“Tôi luôn hướng đến sự mềm mại ”
Anh có viết nhật ký không?
Không. Đúng hơn, chỉ một dạo, thời trung học. Chỉ bởi hồi đó, nó là phong trào. Giờ tôi vẫn còn giữ chúng, thi thoảng lôi ra đọc lại thấy cũng hay hay, khi được gặp lại mình thời vụng dại.
Tôi hỏi vậy, bởi khi nghe những ca khúc của anh, cảm giác của tôi là như đang đọc những trang nhật ký của một người trẻ. Nên tôi đã nghĩ, hẳn anh phải lưu giữ ký ức của mình kỹ lắm?
Thay vì những trang giấy, tôi chỉ lưu giữ chủ yếu bằng đầu, “om” nó trong suy nghĩ của mình, đợi khi nào có cảm hứng thì cho vào nhạc. Nếu có ghi ra, ở dạng tư liệu, thì bất quá cũng chỉ là những mẩu vụn vặt, về những trăn trở về cuộc sống hàng ngày của mình và những người xung quanh. Tất cả được lưu lại trong máy tính để khi cần có thể ngẫm nghĩ lại.
Nốt nhạc và giai điệu đến với anh có dễ dàng không?
Ngày xưa thì khá dễ, nhưng càng ngày càng khó hơn bởi bản thân tôi ngày càng đòi hỏi cao hơn nữa và phải tránh những gì mình đã làm. Với một người viết nhạc, tư duy bản năng khi sáng tác là đã thành hình một con đường mòn trong việc hình thành giai điệu, nội dung và bố cục nói chung. Khi tư duy mình đã lớn hơn, càng về sau càng phải nhận biết được lối mòn ấy thì càng cần phải có ý thức tránh nó. Hơn nữa, thời đại ngày càng đòi hỏi cao hơn. Bản thân mình và người nghe cũng có những hiểu biết âm nhạc rộng và sâu hơn nên càng phải chọn lọc nhiều hơn nữa. Tóm lại, việc viết càng ngày càng khó.
Nhiều khi tôi nghe các sáng tác của anh, Giáng Son hay một số nhạc sĩ trẻ cùng lứa sau này, đều có chung một cảm giác là những sự trúc trắc trong ca khúc là cố tình, hơn là sự mềm mại bay bổng cần thiết của một bản nhạc pop?
Thực ra, người sáng tác có những tham chiếu và đánh giá về mặt chuyên môn riêng, làm cho họ ít nhiều phải vận động suy nghĩ trước khi đặt bút để viết nhạc. Ngoài ra có những mục tiêu khác cũng khá quan trọng, như sự độc đáo và khác biệt. Điều ấy ít nhiều làm cho họ bị chi phối, và thể hiện trong tất cả giai điệu, hòa thanh, tiết tấu và khúc thức.
Và anh cũng không là ngoại lệ?
Tôi không nghĩ mình cố ý nhưng nó cũng là một phản xạ tự nhiện, dạy mình dần dần phải như thế. Tôi không rõ anh cảm nhận cụ thể về sự trúc trắc cố ý đó thế nào, nhưng cá nhân tôi, tôi thấy tác phẩm của mình ít bài trúc trắc. Tự tôi thấy chúng đều có giai điệu, lời ca và khúc thức khá mềm mại, bởi tôi luôn hướng đến sự mềm mại. Chỉ khi cảm nhận rõ là đã có được điều đó trong ca khúc mới của mình, tôi mới quyết định công bố nó. Tôi không muốn đánh đố người nghe và bạn làm nghề. Đối với tôi, tất cả những gì mình viết ra phải “thuận”, dễ nghe và không khó để cảm nhận. Còn đối với mọi người, cảm quan thì vô cùng lắm. Tôi vẫn lắng nghe, không phản biện và hy vọng qua thời gian sẽ có câu trả lời cận chân nhất.
Vậy anh có bao giờ cố làm khó mình, chẳng hạn đặt ra một chủ đề, một cái đích, hoặc một áp lực tự thân nào đó trong sáng tác?
Có, thỉnh thoảng, khi mình đang đắm đuối một lý tưởng, đề tài hoặc ngôn ngữ âm nhạc nào đó. Tuy nhiên, chỉ là lúc bắt đầu, còn để hình thành tác phẩm thì lại là cả một quá trình, có thể lâu hoặc nhanh, có thể êm xuôi nhưng cũng có thể gập ghềnh và mất thời gian. Hoặc mình có thể nhận ra một cái đích, nếu không cố gắng thì ít nhất là rất phí ý tưởng và nội dung mình đã nghiền ngẫm.
