"Tình trai" và sức ảnh hưởng của cộng đồng LGBTQ+ đến điện ảnh châu Á - Tạp chí Đẹp

“Tình trai” và sức ảnh hưởng của cộng đồng LGBTQ+ đến điện ảnh châu Á

Giải Trí

“Tình trai”, một cách gọi thuần việt theo nhà thơ Xuân Diệu, dùng để diễn tả mối quan hệ lãng mạn, tình cảm giữa hai chàng trai. Những năm gần đây, dòng phim tình trai ngày càng phát triển mạnh mẽ tại châu Á và nhận được sự yêu thích, ủng hộ từ đông đảo khán giả trên thế giới.

Bên cạnh đó, cách gọi phổ biến nhất để chỉ tình yêu đồng tính nam chính là boy’s love (BL) hoặc đam mỹ.

Trước khi ngành phim ảnh nở rộ, thể loại đam mỹ được truyền tải thông qua truyện tranh và hoạt hình tại Nhật Bản hồi những năm 1970. Bắt nguồn từ các nhân vật nam sở hữu ngoại hình lãng tử với mái tóc dài, truyện tranh “Shounen Ai” ra đời, đồng thời trở thành một phân nhánh của Shoujo – thể loại truyện tranh dành cho thiếu nữ. Dòng truyện tranh này được truyền miệng một cách nhanh chóng và nhận được sự ủng hộ đông đảo từ các độc giả nữ. Đến những năm 2000, khi công nghệ đã có những bước phát triển nhất định, mạng xã hội bắt đầu trở nên phổ biến, dòng phim này lan tỏa khắp các nước châu Á và thậm chí là một số nước phương Tây như Ý và Đức.

Châu Á – mảnh đất màu mỡ của dòng phim “tình trai”

Nếu nói đến cái nôi của dòng phim “tình trai”, ta không thể bỏ qua qua xứ Phù tang, một trong những đất nước mở đường cho thể loại này dưới hình thức truyện tranh và hoạt họa. Trong những năm gần đây, xứ sở hoa Anh Đào cũng đã có những bước phát triển trong phim ảnh, mức độ phổ biến của các tác phẩm tình trai tại nơi đây đã lan rộng sang các nước khác trong khu vực châu Á. Đặc điểm của dòng phim tình trai tại Nhật Bản đó chính là sự nhẹ nhàng trong những thước phim. Hầu hết, nội dung các tác phẩm đều thể hiện sự ngọt ngào và đôi khi cả tính huyền ảo, bởi phần lớn đều được chuyển thể từ truyện tranh và là trí tưởng tượng về một tình yêu lãng mạn, đơn thuần của tác giả.

Nhiều bộ truyện tranh nổi tiếng đã được chuyển thể thành phim hoặc hoạt hình, được đông đảo công chúng yêu thích và đón nhận.

Sau xứ Phù Tang là Trung Quốc, nơi nổi tiếng với tiểu thuyết đồng tính nam hay còn gọi là đam mỹ. Cũng giống như Nhật Bản, các tác phẩm tại đất nước tỷ dân mang trí tưởng tượng của các tác giả với nhiều thể loại khác nhau: từ tiên hiệp, cổ trang đến thanh xuân vườn trường hay hiện đại, đô thị. Trước đây dòng phim tình trai tại Trung Quốc rất phổ biến và nổi tiếng tại các nước châu Á nhờ vào sức hút của các tác phẩm đam mỹ gốc. Thế nhưng, những năm vừa qua, thể loại tình trai chỉ được thể hiện qua phim ảnh một cách ẩn dụ, bởi những điều luật khắc khe trong giai đoạn kiểm duyệt tại đây. Từ đó, trào lưu phim song nam chủ ra đời thay thế cho phim đam mỹ, có thể kể đến như: “Trần tình lệnh” (2019), “Sơn hà lệnh” (2021)…

Những tác phẩm thuộc trào lưu này vẫn dựa trên các tiểu thuyết đam mỹ nổi tiếng và xoay quanh hai nhân vật nam chính nhưng các phân cảnh lãng mạn đều được loại bỏ hoặc thể hiện một cách gián tiếp. Như vậy, dù là một trong những đất nước nổi tiếng với đam mỹ thế nhưng Trung Quốc dường như chưa thật sự cởi mở về mối quan hệ đồng tính.

Đối lập với đại lục, Đài Loan lại là nơisở hữu nền điện ảnh đa dạng khi mọi vấn đề, khía cạnh của cuộc sống đều được khai thác một cách triệt để. Nữ đạo diễn người Đài Loan – Tăng Văn Trân từng bình luận về nền nghệ thuật phim ảnh nơi đây, cô cho rằng: “Nơi đây là Đài Loan, có phim ảnh nào mà không thể quay?”. Chính vì thế, dòng phim tình trai tại hòn đảo xinh đẹp này phát triển vô cùng thịnh vượng trong những năm qua.

Sử dụng chất liệu cuộc sống đi cùng đề tài lịch sử, “Your Name Engraved Herein” (Cái tên khắc sâu trong tim người) trở thành một trong những bộ phim đam mỹ tiêu biểu vào năm 2020.

