền lành, kín đáo, làm ăn nghiêm chỉnh, không đủ “trình” gây nổ. Bên bảo dễ ợt, một khi mù quáng muốn là làm được…

Minh họa: Hồng Trang

Ngẫm nghĩ gì? Chia tay sao không dứt luôn, tránh hậu hoạ. Chia thì chia phứt, khỏi lằng nhằng. Nghe “dã man”, nhưng đời vẫn thế, mắc mớ chi dan díu. Khi tình nghĩa đôi lứa một khi “chỉ thế thôi”, níu kéo làm chi thêm phiền, cứ vui vẻ chấp nhận “thôi thì thế”.

Vụ biến cô gái thành “bó đuốc sống” ở Đà Nẵng thiệt kinh dị. Khùng yêu không được đáp, gã si tình biến thành quỷ. Tại sao gã không tự biết là ai, đang ở vị trí nào… Tuổi ấy, còn học, đã đi làm, trong tổ chức xã hội nào… là chuyện hồi sau mới rõ.

Ngẫm nghĩ gì? Không yêu thì bảo không yêu, cứ lịch lãm cám ơn, xin lỗi… tránh chọc vào cái sĩ diện khùng. Nói thẳng thắn, rõ ràng, tránh “tưởng bở” hay “ngộ nhận” và tăng cường cảnh giác cho đến khi “máy bay địch đã bay xa”…

Tuổi “cập kê”, chưa quen trường tình, dễ “tròng trành như nón không quai”, thôi thì cứ tự “phòng thủ” là hơn. Chọn bạn mà chơi, không hạp, thấy có “hiện tượng” liệu dứt khoát sớm…

Chân yếu tay mềm, vướng tơ tình khóc không nổi, mếu không xong. Tại Hà Tĩnh, một chị bị vây, cắt tóc, cạo lông mày, đánh ngất xỉu… Tại Sài Gòn, một chị bị người yêu cũ chém trong quán cơm. Tại Bình Dương, một chị bị hai mẹ con lột đồ hành hung giữa đường vì can tội làm “tình địch”…

Tình trường như chiến trường, thời nào cũng có nhưng nay sao nhiều và khốc liệt? Một chuyên gia xã hội học lý giải: những hiện tượng này “phản ánh trạng thái căng thẳng xã hội”, áp lực cuộc sống quá mạnh, mất lòng tin vào chỗ dựa xã hội… Biện pháp được cho là tăng trừng phạt để răn đe và tạo niềm tin…

Chưa biết các phân tích và kiến nghị này có thuận, nhưng rõ là phái yếu cần kiến thức, ứng xử, khôn ngoan và chủ động hơn để lèo lái cuộc đời.

Thân gái tình trường, dù đượm những chuyện tình buồn, éo le cũng không thể bị nhuốm bạo lực. Yếu mềm, gái trai gì cũng người cả. Và vì vậy, bình đẳng trước xã hội và pháp luật là quyền và đòi hỏi tất yếu.

Trần Giang Phương



From the same category