Còn lớn hơn nữa, nhưng không phải lúc nào mình cũng có thể đặt ra, đó là việc muốn làm ra những sản phẩm có tính sáng tạo vượt bậc, khác mình và người khác. Lý tưởng thì là thế, nhưng không phải lúc nào mình cũng có đủ thời gian, điều kiện kinh tế, nghị lực và cả tài năng để theo đuổi. Chẳng hạn những dự án như “Gió bình minh” tôi làm cùng anh Nhất Lý hoặc CD hòa tấu gần đây làm với nghệ sĩ đàn tranh Vân Ánh… Những sản phẩm tâm huyết như vậy thường phải mất vài năm mới có thể làm được.
“Thuộc tính của tôi có lẽ là cảm xúc”
Vậy sáng tác có phải là một công việc hoặc một nhu cầu hàng ngày của anh?
Thực tế, nó một nhu cầu, thói quen, hơn là công việc. Sáng tác ca khúc không phải là một công việc để người ta có thể sống tốt về vật chất. Làm vì thích, hoặc đó là nhu cầu được bày tỏ và thể hiện điều mình suy nghĩ.
Trong hoạt động âm nhạc, tôi làm khá nhiều việc, từ sáng tác đến chơi đàn, hòa âm biên tập, dàn dựng chương trình và cả giảng dạy nữa. Việc sáng tác làm cho tôi vui, vì tôi có thể nói ra được rất nhiều điều ẩn giấu mà đôi khi không cần phải thể hiện bằng lời.
Yếu tố nào anh tự cho là đặc trưng nhất, là chất Đỗ Bảo trong ca khúc của mình?
Bạn bè tôi nói rằng, ca khúc của tôi có hồn và tình cảm. Nó có thể hay hoặc dở, tôi không biết, nhưng chắc chắn nó không bao giờ lạnh lùng và nhạt nhẽo. Cá nhân tôi thì nghĩ thế này, khi tôi viết một tác phẩm đó là lúc tôi đã hoàn thành tất cả những cố gắng, nỗ lực và sự đầu tư tối đa trong thời điểm đó. Suy tư cũng là chín chắn nhất, ý tưởng cũng được vắt kiệt, còn cảm xúc thì đã được chắt lọc từ rất nhiều khoảnh khắc và sự việc trong đời sống của cả mình và những người khác mình đã quan sát.
Khi tôi đưa bài hát mới ra, tôi cũng đã tự lắng nghe và kiểm chứng đầy đủ, chắc chắn không cần phải nghĩ ngợi thêm gì nữa. Tôi có tâm thế của mình để hoàn thiện một tác phẩm. Còn điều gì có thể coi là một thuộc tính của Đỗ Bảo, có lẽ là cảm xúc. Ngay từ điểm khởi đầu là chọn đề tài và nội dung để viết, tôi đã cố gắng chọn cái gì người ta chưa nói, hoặc nếu đã có người nói đến rồi thì mình phải thể hiện một cách khác. Bởi thế, đề tài và cách thể hiện thông thường ít nhiều khác với tác phẩm của người khác.
Vậy anh còn tính theo đuổi hoặc tiếp tục tìm kiếm một ngôn ngữ âm nhạc nào đó khác nữa không?
Tôi không định tìm cái gì khác nữa cả. Tôi xác định mình là một người viết ca khúc, bên cạnh đó thì có thể viết thêm khí nhạc. Ở Việt Nam, có thể nói tôi là nhạc sĩ được đào tạo chính quy về sáng tác đàng hoàng. Đó là con đường mà tôi đã tạo lập, và nó hợp với tôi. Tương lai thì tôi chưa biết, nhưng giờ phút này tôi không thấy có vấn đề gì cả. Tôi cứ trung thành với con đường mình chọn. Mà, tôi cũng chả nghĩ là mình sẽ làm được gì khác nữa, nếu mình không thích thì không làm nổi việc gì đâu.
Ca khúc của anh, mới nghe tôi thấy nó đẹp và muốn hát, nhưng thực tế là khó hát quá. Dường như nó yêu cầu một giọng hát nhiều kỹ thuật?
Ít nhiều là thế, bởi cũng có nhiều ca sĩ than phiền là tôi viết khó. Đôi khi tôi cũng nhận ra là chúng khó thật, bởi vì khi viết tôi không nương vào bất kỳ một giọng ca nào mà viết cho thỏa cảm xúc của mình cái đã. Có thể với người hát này chưa thể hiện được, chưa hợp, chưa đúng với thế mạnh của họ thì vài năm sau lại có một người hát khác có thể thể hiện được thì sao.
