Tình nhạt – hay chỉ là ảo tưởng của tình yêu?

Tình yêu thời hiện đại chỉ kéo dài ba năm (hoặc ngắn hơn?) –  luận đề này đã được chứng minh, không những về mặt khoa học, mà còn căn cứ theo những thống kê xã hội học. Theo tác giả Frédéric Beigbeder, năm thứ nhất yêu nhau, người ta mua đồ, năm thứ hai người ta chuyển chỗ kê đồ và năm thứ ba chia đồ.

Tình yêu, cũng theo Frédéric Beigbeder, “bắt đầu trong nước hoa hồng và kết thúc trong nước rửa lòng lợn”, và người ta sẽ bỏ nhau giống như khi người ta yêu nhau – đều không biết lý do tại sao. Ai dám tin rằng tình yêu nồng cháy hôm nay sẽ không nguội lạnh vào ngày mai?

Nhưng lý thuyết này liệu có chính xác? Và người ta có nên nghi ngờ sự mách bảo của trái tim? Tình yêu thời nay sẽ kết thúc trong chậu nước bẩn hay còn chứa đựng nhiều điều tuyệt diệu hơn thế?

Chuyên đề “Tình nhạt” của Đẹp Online xin gửi tới độc giả những góc nhìn thú vị, với thông điệp nhân ngày lễ Tình yêu: Thật khó để luôn giữ được lửa cho tình yêu trong đời sống hiện đại nhiều lo toan, nhưng không thể vì thế mà tình yêu bị mất đi, hay bị làm sai lệch giá trị.

Các bài viết trong chuyên đề:

– Cứ trả lời điện thoại trong lúc làm tình
– Tình dục thoáng làm mờ đục tình yêu?
– Tình nhạt – ảo tưởng về tình yêu
– Làm gì có tình nào là tình nhạt!
– Admin Triết Học Đường Phố: Trong tình yêu, coi trọng trinh tiết là vô minh

Tổ chức: Đinh Phương Linh

 

Ở thời đại của chúng ta, con người không chỉ rơi vào khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng niềm tin… mà còn khủng hoảng tình yêu. Chưa bao giờ tình yêu được người ta hô hào nhiều đến thế, nhưng cũng chưa bao giờ tình yêu lại nhạt nhẽo đến thế. Tại sao lại có hiện tượng này? Người ta có thể đổ tội cho Internet và sự đua đòi vật chất, nhưng ngẫm lại thì đấy không phải nguyên nhân cốt lõi. Người ta nói: “Tình yêu chỉ có một, còn những thứ na ná tình yêu thì vô số”. Ngay cả điều đó cũng không còn đúng nữa. Tất cả chúng ta đều rất dễ dàng bị mắc kẹt trong ảo tưởng về tình yêu.

Không rõ từ khi nào khái niệm “tình yêu” xuất hiện, nhưng mỗi người lại có một khái niệm riêng, mỗi nền văn hóa, mỗi hệ tư tưởng, lại có cách định nghĩa khác nhau nhau về tình yêu. Nhưng tất cả những tư tưởng, quan niệm, góc nhìn về tình yêu… đều nhảm nhí hết! Chính bản thân sự định nghĩa hay mô tả về tình yêu đều trở thành một cái khung trói buộc nó trong đó.

Ở thời đại ngày nay, sự va chạm của thông tin đã khiến cho tất cả những góc nhìn, quan niệm, tư tưởng ấy bị vỡ vụn. Liệu đây có phải là một cái gì đó đáng lo ngại về tương lai của nhân loại? Tôi không cho là như thế. Ở những thời đại trước, một người không quá khó khăn trong việc tìm kiếm tình yêu đích thực của mình. Thường thì người đó sẽ lựa chọn những người bạn có cùng góc nhìn, quan điểm, tư tưởng và đạt một số tiêu chuẩn nào đó của bản thân. Ví dụ như chàng Romeo si tình sẽ phải đóng cặp với nàng Juliet thuần khiết; sẽ thế nào nếu Romeo cặp với nàng Carmen gợi tình và phóng đãng? Cái khó khăn của thời đại trước là những ngăn cấm của dòng tộc, đẳng cấp… khiến hai người yêu nhau gần như không thể đến với nhau. Nhưng sự va chạm liên tục của các góc nhìn, quan niệm và tư tưởng giống như hiện nay đã trở thành thách thức với tình yêu theo kiểu truyền thống. Sự va chạm này khiến con người phải đặt lại sự nghi ngờ với những gì mình đã từng bị cài đặt hoặc đã từng tin tưởng do ảnh hưởng của quá khứ, như từ bố mẹ hay các tác phẩm nghệ thuật…

