Tín dụng vẫn tăng trưởng yếu - Tạp chí Đẹp

Tín dụng vẫn tăng trưởng yếu

Tin Tức

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng lớn có tăng trưởng tín dụng âm hoặc rất thấp. Tín dụng của Eximbank (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam) qua 8 tháng vẫn âm so với đầu năm trong khi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tăng trưởng tín dụng qua 8 tháng đã đạt 2% so với cuối năm 2011.

Nếu như tính đến hết 6 tháng, các ngân hàng lớn đều có tăng trưởng tín dụng âm thì ghi nhận diễn biến từ các ngân hàng này cho thấy, tín dụng đã tăng trưởng nhẹ trong tháng 7 song lại giảm nhẹ trong tháng 8. Trừ Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) có tăng trưởng tín dụng âm khá lớn do khủng hoảng, các ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng rất thấp.

Nhưng ở một vài nhà băng, con số tăng trưởng tín dụng lại khá cao. Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) qua 8 tháng đầu năm dư nợ tín dụng đã tăng 13,5%, rất cao so với mặt bằng chung của hệ thống. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng trưởng trên 10%. Song, đáng lưu ý là con số dư nợ tín dụng này đã bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Nếu ‘cấu’ đi phần dư nợ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, xử lý mua nợ thì dư nợ cho vay tổ chức, cá nhân ở các ngân hàng này đều giảm.

Ở hầu hết các ngân hàng, tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm mạnh, trong khi tỷ lệ dư nợ ngoại tệ tăng (ảnh LĐ)

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), qua 8 tháng, tăng trưởng tiền gửi khá ấn tượng với 13%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ 7,2% (223.054 tỷ). Sự chênh lệch này đang gây sức ép lên lợi nhuận thuần của ngân hàng. Hồi đầu năm, Vietcombank đặt mục tiêu tăng lợi nhuận 15% và tín dụng 17%, song ban điều hành ngân hàng hiện chỉ mong mục tiêu tín dụng và tiền gửi tăng trưởng 12% và 15% trong 2012.  “Chỉ cần tăng tín dụng 10% đã là thành công rất lớn“, một lãnh đạo Vietcombank cho hay.

Cơ cấu tín dụng đã có sự thay đổi. Ở các ngân hàng quốc doanh, dư nợ vay các lĩnh vực ưu tiên tăng mạnh, nổi bật ở BIDV và Agribank (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) với tỷ lệ dư nợ cho vay nhóm này chiếm khoảng 45% trong tổng dư nợ và tăng trưởng mạnh, khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Ở hầu hết các ngân hàng, tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm mạnh, trong khi tỷ lệ dư nợ ngoại tệ tăng.

Trong số tín dụng tăng trưởng, số cho vay mới không nhiều. Ở một ngân hàng quốc doanh hiện có thị phần tín dụng 11%, tổng dư nợ đã được xử lý, cơ cấu lại (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay cơ cấu tài chính, miễn giảm lãi, cho vay bù đắp dư nợ theo mức lãi suất mới khi trả hết nợ cũ) chiếm tới hơn một nửa. Tỷ trọng tín dụng cho vay mới không đáng kể, thậm chí, tỷ lệ cho vay tổ chức, cá nhân, cho vay bán lẻ giảm nhẹ, hoặc trồi sụt mạnh.

Thị phần tín dụng cũng đã có những thay đổi lớn. Thị phần tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đang có xu hướng sụt giảm trong khi thị phần tín dụng của khối ngân hàng thương mại quốc doanh tăng lên, hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất (47,5%) trong tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống. Theo Ngân hàng Nhà nước, thị phần tín dụng của khối ngân hàng quốc doanh có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 1,5% so với đầu năm

Nửa miếng bánh trên cục diện thị trường tín dụng thuộc năm ngân hàng có tỷ trọng cổ phần nhà nước chi phối. Song không có nghĩa các ngân hàng này ‘thanh thản’. Nguồn thu lãi thuần của họ sẽ tiếp tục giảm trong khi nguồn thư từ dịch vụ, bán lẻ chưa cải thiện, lãi suất cho vay vẫn được kỳ vọng tiếp tục giảm. Các ngân hàng lớn do cơ cấu dư nợ rủi ro hơn do tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp tương đối cao sẽ tiếp tục phải gia tăng trích lập dự phòng. Và do đó, lợi nhuận các ngân hàng tiếp tục chịu áp lực lớn. Các ngân hàng đều có lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào nguồn thu nhập lãi và vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn thu  nhập  khác  thay  thế  khi  hoạt  động  cho  vay  không  thuận  lợi.

Và trong khi các vấn đề trên thị trường tín dụng còn ngổn ngang thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống cuối năm ở mức 8-10% là “cực kỳ chông gai”, theo lời một lãnh đạo Vietcombank.

Chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, kế hoạch đạt dư nợ tín dụng 8-10% của Chính phủ đặt ra đến giờ này là không khả thi.

“Không có lý gì mà tín dụng từ nay tới cuối năm có thể tăng được mỗi tháng 2%, tương đương với 100 ngàn tỷ”. Ông đặt câu hỏi: “Hai kênh tín dụng và đầu tư công có thể bơm ra mỗi tháng khoảng 95.000 tỷ đồng nhưng vấn đề là nền kinh tế có hấp thụ được không? Bơm đi đâu?… Tiền vẫn chạy lòng vòng trong hệ thống ngân hàng nên cơ thể nền kinh tế vẫn xanh xao”.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

19/09/2012, 07:55