Tìm kiếm tài năng: Đường càng dài càng nhạt - Tạp chí Đẹp

Tìm kiếm tài năng: Đường càng dài càng nhạt

Review

Có thể nói rằng ý kiến đó hơi cực đoan, nhưng xem ra vẫn rất thuyết phục!

“Công cụ” nối dài những giấc mơ hoang đường nhất

Hãy bắt đầu bằng The Voice – Giọng hát Việt – một trong những chương trình được coi là đình đám nhất năm qua. Công bằng mà nói, chương trình này cũng tìm kiếm được những giọng hát có chất lượng (tuy nhiên không xứng tầm với những lời khen mà các vị giám khảo cao quý “tung ra” thừa mứa). Thế nhưng, để chỉ dừng lại ở mức “có chất lượng”, chỉ cần đến các trường nhạc thì vơ được “một rổ” bởi ai cũng biết chỉ có chất giọng thôi chưa thể dự báo được bất cứ điều gì. Một chương trình dù có thành công đến mấy cũng chỉ là một bệ phóng, còn phóng được cao bao nhiêu, xa bao nhiêu lại là chuyện khác, điều đó phụ thuộc vào khả năng thật sự của những người được chọn gửi lên bệ phóng đó.

4 gương mặt lọt vào chung kết của cuộc thi: Hương Tràm – Đinh Hương – Xuân Nghi và thí sinh nam duy nhất Kiên Giang là những người được công chúng đang tung hô, ít nhất là trước đêm chung kết. Vậy nhưng, mọi chuyện có thay đổi khi cuộc thi kết thúc?

4 thí sinh chung kết The Voice

Tất nhiên là có. Ngay bây giờ, nếu 4 thí sinh này ra đường, có bao nhiêu người nhận ra? Chắc chắn là có nhưng sẽ không quá nhiều. Họ có điều gì đáng nhớ từ cuộc thi này? Càng khó hơn để lục tung trí nhớ và tìm ra những nhạc phẩm mà họ đã “đóng mác” bằng phương cách của mình. Ngay cả giọng ca được gọi là cá tính nhất cuộc thi là Đinh Hương cũng vậy. Ở vòng Giấu mặt, cô chọn ca khúc rất nổi tiếng của Duffy là “Warwick Avenue” để thể hiện nhưng phần thể hiện đó phá hỏng toàn bộ tinh thần bài hát. Đơn giản bởi đó là một ca khúc buồn, kể về những kỷ niệm đã qua còn Đinh Hương lại biến nó thành sự tươi vui, hớn hở. Ở đêm thi bán kết, cô chọn một ca khúc nổi tiếng “King James” thì lại là một sự làm quá với những nhấn nhá cho mang “cá tính” khác hẳn với cả phiên bản gốc lẫn bản cover của Christina Aguilera. Thật tiếc, sự đổi mới đó không hay hơn với những ai đã yêu ca khúc này, nhất là những chỗ gằn, tách chữ và làm phần lời ca khúc trở nên khó nghe và mờ hơn rất nhiều.

Sự tung hô của những khán giả ngày hôm nay có thể là một động lực, là một “bộ máy” mang đầy “phản lực” để họ bay nhưng liệu họ có chịu “hạ cánh” khi cuộc thi kết thúc lại là câu chuyện khác. Đến được với âm nhạc là một điều đáng quý, đến bằng sự màu mè cũng là một cách nhưng liệu có màu mè mãi được khi mà cuộc thi kết thúc cũng là lúc các thí sinh phải tự bơi chứ không có sự “bơm thổi” một cách quá đà. Thực tế cho thấy, chương trình cũng đã bớt sức hút với truyền thông từ rất lâu rồi, nhất là khi Phương Uyên và Thiều Bảo Trang “ra mặt tiền” chuyện yêu đương nhau khiến cho dư luận dấy lên những câu hỏi ngược lại rằng: Nếu không có người phát giác sớm chuyện đó, thì phải chăng kết quả đã được sắp đặt trước đúng như clip tố cáo? Hoặc như: Công an vào cuộc truy tìm người tung clip đến đâu rồi hay chỉ là chiêu đánh động của BTC?