Nếu cả Nhật Bản và Trung Quốc đều là trí tưởng tượng của con người thì Đài Loan lại vay mượn chất liệu cuộc sống để tạo nên những tuyệt tác. Đa phần các bộ phim tình trai đều phản ánh hiện thực khắc nghiệt về vấn đề LGBTQ+ trong xã hội xưa và nay. Tùy thuộc vào nội dung từng tác phẩm và ý đồ của nhà sản xuất, sự phê bình này sẽ thực hiện dưới hình thức ẩn dụ hoặc trực tiếp. Thế nhưng, hiện thực không đồng nghĩa với sự khô khan và mất đi yếu tố lãng mạn, thơ mộng vốn có của điện ảnh. Hơn hết, các nhà làm phim Đài Loan thường xây dựng cảm xúc người xem dựa trên sự đồng cảm và thấu hiểu.

“Dear, Ex” (2018) và “Cái tên khắc sâu trong tim người” (2020) là hai bộ phim nổi tiếng khai thác những mặt tối của tình yêu đồng tính nam. Bên cạnh đó cũng có những tác phẩm tươi sáng hơn nhắm đến thị yếu của phái nữ như: series “HIStory”, “We Best Love”…

Sau cùng, nơi được cho là có nền văn minh cởi mở nhất về vấn đề LGBTQ+ chính là Thái Lan. Nền phim ảnh tình trai tại xứ sở Chùa Vàng nở rộ khá sớm vào những năm 2000. Sau hơn hai thập kỷ, Thái Lan vẫn giữ vững vị trí và bất ngờ đạt đỉnh cao mới, lan rộng khắp châu Á trong những năm gần đây. Khác với những nơi khác, khi đa phần phim tình trai chỉ được khai thác thành phim điện ảnh hoặc web-drama nhưng tại Thái Lan thể loại này được phát sóng rộng rãi trên các đài truyền hình. Bên cạnh đó, nội dung của các tác phẩm thường mang tính giải trí và những câu chuyện đồng tính nam lãng mạn với thể loại học đường. Điều này đã thu hút đông đảo đối tượng khán giả là các thiếu nữ.

Năm 2020, “2gether: The Series” (Vì chúng ta là một đôi) bất ngờ nở rộ đã giúp phim BL Thái nhận được nhiều sự chú ý hơn bao giờ hết.
Ai cũng đều có quyền yêu và xứng đáng được yêu

Ông hoàng của thơ tình – Xuân Diệu từng viết về cách nhìn nhận tình yêu của mình trong bài thơ “Tình trai” như sau: Kể chi chuyện trước với ngày sau/ Quên gió môi son với áo màu/ Thây kệ thiên đường và địa ngục!/ Không hề mặc cả, họ yêu nhau. Đơn giản, tình yêu chỉ là tình yêu không quan trọng bạn là ai, bạn có xu hướng tính dục như thế nào bởi tất cả mọi người có quyền trao đi tình yêu và xứng đáng được yêu. Trong hơn hai thập kỷ qua, con người vẫn luôn không ngừng cố gắng tranh đấu vì quyền lợi của cộng đồng LGBTQ+. Và đây là cuộc đấu tranh không hề đơn độc, có nhiều cá nhân dù không thuộc cộng đồng LGBTQ+ nhưng họ vẫn đứng lên để ủng hộ sự bình đẳng giữa người với người.

Không chỉ ưu tiên tính nghệ thuật, sự thơ mộng, lãng mạn trong từng thước phim và phim ảnh còn truyền tải những thông điệp ý nghĩa, cũng như phản ánh nhiều vấn đề tiêu cực trong cuộc sống.

Trong suốt quá trình đó, nghệ thuật đặc biệt là phim ảnh đã có những đóng góp to lớn và làm thay đổi nhận thức của con người về vấn đề này. Khi xưa, phần lớn mọi người đều xem tình yêu đồng giới là một vấn đề khác lạ và có phần đáng sợ. Ngày nay, thông qua phim ảnh, con người đã khắc họa nên một tình yêu đáng ngưỡng mộ, khi họ đã dũng cảm vượt qua những định kiến xã hội để đến với nhau. Nghệ thuật luôn gắn liền với thực tế và các tác phẩm phim cũng vậy, chính cách phản ánh hiện thực, vạch trần những góc khuất đã giúp con người cảm nhận mọi việc một cách đa chiều hơn, bằng sự thấu cảm và lòng trắc ẩn. Từ đây, nhận thức của mỗi người dần được thay đổi theo thời gian. Họ có cái nhìn tích cực hơn về các mối quan hệ đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBTQ+ nói chung.

Thông qua phim ảnh, mỗi người sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về tình yêu đồng giới, từ đó hình thành nên sự đồng cảm cũng như những ý nghĩ tích cực hơn về tình yêu.

Bên cạnh đó, phim ảnh cũng truyền tải những thông điệp tốt đẹp, là nguồn cảm hứng, động lực lớn lao cho những ai chưa đủ can đảm để có thể là chính mình. Đồng thời, đây cũng được xem là một công cụ mang sức mạnh thần kỳ trong công cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng giữa con người với nhau. Bởi không điều gì có thể thay đổi nhận thức của con người hiệu quả hơn là bước vào trái tim họ.

Tác giả: Mai Vy

23/06/2021, 19:10