Tình đẹp như mơ của nữ giảng viên báo chí

Giông bão, hoa hồng và yêu thương

Khánh Thương cái tên đọc lên nghe gần gũi, trìu mến nhưng cũng đầy những éo le với cuộc đời của nữ giảng viên trẻ. Mẹ kể “Thương được sinh ra ở trạm y tế xã trong một buổi sáng mùa hè đầy mưa giông và bão tố…”

Khánh Thương hạnh phúc bên chồng.
 (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Nhà nghèo lại đông anh em, hành trang vào giảng đường Trường ĐH Khoa học xã hội Nhân văn Hà Nội của cô nữ sinh Khánh Thương chỉ là 1 tháng tiền học và 1 tháng tiền ăn. Mẹ nói “với con gái nếu con theo ngành báo chí không chọn sư phạm thì con sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trong những ngày sắp tới”.

Nhưng dù vậy, Thương đã dũng cảm theo đuổi ngành học mình yêu thích.

Thương còn nhớ buổi đón tân sinh viên năm 2000, nhớ cái rụt rè khi giơ tay lên hỏi đại diện nhà trường: “Nếu bây giờ em thôi học, trường có trả lại học phí cho em không?” Cả hội trường cười lớn, chỉ có cô sinh viên nhỏ mặt đỏ bừng với niềm lo lắng, hoang mang được dấu kín.

Để có tiền lo ăn học, Khánh Thương từng bị lừa bởi những công ty ma rồi khi túng bấn, cô sinh viên “không còn đường nào khác” đã đi hiến máu nhân đạo với mục đích để lấy 70.000 đồng tiền bồi dưỡng trang trải cuộc sống.

Sau này với công việc gia sư tạm đủ cho sinh hoạt, Thương bắt đầu lao vào tình nguyện. Đầu tiên là việc dạy học miễn phí cho học sinh khuyết tật của trường Nguyễn Đình Chiểu, tham gia các nhóm từ thiện quyên góp vì học sinh nghèo, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân nhiễm HIV…

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp ra trường, Thương đã đứng lên sáng lập là nhóm từ thiện “Vòng tay yêu thương” (Free Hugs Group – FHG) với nhiều chương trình ý nghĩa xuyên suốt một thời gian dài

Khánh Thương chụp chung với các em nhỏ miền núi huyện Sơn Dương, Tuyên Quang trong một chuyến đi tình nguyện. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Năm 2007, Khánh Thương đã được chọn làm đại diện cho thanh niên Việt Nam dự Hội nghị Quốc tế về văn hóa châu Á và châu Âu tại Malaysia; tham dự Hội nghị Quốc tế “Thanh niên với các chính sách phát triển quốc gia” tại Campuchia (năm 2008).

Nhận được học bổng sang Australia theo học thạc sĩ tại Sydney – Khánh Thương tham gia vào các hoạt động gây quỹ cho các tổ chức phòng chống ung thư tại Australia và được Hội đồng Ung thư nước này tuyên dương là trưởng nhóm xuất sắc trong các chiến dịch gây quỹ phòng chống, nghiên cứu ung thư như “Daffodilday” (Ngày hoa Thủy tiên vàng) và “Pink Ribbon Day” (Ngày Ruy băng hồng).

Cái chết treo cao và hạnh phúc tràn đầy

Gần 10 năm làm tình nguyện và đã không ít lần khóc trước những số phận bệnh nhân ung thư, HIV… chẳng bao giờ ngờ được rằng, có một ngày, Thương trở thành một trong số họ.

Ngày ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2012, chị được chẩn đoán mình bị ung thư vú giai đoạn 2. Giữa tháng 11/2012, chị sang Úc để được phẫu thuật. Tuy nhiên, tin xấu lại đến với Thương đúng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2012, chị được bác sĩ cho biết, ung thư đã di căn vào xương, chị sẽ không được chữa khỏi và… chỉ có thể duy trì sự sống trong một thời gian nhất định.

Khánh Thương: “Dù đời bao khó khăn tôi vẫn luôn mỉm cười”. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

“Mình vẫn nói với Aaron rằng, nếu rơi vào tình cảnh của anh chắc nhiều người sẽ quyết định ra đi”. Aaron (chồng Thương) chỉ cười. Anh nói nếu ai đó ra đi cũng là bình thường vì tình yêu của họ chưa đủ lớn và có người chọn ở lại…cũng là lẽ bình thường bởi đơn giản đó thực sự là tình yêu”.

Chị xúc động: “Anh biết mình mắc bệnh. Mình nói sẵn sàng để anh ra đi, mong anh hạnh phúc và không oán trách. Nhưng anh đã chọn đi cùng mình trên con đường chông gai phía trước”.

Hiện anh xin nghỉ việc ở Australia để sang Việt Nam chăm sóc chị trong trong quá trình điều trị và giúp chị hoàn thành những dự định còn dở dang.

Không có tuần trăng mật cho đôi vợ chồng trẻ. Thay vào đó là những tháng ngày vất vả ở bệnh viện K. Như bao ông chồng Việt thương vợ, Aaron chẳng ngại thức cả đêm cầm ống tiếp nước hay truyền dịch cho vợ. Vợ ốm không ăn được cơm, anh vào google tìm “cách nấu cháo” làm cho vợ ăn.

Ngày mới quen, chị từng nói thẳng với anh chị muốn chồng chị là người Việt hơn là người ngoại quốc. “Chị rất e ngại những khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Và điều quan trọng là sau khi kết thúc thời gian học tập tại Australia, chị muốn quay về Việt Nam sống và làm việc. Rồi còn vô vàn rào cản vô hình khác, anh có sẵn sàng chấp nhận và vượt qua được không?” – chị hỏi anh.

Nhưng rồi thời gian đã và đang trả lời cho những câu hỏi của chị. Tình yêu của anh không chỉ vượt qua những rào cản và khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, nó còn vượt qua cả những tai ương và đau khổ mà bất cứ ai cũng có thể gặp trong đời đó là bệnh tật và mất mát. Mỗi lần hỏi về anh chị lại cười rồi khóc. Chị biết mình là người may mắn và hạnh phúc vì có mọi người và có anh ở bên.


“Tôi chọn cuộc sống, chọn chiến đấu!”

Bên cạnh làm giảng viên tại Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH Khoa học xã hội Nhân văn Hà Nội) – Khánh Thương đang chạy đua với thời gian để hoàn thành những ước mong của mình.

Chị chuẩn bị cho ra mắt trang web cung cấp những kiến thức cần thiết cho người bị ung thư nói chung, ung thư vú nói riêng. Ấy là những gì chị được trải nghiệm, tích lũy và xin bản quyền tài liệu khi còn điều trị ở Australia…

Chị cũng đang xúc tiến việc xin tài trợ để mở các xưởng may cho phụ nữ nhiễm HIV trong cả nước..

Đi qua “những ngày đau buồn, tăm tối”, Khánh Thương đang sống gấp, sống vội vì thời gian chẳng chờ chị nữa. Mỗi ngày “đồng hồ cát cuộc sống” của chị lại vơi đi chút ít.

Hỏi chị đâu là động lực cho những cố gắng ấy, Khánh Thương chỉ cười: “Có thể đó là căn tính tự nhiên của tâm hồn tôi. Cũng có thể là sức mạnh của tình yêu thương từ những người xung quanh đã giúp tôi có một lựa chọn đúng đắn…”

“Tôi chọn cuộc sống, tôi chọn chiến đấu. Tôi không thể đầu hàng khi chưa chiến đấu” – chị nói.

Theo Vietnamnet


From the same category