Khi “những tấm gương” không còn

Vietnam Idol năm nay phải cảm ơn hai thí sinh thật nhiều, đó là Thanh Trúc và Hương Giang. Cùng gây hiệu ứng lớn cho cuộc thi nhưng rõ ràng hiệu ứng đó không đến từ giọng hát. Thanh Trúc với sự “chê bai” thí sinh The Voice và Hương Giang đến từ câu chuyện mà nhiều người khâm phục về sự dũng cảm của cô. Vậy nhưng, giá trị thật của một người ca sĩ sẽ không đến từ những câu chuyện bên lề, không đến từ những “lộng ngôn” mà sẽ chỉ có thể “đá ném ao bèo” rồi giá trị cốt lõi trơ ra là những điều nghèo nàn.

Thanh Trúc đang tất bật chuẩn bị cho việc ra mắt album đầu tay nhưng giá trị của nó đến đâu cũng còn phải đợi, nhất là khi cuộc đua của cô đã dừng ở tuần thứ 2 của cuộc thi. Hương Giang cũng đã dừng cuộc chơi ở Top 4, một kết quả bất ngờ, là một điều đáng mơ ước với cô gái này và thực sự phũ phàng là nếu còn hình ảnh một nam thí sinh mang tên “Ngọc Hiếu” giả gái đi thi hát như những năm trước, thì chắc đó là kết quả… hoang đường nhất.

Top 3 Idol

Sự dũng cảm được là chính mình của Hương Giang đáng để khâm phục khi “sửa sai” lỗi của tạo hóa nhưng khán giả sẽ không bao giờ đồng hành cả đời cùng cô để nghe và nhớ đến câu chuyện đẫm nước mắt đó. Họ sẽ chỉ yêu những ngày đầu vào nghề. Còn quãng đường dài phụ thuộc vào chuyện cô sẽ chinh phục họ cũng như người mới đến bằng nghị lực ở lại, nỗ lực nâng cao giọng hát, tư duy âm nhạc nhiều như thế nào.

Vietnam Idol năm nay còn lại gì? Một Yasuy chân thành nhưng cũng chẳng nhiều nhặn gì cho đến đêm anh hôn Hương Giang để báo mạng có vài dòng tít đậm màu lá cải. Chấm hết! Bảo Trâm, Hoàng Quyên cũng không thể tạo được những “hiệu ứng” đủ mạnh như Uyên Linh đã làm được năm trước dù chất giọng của hai cô không thể phủ nhận.

Yasuy hôn Hương Giang để báo mạng… giật tít

Bắt buộc phải kể lại câu chuyện cũ để thấy, dù rằng đã chỉnh sửa format 2 năm/ 1 lần so với 1 năm/ 1 lần với bản gốc nhưng tài năng ca hát Việt không “dày đặc” đến độ chúng ta đang lầm tưởng. Có những gương mặt đã cũ mòn các cuộc thi vẫn không khá hơn được bởi sự hạn chế của tài năng như Bảo Anh, Tiêu Châu Như Quỳnh. Có những gương mặt là sự “chuyển ngạch” nhưng nếu để đặt niềm tin rằng đó sẽ là ngôi sao của ngày mai e rằng hơi “rộng lượng”, Thái Trinh là ví dụ. Có những gương mặt đi thi là một niềm mơ ước đổi đời sau nhiều năm “mòn” phòng trà nhưng “danh vọng” vẫn là điều xa vời, khó với tới như Thanh Trúc, Đồng Lan. Có quá nhiều điều để thấy, có thể họ đang cố gắng thật sự để “vùng vẫy”, thậm chí cả việc “hạ” mình từ một nghệ sĩ sáng tác xuống thành một nghệ sĩ biểu diễn nhưng cũng vô cùng khó khăn cho chuyện tiếp nhận chứ chưa nói đến chuyện tỏa sáng.