Còn nếu cứ nương vào cách hát của một ai đó, nó sẽ là một sự hạn chế, nhất là cảm xúc của riêng mình. Thôi đành cứ phải chiều mình trước đã, rồi từ từ sẽ kiếm tìm được những giọng ca tri kỷ. Con đường âm nhạc dài lắm, mình cứ chờ đợi thoải mái, không phải lo lắng gì cả.
Nhưng tôi thấy, không chỉ trong âm nhạc mà trong cả nghệ thuật, kỹ thuật cao nhất là giấu đi được kỹ thuật. Khi sáng tác, anh có nghĩ đến điều đó?
Tôi cũng nghĩ đến sự đơn giản như thế. Thực tế thì cái khó trong bài hát thường là bị ẩn giấu và chỉ bộc lộ ra với người hát chúng, còn người nghe thì họ đơn giản hơn, chỉ có cảm nhận là hay và có cảm xúc hay không mà thôi. Người ta vẫn nói ca khúc của tôi giản dị, chân phương và đời thường.
Cái đích của tôi luôn là người nghe. Có thể khi họ muốn hát thì thấy nó khó, nhưng nếu để nghe thì chắc chắn là cảm nhận được sự giản dị. Có nhiều bài thực ra tôi viết cực kỳ đơn giản, với hai đoạn A – B thôi, như “Thời gian để yêu”, “Thế giới tuyệt vời”… Nhưng kể cả với những bài đơn giản hay những bài có chuyển điệu phức tạp thì cuối cùng tôi vẫn cố đưa ra những sự dẫn dụ đơn giản, giải thích cho người nghe qua từng câu hát, phát triển và dẫn dắt người ta nghe tiếp ở câu sau…
Son phấn của cuộc sống thì quá vô cùng
Tác phẩm của anh chẳng ồn ào thành những bài top hits, nhưng rõ ràng khi nhắc đến anh, người ta lại biết nhiều?
Chủ quan tôi luôn ý thức trong nghề nghiệp phải tạo dựng cho mình một phong cách, một ngôn ngữ và chất riêng. Cái chất đó có thể đã gần gũi được với mọi người. Âm nhạc nói riêng hay nghệ thuật nói chung, cuối cùng cũng là vì con người, người nghe phải thích.
Còn chuyên môn như những thứ son phấn của cuộc sống thì quá vô cùng. Ca khúc phải có vấn đề thì người nghe mới nhớ được. Tôi sợ viết những bài mà người ta nghe xong rồi quên ngay. Nó thực sự thảm thương cho mình. Âm nhạc trong cuộc sống này vốn đã nhận được một giá trị khá chừng mực và khiêm tốn rồi. Phải làm thế nào để nó đừng dưới mức khiêm tốn ấy, là sự ghẻ lạnh, người ta chê và quên nó.
Anh thích thú vì điều gì, người ta hát bài hát của anh ở mọi nơi kể cả đám cưới, hay người ta muốn được nghe nó vào một buổi tối buồn bã và cô đơn?
Tôi thích câu hỏi này. Khán giả của tôi, tôi muốn họ nghe lúc một mình tập trung trong không gian yên tĩnh và thả sức cảm nhận suy ngẫm. Đó là cái sướng nhất của người sáng tác, vì như vậy tức là người nghe dành trọn không gian cho mình rồi. Nhưng hát ở đám cưới, tôi cũng vẫn… sướng. Tôi tự hào vì “Bức thư tình đầu tiên” làm cho người ta vui và đám cưới nào cũng mở. Còn sợ nhất là khi người ta nghe xô bồ và không nhớ gì cả. Thế thì buồn và tác phẩm như vậy thì chán lắm…
Càng ngày, tôi càng nhủ mình viết ít đi, thật ít thôi nhưng khi đưa ra, nó phải có được đời sống riêng, có phân khúc khán giả trân trọng. Nếu họ không trân trọng thì ít ra có cảm thụ thông thường và trọn vẹn. Nghệ thuật phải là sự chia sẻ về cảm xúc và nâng đỡ tâm hồn, đó mới là mục đích của nghệ thuật. Còn nửa vời thì chán!
Khi anh làm thể nghiệm, như “Gió bình minh” và “Những ô màu khối lập phương”, chúng không ồn ào như khi anh làm nhạc pop đại chúng dạng “Cánh cung”. Anh thấy con đường nào dễ dàng hơn?
