Câu chuyện định nghĩa một fashionista (hay với nam, fashionisto) vẫn luôn là vẫn đề tranh cãi không hồi kết của làng thời trang. Nhưng, có lẽ ai cũng đồng ý fashionista là người luôn sống, ăn, ngủ,… vì thời trang. Tình yêu thời trang của họ đã ngấm sâu vào máu, gần như đã trở thành bản năng – không thể nào khác đi được. Fashionista có thể chạy theo xu hướng hoặc không, nhưng họ luôn luôn thể hiện rõ cái tôi qua những gì mình mặc. Nói cách khác, họ thật sự mặc quần áo chứ không để chúng “nuốt chửng” mình. Điển hình có thể kể đến Carine Roitfeld – nữ tổng biên tập kỳ cựu của CR Fashion Book. Bà có thể kết hợp áo quần từ hàng loạt thương hiệu với tinh thần rất khác nhau: từ gợi cảm như Balmain, Givenchy; luộm thuộm kiểu Prada hay viễn tưởng như Balenciaga; cho đến tối giản như Céline, nhưng vẫn luôn toát ra khí chất rất “Carine”. Không lạ gì khi hãng quần áo nổi tiếng của Nhật Bản Uniqlo đã hợp tác cho ra một bộ sưu tập cộp mác Carine Roitfeld đầu năm nay.
Dẫu có khác người, thì cái khác người ấy của các fashionista vẫn đầy logic. Những lớp áo quần có vẻ chẳng ăn nhập gì nhau nhưng bỗng hợp lý ngỡ ngàng khi được khoát trên người, được chuyển động theo từng bước chân của fashionista. Thậm chí, nhiều fashionista không chỉ đơn thuần mặc quần áo, họ còn là những người gián tiếp tạo nên chúng qua vai trò những “nàng thơ”. Daphne Guinness – bà trùm hãng bia Guinness, và là một trong những fashionista “khét tiếng” nhất làng thời trang – từng tuyên bố: “Tôi không tìm đến thời trang, thời trang tự tìm đến tôi.” Daphne là nguồn cảm hứng bất tận cho hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành, từ nhiếp ảnh gia Steven Klein cho đến nhà thiết kế tài hoa Alexander McQueen.
Những năm gần đây, khi các tuần lễ thời trang trở thành những hiện tượng văn hóa và truyền thông, đã xuất hiện một “rạp xiếc” bên ngoài những show diễn. Họ, những fashionista tự phong, cố thu hút dàn ống kính phóng viên bằng những trang phục lòe loẹt và lập dị nhất. Những “tội đồ” thời trang này mù quáng chạy theo thời trang. Họ có thể là những tín đồ thời trang sa đà, hoặc đơn thuần chỉ muốn gây sốc. Các “tội đồ” cố đắp lên người mình những trang phục hoàn toàn không phù hợp với bản thân. Cùng một thiết kế, trong khi chúng toát ra sự thoải mái và tự tin bao nhiêu khi được khoác lên người của fashionista, thì cũng đầy gượng ép đến mức gần như một trò cười đối với một “tội đồ” thời trang. Thậm chí, nhiều “tội đồ” còn thú nhận mình còn chẳng nghĩ rằng những gì đang mặc là đẹp, nhưng chắc chắn rằng chúng sẽ thu hút nhiều sự chú ý nhất. Trong khi các tín đồ mặc cho chính mình, các tội đồ mặc vì người khác. Chính thái độ và quan điểm thời trang là điều quan trọng nhất để làm nên một fashionista, chứ không phải những bộ quần áo lòe loẹt sáo rỗng.
Cái đẹp là tùy theo quan điểm của mỗi người. Nhưng luôn có sự khác biệt rõ rệt giữa những kẻ phong cách, và những kẻ chỉ khoe khoang đơn thuần. Bởi nếu thời trang dành cho mọi người, thì nó có còn là thời trang nữa không?