Cần một “độ lùi” thật lớn, thoát ra khỏi vòng bủa vây của mọi mặt để biết mình là ai. Ngay cả như thí sinh tạo làn sóng của The Voice Mỹ là Jessee Cample giờ cũng chỉ là một kỷ niệm đẹp ít ai quan tâm (tại Mỹ) dù rằng đã có cả một làn sóng phản đối, chỉ trích Christina khi cô quyết định loại anh từ vòng tứ kết của cuộc thi này năm ngoái. Đến Việt Nam từ trước đêm chung kết cả 10 ngày, tham gia một hội thảo của Đại học Hoa Sen tổ chức đủ thấy thí sinh này “rảnh” đến mức nào tại thị trường chính quốc. Ngay cả Á quân của cuộc thi này đến Việt Nam, rong chơi đêm giao thừa (Tết Tây) cũng ít người nhận ra chứ đừng nói gì là thí sinh dừng ở vòng tứ kết. Nếu thí sinh của các cuộc thi đang diễn ra ở Việt Nam nhìn vào những “tấm gương” này để biết mình tài năng (cỡ nào), nổi tiếng (bao nhiêu) thì có lẽ họ sẽ tự định hướng được đời mình một cách có chút xíu niềm tin hơn.

Có nên dừng lại các cuộc thi?

Tất nhiên là không, bởi nếu dừng lại, sóng lấy gì phát lấp vào, các công ty truyền thông lấy gì để sống, các nhà tài trợ biết tìm ai để ”phát tiền”, khán giả biết giải trí và yêu thích, căm ghét ai… Nhưng nếu cứ tràn lan như hiện tại thì có lẽ cũng sẽ đến một ngày thí sinh dự thi, thí sinh loại sớm với chút danh tiếng, thí sinh loại muộn với chút ảo tưởng, thí sinh ở lại sau cùng với vinh quang ám ảnh sẽ nhiều hơn số khán giả xem chương trình và thậm chí có thể sẽ nhiều hơn cả số lượng tin nhắn (đố biết cụ thể chính xác bao nhiêu) cho từng chương trình.

Thị trường âm nhạc Việt ngày càng ảm đạm bởi sự suy thoái kinh tế (chắc cũng còn dài). Ngôi sao ra đĩa cũng chỉ được đón nhận dè dặt. Âm nhạc trực tuyến thu tiền chẳng được bao nhiêu so với mục đích cao cả đề ra. Ngôi sao nước ngoài đến Việt Nam càng nhiều (nghịch lí thấy rõ với sự ảm đạm trong nước) thì việc các thí sinh xuất phát ồ ạt từ các cuộc thi càng bị đón nhận dè dặt hơn mà thôi. Tất nhiên, đã qua rồi cái thời mà sau một cuộc thi vụt sáng thành ngôi sao như Uyên Linh và nếu không quá khi nói cô là trường hợp duy nhất khi cả Quốc Thiên lẫn Phương Vy – những quán quân 2 mùa trước đó – vẫn còn đang rất vất vả để tìm được chỗ đứng. Hay nói đâu xa như Tùng Dương, phải mất gần 10 năm từ sau cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn mới phủ sóng đúng nghĩa, dù tài năng của anh thì ngay từ những ngày đầu tiên tham gia thi đã không một ai phủ nhận.

Con đường của tài năng là một con đường dài, đầy chông gai. Đó là nơi mà không có chỗ cho những ảo tưởng, cho những lầm lạc và cho cả những “vỗ về” đầy an ủi của những người đã không còn song hành với họ như giám khảo hay huấn luyện viên trong các cuộc thi.

Sẽ là hơi cực đoan khi nói “càng thi càng nhạt” bởi có vẻ như phủ nhận công sức của các thí sinh. Nhưng nếu bình tĩnh nhìn lại thì đó là một sự thật khó chối cãi khi sức hút của các cuộc thi cứ càng ngày càng giảm, sự sửng sốt cũng không còn nhiều. Có “bớt nhạt” hoặc “thêm muối” được hay không, điều đó phụ thuộc vào người trong cuộc bước ra sau cuộc thi chứ không phụ thuộc vào sự “điều hành” của các ngôi sao với những lời đường mật giới thiệu trong cuộc thi.

Dù sao thì trung tuần tháng 1/2013 cũng là thời gian khép lại 2 cuộc đua dài và được quảng bá rầm rĩ nhất thời gian vừa qua là The Voice và Vietnam Idol. Hy vọng ở đêm cuối cùng tìm người chiến thắng, mọi chuyện sẽ “mặn mà” thêm chút ít! 

Đức Thành (theo CSTC

                       

Thực hiện: depweb

11/01/2013, 11:04