Làm ca khúc tôi thấy nó “thuận” hơn, thuận về mặt cảm tính và tâm hồn. Còn về mặt lý trí thì không chủ ý muốn làm thế. Thực tế, có thể trong sâu thẳm con người tôi có một tham vọng hoặc ước muốn được thể hiện. Tôi là người sáng tác thì không chỉ viết ca khúc, mà phải có tác phẩm khí nhạc, có những đầu tư về chiều sâu. Mảng âm nhạc như “Gió bình minh” hoặc những thứ âm nhạc mới hơn so với nền tảng thẩm mĩ nghe thông thường của đại chúng thì tôi vẫn muốn giữ và theo đuổi với một tình cảm khác.
Còn mảng ca khúc, nó bộc lộ hoàn toàn tâm hồn và gần gũi với tôi. Thể nghiệm, thì vẫn phải đầu tư cảm xúc, nhưng có nhiều lý trí hơn, nó mang tính chất khám phá và nghiên cứu nhiều hơn. Tất nhiên, tôi cũng không bao giờ mặc cảm vì mình là người viết ca khúc.
Tôi còn nhớ khi anh tung ra bài hát đầu tiên “Những tháng ngày chờ mong” và “Bài hát cho em” với cái tên khai sinh: Đỗ Quốc Bảo. Hẳn lúc đó anh biết mình đụng một tác giả nhạc pop khá nhiều tương đồng là Quốc Bảo?
Đúng là có một giai đoạn, tôi có sự trùng lặp về cái tên với anh Quốc Bảo. Trong một cuộc gặp tình cờ với Trần Thu Hà và nhạc sĩ Dương Thụ, họ có khuyên tôi nên đổi tên cho tiện phân biệt. Tôi cũng nghĩ rằng, tiện phân biệt thì cũng tốt, mặc dù ban đầu tôi cũng chưa quen với cái tên mới. Nhưng qua thời gian thì cũng quen.
Khoảng cách từ Đỗ Quốc Bảo đến thương hiệu Đỗ Bảo, anh thấy mình khác đi những gì?
Khác nhiều đấy, mỗi năm một khác. Giai đoạn đầu, tôi còn ký tên Đỗ Quốc Bảo viết nhạc rất bản năng, chừng vài bài như “Cánh buồm đỏ thắm”, “Những tháng ngày chờ mong”, “Bài hát cho em”… Khi đó tôi chưa học sáng tác và phải đến năm 2000 tôi mới thi vào Nhạc viện. Việc ra đời cái tên Đỗ Bảo là một sự tình cờ nhưng thực sự nó cũng làm thay đổi đời sống của mình.
Làm “Nhật thực” 1 & 2 xong, tôi cũng tự thấy mình cứng cáp hơn, có thể dàn dựng và phối khí được cả một chương trình. Và khi được đào tạo về sáng tác, tôi tự tin rằng mình đã trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, có học hành tử tế… Và sự thay đổi rõ rệt nhất là khi bắt tay vào những dự án cá nhân như “Cánh cung” và “Thời gian để yêu”.
“Bức thư tình” chỉ nên nghe khi đang yêu?
Tại sao anh lại chọn Tấn Minh và Hồ Quỳnh Hương để chuyên hát những “bức thư tình” của mình?
Bởi vì cái duyên bắt đầu, tôi không muốn thay đổi. Đúng là tôi hoàn toàn có thể đưa bài cho một giọng ca khác, nhưng không, tôi thấy thay đổi là một điều không cần thiết. Nó cũng là một cách sống của tôi. Tôi sẽ vẫn không nhờ ai khác, vì ít nhiều Tấn Minh và Hồ Quỳnh Hương đã giúp tôi “đưa thư” đến tận tay mọi người. Tại sao tôi lại không tiếp tục trông cậy vào họ chứ? Nhiều người cho rằng cần thay đổi để tạo sự mới lạ hoặc để tiếp thị, nhưng tôi thì không thích gây chú ý bằng sự ồn ào.
Nghe nói anh lấy được vợ nhờ những bản tình thư “tán gái”?
(Cười) Ít nhiều là thế! Thì vợ mình phải biết mình làm cái gì, và ít ra cô ấy cũng phải có thêm một vài phần lý do để đi đến quyết định chứ! Nhưng hôn nhân đâu thể trông đợi vào mấy bài hát được vì nếu thế, nó sẽ rất nguy hiểm. Bài hát là những cảm xúc nhất thời, nó không thể thay thế một chân lý hay kim chỉ nam, hoặc vật chất để đảm bảo cuộc sống được.
Trong “Bức thư tình đầu tiên”, người ta cứ nhắc mãi và tranh luận về mấy cụm ca từ: “Người đương thời ơi” và “Vì yêu em, ngày mai anh thêm vững bước trên con đường dài”… Sau 10 năm nghe lại, anh có cảm thấy đúng là sượng, là… “hô khẩu hiệu”?