Bởi thế, câu nói “Tình yêu chỉ có một, còn những thứ na ná tình yêu thì vô số” đến nay không còn giá trị nữa. Trong câu nói này, “tình yêu” được ngầm định nghĩa như một mối quan hệ gắn kết thực sự giữa hai người. Câu nói này trong nhiều thế hệ đã gieo rắc một ảo tưởng lớn trong tình yêu: rằng mỗi chúng ta sinh ra đều có một nửa đích thực của mình lưu lạc ở ngoài kia. Vấn đề là không bao giờ có cái gọi là “một nửa đích thực” để khỏa lấp những gì trống trải trong ta.

Chúng ta đều đang bị một loại mặc cảm: mặc cảm Pigmaleon. Thời Hy Lạp có người nghệ sĩ điêu khắc vĩ đại tên là Pigmaleon. Chàng đẽo được từ đá cẩm thạch hình ảnh một người phụ nữ tuyệt mỹ và đặt tên là Galatea rồi suốt ngày âu yếm bức tượng mà không đoái hoài đến bất cứ cô gái nào khác. Thần Vệ Nữ đã ban cho bức tượng sự sống, hai người đã có một thời gian ân ái đằm thắm… Cho đến một ngày Pigmaleon bắt đầu thấy nhạt… , chàng ta lại quay về ngồi tiếc nuối bức tượng tuyệt mỹ mà nay đã là nàng Galatea bằng xương bằng thịt.

Bạn có thấy rằng chúng ta giống chàng Pigmaleon ấy không? Chúng ta vẽ ra trong đầu một hình ảnh về tình yêu lớn trong cuộc đời mình với đầy đủ các tiêu chuẩn và thường có xu hướng yêu những người đạt được phần nào các tiêu chuẩn ấy. Nhưng qua thời gian, chúng ta nhận thấy rằng anh ấy/cô ấy không giống như mình tưởng tượng, và mối quan hệ bắt đầu nhạt dần. Lúc ấy, hoặc là chúng ta chia tay để tìm kiếm một người khác giống với sự tưởng tượng hơn, hoặc chấp nhận mối quan hệ nhạt nhẽo ấy và gắn vào đó những lợi ích theo tiêu chuẩn xã hội.

Nhưng chẳng lẽ tình yêu đích thực chỉ có giữa ta với lý tưởng về người tình của ta? Nếu vậy, chẳng hóa ra mọi câu chuyện đẹp đẽ về tình yêu đều đáng vứt vào sọt rác? Chẳng lẽ cả thế giới đều sống trong ảo giác về tình yêu? Điều này cũng không đúng nốt. Tình yêu không phải là trò lừa dối vĩ đại của nhân loại, nhưng tình yêu lại là một điều “bất khả tri”.

Chúng ta đã sai lầm ngay từ đầu khi bó hẹp tình yêu trong phạm vi của mối quan hệ. Tình yêu không phải mối quan hệ. Nếu nó chỉ đơn thuần là mối quan hệ thì nó quả thực là… nhạt nhẽo. Mối quan hệ là một điều khả tri, tức là chúng ta có thể nhận định về nó thông qua một vài tiêu chuẩn. Trong một mối quan hệ, dù thế nào đi chăng nữa, hai người luôn có xu hướng ngầm đạt tới một sự thỏa thuận sao cho có lợi cho cả hai. Điều này khiến cho mối quan hệ yêu đương chẳng khác mấy chuyện làm ăn buôn bán. Tôi cho anh một cái gì đó, anh cho tôi một cái gì đó tôi trông chờ để đáp lại, và chúng ta gọi đó là tình yêu? Nếu người kia đáp lại ta bằng một cái gì đó chúng ta không mong muốn, hoặc có thể là không đáp lại, chúng ta vội vàng oán trách đối phương là bạc bẽo, không chung tình và vô cảm.

