Tìm hiểu về tiêu chảy cấp

Bác sĩ Đặng Thị Kim Trinh, Khoa Dịch vụ 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM cho biết: Tiêu chảy cấp là một bệnh cảnh rất phổ biến. Hậu quả nguy hiểm nhất là mất nước và điện giải. Người  ta ước tính tiêu chảy cấp giết chết 2 triệu trẻ nhỏ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới mỗi năm. Do đó, tìm hiểu nguyên nhân gây tiêu chảy cấp sẽ giúp mọi người biết cách xử trí và phòn ngừa.

Tiêu chảy cấp là tình trạng tiêu phân lỏng có nhiều nước, trên 3 lần/ 24 giờ. Tiêu chảy cấp ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân, đa số là siêu vi và thường giới hạn trong vòng 6-7 ngày. Tuy nhiên, trẻ dễ bị tiêu chảy có thể kèm theo đau bụng, nôn ói, sốt, ăn uống kém dẫn đến mất nước, mất các chất điện giải và có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân do ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn có khả năng đột nhập vào niêm mạc ruột và gây bênh như Salmonella (St.typhi murium và S.enteritidis) là bệnh thường gặp nhất. Bệnh lây qua đường tiêu hóa do thức ăn bị nhiễm Salmonella. Thời gian ủ bệnh trung bình 12-36 giờ sau ăn. Bệnh khởi phát đột ngột: sốt, đau bụng vùng thượng vị hoặc quanh rốn, không mót rặn tiêu chảy nhiều lần, phân thối, nhiều nước đôi khi có nhày, máu, gần giống phân trong ly trực khuẩn.

Trường hợp nặng có rối loạn điện giải do mất nước (môi khô, mắt trũng, khát nước). Nếu không chẩn đoán và điều tri kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do trụy mạch. Ngoài ra nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn còn do ăn phải thức ăn có chứa độc tố của vi khuẩn đã hình thành sẵn trong thức ăn và chính độc tố này gây bệnh, (độc tố của tụ cầu vàng, Closstridium perfrigens, Clostridium botulinum, bacilluscerus và Vibrio parahaemolyticus).

 

Biểu hiện lâm sàng là tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng, không sốt, buồn nôn và nôn. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mất nước và tử vong. Tiêu chảy cấp nếu có Vibrio cholera gây nên thì thời gian ủ bệnh trung bình 5 ngày. Triệu chứng thường gặp là đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lờ lờ như nước vo gạo, không đau bụng, không sốt, có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng. Bệnh dễ gây dịch. Nếu trẻ bị nhiềm E.coli sinh độc tố ruột thì loại vi khuẩn này gây tăng tiết dịch và điện giải và long ruột, không có viêm.

Nguồn lây là thức ăn và nước. Thời gian ủ bệnh 24-72 giờ, có thể sốt nhẹ, phân nhiều nước. Đây là thể bệnh tiêu chảy nhẹ nhưng kéo dài có khi đến 5 tuần. Nếu bệnh do khuẩn Shigella gây ra thì triệu chưng lâm sàng là đau bụng quặn, mót rặn, đi ngoài lờ máu cá hay như nước rửa thịt, sốt. Cần điều trị sớm bằng kháng sinh đặc hiệu. Tuy nhiên hiện nay trực khuẩn này đã kháng với nhiều loại kháng sinh nên cần lựa chọn thích hợp.

Ngoài các nguyên nhân do ăn uống, do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng…. Thì tiêu chảy cấp còn có các nguyên nhân khác là dị ứng sữa, nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng huyết….

Điều trị

Bác sĩ Đặng Thị Kim Trinh, khoa Dịch vụ 2, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM cho biết: Điều trị chủ yếu là bù nước và điện giải trên nguyên tắc đánh giá đúng tình trạng mất nước.

Mất nước nhẹ:  Bồi phụ nước bằng đường uống khi còn uống được, thường dùng oresol pha trong 1 lít nước. Nếu không có oresol thì dùng nước cháo muối.

Mất nước nặng: Biểu hiện mắt trũng, môi khô, khát nước. Khi lượng nước mất hơn 5% trọng lượng cơ thể hoặc khi uống không có kết quả thì phải nhập viện ngay để các bác sĩ cho bù nước bằng truyền tĩnh mạch. Dịch truyền chủ yếu là dung dịch mặn, ngọt đắng trương. Phần lớn không dùng kháng sinh, chỉ cho trẻ uống kháng sinh khi có biểu hiện: sốt cao liên tục trên 48 giờ, tiêu đàm máu, tổng trạng kém. Khi điều trị tiêu chảy, ngoài bù nước, điện giải và thuốc men còn chú ý đến chế độ dinh dưỡng thích hợp. Người bị bệnh tiêu chảy, khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn kém do vậy thức ăn cần chế biến kỹ, nấu nhuyễn để dễ tiêu hóa hợp khẩu vị, đảm bảo đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng. Không kiêng khem quá mức. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì cho uống sữa bình thường, trẻ trên 6 tháng tuổi thì uống sữa bình thường sau đó ăn đặc, với trẻ lớn thì sau khi bù nước cho ăn lại ngay.

Những trường hợp tiêu chảy cấp không biến chứng thì không nguy hiểm. Trường hợp tiêu chảy nhiễm trùng, nhiễm độc và mất nước điện giải có thể gây tử vong. Vì vậy, khi tiêu chảy cấp hãy đến ngay cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt để tránh hiệu quả đáng tiếc.

Lưu ý thời điểm cần đưa trẻ đi khám bệnh:

Theo bác sĩ Nguyễn Cẩm Tú – Khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhi đồng 2 Tp.HCM, phụ huynh cần chú ý nếu trẻ bị tiêu chảy có những biểu hiện dưới đây thì nên đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay:

–    Trẻ dưới 3 tháng tuổi.

–    Trẻ sinh non, có bệnh mạn tính, hay đang bị nhiều bệnh cùng lúc.

–    Sốt trên 38 độ C ở trẻ dưới 3 tháng tuổi hay trên 39 độ C ở trẻ từ 3-36 tháng tuổi.

–    Tiêu phân máu

–    Tiêu phân lỏng lượng nhiều, liên tục

–    Có đấu hiệu mất nước như mắt trũng, môi lưỡi khô, da khô.

–    Thay đổi tri giác như lừ đừ, mệt mỏi.

–    Không ăn uống được, nôn ói nhiều lần

–    Trẻ có hậu môn tạm.

Theo BSGĐ


From the same category