Bạn tôi cũng từng nói đùa, khi yêu thì thấy bài này của tôi tuyệt vời lắm, nhưng lấy nhau rồi thì nghe lại thấy… buồn cười. Người ta tranh luận, nhưng thực ra tôi viết có nghĩ như họ đâu. Ca khúc là một khoảnh khắc đẹp đẽ được ghi lại, chứ nó không thể thay thế cả cuộc sống rộng dài.
Người nghe cũng tùy, có người thấy thế là hay, người khác lại cho là dở. Nhưng với tôi, “khấu hiệu” đó lại rất trần trụi. Rằng tôi yêu em, mà em lại quá đẹp, quá thông minh mà tôi thì không giàu có, cũng chẳng tài cán gì, tôi phải cố gắng để có những điều xứng đáng với em, không thì tôi mất em luôn.
Đến “Bức thư tình thứ hai”, thực tế nó có phải là lá thư của anh không hay đơn giản anh nhờ Hồ Quỳnh Hương hát nên nó thành ra lời của một cô gái? Tôi thấy bài này nhẹ nhàng như một bản teenpop vậy, và ca từ thì nữ tính không giống với sự trừu tượng thường thấy ở anh?
Đương nhiên cách nói của một phụ nữ phải khác một người đàn ông. Trong âm nhạc cũng thế, phải nhập vai thành công thì mới có thể chia sẻ được với người nghe. Tôi cố tình nhập vai để viết một lá thư của cô gái gửi cho chàng trai, bởi thế lời lẽ cũng không thể hùng hổ và nam tính được. Một bài hát theo tôi không nhất thiết phải là toàn bộ cảm xúc của tác giả, mà nó phải trở thành cảm xúc của những người xung quanh, chia sẻ được với họ.
“Bức thư tình thứ 3”, anh ví tình yêu huyền diệu và kỳ diệu như ngọn lửa. Dường như, khi viết bức thư này, anh đã cảm thấy suy nghĩ về tình yêu của mình vừa chín, đúng không?
Đúng rồi! Từ thời điểm đó, cảm nhận của tôi về tình yêu là chín chắn, già dặn và ít nhiều tinh tế hơn… Năm 2004, tôi có viết vài bài để chọn thành “Bức thư tình thứ ba”. Lúc ấy, tôi đắm đuối và bị hút vào đề tài và hình tượng của ngọn lửa – nó thực sự đưa ra nhiều ý nghĩa đối với tôi. Với bài này, tôi cảm thấy nó thỏa mãn được suy nghĩ của mình, và hoàn toàn tôi không xét đoán được suy nghĩ của mọi người nữa vì tôi đã hoàn toàn bị hút vào nó. Bài hát ấy như một sự mô tả và liên tưởng liên tục về ngọn lửa, và khắc họa cuối cùng chính là: Tình yêu như ngọn lửa, phải tự thắp sáng cho bản thân và soi sáng cho cả cuộc đời này.
Và “Bức thư tình thứ tư” lại là một hồi tưởng tiếp nối?
Vâng, vẫn tiếp tục là mạch chuyện ấy. Bây giờ vẫn đang là hai nhân vật, nam và nữ (còn sau này có thêm ai không thì tôi chưa biết). Người nam bắt đầu yêu và muốn cưới người nữ. Người nữ mơ mộng về tình yêu đáp trả. Sau đó sự xa cách làm người nam nhận thấy chân lý của tình yêu. Và giờ là tâm sự của người nữ nơi xa, cũng muốn nói rằng sự xa cách làm cho cô ấy hiểu rằng mình vẫn yêu người đó…
Vậy còn “Bức thư tình thứ năm” mà anh vừa hoàn tất cho album Tấn Minh?
Hiện nó vẫn đang trong quá trình “tút tát”, và chừng nào nó chưa ra mắt thì tôi còn chưa muốn nói gì. Nhưng điều này thì tôi muốn được nói thêm: Rằng, những “bức thư tình” chỉ là một mạch nhỏ trong con đường sáng tác của tôi. Được yêu thích cũng là một niềm vui nhưng bên cạnh đó, tôi cũng có rất nhiều những ca khúc đáng yêu khác. Thực ra chúng cũng đều là những lời tình tự cả, và tôi hoàn toàn có thể gọi nó là “bức thư tình”… Nhưng đôi khi mọi người làm cho tôi có một chút “mặc cảm” vì cứ nhắc đến tôi chỉ vì những “bức thư tình”…
Ảnh: Jundat