Không dễ để nhận ra và nói vanh vách “lý lịch” của chúng, càng không dễ để thưởng thức dòng men ngọt ngào đã được ủ trong hầm qua bao nhiêu năm tháng và những biến thiên thời cuộc…
Có lẽ trước thế kỷ 16-17 người Việt Nam vẫn quen thuộc với vị đậm đà của “cuốc lủi” hay “rượu nếp” hơn những chai rượu vang tinh tế mang màu đỏ, hồng hay trắng đến từ những quốc gia xa xôi của những vườn nho bạt ngàn, ngút mắt. Nhưng sau thế kỷ 19 hay giờ đây, Champagne, Cognac, Gin hay bất kì loại rượu thơm ngon nào cũng không còn chút xa lạ, người Việt đón nhận và thưởng thức vẻ đẹp của sự giao thoa những nền văn hóa phương Tây đa dạng và nét cuốn hút truyền thống của văn hóa phương Đông mang màu huyền thoại.
Trong thần thoại của các nền văn minh lớn của nhân loại cũng có bóng dáng của các vị thần rượu vang như: Osiris của Ai Cập, Dionysos của Hy Lạp, Bacchus của La Mã… Thậm chí, trong Thiên chúa giáo La Mã, người ta còn xem rượu vang là tượng trưng cho máu của Chúa Jesus. Rượu vang tồn tại trong lịch sử văn minh nhân loại với một vị thế độc tôn và cao cấp như thế đó.
Rượu vang của xứ sở Bonjour
Người Pháp không dùng từ boire (uống) mà là déguster (thưởng thức) vang và có người đã từng nói hay nghĩ rằng “Pháp nghĩa là rượu”. Đối với người Pháp, rượu vang không chỉ là một loại thức uống mà nó đã trở thành một nghệ thuật đầy tinh túy cả trong cách chế biến lẫn cách thưởng thức. Một bữa ăn của người Pháp không thể thiếu rượu, họ uống không chỉ một loại rượu vang mà còn luôn tìm cách pha chế một cách đầy ngẫu hứng để cho ra những loại thức uống tuyệt vời nhất.
Mối duyên ẩm thực
Ở châu Âu, đặc biệt là Pháp, các món ăn thường có rượu vang đi kèm, mỗi món ăn dùng một loại vang riêng. Người Pháp có 2 cách để sử dụng vang với món ăn:
– Nếu rượu đã có sẵn, làm món ăn hợp với loại rượu đã có.
– Món ăn đã có sẵn, phải kiếm rượu vang thích hợp. 2 kỹ thuật này còn phụ thuộc vào tài của chủ nhà. Theo truyền thống Pháp, vợ làm bếp thì chồng chọn rượu. Một bữa ăn thành công phải có sự phối hợp ăn ý của 2 người.
Người Pháp có câu: “Viande blanche, vin blanc. Viande rouge, vin rouge” (Thịt trắng, rượu trắng. Thịt đỏ, rượu đỏ). Tuy nhiên, để đạt được thú ẩm thực sành điệu này, phải thiết lập sự hài hòa giữa mùi vị của rượu và độ ngon của món ăn, tạo nên một bức tranh gồm sắc, hương và vị.
Người ta thường khai vị bằng rượu vang và dùng kèm món tráng miệng với loại vang lâu năm. Vang trắng được dùng trước vang đỏ, loại nhẹ trước, nặng sau và vang chua thường dùng trước vang dịu. Khai vị bằng các loại hải sản, thịt nguội dùng vang sủi bọt, trắng có độ chua và vang hồng. Thịt đỏ, thịt nướng… chọn loại vang đỏ nhẹ, đỏ đậm hay sủi bọt. Những món tráng miệng như trái cây, kem tươi, bánh ngọt thường uống vang hồng hơi chua, vang sủi bọt. Tuy nhiên, nếu món tráng miệng đậm như chocolate, bánh kem thì bắt buộc phải là vang trắng dịu.
Nghệ thuật pha chế rượu vang
Nghệ thuật pha chế rượu ra đời là sự đánh đổ tính bảo thủ của những người tôn thờ cái thuần khiết trong nghệ thuật ẩm thực. Đừng bao giờ nghĩ rằng thưởng thức các loại rượu đặc trưng từ những vùng miền văn hóa khác nhau đã là đủ, chính những sự kết hợp tài tình chúng với nhau mới là tuyệt vời. Nếu coi mỗi loại rượu, bia hay đồ uống là một đặc trưng văn hóa cho một nước thì khi pha chế rượu, những bartender khéo léo đã hòa trộn những mảng văn hóa vào với nhau. Trên thực tế có rất nhiều công thức pha chế rượu vang khá phức tạp và đa dạng, nhưng bạn có thể tìm cho riêng mình những kiểu pha chế giản đơn như kết hợp cùng nước trái cây tươi để cho ra đời những ly rượu vang thật ngọt ngào và tốt cho sức khỏe.
Đến nay, các nhà làm rượu trên khắp thế giới đã sáng tạo thêm nhiều loại rượu vang nhờ dùng phương pháp pha chế, trộn những thứ rượu vang làm bằng nhiều loại nho khác nhau. Tuy nhiên, họ thường theo “khuôn mẫu” Pháp, ví dụ như: Merlot, Cabernet Franc, Cabernet Sauvignon… đối với đỏ, và Sauvignon Blanc, Semillon đối với trắng, điển hình như chai đạt tiêu chuẩn A.O.C (Appellation d’Origine Controlée). Còn ở các nước Tân thế giới, tiêu biểu là Mỹ, Chi-lê và Australia, người ta ưu tiên sáng tạo những công thức pha chế ngoài kiểu Pháp. Chẳng hạn như: pha trộn Cabernet Sauvignon với Syrah và Carmenere (điển hình như chai Anakena, ONA, Sideral, Altair của Chi-lê).
Con đường đi của rượu vang vẫn chứa đựng những bí mật và sức cuốn hút diệu kỳ mà bất cứ ai cũng không thể chối từ. Hàng trăm năm hay ngàn năm nữa, con người vẫn mải mê tìm kiếm và khai phá những vùng đất, những hầm rượu vang để mỗi ngày cuộc sống đẹp hơn và ngọt ngào hơn bên những ly rượu sóng sánh tình yêu thương và ấm áp bạn bè.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, Việt Nam chi khoảng 29 triệu USD mỗi năm để nhập khẩu các mặt hàng rượu vang từ nước ngoài. |
Châu Long
(theo Men & Life)