Quá trình trao đổi này cứ lặp đi lặp lại, đến mức nếu chỉ một lần sự cho đi và đáp lại không đúng quy trình thì mối quan hệ lập tức lung lay và có nguy cơ tan vỡ. Sự nhạt không thể tránh khỏi khi các mối quan hệ cứ diễn ra như vậy. Ngay cả ở những thời đại trước, tình trạng “nhạt” này cũng xảy ra, đặc biệt là trong các gia đình quý tộc và giàu có. Bởi vì, càng có đời sống cao (cả vật chất lẫn tinh thần), hình mẫu lý tưởng của một người cũng theo đó mà tỉ lệ thuận và khả năng thất vọng về mối quan hệ yêu đương của mình lại càng lớn. Còn ở thời nay, hình mẫu lý tưởng của chúng ta không chỉ được quy định bởi truyền thống mà còn bị ảnh hưởng do sự thổi phồng của truyền thông đa chiều. Chúng ta bước chân vào mối quan hệ vội vã hơn, khám phá nhanh hơn đối tượng của mình, để rồi cũng nhanh chán hơn.

 

Nếu có thể ví tình yêu giống cái gì, chỉ có thể ví tình yêu như không khí. Không khí vô định hình, bao trùm tất cả nhưng ở trong tất cả, mang lại sự sống cho vạn vật một cách tự nhiên, miễn là vạn vật vẫn còn khả năng hấp thu nó. Khi chúng ta đóng kín trong một khuôn mẫu nhất định về tình yêu, chúng ta sẽ mất dần đi khả năng tiếp nhận tình yêu từ người khác, cho đến một ngày chúng ta hoàn toàn đóng kín và ở bên trong ta chỉ còn là “trạng thái chân không” của sự trống rỗng. Nhưng nếu chúng ta không cố định hình tình yêu thì sẽ không có ảo tưởng nào cả và càng không phải lo lắng về sự nhạt nhẽo hay đổ vỡ. Đương nhiên việc này không dễ. Vì tâm trí chúng ta cần phải hiểu về tình yêu, chúng ta có tham vọng điều khiển được tình yêu và áp đặt nó theo ý chúng ta muốn. Nhưng nhà thơ Xuân Diệu đã thốt lên một câu vô cùng chính xác về đặc tính của tình yêu: “Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết”.

Nhà phân tâm học Enrich Fromm đã nói về tình yêu rất hay khi ông cho rằng động lực của con người khi tìm kiếm tình yêu là một ham muốn hòa hợp. Nếu con người để tình yêu tuôn chảy tự nhiên như không khí thì con người đã có thể đạt tới sự hòa hợp mà không cần bất cứ sự nỗ lực nào. Khi ấy, chúng ta chẳng cần phải cứ khăng khăng hướng tình yêu của mình đến một đối tượng nào đó cụ thể, chúng ta có thể hướng tới vạn vật.

Chúng ta có thể để tình yêu tuôn chảy khi rung động trước vẻ đẹp của một bông hoa, khi chơi một bản nhạc ngẫu hứng, khi mê đắm trong thế giới kỳ diệu của ngôn từ và hình ảnh… thậm chí là khi chỉ có một mình và cảm thấy tràn ngập tình yêu. Tình yêu ấy có thể hướng tới một người nào đó cụ thể và hãy hết mình trong mối quan hệ ấy mà không cần trông chờ bất cứ một sự đáp lại nào. Khi nó kết thúc, không có nghĩa tình yêu mất đi, mà đó là lúc chúng ta đang cần hướng dòng chảy tình yêu theo một con đường khác. Tại sao phải quá nặng nề trong nỗ lực nắm bắt một cái gì đó vô định hình. Người ta có thể đóng chai không khí nhưng không thể đóng chai tình yêu.

Và chỉ có giải phóng cho tình yêu khỏi những ràng buộc, chúng ta mới đạt tới sự hòa hợp mà nhân loại hàng ngàn năm vẫn không ngừng đeo đuổi.

Bài: Nhà văn Hà Thủy Nguyên

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Đàn ông dùng tình yêu để đổi lấy tình dục. Phụ nữ dùng tình dục để có được tình yêu. Phụ nữ dùng cả tình yêu và tình dục để có được đám cưới. Mớ lí thuyết này sai bét. Mục đích cuối cùng của phụ nữ không phải là đám cưới. Mà là…

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category